Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Biến Đổi Khí Hậu: Cần xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu

Việt Nam needs to build strategies to cope with climate change, says author Nguyễn Nhâm.

Cần xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguyễn Nhâm
Ngày 7 tháng 4, 2011

(VOV) - Theo các chuyên gia Viện Chính sách, Kinh tế Môi trường Châu Âu, định hướng phát triển của Việt Nam cần vượt ra khỏi chiến lược truyền thống.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với sự nóng lên của Trái đất và mực nước biển dâng cao trở thành vấn đề ngày càng nghiêm trọng đối với Việt Nam. Đặc biệt, biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những thách thức đối với các nhà kinh doanh du lịch và xuất khẩu bởi sự tăng chi phí vận chuyển đối với mọi phương tiện. Do vậy, xu hướng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu không còn là xu hướng ưa thích.

Lựa chọn chiến lược

Trong tương lai, Việt Nam - quốc gia có nền kinh tế dựa vào du lịch, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do chi phí đi lại cao. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp do tác động của việc thay đổi nhiệt độ, lượng mưa và sự dâng lên của mực nước biển đối với các khu vực đồng bằng của Việt Nam…

Những tác động trực tiếp và gián tiếp về kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra đối với quá trình phát triển đòi hỏi các nhà hoạch định phải cân nhắc các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế khác nhau.

Việc định hướng phát triển phù hợp với khí hậu là hạn chế những tác động do ảnh hưởng của khí hậu khi tối đa hóa những cơ hội phát triển trong tương lai bằng cơ chế phát thải thấp và khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu đang làm thay đổi thương mại, sản xuất, phân bố dân cư theo cách phức tạp hơn. Biến đổi khí hậu tạo ra những vấn đề mới đối với những nhà hoạch định chính sách - những người đang đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững và phát triển của xã hội trong bối cảnh đối mặt với nhiều thách thức và sự không ổn định, đồng thời phải đảm bảo cắt giảm mức phát thải hoặc giảm thiểu mức khí thải.

Để giải quyết thách thức này, định hướng phát triển phù hợp với khí hậu đòi hỏi phải vượt ra khỏi chiến lược truyền thống. Cần tách bạch những vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu (giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu) với Chiến lược Phát triển kinh tế bằng việc tập trung lồng ghép mục tiêu phát triển kinh tế xã hội với chiến lược phát triển, những thách thức và cơ hội do biến đổi khí hậu gây ra. Điều này có nghĩa, một mô hình mới về phát triển đảm bảo được sự phát triển ổn định từ những tác động của biến đổi khí hậu và giảm thiểu hoặc giữ mức phát thải thấp. Do đó, việc định hướng phát triển phù hợp với khí hậu là việc làm cùng lúc đạt được 3 mục tiêu: giảm khí thải, nâng cao khả năng chống chịu và thúc đẩy phát triển.

Mục tiêu chiến lược

Chiến lược giảm thiểu: Giảm thiểu việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - nghĩa là quá trình phát triển phải sử dụng ít năng lượng, tạo nguồn năng lượng mới ít khí thải, bảo vệ các tác nhân hấp thu carbon như: rừng, phát triển công nghệ sử dụng ít năng lượng, đưa ra các công cụ hạn chế các nhà đầu tư, đầu tư vào các lĩnh vực có mức phát thải cao. Chiến lược này nên được áp dụng trong mọi lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và giao thông vận tải.

Chiến lược thích ứng: Chiến lược này cần nâng cao và thực hiện các giải pháp làm giảm, hài hòa và nắm lấy những thuận lợi của biến đổi khí hậu ở mọi quy mô và mọi lĩnh vực. Chiến lược có thể nhằm vào việc tạo ra sự đa dạng trong sinh kế và kinh tế, phát huy các kỹ năng, hạn chế sự phụ thuộc vào lợi ích của các hệ sinh thái tự nhiên, giảm sự bất bình đẳng và đảm bảo quá trình ra quyết định tại mọi cấp có sự tham gia đầy đủ của mọi thành phần.

Chiến lược phát triển: Chiến lược phát triển cần giải quyết các thách thức do biến đổi khí hậu tạo ra. Xét về khía cạnh kinh tế, biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó thay đổi giá tương đối của các yếu tố đầu vào và giá sản phẩm đầu ra và mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Do vậy, khả năng sản xuất, giá cả thay đổi theo lĩnh vực kinh doanh và điều này quyết định mức cân bằng tối ưu giữa sử dụng nguồn lực và sản lượng.

Khuyến nghị

Để có được chiến lược phát triển phù hợp với biến đổi khí hậu, theo Viện Chính sách, Kinh tế Môi trường Châu Âu, Chính phủ Việt Nam cần khuyến khích phát triển đồng thời với xây dựng khả năng chống chịu, bắt đầu từ dự án hoặc chương trình độc lập trong mọi lĩnh vực và mọi khu vực.

Tuy nhiên, để có sự đánh giá đầy đủ cả 3 vấn đề nêu trên, các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc: 

  • Phân tích chi phí, lợi ích của mọi chiến lược cùng với việc cân nhắc chi phí cơ hội và hiệu quả tiết kiệm năng lượng; 
  • Phát triển hệ thống quản lý từ trung ương đến cấp tỉnh, bao gồm cả hệ thống luật pháp, thể chế, quy định và giải pháp thực hiện; 
  • Lồng ghép các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, giảm thiểu nguy cơ dựa vào chiến lược phát triển có mức phát thải thấp tại mọi quy mô, mọi lĩnh vực; 
  • Đảm bảo lợi ích cho người nghèo trong quá trình chuyển dịch từ nền kinh tế có mức phát thải cao sang mức phát thải thấp; 
  • Thừa nhận và lập kế hoạch đối với những nguy cơ và cơ hội trong bối cảnh chung về biến đổi khí hậu của thế giới.
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ gây ra những nguy cơ và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Do đó, để giải quyết những vấn đề quan trọng này Chính phủ Việt Nam cần xây dựng chiến lược với 3 mục tiêu: thích ứng, giảm thiểu, phát triển trong quá trình xây dựng đất nước.

http://vovnews.vn/Home/Can-xay-dung-chien-luoc-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau/20114/171503.vov

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến