Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Giúp Nhau Khi Cần: Nơi tình yêu thương tỏa sáng (Xuân Danh)

Các cụ neo đơn sống ở chùa Di Lặc - Di Lặc Temple, a haven for the elderly without families
Di Lặc Temple (321 Bình Long, Ward Bình Hưng Hòa A, District Bình Tân – HCM City) offers care for the elderly who are currently sans family support. All services are free, and the number has risen to almost 40. It is hard to grow old in our world and even harder to grow old without love - but thank Buddha for the compassion of the respected monks, volunteers, officials, agencies, and philanthropists, our precious elders are being comforted for the remaining days of their sojourn on Earth.

Nơi tình yêu thương tỏa sáng
Bài và ảnh: Xuân Danh / www.nld.com.vn
Ngày 01/05/2011

Bao năm nay, chùa Di Lặc (321 Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân–TPHCM) đã trở thành mái nhà chung cho những cụ già neo đơn, bất hạnh trú ngụ và nương tựa.

Tại chùa Di Lặc, hiện có gần 40 cụ già neo đơn cư ngụ. Nỗi bất hạnh ở mỗi người mỗi khác, tuy nhiên họ có điểm chung đó là đang cố quên đi quá khứ, để cùng được sống chung dưới ngôi chùa này.

Những mảnh đời bất hạnh

Chúng tôi đến chùa vào buổi chiều muộn. Khi bữa cơm chiều vừa xong, tất cả các cụ chọn khoảng sân, nơi có nhiều tán lá bồ đề tỏa rộng để tìm sự thanh thản, tĩnh lặng khi một ngày nữa sắp qua đi. Tiếp xúc với những cụ già nơi đây, chúng tôi không khỏi thương cảm. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng, tâm tư riêng và nếu biết được, bạn dễ dàng chia sẻ cùng họ.

Cụ Trần Thị Giang (quê Quảng Ngãi), năm nay 80 tuổi, sống ở chùa  này được hơn một năm. Với dáng người nhỏ bé, tấm lưng còng hiện rõ ở cụ sự khắc khổ, lận đận. Chồng cụ Giang là liệt sĩ, nhà không còn ai nên cụ xin vào chùa sống hết phần đời còn lại.

Cụ Nguyễn Thị Phước, 81 tuổi, quê Phú Yên, có thói quen ngủ ngồi. Hỏi tại sao cụ không ngủ nằm, cụ trả lời: “Bao năm đi bán vé số ngủ ngồi quen rồi, giờ không ngủ nằm được”. Cụ Phước có ba người con, hai trai, một gái đều đã có gia đình và công việc ổn định. Khi nói về gia đình mình, cụ tâm sự: “Tôi tên Phước mà số lại bạc phước. Có hai con trai bất hiếu, đối xử bạc bẽo, cứ đòi tiền tôi không được, nên đuổi tôi đi. Thế rồi tôi vào TPHCM bán vé số và may mắn đã tìm về được đây”. Cụ Phước đến chùa đã được 9 tháng nhưng con cháu không ai biết và cụ cũng không còn hy vọng gì ở các con.

Cụ Nguyễn Thị Anh, nay đã ngoài 80 tuổi, hỏi quê quán cụ chỉ nói ở Cà Mau, còn cụ thể ở huyện, xã, ấp nào thì cụ chịu không nhớ nổi. Hỏi về thân nhân, cụ lắc đầu. Chùa cũng không biết được trước đây cuộc sống của cụ ra sao, chỉ biết cụ đi xin ăn, Phật tử gặp cụ, thương cảnh đưa về chùa nương náu. Cụ ở đây đã được 3 năm.

Cụ Trần Hải (quê ở Vũng Tàu), 76 tuổi, nói trong nước mắt: “Tôi có ba con trai và một con gái nhưng hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên các con bỏ mặc mỗi khi tôi ốm đau. Rồi các con đùn đẩy, phân chia mỗi người nuôi mẹ một tháng...”. Cụ lắc đầu, nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo.

Thăm nơi nghỉ ngơi của các cụ, ai cũng chạnh lòng. Trên những chiếc giường cô độc, có cụ ôm đầu bần thần, có cụ nằm co ro, mệt mỏi… Họ nương tựa nhau mà sống, có cụ bị mù nhưng vẫn chăm sóc giúp đỡ rất nhiều cụ khác, cũng có cụ bị tai biến chỉ nằm một chỗ.

Ấm áp nơi cửa chùa

Tại chùa Di Lặc, có những giọt nước mắt muộn phiền thì cũng có những tấm lòng cao cả của những sư thầy, sư cô, những người làm công quả sẵn sàng sẻ chia với các cụ những khổ đau trong cuộc đời, để cuộc sống thêm nhiều niềm vui và ấm áp tình người.

Bốn năm sống ở đây, cụ Nguyễn Thị Thuận, trên 80 tuổi, được quan tâm chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ, được bầu bạn với những người bạn già cùng cảnh ngộ, cụ Thuận đã xem ngôi chùa là gia đình của mình. Cụ Thuận tâm sự: “Tôi cứ nghĩ đến khi mình về già không biết sẽ phải lang thang, vất vưởng ở đâu. Nhưng giờ ở chùa, tôi có bạn bè, lúc mạnh khỏe cũng như khi đau ốm được mọi người quan tâm chăm sóc như những người thân trong gia đình, thế này là hạnh phúc lắm rồi”.

Công việc hằng ngày của các sư cô và những người làm công quả thường bắt đầu lúc 5 giờ. Họ dọn dẹp vệ sinh, thay quần áo cho các cụ ở khu vực bệnh nặng, do đa phần các cụ bị liệt hoặc tinh thần không còn minh mẫn. Sau đó là lo cho các cụ ăn sáng. Cụ nào khỏe thì tự ăn, còn các cụ yếu hoặc bị liệt, các sư cô, những người làm công quả phải đem cơm đến tận giường đút từng muỗng cơm, miếng nước.

Cô Hoàng Thị Lợi, làm công quả tại chùa, cho biết: “Có nhiều cụ già bị lẫn, không thể tự lo vệ sinh. Nhiều lúc vừa thay quần áo cho các cụ xong, lúc sau đã thấy khắp người các cụ bị bôi bẩn, mọi người lại phải rửa ráy, thay quần áo cho các cụ. Có coi các cụ như người ruột thịt mới chăm sóc được như vậy”.

Thầy Thích Trí Hiển, trụ trì chùa Di Lặc, tâm sự: “Nhiều cụ bị mất trí, ốm yếu, những lúc trái tính trái nết nói lảm nhảm suốt ngày. Thế nhưng, bao nhiêu người là bấy nhiêu cảnh đời thương tâm. Có cụ ngày nào cũng khóc lóc, ngóng ra cửa đòi về nhưng con cháu không ai đoái hoài”.

Thầy Hiển cũng cho biết chính quyền quận Bình Tân cũng như phường Bình Hưng Hòa A luôn nhiệt tình ủng hộ nhà chùa về nhiều mặt. Những ngày lễ lớn, đại diện nhiều cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân thường đến thăm và tặng quà. Bệnh viện quận Bình Tân cũng thường xuyên đến khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các cụ. Tất cả đều mong các cụ có cuộc sống tốt đẹp hơn ở phần còn lại ngắn ngủi của cuộc đời!


http://nld.com.vn/20110501091226899p0c1042/noi-tinh-yeu-thuong-toa-sang.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến