Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

Tài Nguyên Nước: Nước vô giá nhưng không vô hạn (Thiên Sơn)

Water is priceless but not limitless.

Nước vô giá nhưng không vô hạn
Thiên Sơn / Báo Người Cao Tuổi

Chương trình về nước của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra lời cảnh báo: Nước ngọt là nguồn tài nguyên giới hạn, dễ suy thoái do tác động của con người và thiên nhiên.

Ở nước ta, việc phá rừng, sự phát triển ồ ạt của thủy điện vừa và nhỏ không theo quy hoạch, tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi đang làm biến dạng lưu vực các dòng sông, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Chương trình phát triển nhà máy thủy điện của các nước bạn trên sông Mê-Kông và ô nhiễm đầu nguồn Sông Hồng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước ngọt của chúng ta...

Nước cần cho sự sống

Biến đổi khí hậu và những hệ lụy của nó đang biểu hiện rất mạnh mẽ không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở Việt Nam. Những trận lũ, lụt lịch sử, tình trạng hạn hán trên diện rộng, hiện tượng sạt lở núi, sông và bờ biển ngày càng trở nên trầm trọng. Hai châu thổ Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đang phải chịu những đợt hạn hán, còn suốt dải đất miền Trung thì mưa lũ dồn dập, đó chính là dấu ấn rõ rệt nhất của biến đổi khí hậu.

Nguồn nước hiện nay đang suy giảm nghiêm trọng cả về chất và lượng. Nguyên nhân do khai thác quá lớn, quá giới hạn, thiếu các giải pháp bảo vệ tầng chứa nước. Trừ các công trình thủy điện trên sông Đà, sông Lô và sông Chảy là có tỉ lệ nguồn nước đáng kể từ ngoài lãnh thổ, còn lại các công trình thủy điện khác đã và đang cày xới từ nguồn sinh ra trong nước. Ở miền Trung, Tây Nguyên, diện tích tự nhiên không lớn nhưng có tới 90 nhà máy thuỷ điện, phá hủy gần 10.000 ha rừng, phần lớn là rừng nguyên sinh. Tỉnh Quảng Nam chỉ có diện tích 10.500 km2 nhưng có lúc đã xem xét tới 56 dự án thủy điện nhỏ, huyện Sa Pa có tới hơn 10 dự án thủy điện v.v…

Các nhà khoa học chỉ ra rằng, chính việc khai thác đến cạn kiệt nguồn tài nguyên nước mà không có các biện pháp bảo vệ nên chúng ta đang phải trả giá, đã hủy hoại môi trường vô ý thức khiến hơn 160 tỉ m3 nước bị ô nhiễm không dùng được (mùa khô toàn bộ kênh rạch miền Tây Nam bộ bị ô nhiễm); sông Sài Gòn, sông Cầu, Sông Thương, hạ lưu sông Đồng Nai… là những ví dụ sống minh chứng cho việc đánh đổi tài nguyên nước lấy sự phát triển, khiến những con sông chứa đựng nguồn tài nguyên nước vô giá trên trở thành "dòng sông chết". Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM số lượng giếng khoan khai thác nước cũng đủ khiến người ta giật mình. Tại thành phố Hà Nội hiện có 170.000 giếng và TP HCM là 300.000 giếng, trong đó có quận mật độ giếng cao như Phú Nhuận (TP HCM) có tới 872 giếng/km2.

Việc khai thác nước dưới đất bừa bãi, thiếu vai trò quản lí của Nhà nước, khoan khai thác thiếu kĩ thuật đã dẫn đến cạn kiệt và làm nguồn nước bị ô nhiễm nặng rất khó phục hồi.

Phải bảo vệ nguồn nước bằng mọi giá

Mực nước ngầm mỗi ngày một hạ thấp kèm theo khối lượng xây dựng trên mặt đất ngày càng lớn khiến mặt đất bị ép, biến dạng dẫn đến sụt lún. Với mực nước biển trong 20 năm qua đã tăng lên 10 cm kèm theo triều cường, tại TP HCM ở những nơi có cao độ < 2m đã bị ngập úng. Nước ngọt đang bị mặn hóa. Nhiều cống lấy nước ở các dự án ngọt hóa phải đóng cửa vì độ mặn ngoài sông vượt ngưỡng cho phép. Đã có nhiều đề xuất xây dựng các cống đập trên sông chính như Ba Lạt (sông Hồng), Cái Lớn - Cái Bé, Hàm Luông (ĐBSCL). Ngập triều ở TP HCM cũng tăng rõ rệt, vì thế Chính phủ cho đầu tư Quy hoạch thủy lợi chống ngập ở đây với vốn trên 11.000 tỉ đồng.

Toàn lãnh thổ nước ta đang xảy ra tình trạng căng thẳng về nguồn nước, đặc biệt Đồng bằng Bắc bộ, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và một phần đồng bằng sông Cửu Long đều do quá lạm dụng khai thác nguồn tài nguyên và sử dụng không có ý thức bảo vệ.

Đã đến lúc phải xây đập ngăn các cửa sông, lựa chọn nhưng không cản trở thoát lũ như kiểu ở cửa sông Muray-Darling ở Úc, hoặc ngăn hẳn các vịnh biển để chứa nước ngọt như ở Hà Lan hay Hàn Quốc. Tại đồng bằng sông Cửu Long phải nghĩ đến việc lợi dụng các khu trũng quây lại làm hồ chứa nước. Miền Trung, Đông Nam bộ cần có biện pháp bổ sung nguồn nước cho các tầng nước ngầm. Đặc biệt không phá rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn làm thủy lợi, không khai thác nước ngọt mà không có quy hoạch cụ thể.


http://www.nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=10&ID=5876

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến