Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Vài thí dụ về nhân quả (Bạch Liên)

The law of cause and effect (karma) is natural and scientific. Master its principle and one can master one's destiny.

Trích: "NHÂN QUẢ"
Tác giả BẠCH LIÊN
1971
www.thongthienhoc.com

CHƯƠNG THỨ NHỨT: CÁC TÔN GIÁO ĐỀU CÓ DẠY NHÂN QUẢ

CHƯƠNG THỨ NHÌ: VÀI THÍ DỤ VỀ NHÂN QUẢ

Quí bạn thường nghe nói về Nhân Quả; song phần đông cho là chuyện viễn vông, xa vời không biết đâu mà tin, vì không thấy trước mặt như hai với hai là bốn.

Nhưng quí bạn hãy chịu khó suy nghĩ một chút thì thấy Nhân Quả là chuyện xảy ra hằng ngày, trong mình ta, trong nhà, ngoài đường và chỗ nào cũng có. Tôi xin kể vài thí dụ cho quí bạn nghe :

Một người kia trợt té, trầy đầu gối. Trợt té là nhân, trầy đầu gối là quả. Cầm một tách nước đổ trên bàn, cái bàn ướt. Đổ nước trên bàn là nhân, cái bàn ướt là quả. Siêng năng, cố gắng và biếng nhác là nhân; học giỏi, học dở là quả.

Cần kiệm thì dư giả, xài phá thì thiếu hụt. Cần kiệm và xài phá là nhân; dư giả, thiếu hụt là quả. Chưởi người, đánh người thì bị người chưởi lại, đánh lại. Chưởi người, đánh người là nhân; bị người chưởi lại, đánh lại là quả. Đồ ăn sanh ra máu huyết, xương thịt. Đồ ăn là nhân; máu huyết, xương thịt là quả. Trồng hường thì hường mọc lên, trồng đậu thì đậu mọc lên. Không khi nào gieo lúa mà mọc ớt bao giờ.

Luôn luôn có Nhân thì có Quả, nhưng có khi Quả tới mau hay chậm là tùy theo tánh cách và trường hợp của Nhân.

Cấy lúa thì tùy theo giống, ba tháng hay sáu tháng gặt được, còn trồng xoài, sáu bảy năm mới có trái, v.v…

Trong trời đất toàn là những cuộc tuần huờn do một dọc nhân và quả nối tiếp nhau, nhân nầy sanh ra quả kia, quả kia lại thành ra nhân nọ.

Trở lại thí dụ ta té trầy đầu gối; ta trầy đầu gối thì thân thể đau nhức. Trầy đầu gối khi trước là cái quả của cái té, mà bây giờ nó thành ra cái nhân, làm cho thân thể đau nhức thì ta ngủ không được. Cái quả thân thể đau nhức trở lại thành ra cái nhân làm cho ta mất ngủ.

Luật Nhân Quả mới nghe qua thì dễ hiểu, song thật sự nó cực kỳ khó khăn và vô cùng phức tạp, vì có những nguyên nhân do tư tưởng và ý muốn sanh ra cả chục kiếp trước nghĩa là sáu bảy ngàn năm rồi, chúng ta không tri ta được và dính liền với cả chục, cả trăm và cả muôn người khác nữa. Phải tu hành tới bực Chơn sư sắp lên mới rõ các chi tiết.

Luật Nhân Quả, luật Luân Hồi và luật Hy Sanh là ba luật rất quan trọng mà người học đạo phải biết một cách rành rẽ thì mới tiến mau. Ba luật nầy đều có liên quan mật thiết với nhau. Gây ra nhân lành hay dữ đều phải đầu thai đặng hưởng quả tốt hay quả xấu của mình đã tạo ra. Tới chừng nào người ta thật quên mình và hy sanh vì thương đời, không còn háo danh hay tư lợi nữa thì mới chặt được dây xiềng xích trói mình vào bánh xe luân hồi.

Thế nên biết được luật Nhân Quả dầu một cách tổng quát cũng nắm được số mạng mình trong tay, miễn là có chí khí và nhẫn nại sửa cách ăn thói ở của mình cho hạp với luật Trời, in theo những lời các vị giáo chủ dạy dỗ.

Sự khảo cứu về Nhân Quả chia ra làm sáu phần :

1)    Nhân quả là luật Thiên nhiên

2)    Cách gây ra Nhân quả

3)    Các thứ Nhân quả

4)    Ai định cách trả quả

5)    Cách diệt Nhân quả

6)    Những chuyện Nhân quả

1)- NHÂN QUẢ LÀ LUẬT THIÊN NHIÊN

Ta có thể nói rằng Nhân - Quả là luật Thiên nhiên, ở đâu cũng có nó, nó thâm nhập khắp nơi, không có loài nào tránh khỏi ảnh hưởng của nó.

Ta hãy xem một hiện tượng xảy ra. Hiện tượng nầy vừa là Quả, vừa là Nhân một lượt. Quả của một quá khứ và Nhân của một tương lai. Quả của quá khứ bởi vì có một nguyên nhân sanh nó ra, còn Nhân của tương lai bởi vì nó sanh ra một hiện tượng mới khác nữa.

Trong đời sự nối tiếp và sự liên lạc việc nầy với việc kia, người ta gọi là Luật Nhân Quả. Người ta gọi Luật căn bản, nhờ nó mới có trật tự, sự thăng bằng và tiến hóa của Nhân loại.

Trong trời đất, tất cả những hiện tượng xảy ra đều là những cuộc tuần huờn do một một dọc Nhân và Quả nối tiếp nhau, Nhân nầy sanh ra Quả kia, rồi Quả kia lại trở thành Nhân nọ. Nhân – Quả cứ tiếp tục từ Vũ trụ nầy qua Vũ trụ kia, từ Thái dương hệ nầy sang Thái dương hệ nọ; chớ không phải riêng gì dải Hành tinh, hay là kiếp sống của loài người và các loài khác mà thôi.

Các điều mà chúng ta gọi là Nhân – Quả hay là “Nghiệp” tiếng Phạn gọi là Cát ma (Karma). Karma có nghĩa là Hành động. Nhưng mà sự Hành động luôn luôn bao hàm sự Phản động. Vì vậy Karma có nghĩa là Động và Phản động một lượt. Sự Động và Phản động luôn luôn cân xứng với nhau và chống chỏi với nhau mãi.

Thí dụ: Ta lấy tay đập vào cái bàn thì tay ta bị dội lại. Sự dội lại là sự Phản động của cái bàn. Cầm trái banh liệng vào vách tường, nếu ta liệng nhẹ thì nó dội lại nhẹ, ta liệng mạnh thì nó dội lại mạnh.

Thế nào gọi là Luật Thiên nhiên?

Bây giờ ta nên hỏi: Luật Thiên nhiên là luật gì? Luật Thiên nhiên là một dọc Nhân Quả nối tiếp nhau theo thứ tự nhứt định và không đổi dời.

Thí dụ: Có A với B thì luôn có C theo một bên. Luật nầy không phải là một mạng lịnh, nó không bảo các ngài làm cái nầy, chớ không nên làm cái kia, hay là các ngài phải có A và B thì mới có C, mà nó lại nói: Nếu các ngài muốn có C thì phải hiệp A và B lại, hoặc nếu các ngài không muốn có C thì phải rán làm cho A dang xa B, hoặc nếu các ngài đem A cách xa B thì các ngài không có C.

Vì vậy ta có thể nói chắc chắn rằng Luật Thiên nhiên không phải là một luật bó buộc mà nó là một luật để giúp ta hành động cho đúng với Cơ Trời, nó dạy ta biết những điều kiện nào mà ta phải giữ nếu ta không muốn tạo thành hay là tránh xa một hiệu quả nhứt định.

Những Luật Thiên nhiên vốn bất di bất dịch và bất vi phản (inviolable). Nếu chúng nó đổi dời mãi thì không khoa học nào tồn tại được.

Không phải bữa nay khinh khí với dưỡng khí hiệp lại thành nước, rồi ngày mai hai thứ đó lại thành lửa; không phải bữa nay lửa nóng dữ dội rồi ngày mai nó lại lạnh như đồng, nếu bữa nay nước lỏng le rồi ngày mai nó đặc cứng thành nước đá là tại điều kiện của hoàn cảnh thay đổi. Bởi vậy tục ngữ Pháp có câu: “Biết thì làm được” (Savoir, c’est pouvoir).

Vì chưng dây Nhân Quả nối chằng chịt với nhau không thể tránh được cho nên người dốt nát phải bó tay chịu bất lực trước những Luật Thiên nhiên. Còn nhờ sự học hỏi rộng sâu ta thấu hiểu luật Trời thì ta dễ kiểm soát những động lực của ta sanh ra hầu tránh những kết quả không hay về sau nầy.

Luật Nhân Quả cắt nghĩa theo Khoa học

Vũ trụ là sự biểu hiện của khí lực. Khí lực có thể biến đổi ra điện, từ điện, nhiệt lực, ánh sáng v.v…

Mặt trời là một bầu khí lực lớn, còn điện tử là một bầu khí lực nhỏ. Kim thạch, thảo mộc, cầm thú hay là con người đều là những bầu khí lực, đây không phải là lời nói ngoa đâu, bởi vì xác thân của con người, thú vật, cây cỏ và kim thạch đều làm bằng những tế bào, mà mỗi tế bào đều do nhiều nguyên tử cấu thành.

Đem phân tích mỗi nguyên tử thì thấy:

a) Chính giữa là một hột gọi là nhân (noyau) chứa nhiều hột điện dương (dương điện tử - protons) và một số hột không chứa điện nào cả, gọi là trung hòa tử (neutrons);

b) Chung quanh nhân thì có những hột điện âm (âm điện tử - (électrons) xây tròn không khác nào những hành tinh xây quanh mặt trời. Chính giữa âm điện tử và nhân là khoảng trống không tuyệt đối. Ngày nay khoa học cho rằng vật chất tương đương với khí lực (matière – énergie) bởi vì khi khí lực hiện ra thì có một khối vật chất tiêu tan.

Sự biến đổi khí lực

Trong lúc ta ăn uống, dùng thuốc men thì ta thâu khí lực vô mình bởi vì đồ ăn hay thuốc men khi tiêu hóa thì biến thành máu huyết, xương thịt, hay là thêm sức mạnh cho ta.

Nếu ta dùng khí lực hay là sức mạnh nầy đặng làm những việc lành, việc phải, hữu ích cho đời thì ta gọi khí lực nầy tốt. Trái lại nếu ta dùng nó để làm việc dữ gây ra những sự khổ não cho đời thì người ta gọi khí lực nầy xấu. Thật sự khí lực nầy không tốt mà cũng không xấu, chỉ tại cách ta sử dụng nó thôi, cũng như điện, để đốt đèn, để nấu ăn, để chạy máy đều được mà dùng để giết người cũng được nữa.

Làm mất sự thăng bằng của Vũ trụ

Trọn đời, con người là một cái máy biến điện, nó thâu khí lực vô mình rồi biến đổi ra việc lành hay việc dữ.

Nhưng ta nên biết chung quanh cõi Hữu hình mà ta gọi là cõi Trần đây còn 6 thế giới khác nữa mà con mắt ta không thấy được, bởi vì nó làm bằng những chất khí, càng lên cao thì càng mảnh mai và càng tốt đẹp hơn chất khí làm ra cõi Trần nhiều lắm.

Bởi không thấy được nên tạm gọi chúng nó là cõi Vô hình.

Những thế giới Vô hình nầy bắt dưới kể lên thì là như vầy:

1/ Cõi thứ sáu là thế giới Tình cảm hay cõi Dục giới, cũng gọi là Trung giới (Plan astral).

2/ Cõi thứ năm là thế giới Tư tưởng hay là cõi Thượng giới, cõi Thiên đường hay là cõi Trí tuệ (Plan mental).

3/ Cõi thứ tư là thế giới Trực giác hay là cõi Bồ đề (Plan Bouddhique).

4/ Cõi thứ ba là thế giới Thiêng liêng hay là cõi Niết Bàn (Plan Nirvanique ou Nirvana).

5/ Cõi thứ nhì là thế giới Đại Thiêng liêng hay là cõi Đại Niết Bàn (Plan Paranirvanique ou Paranirvana).

6/ Cõi thứ nhứt là thế giới Tối Đại Thiêng liêng hay là cõi Tối Đại Niết Bàn (Plan Mahaparanirvanique ou Mahaparanirvana).

Sáu thế giới nầy cộng với cõi Trần là 7 cõi. 7 thế giới nầy thâm nhập với nhau và liên quan mật thiết với  nhau.

Bây giờ đây thí dụ ta đấm trên không một cái. Quả đấm của ta không đụng tới ai cả, nhưng khi ta giơ tay đấm thì ta phóng ra một lực lượng đụng tới những lực lượng khác trong vũ trụ làm cho mất sự thăng bằng của chúng nó.

Ta nên biết rằng trong trời đất vạn vật đều tuân theo luật thăng bằng và luật điều hòa. Nếu có cái chi làm chinh sự thăng bằng và sự điều hòa thì sự vật phản động đặng lập lại sự quân bình như trước. Ấy là thuyết “thế lực quân hoành” (Equilibre des forces) của khoa học và nhờ vậy mà toàn thể khí lực không bao giờ mất.

Trở lại câu chuyện quả đấm của ta khi nảy, khi ta làm mất sự thăng bằng của các lực lượng khác thì lẽ dĩ nhiên chúng phản động lại xuyên qua ta đặng lập lại sự quân bình như khi trước. Nghĩa là, ta phải lãnh lấy hậu quả của những việc mà ta đã làm.

2)- BA CÁCH GÂY RA NHÂN QUẢ

Có ba cách gây ra Nhân Quả:
  • Một là: Tư tưởng;
  • Hai là: Ý muốn và tình cảm;
  • Ba là: Lời nói và việc làm.
Bởi vì khi ta,
  • Tưởng đến một điều gì,
  • Muốn một điều gì,
  • Nói, hay làm một điều gì
thì ta sanh ra một lực lượng động đến:

1)- Những lực ở thế giới Tư tưởng (Cõi Thượng giới);

2)- Những lực ở trong thế giới Tình cảm (Cõi Trung giới hay là Dục giới);

3)- Những lực ở trong thế giới Hữu hình hay là cõi Trần nầy.

Hiểu như vậy có thể nói: Mỗi lần ta tư tưởng, ta ham muốn, hay là ta nói năng hành động, ta sửa đổi vị trí của ta đối với Vũ trụ và vị trí của Vũ trụ đối với ta.

Hễ ta cắt nghĩa về Nhân Quả thì ta phải nói tới những lực và những hiệu quả của chúng. Những lực nầy thuộc về cõi Trần, hữu hình nầy, hoặc thuộc về thế giới Tình cảm hoặc thuộc về thế giới Tư tưởng.

Cả ngày lẫn đêm, mỗi giờ, mỗi phút ta đều diễn động ba thứ lực nầy và tùy cách ta sử dụng chúng, ta giúp đỡ, hay là ta cản trở đường tiến hóa của những kẻ khác bởi vì không phải ta ở riêng biệt một mình giữa cõi Trần mà ta vẫn sống chung với Nhân loại, một khối duy nhứt, hiện giờ gồm bốn ngàn triệu linh hồn như  ta. Mỗi tư tưởng, mỗi ý muốn, mỗi tình cảm, mỗi lời nói và mỗi việc làm của ta đều cảm tới những người đồng loại, luôn cả các loài thú vật, cây cỏ, kim thạch và tinh chất ở chung quanh ta. Ai ở gần ta chừng nào thì chịu ảnh hưởng nhiều chừng nấy.

Rồi một thời gian sau, tùy theo bản tánh của chúng, ta phải lãnh lấy cái Phản động lực, tốt hay xấu, lành hay dữ, không trốn tránh đường nào cho khỏi được.

Tới đây quí bạn đã thấy: Luật Nhân Quả là luật bảo tồn toàn thể khí lực của Vũ trụ không cho tiêu tan chớ nào phải chuyện dị đoan phi lý …

Nhờ nó dạy ta phải hành động cách nào cho hợp với cơ Trời, ta tiến tới mau và không gây quả xấu về sau cho người và cho ta một lượt.

Đừng phạm luật Trời

Xin nhớ: hễ luật Trời thì đừng vi phạm, vi phạm thì sẽ bị trả quả bởi vì trong vũ trụ các luật đều quân bình. Nếu luật nào bị mất quân bình thì luật đó sẽ phản động trở lại quân bình như xưa. Chúng ta không thể thủ tiêu một luật thiên nhiên nào cả và cũng không thể ngăn cản nó không cho nó hành động được; nhưng chúng ta có thể đem một luật khác chống với nó. Nếu hai sức mạnh bằng nhau thì luật trước không còn hiệu lực nữa; ta đổi chiều hướng của sự hành động của nó rồi. Ví bằng luật ta dùng yếu hơn luật trước thì luật trước sẽ có ảnh hưởng đến ta, nhưng sức mạnh của nó đã giảm tùy theo sức đối chọi của luật ta sử dụng.

Thí dụ: ta thảy trái banh vô vách, trái banh sẽ đụng vách, nếu không có cái cho ngăn cản nó. Bây giờ có một người khác đưa ra một tấm ván chính giữa nó và vách, khi nó đụng tấm ván thì nó dội ngược, nó không đi tới vách được mà đi qua ngã khác. Xin lấy luật hấp dẫn hay hấp lực (loi d’attraction) mà giải thêm nữa, theo luật nầy vạn vật đều bị rút xuống trung tâm trái đất.

Ta hãy bắt một cái thang rồi trèo lên. Lúc trèo, ta bị hấp lực đè xuống nhưng ta dùng một luật khác chỏi với nó, luật đó là sức mạnh của bắp thịt ta. Sức của ta dùng thắng hấp lực, nên ta mới leo lên được, tới chừng nào ta mỏi mệt, hấp lực thắng, ta phải ngừng lại.

Chung quanh ta là những luật Trời, ta phải học rành rẽ đặng áp dụng vào đời sống hằng ngày của ta, nhờ vậy ta mới tiến mau. Muốn áp dụng luật nào ta phải học rành rẽ luật đó và phải tuân theo nó trước, nhiên hậu mới điều khiển nó được. Nói một cách khác, muốn chinh phục tạo vật trước hết ta phải tùng phục nó. (La nature est conqise par l’obéissance).


(Còn tiếp)

http://www.thongthienhoc.com/sach%20nhan%20qua.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến