Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

Nấu chay: Súp mỳ Udon Nhật – Tuệ Lan thực hiện

photo (22)
Đổi món với  súp mỳ Nhật bằng nước hầm rau củ và các loại nấm. Rất nhanh chóng và dễ dàng để có một tô mỳ nóng thanh nhẹ và ngọt ngào từ vị ngọt của rau củ và nấm. 
Nguyên liệu cho 1 tô mỳ

photo (21)
- Nước hầm rau củ khoảng 400ml
- Một gói mỳ Udon tươi khoảng 200gr (mua ở tiệm đồ Hàn Quốc hay Nhật Bản)
- Một nhúm rong biển Nhật khô
- Nấm các loại (tùy theo sở thích) hoặc rau cải
- Boa rô
- Bột nêm chay
- Nước tương
Thực hiện
- Rong biển khô ngâm nước cho nở, xả lại nhiều lần cho hết nhớt
- Nấm cắt chân ngâm chút nước muối sau đó xả lại nhiều lần
- Bắc nồi nước hầm rau củ đun sôi, bỏ mỳ Udon vô đun khoảng 2 phút sau đó cho rong biển, nấm/rau vô đun tiếp chừng 2 phút
- Nêm bằng bột nêm chay. Tắt bếp, nêm 1 chút nước tương cho dậy mùi đặc trưng của mỳ Nhật. Nêm boa rô xắt mỏng
- Dùng nóng với ớt bột khô rất ngon.
Có thể thay thế nấm bằng cải bó xôi, cải ngọt hoặc cải thảo tùy ý. Cũng có thể xắt 1 chút tàu hũ non nấu chung ăn cũng rất ngon.
Bonus thêm một món bò pía cuốn chay vì trưa nay ông xã ăn mỳ Udon nấu còn Tuệ Lan thì ăn cuốn, mấy đứa nhỏ cũng hưởng ứng món cuốn chay này quá trời nên Tuệ Lan chia sẻ với mọi người luôn. Nhân để cuốn TL xào từ củ sắn, cà rốt và nấm mèo xắt sợi, sẵn còn dư chút nấm kim châm liền bỏ vào xào chung ai dè ăn cũng rất ngon. Nêm 1 chút bột nêm chay cho đỡ lạt rồi bỏ ra cuốn chung với rau xà lách và rau quế. Tiếc là ít thời gian không kịp rang đậu phộng giã nhỏ cuốn chung. Nước chấm TL dùng bơ đậu phộng pha chút nước lã, chút nước tương và chút đường nấu chín.
photo (23)
Bên Sing cũng có món này và họ gọi là Popiah, đại thể cũng dùng nhân xào từ củ sắn, cà rốt cắt sợi và trứng luộc bằm nhuyễn, họ phết chút nước sốt vào lá bánh tráng bò pía cuốn lại chứ không dùng bánh tráng gạo như người Việt mình. Họ cuốn những cuốn rất to, bằng cả cùm tay người lớn, khi ăn cắt ra từng khúc nhỏ, không chấm gì hết. Món này dùng ăn trong bữa trưa hoặc bữa xế rất ngon vì không nhiều năng lượng nhưng giàu chất xơ và vitamin từ rau củ tươi.
Chúc các bạn nấu được nhiều món chay ngon miệng.
Tuệ Lan

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Nghi thức: Sám hối sáu căn

Chí tâm sám hối:

Chúng con từ vô thỉ kiếp đến nay;

bỏ mất bản tâm, không biết chánh đạo,

Rơi ba đường khổ, bởi sáu căn lầm;

Không sám lỗi trước, khó tránh lỗi sau.

Nghiệp căn mắt là:

Nhân ác xem kỹ, nghiệp thiện coi khinh;

Lầm nhận hoa giả, quên ngắm trăng thật.

Yêu ghét nổi dậy, đẹp xấu tranh giành;

Chợt mắt dối sanh, mờ đường chánh kiến.

Trắng qua xanh lại, tía phải vàng sai;

Nhìn lệch các thứ, nào khác kẻ mù.

Gặp người sắc đẹp, liếc trộm nhìn ngang;

Lòa mắt, chưa sanh bản lai diện mục.

Thấy ai giàu có, gương mắt mãi nhìn;

Gặp kẻ bần cùng, lờ đi chẳng đoái.

Người dưng chết chóc, nước mắt ráo khô.

Thân quyến qua đời, đầm đìa lệ máu.

Hoặc đến Tam Bảo, hoặc vào chùa chiền;

Gần tượng thấy kinh, mắt không thèm ngó.

Phòng Tăng điện Phật, gặp gỡ gái trai;

Mắt liếc mày đưa, đam mê sắc dục.

Không ngại Hộ Pháp, chẳng sợ Long Thần;

Trố mắt ham vui, đầu chưa từng cúi.

Những tội như thế, vô lượng vô biên;

Đều từ mắt sanh, phải sa địa ngục.

Trải hằng sa kiếp, mới được làm người;

Dù làm được người, lại bị mù chột.

Nghiệp Căn Tai Là:

Ghét nghe chánh pháp, thích lắng lời tà;

Mê mất gốc chơn, đuổi theo ngoại vọng.

Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc Long ngâm;

Văng vẳng mõ chuông, bỗng nhiên để dạ.

Lời kinh câu kệ, không chút lắng tai.

Thoảng nghe khen hảo, khấp khởi mong cầu;

Biết rõ lời lành, đâu từng ưng nhận.

Bài ba bạn rượu, năm bảy khách chơi;

Tán ngắn bàn dài, châu đầu nghe thích.

Hoặc gặp thầy bạn, dạy bảo đinh ninh;

Nhiều điều hiếu trung, che tai bỏ mặc.

Hoặc nghe tiếng xuyến, bổng nẩy lòng dâm;

Nghe nửa câu kinh, liền như tai ngựa.

Những tội như thế, vô lượng vô biên;

Đầy ắp bụi trần, kể sao cho xiết.

Sau khi mạng chung, rơi ba đường ác;

Hết nghiệp thọ sanh, lại làm người điếc.

Nghiệp Căn mũi là:

Thường tham mùi lạ, trăm thứ ngạt ngào;

Chẳng thích chân hương, năm Phần thanh tịnh.

Lan xông xạ ướp, chỉ thích tìm tòi;

Giới định hương huân, chưa từng để mũi.

Trầm đàn thiêu đốt, đặt trước Phật đài;

Nghểnh cổ hít hơi, trộm hương phẩy khói.

Theo dõi hương trần, Long Thần chẳng nể;

Chỉ thích mùi sằng, trọn không chán mõi

Mặt đào mát hạnh, lôi kéo chẳng lìa;

Cây giác hoa tâm, xây đi không đoái.
Hoặc ra phố chợ, hoặc vào bếp sau;

Thấy bẩn thèm ăn, ưa nhơ kiếm nuốt.

Chẳng ngại tanh hôi, không kiêng hành tỏi;

Mê mãi không thôi, như lợn nằm ổ.

Hoặc chảy nước mũi, hoặc hỉ đàm vàng;

Bôi cột quẹt thềm, làm nhơ đất sạch.

Hoặc say nằm ngủ, điện Phật phòng Tăng;

Hai mũi thở hơi, xông kinh nhơ tượng.

Ngửi sen thành trộm, nghe mùi thành dâm;

Không biết không hay, đều do nghiệp mũi.

Những tội như thế, vô lượng vô biên;

Sau khi mạng chung, đọa ba đường khổ.

Trãi nghìn muôn kiếp, mới được làm người;

Dù được làm người, quả báo bệnh mũi.

Nghiệp Căn Lưỡi Là:

Tham đủ mọi mùi, thích xét ngon dở;

Nếm hết các thứ, biết rõ béo gầy.

Sát hại sinh vật, nuôi dưỡng thân mình;

Quay rán cá chim, nấu hầm cầm thú.

Thịt tanh béo miệng, hành tỏi ruột xông;

Ăn rồi đòi nữa, nào thấy no đâu.

Hoặc đến đàn chay, cầu thần lễ Phật;

Cố cam bụng đói, đợi lúc tiệc xong.

Sáng sớm ăn chay, cơm ít nước nhiều;

Giống hệt người đau, gắng nuốt thuốc cháo.

Mắt đầy mỡ thịt, cười nói hân hoan;

Rượu chuốt cơm mời, nóng thay nguội đổi.

Bày tiệc đãi khách, cưới gả cho con;

Giết hại chúng sinh, vì ba tất lưỡi.

Nói dối bày điều, thêu dệt bịa thêm;

Hai lưỡi bỗng sanh, ác khẩu dấy khởi.

Chửi mắng Tam Bảo, nguyền rủa mẹ cha;

Khinh khi hiền thánh, lừa dối mọi người.

Chê bai kẻ khác, che dấu lỗi mình;

Bàn luận cổ kim, khen chê này nọ.

Khoe khoang giàu có, lăng nhục người nghèo;

Xua đuổi Tăng Ni, chửi mắng tôi tớ.

Lời dèm thuốc độc, nói khéo tiếng đàn;

Tô vẽ điều sai, nói không thành có.

Oán hờn nóng lạnh, phỉ nhổ non sông;

Tán dóc Tăng phòng, ba hoa Phật điện.

Những tội như thế, vô lượng vô biên;

Ví như cát bụi, đếm không thể cùng.

Sau khi mạng chung, vào ngục bạt thiệt; (kéo lưỡi)

Cày sắt kéo dài, nước đồng rót mãi.

Quả báo hết rồi, muôn kiếp mới sinh;

Dù làm được người, lại bị câm bặt.

Nghiệp Căn Thân Là:

Tình cha huyết mẹ, chung hợp nên hình;

Năm tạng trăm hài, cùng nhau kết hợp.

Chấp cho là thật, quên mất pháp thân;

Sinh dâm, sát, trộm, bèn thành ba nghiệp.

Nghiệp Sát Sanh Là:

Luôn làm bạo ngược, chẳng khởi nhân từ;

Giết hại bốn loài, đâu biết một thể.

Lầm hại cố giết, tự làm dạy người;

Hoặc tìm thầy bùa, đem về ếm đối.

Hoặc làm thuốc độc, để hại sinh linh;

Chỉ cốt hại người, không hề thương vật.

Hoặc đốt núi rừng, lấp cạn khe suối;

Buông chài bủa lưới, xuýt chó thả chim.

Thấy nghe tùy hỉ, niệm dấy tưởng làm;

Cử động vận hành, đều là tội lỗi.

Nghiệp Trộm Cắp Là:

Thấy tài bảo người, thầm khởi tâm tà;

Phá khóa cạy then, sờ bao mò túi.

Thấy của thường trụ, lòng dấy khởi tham;

Trộm của nhà chùa, không sợ thần giận.

Không những vàng ngọc, mới mắc tội to;

Ngọn cỏ cây kim, đều thành nghiệp trộm.

Nghiệp Tà Dâm Là:

Lòng mê nhan sắc, mắt đắm phấn son;

Chẳng đoái liêm trinh, riêng sanh lòng dục.

Hoặc nơi đất Phật, chánh điện phòng Tăng;

Cư sĩ gái trai, đụng chạm đùa giỡn.

Tung hoa ném quả, đạp cẳng kề vai;

Khoét ngạch trèo tường, đều là dâm nghiệp.

Những tội như thế, vô lượng vô biên;

Đến lúc mạng chung, đều vào địa ngục.

Gái nằm giường sắt, trai ôm cột đồng;

Muôn kiếp tái sinh, lại chịu tội báo.

Nghiệp Căn Ý Là:

Nghĩ vơ nghĩ vẫn, không lúc nào dừng;

Mắc mưu tình trần, kẹt tâm chấp tướng.

Như tằm kéo kén, càng buộc càng bền;

Như bướm lao đèn, tự thiêu tự đốt.

Hôn mê chẳng tỉnh, điên đảo dối sinh;

Não loạn tâm thần, đều do ba độc:

Tội keo tham là:

Âm mưu ghen ghét, keo cú vơ vét;

Mười vốn ngàn lời, còn cho chưa đủ.

Của chứa tợ sông, lòng như hủ chảy;

Rót vào lại hết, nên nói chưa đầy.

Tiền mục lúa hư, không cứu đói rét;

Lụa là chất đống, nào có giúp ai.

Được người mấy trăm, chưa cho là nhiều;

Mất mình một đống, tưởng như hao lớn.

Trên từ châu báu, dưới đến tơ gai;

Kho đụn chất đầy, chưa từng bố thí.

Bao nhiêu sự việc, ngày tính đêm lo;

Khổ tứ lao thần, đều từ tham nghiệp.

Tội nóng giận là:

Do tham làm gốc, lửa giận tự thiêu;

Quắc mắc quát to, tiêu tan hòa khí.

Không riêng người tục, cả đến thầy tu;

Kinh luận tranh giành, cùng nhau công kích.

Chê cả sư trưởng, nhiếc đến mẹ cha;

Cỏ nhẫn héo vàng, lửa độc rực cháy.

Buông lời hại vật, cất tiếng hại người;

Không nhớ từ bi, chẳng theo luật cấm.

Bàn thiền tợ thánh, trước cảnh như ngu;

Dầu ở cửa không, chưa thành vô ngã.

Như cây sinh lửa, lửa cháy đốt cây;

Những tội trên đây, đều do nghiệp giận.

Tội ngu si là:

Căn tánh đần độn, ý thức tối tăm;

Chẳng hiểu tôn ti, không phân thiện ác.

Chặt cây hại mạng, giết gấu gãy tay;

Mắng Phật chuốt ương, phun trời ước mặt.

Quên ơn quên đức, bội nghĩa bội nhân;

Không tỉnh không xét, đều do si nghiệp.

Những tội như thế, rất nặng rất sâu;

Đến lúc mạng chung, rơi vào địa ngục.

Trải muôn ngàn kiếp, mới được thọ sanh;

Dù được thọ sanh, lại mắc ngu báo.

Nếu không sám hối, đâu được tiêu trừ;

Nay trước Phật đài, thảy đều sám hối.

Vi tính: Diệu Nga

Cách sống: Thị phi - Cách hóa giải (HT Thích Thiền Tâm)

Trích trong sách Niệm Phật Thập Yếu H.T. Thích Thiền Tâm

Hàng phàm phu vì chưa chứng vào chân tâm bình đẳng, còn ranh giới phân biệt giữa ta và người, nên trong đời sống, sự hơn thua phải quấy khen chê có đến muôn ngàn, không ai tránh khỏi. Dù cho chư Phật Bồ Tát vì lòng đại bi thị hiện giữa cõi trần để độ sanh, cũng phải chịu cảnh thị phi thương ghét.

Cổ ngôn có câu:

Thùy nhơn bối hậu vô nhơn thuyết.
Na cá nhơn tiền bất thuyết nhơn!

Lời này ý nói: "Không có ai chẳng bị kẻ khác chỉ trích chê bai sau lưng, nhưng ở trước mặt người ta không nói ra mà thôi." Đây là câu thành ngữ xác thật, do sự kinh nghiệm của người xưa.

Những sự thị phi làm cho hành giả, nếu không sáng suốt bình tĩnh, nhiều khi phải xao động sanh phiền não, rất chướng ngại cho đường tu. Cho nên ở đây nêu ra vấn đề này để tìm cách phá giải. Muốn dứt trừ thị phi, phải y theo ba sự kiện:

Điều Thứ Nhứt: phải xét sửa lỗi mình, đừng nhìn nói lỗi người. Ví như con trâu đen thấy cò trắng đứng trên mình thì để yên; khi con quạ bay đến đậu lại lấy sừng quơ đuổi; nó không ngờ mình còn đen nhiều hơn con quạ. Phàm phu cũng thế, thích lời khen, ghét tiếng xấu, ưa bươi móc điều dở của người, không dè mình cũng nhiều lỗi lầm, chẳng có chi là tốt đẹp! Cho nên nguyên tắc của người tu là phải tự phản tỉnh xét sửa lấy mình, đừng nên nhìn nói điều dở của người. Xét sửa lỗi mình thì càng ngày càng sáng, nhìn nói lỗi người tất càng gây thêm việc trái oan.

Điều Thứ Hai: khi bị sự thị phi khinh báng, nên an nhẫn, đừng tìm cách biện minh. Ví như tờ giấy trắng bị vết mực làm lem, cứ để yên, nó chỉ dơ một chỗ đó rồi lần lần phai nhạt; nếu lấy đồ lau chùi, tất sẽ hoen ố cả toàn diện. Luận Niệm Phật Bảo Vương Tam Muội nói: "Bị oan ức chớ cầu biện minh, nếu biện minh tất oán hận càng sanh." Bởi người đã cố tâm nói xấu, ta biện minh tức là cho kẻ đó nói sai, dĩ nhiên sẽ sanh sự oán thù tranh cãi, mà vô tình lại làm cho quần chúng hay biết, và để ý nghi ngờ mình. Thông thường, người mới tu hay thấy mình phải kẻ khác quấy. Người tu hơi lâu, thấy mình và kẻ khác đều có phải có quấy. Người tu càng lâu, duy chỉ thấy mình quấy. Tại sao thế? - Bởi khi việc khinh báng xảy ra, nếu hiện tại mình không sai quấy tất kiếp trước cũng lỗi lầm, nên đời nay phải chịu quả. Giả sử kiếp trước ta không có biệt nghiệp trực tiếp gây nên lỗi, thì cũng do cộng nghiệp tội ác, mới đồng sanh trong cõi ngũ trược này. "Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa." Lời của cụ Nguyễn Du nói, cũng thầm hợp với lý đạo.

Điều Thứ Ba: người tu phải giữ vững lập trường, tin chắc lý nhân quả, đừng xao động vì tiếng hay dở bên ngoài. Kinh Pháp Cú nói: "Ngọn núi cao đứng vững giữa cơn giông tố. Người chân chánh an nhiên giữa tiếng thị phi." Tất cả tiếng khen chê bên ngoài không làm cho ta tốt hoặc xấu, siêu hay đọa, mà tốt xấu, siêu đọa đều do nơi ta. Nếu ta gây nhân lành, dù người có khinh là xấu xa tội ác, ta vẫn được siêu thăng. Trái lại, ta gây nhân ác, tuy người quí trọng ngợi khen, ta vẫn phải chịu đọa lạc. Do hiểu lẽ này, một thiền sư Việt Nam đã viết ra những lời thi ý tứ rất thanh tân siêu thoát:

Thị phi ngôn trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn!
Hoa lạc, vũ tinh, sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.

Tạm dịch:

Thị phi tiếng rụng theo hoa sớm
Danh lợi lòng băng với bão đêm!
Mưa tạnh, hoa rơi, non vắng vẻ
Chim kêu xuân lại quá bên thềm.

Đừng quan tâm đến danh lợi thị phi, hãy để cho nó rơi theo hoa sớm, lạnh với mưa đêm, rồi tan biến lần lần. Kìa một tiếng chim kêu, một mùa xuân đã qua, sao ta không lo tu tập?

Những Lời Khuyên Răn Về Việc Thị Phi Cổ ngữ nói: "Kinh mục chi sự do khủng vị chân, bối hậu chi ngôn khởi túc thâm tín; nhỉ khả đắc văn, khẩu bất khả đắc ngôn dã."

Câu này có nghĩa: "Việc thấy trước mắt còn e không đúng với sự thật, thì lời nói sau lưng đâu đáng để tin? Cho nên sự thị phi tai có thể được nghe, nhưng miệng không nên nói." Tiếng thị phi lắm khi phát xuất từ sự nghi lầm, hiểu lầm, nghe lầm, rồi ở trong nhà nó là hình con chuột, khỏi cửa ngõ nó biến thành hình con dê, ra tới ngoài đường lại hóa thành hình con trâu; nguyên khởi thật không có chi, nhưng khi đồn đãi đến người thứ mười, thì người đồn lần thứ nhứt nghe cũng phải kinh sợ! Nhiều khi tiếng chê bai lại có do lòng hơn thua ganh ghét, với sự cố tâm trả oán, hoặc dìm kẻ có nhiều phương diện hơn mình. Tánh ưa nói nhiều và tâm tật đố thị phi, nhứt là phái nữ, rất dễ khởi phạm; khi họ kính thương, thì người đó mau thành tiên Phật, lúc họ khinh ghét, kẻ ấy cũng dễ hóa yêu ma.

Một sư cụ thuộc bậc tiền bối đã nói: "Mấy bà mấy cô có nhiều đức tin hơn phái nam, việc hành đạo phần đông siêng năng tinh tấn. Nhưng công đức tu niệm được bao nhiêu, đều bị cái miệng nó đốt hết cả!"

Với ý niệm ngăn những điều lầm lỗi của thị phi để giữ gìn cho công đức tu hành không bị hủy tổn, và tránh những ác báo về sau, xin dẫn lời hay của người xưa, cho đến lời răn dạy của Phật, Tổ để cùng nhau khuyên nhắc.

• Một buổi nhàn hạ, Đường Thái Tông hỏi bề tôi là Hứa Kính Tôn rằng:

"Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc, sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?"

• Kính Tôn thưa: "Tâu bệ hạ! Mưa mùa xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường sá bùn lầy trơn trợt. Trăng mùa thu trong sáng như gương, hàng tao nhân mừng gặp dịp thường du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo tặc lại ghét vì ánh nguyệt quá rõ ràng! Như trời đất là vô tư, mà cơn nắng mưa thời tiết còn bị thế gian trách hận ghét thương, thì hạ thần đâu phải người vẹn toàn, làm sao tránh khỏi sự chê bai chỉ trích? Cho nên ngu ý trộm nghĩ: đối với tiếng khen chê, nên bình tâm suy xét, đừng vội tin nghe. Nếu vua tin nghe lời thị phi thì tôi bị giết; cha mẹ tin nghe lời thị phi tất con bị hại; anh em vợ chồng tin nghe lời thị phi, sẽ phải chia lìa; thân bằng hàng xóm tin nghe lời thị phị rồi đi đến chỗ đoạn tuyệt. Miệng lưỡi thị phi thật độc hơn rồng rắn, bén hơn gươm đao, giết người không thấy huyết!"

Hứa Kính Tôn sử sách chê là gian thần, nhưng dù sao lời nói của ông cũng chí lý đáng làm gương khuyên nhắc cho hậu lai, nên vẫn được người đời truyền tụng.

* Kinh Pháp Hoa nói: "Sau khi Như Lai diệt độ, người nào thọ trì đọc tụng kinh này, sẽ được phước báo trong đời hiện tại. Nếu kẻ nào thấy người thọ trì kinh này, vạch bày những lỗi lầm của người đó, hoặc có thật, hoặc không có thật; kẻ ấy sẽ mang nghiệp quả, ghẻ lác, đui mù, và những ác báo như trước đã nói." (Đại lược) Như lời Phật dạy, ta thấy chẳng những khinh hủy người tụng Kinh Pháp Hoa, mà khinh hủy kẻ trì chú niệm Phật và đọc tụng các kinh điển Đại Thừa khác, cũng đều mang tội nặng.

• Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: "Nếu Phật tử nào, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni; hoặc bảo người rao nói tội lỗi; hoặc từ nhân, từ duyên, từ cách thức, cho đến từ nghiệp, rao nói những tội lỗi trong Phật pháp; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội." Lại nói: "Nếu Phật tử tự phô dương tài đức của mình mà dìm chê điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê; Phật tử này phạm Bồ Tát Ba La Di tội." Lại nói: "Chúng sanh mỗi ngày ba nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp." (Đại lược)

Đức Thế Tôn từ bi chỉ đường tội phước rõ ràng, mà hàng Phật tử chúng ta bởi quá si mê, nên có nhiều người đã lãng quên; vì lòng tật đố thị phi, gây biết bao khẩu nghiệp!

* Trong Kinh Đại Tập, Như Lai bảo: "Nếu hàng vua quan đánh mắng người xuất gia giữ giới hoặc phá giới, sẽ mang tội đồng như làm cho trăm ức thân Phật ra huyết. Nếu thấy người mặc áo cà sa, không luận kẻ giữ giới hay phá giới, nên sanh tâm tưởng như Phật."

Kinh Đại Tập đã nói như thế, thì hàng Phật tử xuất gia cho đến tại gia nếu có lầm lỗi, tất sẽ chuốc lấy khổ báo riêng về phần họ, ta chỉ sanh tâm thương xót chớ không nên khinh chê. Niệm tôn trọng thương xót khiến thêm lớn phẩm lành, tâm khinh mạn chê bai, lại đi vạch nói việc thi phi của người, chỉ tổn phước đức mình, và đa mang phần khổ lụy! Cho nên người biết tu, hằng thủ phận, lo xét ngó vào mình để tự sửa chữa. Trái lại, mình còn nhiều lầm lỗi mà không xét nghĩ, lại đi vạch nói chê bai người, là kẻ chưa ý thức về việc tu.

Cổ ngôn có câu: "Ngã khuy nhơn thị họa, nhơn khuy ngã thị phước." Câu này hàm ý nghĩa: "Ta làm tổn người là họa, người làm tổn ta là phước." Đối với người tu, khi bị kẻ khác thị phi khinh báng, nên sanh tâm nghĩ rằng: kẻ ấy là người đem phước đến cho mình. Tại sao thế? - Bởi chúng ta từ vô thỉ đến nay gây ra tội chướng vô biên, nếu bị một lời khinh chê, tất được giảm bớt một phần tội nghiệp. Đó chẳng phải là điều phước lợi cho mình ư? Còn kẻ khinh báng tất sẽ chịu quả khổ, ấy là lẽ dĩ nhiên; bởi họ mê lầm tự chuốc lấy tai họa.

* Lại để chỉ rõ thế nào là chân tu, cùng tư cách của bậc chân tu, xin dẫn chứng thêm một đoạn trong bài kệ Vô Tướng, Kinh Pháp Bảo Đàn của Đức Lục Tổ:

Nếu là bậc chân tu
Không thấy lỗi của đời.
Nếu như thấy lỗi người
Mình chê, là kém dở!
Người quấy, ta đừng quấy
Ta chê, tự có lỗi.
Muốn phá tan phiền não
Hãy trừ tâm thị phi
Thương ghét chẳng để lòng
Nằm thẳng đôi chân nghỉ! (Pháp Bảo Đàn Kinh, Vô Tướng kệ)

Những hàng con Phật hoặc xuất gia hoặc tại gia, đều tự xem mình là người tu hành lo đạo. Nhưng làm thế nào biết được ai là chân tu, giả tu? Về điều này, đức Lục Tổ đưa ra một cách giảo nghiệm rất đơn giản, Ngài bảo:

"Nếu là bậc chân tu, không thấy lỗi của đời."

Mà thật thế, bậc chân tu luôn luôn tự nhìn để sửa lỗi, trụ nơi tịch định; dứt hẳn lòng ngã nhơn phân biệt, có tâm tư đâu nghĩ đến việc hay dở tốt xấu của người! Kẻ giả tu trái lại, tâm nhơn ngã hơn thua ganh ghét dẫy đầy, mở miệng ra là phê bình chỉ trích, nói điều hay dở của thế gian; rất cách xa với đạo. Bởi thế, khi còn thấy lỗi người rồi khinh báng chê bai, tất nhiên tỏ ra mình đã kém dở trước nhất, vì tâm hãy còn vọng động phân biệt, thiếu đức trí huệ từ bi, sẽ chiêu cảm lấy tội báo về sau. Người quấy mặt người, ta đừng quấy, nên học bậc trí nhơn, để lòng trong sáng như gương, việc sắp đến không đón trước, việc đã qua chẳng luyến mơ, tâm linh sáng suốt bình đẳng khắp mọi nơi, sẽ có sự diệu ứng vô cùng! Nếu động niệm ganh ghét, nói lời khinh chê, thì bên trong chân tánh đã bị nhiễm ô, bên ngoài lại chuốc lấy việc oán thù tranh chấp, sự sai lầm tội lỗi càng thêm. Cho nên muốn được an nhàn khỏi phiền não, đừng phê luận việc phải quấy của người. Câu "Hãy trừ tâm thị phi" còn có ý nghĩa sâu là: trừ tứ cú, tuyệt bách phi. "Nằm thẳng đôi chân nghỉ", tức là cảnh giới đại giải thoát, chỉ cho sự tham học đã xong, đói thì ăn, mệt nằm ngủ.

Bậc chân tu luôn luôn có lập trường sáng suốt vững chắc, không quan tâm đến sự khen chê thương ghét bên ngoài. Như thuở xưa Nghĩa Thanh thiền sư sau khi đắc pháp với ngài Phù Sơn, đến ngụ nơi chùa của Viên Thông Tú hòa thượng. Tuy ở trong đại chúng nhưng sư không tham thiền hỏi đạo, mỗi ngày chỉ nằm ngủ. Vị tăng chấp sự đem việc ấy bạch lại. Ngài Viên Thông cầm tích trượng đến tăng đường, thấy sư đang nằm nhắm mắt liền quở rằng:

"Nơi đây không có thừa cơm gạo để cho thượng tọa ăn rồi nằm ngủ!"

Sư nói: "Thế thì hòa thượng bảo tôi phải làm gì?"

Thông hỏi: "Sao không đi tham thiền?"

Đáp: "Thức ngon chẳng giúp gì cho người đã ăn no."

Hòa thượng bảo: "Có nhiều người không bằng lòng thượng tọa."

Sư nói: "Giả sử bằng lòng, thì tôi sẽ được gì?"

Thấy lời nói khác thường, ngài Viên Thông hỏi tiếp:

"Thượng tọa đã từng tham kiến vị nào?"

Đáp: "Tôi từ nơi ngài Phù Sơn đến đây."

Hòa thượng nói: "Thảo nào ông lại chẳng cứng đầu!"

Liền nắm tay nhau cả cười, rồi đi về phương trượng.

Sau Nghĩa Thanh thiền sư nối pháp cho ngài Đầu Tử Ngung. Vào hôm mùng bốn tháng năm, niên hiệu Nguyên Phong thứ sáu đời Tống, thiền sư tắm gội rồi lên Pháp tòa từ biệt đại chúng, lưu bài kệ xong, liền buông bút tọa hóa. Như Nghĩa Thanh thiền sư tác phong phóng khoáng, sống chết tự do dường ấy, có phải Ngài đã lãnh hội câu:

"Thương ghét chẳng để lòng. Nằm thẳng đôi chân nghỉ" đó ư? 


http://www.suutamphatphap.com/

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Nấu chay: Canh chua nam việt quất chay

BQT7282012 008
Kỳ rồi đi dự tiệc ngoài trời, DS xin được nhiều rau cải đem về.  Có nhiều thứ có thể nấu canh chua.  Thế là DS nấu một nồi lớn. Trên ngăn đá có thơm và nước nam việt quất (cranberry) để làm chất chua, ăn cũng có lý lắm. Nước nam việt quất màu đỏ, nhưng nấu một hồi cái màu nó biến đi đằng nào mất biệt. Xem các thứ rau tươi cho nồi canh chua nè.
BQT7282012 001
Rau tần dầy lá,  rau om, đậu bắp
BQT7282012 002
Rau muống, bạc hà
Nguyên liệu
  • 1/4 trái thơm, cắt cọng (cắt lát không ngon đâu nhe)
  • 6 cọng bạc hà, lột vỏ, cắt lát
  • 1 bó rau muống, lặt bỏ phần cứng dưới gốc, ngắt ngắn cho vừa gắp
  • 1 cup nước nam việt quất (trái nam việt quất xay với nước, vắt lấy nước bỏ xác)
  • 10 trái đậu bắp, bỏ đầu đuôi, xắt lát
  • Rau quế, rau om, rau tần dầy lá, mỗi thứ một ít, xắt nhuyễn
  • 1 trái ớt, xắt lát
  • 6 muỗng canh đường
  • 2 muỗng canh muối
Cách làm
1. Bắc nửa nồi nước 8 quart (8 lít) lên bếp, xắt thơm cho vào, xong rau muống và đậu bắp.
2. Nêm nước nam việt quất và đường muối cho đậm đà vị ngọt chua mặn.
3. Cho rau thơm, ớt, tắt bếp.
Canh chua dễ nấu dễ ăn nên có cơ hội là DS nấu canh chua. Ăn canh chua với nước tương dầm ớt là tuyệt vời.
Chúc các bạn nhiều bữa cơm chay ngon miệng.
Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Sương

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Nấu chay: Xôi nấm đông cô và xá xíu chay – Tuệ Lan thực hiện

photo (19)
Đang lúc làm siêng nên TL nấu thường xuyên, bù lại những lúc không có hứng thú nấu. Đây là một món có vẻ như của Sing, TL ăn qua rồi, tự "giải phẫu" và thực hiện lại thôi chứ không có ai chỉ hết.
Nguyên liệu cho 4 chén xôi
- 3 cup nhỏ gạo nếp (vo sạch, ngâm 8 tiếng, để ráo)
- 150 gr xá xíu loại đông lạnh hay bất kỳ loại ham chay nào cũng được
- 10 tai nấm đông cô
- 1,5 muỗng ăn dầu hào chay
- 1,5 muỗng ăn  nước tương
- 1 muỗng ăn đường
- 1 muỗng ăn dầu ăn
- 1 muỗng cà phê tiêu xay
Thực hiện
1. Cắt nhỏ xá xíu, nấm đông cô bằng 2 lần hột lựu
2. Trộn tất cả các gia vị kể trên và nấm, xá xíu đã cắt vô chung với gạo nếp đã để ráo. TL dùng bao tay nilon đeo vô và bóp kỹ cho gia vị thấm vô gạo
3. Bỏ gạo vô sửng có lỗ và hấp cách thủy. Thông thường TL hay hấp xôi bằng nồi áp suất. Muốn xôi dẻo , ngon nên hấp hết một lượt, sau đó mở nắp nồi dùng đũa bới xôi lên, thấy khô có thể rắc 1 chút nước nóng, đảo đều, đậy nắp nấu tiếp 1 lần nữa, đảm bảo xôi sẽ dẻo, mềm, ngon
Xôi chín, dùng nóng, nếu thích đậm đà hơn có thể dầm chút ớt với nước tương ăn kèm.
Chúc các bạn ngon miệng.
Tuệ Lan

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2012

Nấu chay: Cơm Hải Nam chay – Tuệ Lan thực hiện

photo (17)
Cơm Hải Nam là món ăn rất phổ biến ở Singapore. Chủ quan mà nói khi chưa ăn chay Tuệ Lan cũng chưa thấy quán cơm nào ở Sing ăn vừa miệng hết. Kỳ lạ là dĩa cơm Tuệ Lan ăn thấy ngon nhất từ khi sang đây lại chính là cơm Hải Nam chay. Tham khảo một số công thức và rút kinh nghiệm riêng, Tuệ Lan đã thực hiện thành công món cơm Hải Nam chay. Có thể nói là một chín, một mười so với chỗ mình đã được ăn ngon nhất. Hihi, tự tin ghê. Thật chí, ông xã Tuệ Lan còn đánh giá cao hơn vì pha nước chấm hợp gu hơn.
Xin chia sẻ cùng các bạn nhé.
Nguyên liệu cho 4 người ăn
- 3 cup gạo (loại cup đi kèm của nồi cơm điện, hoặc tùy ăn ít nhiều) trong đó lấy 3 phần nếp, 7 phần gạo thường.
- 2 cây sả, bóc phần già, chừa lại phần non trắng bên trong, cắt khúc 4-5cm, đập dập
- 5-6 lá dứa, rửa sạch thắt gút lại
- 1 muỗng canh gừng tươi bằm hoặc giã thật nhuyễn
- 1 muỗng canh dầu mè
- 1,5 muỗng canh bột nêm chay
- 1 cục bơ nhỏ khoảng 10gr
- Đạm cục chay, ham chay hoặc các loại đạm chay tùy ý
Thực hiện
1. Vo gạo sạch, xả nước 2 lần
2. Bắc chảo lên bếp đợi nóng, cho 1 chút dầu ăn, phi thơm gừng và sả
3. Trộn gạo đã vo chung với sả và gừng đã xào, trộn dầu mè, bột nêm, lá dứa, đổ nước vào nồi và nấu chín. Khi cơm chín trộn cục bơ cho đều. Bơ giúp cho cơm dậy mùi và nhìn óng ả hơn
4. Đạm cục chay, ham chay chiên sơ, cắt miếng vừa ăn
5. Nước mắm chấm pha bằng nước mắm chay, cho thêm chút đường, chút chanh, không quá ngọt như nước chấm chả giò. Giã gừng và ớt nhuyễn trộn chung với nước mắm, nêm cho lại vừa ăn
photo (18)
Thưởng thức
- Bới cơm ra chén và úp ngược vào dĩa, dọn chung với bất kỳ loại đồ chua nào bạn muốn hoặc ăn kèm với dưa leo, cà chua sống.
- Lần này Tuệ Lan ăn kèm với rau cải làn và nấm xào dầu hào chay cùng canh miso rong biển cũng rất ngon.
Chúc các bạn đổi món ngon miệng, cơm nấu lâu 1 chút sẽ có lớp cháy mỏng, giòn, ăn rất hấp dẫn.
Tuệ Lan

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Nấu chay: Salsa và vườn rau trái

picnic 005
Cuối tuần qua DS đi dự buổi tiệc nấu ăn ngoài trời. Tưởng là chỉ ăn uống qua loa xong đi về, ai ngờ DS bị lạc vào thế giới thần tiên. Ôi sao mà nhà trồng nhiều cây ăn trái và nhiều rau quả đến thế! Vườn sau nhà dài hun hút, ngoài vườn tược ra, còn có  chỗ chơi bóng bàn và cầu lông. Mọi người đã có một buổi tiệc thật vui, ấm cúng và thoải mái. Lâu quá không chơi bóng bàn, đánh về cái tay giở không lên.
Buổi tiệc có món salsa thật ngon, DS học được cách làm, mến chia sẻ cùng các bạn. Salsa là món Mễ, thường được ăn với chip bắp (doritos), mình cũng có thể ăn với bánh đa, bánh phồng, da chả giò nướng hay cuốn bánh tráng.
picnic 006

DORITOS_COOL_RANCH_
Nguyện liêu
Mỗi thứ một ít, không cần phải chính xác, vì món này thật sự rất là dễ làm, không cần nấu nướng gì cả. Viết nguyên liệu kiểu này nhớ tới bà boss làm trong sở, có lần bà ấy hỏi anh bạn người Ý cách làm vò viên, anh ta bèn viết ra các thứ mà không có cân lượng gì cả. Bà ta nhìn tờ giấy và hỏi bộ anh kê món cho tôi đi chợ hả, ai nghe cũng thấy tức cười. Smile
  • Ớt chuông
  • Cần tây
  • Táo
  • Trái bơ
  • Ngò rí
  • Giấm
  • Chanh
  • Muối
  • Ớt
Cách làm
Dùng máy xay thức ăn xay nát các thứ, rồi trộn chanh, muối, ớt cho mặn mặn, chua chua, cay cay là được. Không cần đường vì có táo là ngọt rồi.
Ngoài ra còn có rất nhiều món chay ngon.
picnic 001
Nấm, mướp tây, ớt chuông nướng
picnic 002
Bắp luộc, người Mỹ hay lột bắp trước khi luộc nên hột bắp bị nhăn, còn mình để nguyên vỏ nên bắp mới ngon. Người Mỹ lười lột vỏ khi ăn lắm, chỉ thích các thứ làm sẵn.
picnic 003
Dưa cải trộn với chanh ớt, có vỏ chanh nghe thơm thơm
picnic 008
Bún ăn với salsa cũng ngon lắm
Dạo vườn một tí nhé
picnic 010
Vườn rau xanh ngát một màu
picnic 011
picnic 015
Dàn nho
picnic 012
Rau muống
picnic 014
Thấy trái không?
picnic 016
Cà nâu
picnic 017
Rau đắng
picnic 018
Rau om
picnic 019
Ớt
picnic 034
Cây lá chua để ăn với bánh xèo ngon lắm
picnic 031 Mướp Tây
picnic 028
Đậu bắp
picnic 020 Đào
picnic 024
Lê ta
picnic 032
Táo
picnic 026
Thích nhất là cây mận tây (plum), trái chín quằn cây, rụng xuống đất không kịp hái luôn
picnic 027
Nhìn kỹ hơn nè
picnic 004
Hái vô ăn liền, nước nhiều và ngọt lắm, hơn hẳn mua ngoài chợ
Chúc các bạn nhiều bữa tiệc vui.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Diệu Sương

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Nấu chay: Chả giò sốt mayonaise – Tuệ Lan thực hiện

photo (15)
Đợt rồi Tuệ Lan về Việt Nam, có học được từ chị bạn một món chả giò chay đơn giản, ngon miệng. Tuệ Lan mới thực hiện và xin chia sẻ với các bạn.
Nguyên liệu:
- Bánh tráng cuốn chả giò : khoảng 100 lá
- Củ năng: 400gr
- Cà rốt: 2 củ to
- Bắp ngọt: 200gr
- Khoai môn: 300gr
- Sốt mayonaise
- Bột nêm chay
photo (16)
Cách làm:
- Củ năng, cà rốt, khoai môn lột vỏ, cắt hột lựu
- Đun nước sôi trụng củ năng, cà rốt, khoai môn và bắp (nên trụng 2 lần) sau đó để thật ráo
- Nêm 1 muỗng ăn bột nêm chay vào các loại củ đã trụng nước sôi, để ráo, trộn sốt mayonaise cho đều
- Trải 1 lá rưỡi bánh tráng ra và cuốn
- Chiên giòn, dùng nóng với sốt mayonaise hoặc nước mắm chay chua ngọt đều ngon
*** Lưu ý dùng 1 lá rưỡi bánh tráng để cuốn 1 cuốn chả giò cho khỏi bị lủng.
Chúc các bạn ngon miệng.
Tuệ Lan

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Nghi Thức: SÁM BÁO HIẾU PHỤ THÂN

cha-vc3a0-con-gc3a1i
Thành tâm báo hiếu con quỳ,
Phụ thân nay đã biệt ly dương trần, 
Con chưa đáp được mười ân, 
Mà nay cha đã qua phần còn đâu! 
Nhắc thôi thêm thảm thêm sầu, 
Làm con chưa trọn được câu sanh thành.
Từ nay cha đã khuất hình, 
Trước sau vắng vẻ gia đình quanh hiu,
Bỏ con thơ dại chít chiu,
Đâu còn như sống mà kêu con về. 
Công lao khó nhọc nhiều bề,
Đêm ngày lo lắng nặng nề vì con,
Ba năm nuôi dưỡng hao mòn, 
Chăm nom nuôi trẻ đâu còn rảnh rang. 
Lắm lần cầu nguyện vái van, 
Cho con khôn lớn nên đàng công danh, 
Rồi nay con được trưởng thành,
Chưa hề báo đáp công sanh phần nào, 
Sanh thành dưỡng dục cù lao, 
Gia đình gánh nặng làm sao an nhàn, 
Sợ con lêu lõng sa đàng,
Sợ vì bịnh hoạn lại càng lo âu,
Cha không lên gác xuống lầu, 
Bỏ con vất vả đồng sâu nắng hè,
Cha không xuống ngựa lên xe, 
Bỏ con đói rách chịu bề lang thang, 
Cha không dư dả bạc vàng, 
Bỏ con khốn khổ cơ hàn lều tranh,
Nuôi con dạy dỗ học hành,
Miễn cho con đặng trưởng thành nên danh.
Thương con cha bỏ sao đành, 
Nay vì số phận cha đành biệt ly,
Nhỏ còn thơ dại biết chi, 
Lớn khôn mới rõ cha thì dày công.
Từ nay hết đợi hết trông, 
Thi hài cha gởi ra đồng cỏ xanh.
Về thăm đâu thấy dạng hình, 
Bàn hương vắng vẻ đèn xanh nhang tàn.
Lòng con thương nhớ thở than,
Cơm dâng ba bát vái van cha về.
Chứng cho con cháu đồng quỳ,
Nguyện cha về chốn liên trì Lạc bang.
Thành tâm con lập trai đàn,
Nhờ ơn Phật Tổ chứng đàn khai kinh. 
Con cầu chư Phật chứng minh, 
Địa Tạng Bồ Tát thương tình độ vong. 
Con nay cầu nguyện hết lòng,
Cầu cho từ phụ thoát vòng khổ luân.
Mới là đáp được thâm ân,
Ơn cao như núi nghĩa gần biển sâu, 
Thành tâm khấn nguyện cúi đầu,
Từ bi tiếp dẫn xin cầu vãng sanh,
Nguyện cho hồn đặng an lành, 
Đồng về Cực lạc đồng sanh sen vàng.
Nam mô Tịnh độ Lạc bang,
Độ vong hồn đặng Tây phang mau về.
http://www.tangthuphathoc.net/nghilepg/sn/55baisamphothong-43.htm

Nấu chay: Cà ri Thái chay


Thiệt tình đăng món chay như sơn cây cầu, sơn xong đầu này thì đầu kia sơn đã bị tróc, rồi mình qua đầu kia sơn, xong trở lại đầu này, cứ vậy mà làm Smile... Đây là bài cũ bị thất lạc nên DS làm lại. Vậy cũng hay, có chuyện cho mình làm hoài, làm suốt đời mà vẫn không hết chuyện, hên là DS thích làm chuyện này, chứ không thôi thì… chán chết. Smile Làm thì làm, nhưng tới thời khóa tu thì phải nhớ mà buông nhe, mê làm quá quên công phu là kiếp sau trở lại đây làm tiếp á. Mình phải biết cái nào là chính, cái nào là phụ, lấy phụ làm chính thì luân hồi mãi không biết đường ra, như  lạc vào mê hồn trận… (Đây là lời DS tự nhắc nhở mình.)
Món cà ri Thái chay này hơi công phu, nhưng rất ngon, thơm phức luôn. Cha của DS nấu cà ri nị ngon đáo để, Cha thường hay nấu cà ri để nguyên quả củ như cà, cà nâu, đậu bắp…  Tới chừng dọn ăn, Cha làm dĩa muối chanh ớt và dầm các quả củ vào. Cha luôn ăn cà ri với cơm dĩa, nhìn Cha chuẩn bị các thứ mà ai cũng phát thèm đến… ướt áo. Bây giờ mỗi lần về quê, bà con bên nội DS đều nhắc đến món cà ri của Cha. Cha nấu cà ri là phải có hột ngò và lá cà ri. Có lần hột ngò bên VN rất khan hiếm, Cha phải đi tận vô vùng trồng trọt thật sâu, nài nỉ người ta để lại cho ít hạt ngò giống. Hôm nay đăng món này sao nhớ Cha quá xá cỡ, chắc hôm nào phải hỏi Mẹ cách nấu cà ri nị của Cha… DS cầu nguyện cho hương hồn Cha sớm siêu sinh Tịnh Độ, nếu Cha đã sinh rồi thì về mà độ cho chúng sinh…
Công thức cho 8 phần ăn.
Nguyên liệu:
10 tai nấm đông cô, nếu khô thì ngâm nước cho mềm
A. Gia vị
2 đinh hương (cloves)
1 muỗng canh hột ngò rí (coriander seeds)
1 muỗng cà phê hột ngò om (cumin seeds)
5 hột tiêu đen (black pepper corns)
B. Gia vị
1 muỗng cà phê riềng bằm (minced Thai ginger)
2 muỗng canh sả bằm (minced lemon grass)
2 muỗng cà phê gừng bằm (minced ginger)
2 muỗng cà phê bột nghệ (turmeric powder)
1 trái ớt cay bằm (minced chili pepper, nếu không ăn cay thì khỏi nhe)
C. Củ quả
1 củ khoai lang, gọt vỏ, cắt miếng vuông
2 khoai tây, gọt vỏ, cắt miếng vuông
2 trái ớt chuông, cắt miếng vuông
1 trái cà nâu, cắt miếng vuông
1 hộp tàu hủ, cắt miếng vuông
D. Phần còn lại
4 trái cà, cắt làm tư
6 muỗng cà phê đường (hay chất làm ngọt)
2 muỗng canh muối
1/2 lon (200 ml) nước cốt dừa (DS mua nước cốt dừa trong tiệm Mỹ)
Cách làm:
1. Ngâm nấm đông bằng nước nóng cho mau mềm, rửa sạch, vắt ráo nước.  Cắt chân nấm để dành làm món khác, cắt tai nấm làm 4.
2. Trộn gia vị phần A, xay nhuyễn bằng máy xay cà phê (gia vị xay nấu liền thì lúc nào cũng ngon hơn).
3. Trộn đều giạ vị phần B.
4. Bắt nóng nóng lửa cao, cho 1/2 muỗng canh dầu vào nồi chờ nóng. Xào nấm cho thơm. Trút ra dĩa
5. Làm như trên cho khoai tây, cà nâu, ớt chuông từ phần C.
6. Cho tiếp dầu vào nồi, cho gia vị từ phần A vào khử cho thơm, kế đến cho gia vị từ phần B vào khử cho thơm.
7. Cho cà vào xào, nêm nếm đường muối.
8. Cho tất cả khoai tây vào nồi, chế nước cho hơi ngập. Nấu sôi 15 phút, thêm cà nâu, ớt chuông và tàu hủ.
9. Nấu cho đến khi rau củ chín, khoảng 15 phút.
10. Cho nước cốt dừa vào, nấu sôi, tắt bếp.
Chúc các bạn nấu cà ri Thái chay thành công.
Nam Mô A Di Đà Phật.

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Nấu chay: Tekka – Món ngon bổ dưỡng

tekka
Món này là món thực dưỡng, vừa ngon vừa bổ. Nếu tìm mua được tương miso đỏ thì làm món này ngon lắm, nó tựa tựa như ruốc, dùng để nêm canh, xào hay dùng để ăn với cơm cũng rất ngon. Thầy nói ai có bầu mà ăn chay nên dùng món này sẽ bảo đảm dinh dưỡng.
Công thức từ http://chualonghuongtthai.com.vn
  • 2kg ngưu báng
  • 2kg củ sen
  • 3kg cà rốt
  • 1kg củ cải trắng
  • 2kg tương miso
  • 2 lít dầu mè
  • 300gram gừng
Cách làm: 1. Những củ trên để nguyên vỏ, rửa sạch, ngâm nước muối 10 phút.
2. Vớt ra để cho ráo, cắt mỏng mỗi thứ riêng từng nhóm, xay sinh tố cho nhuyễn mỗi thứ.
3. Sau đó trộn chung cho vào chảo để lên bếp, nhớ để lửa nhỏ.
4. Khuấy đều tay khoảng 6 tiếng đồng hồ cho khô hỗn hợp này.
5. Sau đó cho tương miso và dầu mè vào khuấy đều và tan ra.
6. Khi thấy vừa sôi lụp bụp thì tắt lửa (phải chú ý công đoạn này vì nếu không sẽ bị đắng).
7. Đậy nắp nồi, sau khi thật nguội mới đựng vào keo nhỏ ép cho thật chặt để dầu nổi lên mặt khoảng 2 phân thì mới để lâu được.
Chúa các bạn làm món tekka thành công.
Nam Mô A Di Đà Phật

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Nấu chay: Canh bí rợ viên chay


Món này đã làm lâu lắm rồi. Cách làm hơi cầu kỳ, thật ra mình có thể nấu canh bí rợ đơn giản bằng cách cắt bí và tàu hủ thành miếng vuông rồi thả vô nồi canh cũng được.
Nguyên liệu:
  • 1 trái bí rợ nhỏ, hấp 20 phút
  • 1 hộp tàu hủ loại cứng
  • Bột mì căn
  • Nấm trắng, xắt lát
  • Đường
  • Muối
  • Tiêu

Cách làm:
1. Hấp nguyên trái bí  khoảng 20 phút
2. Trong khi hấp bí, mình làm tàu hủ vò viên
3. Bóp nát tàu hủ, trộn gia vị
4. Rắc bột mì căn vào sao cho vò viên được
5. Vò viên cho vào khuôn hấp 20 phút
6. Bắt nồi lên bếp, lửa cao, cho dầu chờ nóng, khử gừng, xào nấm cho thơm, nêm muối
7. Cho nước vào đầy khoảng nửa nồi, nấu sôi
8. Bí hấp chín, gọt vỏ, bổ đôi bỏ ruột, dùng muỗng tròn múc từng viên bí ra dĩa

9. Thả vô nồi canh, chờ sôi, nêm lại cho vừa ăn, bí ngọt lắm nên chỉ cần muối là được rồi
10. Canh bí rợ ăn với cơm và nước tương dầm ớt là ngon lắm.
Chúc các bạn nấu canh bí rợ viên chay thành công.
Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Sương

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2012

Nấu chay: Xá xíu que chay nướng

xaxiuque 001

Hôm kia DS làm món này. Làm khá dễ và nhanh để ăn với cơm dĩa cà chua, dưa leo và đồ chua. Nướng bằng lò nhỏ nên rất tiện. Các bạn có thể làm thật nhiều cho những buổi tiệc nướng ngoài trời, chắc chắn là sẽ có nhiều người hưởng ứng.

Nguyên liệu:

  • 3 cây xúc xích chay, cắt ngắn khoảng 1 lóng tay (các bạn có thể thay thế bằng món đạm nào mà mình thích)
  • 1 củ cà rốt, cắt ngắn khoảng nửa lóng tay (có lần một bác nhờ DS nấu cơm ở chùa, cơm nấu nhiều quá DS không biết cách lường nước, bác nói đổ nước lên khoảng 1 lóng tay, DS hỏi lại là lóng tay của con hay của bác, bác này lắc đầu hết biết Smile)
  • 1/4 cân Anh (pound, 125 grams) nấm tươi gì cũng được, ở đây DS dùng nấm oyster, cắt miếng nhỏ sao cho ghim vào que được.
  • 2 muỗng cà phê nước xốt xá xíu
  • 2 muỗng cà phê maple syrup (hay nước đường)

Cách làm:

1. Trộn nước xốt xá xíu với đường cho đều

2. Ướp nước xốt với xúc xích chay, cà rốt và nấm

3. Tuần tự xỏ xen kẻ các thứ vào que, đem đi nướng (toast)

4. Nước ướp từ củ và cà rốt sẽ chảy ra, chắt nước này vào chén để phết lên mặt

5. Mỗi lần nướng là mỗi lần phết nước xốt

6. Làm như vậy cho đến khi nước xốt khô kẹo lại là được

Chúc các bạn thân tâm thường an lạc.

Nam Mô A Di Đà Phật

Diệu Sương

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Nấu chay: Xá xíu chay

07052012 006

DS được người bạn đạo cho món này ăn ghiền luôn. Nước ướp thật vừa ăn. Các bạn nghiên cứu và làm thử nhé. Đây là hủ nước xốt xá xíu.
xaxiu 005
xaxiu 002
Có ghi thành phần nguyên liệu, các bạn có thể tự chế cho mình một nước xốt xá xíu thật ngon nếu chịu khó nghiên cứu
xaxiu2 001
Nhãn có ghi cách làm xá xíu

Hay có thể thay thế bằng xốt xá xíu tự làm: (công thức sưu tầm)
  • 4 muỗng canh dầu hào chay (vegetarian oyster sauce)
  • 4 muỗng canh xốt cà (tomato sauce nếu không có thì dùng ketchup)
  • 3 muỗng canh nước tương loại tốt (premium soy sauce, loại của Lee Kum Kee, loại mặn quá sẽ không ngon)
  • 3 muỗng canh đường
  • 1 cà phê dầu mè ( sesame oil )
  • 1 viên chao đỏ
  • 1 muỗng cà phê nước chao
  • 1 muỗng canh rượu tàu (Chinese wine Mai quế lộ hay cooking wine)
  • 1 muỗng canh ngũ vị hương loại tốt
  • 1 muỗng cà phê tiêu bột
Cách nướng theo hướng dẫn:
1. Ướp 4 muỗng canh nước xốt cho mỗi cân Anh (pound hay 450 g) chất đạm
2. Nướng lò 350 độ F hay 180 độ C trong vòng 15 phút
3. Trở mặt nướng thêm 15 phút
4. Phết mật ong (nếu cử có thể dùng maple syrup hay nước đường, cũng có thể phun nước dừa) lên  mặt nướng thêm 2 phút

Cách chiên như hình:
07052012 003
1. Đạm chay khô, ngâm nước cho mềm
2. Vắt ráo nước, chiên vàng
3. Cho nước xốt vào sao cho ướt thấm đều
4. Ram lại cho khô
Món này ăn với cơm, cơm tấm, bánh mì, bún hay cuốn đều ngon.
Chúc các bạn nhiều bữa chay ngon.
Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Sương

Bài đăng phổ biến