Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Vườn Nhạc: Thư tình gửi một người (Trịnh Công Sơn)


The 10th anniversary of the passing of Vietnamese renowned composer, Trịnh Công Sơn (1939-2001), was commemorated with many events, including the book release of his letters for Ms. Dao Ánh who kept more than 300 of his poetic missives for almost 50 years. Love letters are something intensely private, yet for a public figure and cultural icon such as Mr. Trịnh Công Sơn, they shed light into the life of a genius - his thoughts and feelings about people and the world around him. We thank Ms. Dao Ánh and Mr. Trịnh's family for sharing a part of him. Perhaps if his letters can help people live with more honesty, depth, and thoughtfulness, Mr. Trịnh would be pleased with the decision to proceed with the publication.

An excerpt of a letter he wrote in 1964:

"I hope that one day people will tie themselves to the stakes before an impartial court of Heaven and Earth to confess and respond with such clarity ahead of them. After that - after that, there will be nothing left, or if people remain, then they are the ones who will love one another, love the Truth and honesty. They will not lie and cheat themselves. They will not live with the witchcraft of illusions. Everyone nowadays is cheating himself or herself with mirages. No one knows how to live for real. No one knows how to live yet, dear Ánh. On the vast stage of this life I've chanced upon all kinds of people: old, young, wealthy, upper class, lower class, slow-witted, talented. All are running after mirages. This leads to deception because deception is the chief element in trading and selling. But then again I think everyone is pitiable; they are all convicts deserving of grace and exoneration."


'Thư tình gửi một người' của Trịnh Công Sơn

Blao, ngày 2/9/1964

Dao Ánh thân mến,

Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.

Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.

Ánh ơi,

Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây.

Đáng lẽ kỳ này anh vào dạy nhạc ở Sư phạm Quy Nhơn (1) nhưng Cường và Cung (2) bảo anh nên thử liều lên nằm ở miền Cao nguyên một lần xem sao. Ở đây mà chờ ngày vào Thủ Đức (3). Thế cũng xong Ánh ạ. Có điều anh không ngờ là vùng đất này buồn đến thế. Những ngày đầu anh lên đây anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo. Anh chưa bao giờ đối diện với một dáng buồn lạ lùng và bi thảm như thế này. Không thể kể xiết sự hoang vắng bủa vây quanh mình những chiều những đêm có mưa hạt nhỏ qua đây. Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa và những người Thượng đi lấy củi sớm ở những đồi chè xung quanh không còn nhìn thấy nữa. Buổi chiều, có những chiều khô, hay mưa cũng thế, ngồi ở căn phòng, anh nghe rõ cả tiếng kèn đồng thổi về từ một đồn lính ở trên đồi cao rất buồn rất buồn. Như tiếng kèn trong phim Tant qu’il y aura des hommes (4).

Anh có cảm giác mình là một hóa - thân - phiền - muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng.

Căn nhà anh ở nằm chênh vênh ở một triền dốc. Buổi chiều ở đây chỉ còn tiếng gió hú thật não nuột về ru anh ngủ mà thôi. Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn.

Bây giờ đã xa tất cả. Anh em. Người thân. Bạn bè. Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục.

Suốt ngày im câm như một số phần không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng - tương lai. Ngôn ngữ nào của đô thị, của thành phố ở dưới kia mà anh ao ước được nghe lại, được nói lại vô cùng Ánh ạ.

Hôm nay anh lên Đà Lạt (trước khi về đây), gặp Kim Vui (ca sĩ) lấy xe đưa anh đi chơi quanh thành phố đến khuya. Buổi chiều sắp tối anh có thấy thoáng ai giống như Vũ - anh gọi mà không nghe.

Ở đây đi Đà Lạt và Sài Gòn rất gần. Nhưng anh vẫn thấy có gì cách biệt xa xôi như không liên hệ gì đến nhau.

Đêm ở đây anh thường vào ngủ sớm (9 giờ) bởi vì thành phố không có một sinh hoạt vui chơi nào.

Thành phố cũng chưa có số nhà - ban đêm thì tối mù vì chưa có đèn đường. Trông bi đát lắm. Chán lắm Ánh ạ. Suốt ngày, ngoài những giờ làm việc buổi sáng, anh ngồi nhìn chiều và đêm về trên những con đường dốc đất đỏ, mây thì xuống thật gần thật thấp. Chao ôi là buồn. Có lẽ anh cũng phải tìm cách nào để thoát khỏi nơi đây dù phải làm bất cứ gì để sống. Đời chúng anh phiêu bạt quá nên càng ngày càng tự du mình ra xa những yên lành cũ. Có lẽ một ngày nào đó Ánh cũng gặp lại anh như gặp lại một sự - xa - lạ, một inconnu, một étranger (5) của một thời nào chưa hề có tên để gọi. Đất đai của chúng anh ở dưới kia, vực thẳm bi đát vừa tráng lệ. Anh mong rằng một ngày nào đó con người sẽ căng nọc mình ra trước một tòa án công minh của trời đất để thú tội để trả lời với sự sáng suốt trước mặt... - Sau đó - sau đó sẽ không còn gì hay nếu còn con người thì những con người đó yêu thương nhau, yêu chân lý, yêu sự thật, không dối lừa, không gạt gẫm mình, không sống bằng phù phép ảo tưởng. - Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này anh đã bắt gặp được đủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tượng. Từ đó đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.

***

Bây giờ là đêm lại. Tiếng hát Thái Thanh và Người ra đi (6) của Phạm Duy thật buồn. Thật buồn. Anh nhớ tất cả những người thân, nhớ vô cùng và thấy ấm ức vô cùng. Đêm đã mù sương ngoài kia. Anh không đủ can đảm để nói mãi chuyện buồn của mình. Ánh đã đi học lại chưa. - Mùa thu lá có rụng nhiều ở Huế không.

Làm sao không nhớ những vết tích đã qua. Ôi những gì êm ả đâu còn đâu còn. Anh mong nhận được thư của Ánh về vùng Blao này những mùa lạnh ở đây sẽ ấm cúng hơn. Anh còn cả bao nhiêu tháng ngày rộng mênh mông trải dài cuốn hút đằng trước mặt. Thật ghê rợn như một ám ảnh đen điu.

Bây giờ tháng 9. Anh gởi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.

Anh cầu mong Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó.

Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thúy đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và J’irai pleurer sous la pluie (7).

Trịnh Công Sơn


Chú thích:
(1) Trường Sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, hiện là Trường Đại học Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn hai năm (1962 – 1964)
(2) Hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung
(3) Trường bộ binh Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị của quân đội Sài Gòn
(4) Phim Mỹ (tên nguyên bản là From here to eternity), trắng đen, sản xuất năm 1953, đoạt tám giải Oscar, đạo diễn: Fred Zinnemann, các diễn viên chính: Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed… Phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960
(5) Kẻ vô danh, người xa lạ
(6) Bài Tiễn người ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy
(7) Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa) do Howard Greenfiled và Carole King hát, lời Pháp J’irai pleurer sous la pluie do Richard Anthony hát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến