Thứ Tư, 9 tháng 11, 2011

Phật Pháp: Tu tập giáo lý vô ngã đoạn trừ tham ái

Đạo Phật xuất hiện giữa cõi đời được xem như là nguồn sống và chân lý sống cho con người, là linh dược để trị liệu tâm bệnh cho chúng sinh. Với sứ mạng thiêng liêng cao cả ấy, đạo Phật đi vào đời và gắn liền với cuộc sống, đối diện với sự thật của khổ đau để từ đó tìm ra những phương pháp linh diệu để diệt trừ khổ đau, đem lại niềm hạnh phúc an lạc cho con người, xây dựng cuộc sống tốt đẹp, xã hội văn minh lành mạnh, thế giới hòa bình. Tinh thần cao đẹp ấy đã thể hiện trong suốt 49 năm hành trình thuyết Pháp độ sinh của đức Phật. Ngài đã chỉ ra sự thật khổ đau và con đường diệt khổ.
Quả thật cuộc sống của con người vui ít, khổ nhiều. Những thất vọng chán chường, mâu thuẫn và những bi kịch thường diễn ra trên sân khấu của cuộc đời. Chúng ta thấy rằng kiếp sống con người như phù du tạm bợ, ai sinh ra đời cũng phải một lần sinh và lần tử. Định luật vô thường thật khắc nghiệt với loài người. Từ xưa đến nay chưa có một bậc “Vĩ nhân” nào tìm ra phương pháp giải thoát cái chết của kiếp người. Lành thay! Đức Phật xuất hiện giữa cõi đời như là một bước ngoặt trọng đại cho nhân loại. Ngài tìm ra con đường giải thoát cho chính Ngài và cho tha nhân. Ngài đã mở cánh cửa bất tử và vén bức màn vô minh để đưa chúng sinh thoát khỏi đêm trường đầy khổ lụy.
 Mọi người thường quan niệm rằng “chết là hết”, “chết trở về các bụi” vì thế họ bi quan yểm thế, chán nản kiếp sống vô thường, và họ sống buông xuôi theo dòng đời, đắm say vào ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) để cho thỏa mãn tâm dục vọng của con người. Nhiều người bảo rằng: “Còn sống nên hưởng thụ chết rồi còn đâu nữa để hưởng thụ”. Từ quan niệm sai lầm ấy con người tạo vô số điều ác: mưu mô chước quỷ, thủ đoạn lường gạt, tham nhũng, buôn gian bán lận, giết người cướp của, cờ bạc, rượu chè, hiếp dâm…tất cả những tội đó cũng chỉ để thỏa mãn cái tâm dục vọng đê hèn. Những nghiệp ác này tích tụ vào tâm thức, sau khi chết chẳng mang theo được gì, chỉ mang theo những thứ tội lỗi rồi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi (thiên, nhân, a tu la, địa ngục, ngã quỷ, súc sinh) để trả quả báo.
Nhưng đức Phật bảo rằng chết không phải là hết, vì thế đức Phật đưa ra thuyết luân hồi tái sinh, phụ thuộc vào nghiệp lực tạo tác của mỗi con người. Làm thiện thì được sinh về cõi lành, làm ác bị đọa vào cảnh giới khổ đau (thuyết luân hồi, nhân quả) của đạo Phật giúp cho con người biết trở về cách sống đạo đức nhân bản, làm lành lánh dữ, giúp cho xã hội bình an, đời sống văn minh và tốt đẹp, thế giới hòa bình. Nếu những ai thực hành theo lời dạy của Ngài sẽ thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi và chứng đắc cảnh giới Niết Bàn an lạc, đây là mục tiêu tối hậu cho những người học Phật.
Giáo lý của đức Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn tu được tóm thâu trong ba môn học: Giới, Định, Tuệ nhưng cũng chỉ cùng một vị đó là vị giải thoát. Do vì chúng sinh chấp “Ngã” cho nên đức Phật đã thuyết giáo lý “Vô ngã”. Vô ngã một trong Tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã). Giáo lý vô ngã được xem như là chìa khóa vạn năng để chúng ta tự mở cửa giải thoát, chính giáo lý Vô ngã giúp chúng ta dập tắt ngọn lửa tham ái ẩn tàng trong tâm đang rạo rực bùng cháy hằng ngày.
Vô ngã (tiếng Sanskrit: anātman, tiếng Pāli: anattā), theo quan điểm của đạo Phật cho rằng không một “ngã” (ātman) một cái gì đó tồn tại, bất biến, nhất quán một cách độc lập nằm bên trong sự vật hiện tượng, mà các pháp biến đổi theo bốn giai đoạn (sinh, trụ, dị, diệt) hoặc (thành, trụ, hoại không). Đức Phật dạy chúng ta giáo lý Vô ngã để thấy rằng sự vô thường của các sự vật hiện tượng, không có một cái ngã tồn tại, không có chủ tể, vì ngoại đạo thường hay chấp thường chấp đoạn, Phật thuyết giáo lý vô thường. Ngoại đạo chấp ngã, Phật thuyết vô ngã để thấy rằng bản chất của vạn pháp là do duyên sinh giả hợp mà thành, hết duyên thì hoại, nó không có cái gì tồn tại để từ đó giúp hành giả đoạn trừ tâm tham ái. Chúng sinh vì căn tánh, trí tuệ sáng suốt (Phật tính) bị vô minh che lấp nên không thấy rõ chân lý của cuộc đời, của vạn pháp có sinh ắt có diệt, các pháp vô thường cho là thường, các pháp vô ngã cho là ngã, từ đó tâm vọng tưởng điên đảo chấp ngã thân của ta, nhà cửa tài sản của ta…để rồi ôm ấp nắm giữ không buông, khi nhắm mắt xuôi tay thì sinh lòng tham đắm lưu luyến, bị sinh tử luân hồi.
Trong cuộc sống con người luôn nắm bắt ý niệm “tôi” và “của tôi” vì vậy con người dong ruổi vật lộn với cuộc sống để tìm cầu, con người không ngừng tự gieo khổ cho mình và cho người khác, biến cuộc đời thành bể khổ không lường. Cho nên đức Phật thuyết giáo lý Vô ngã để xóa bỏ ý niệm về cái “ta”, là diệu dược chữa trị tâm bệnh tham ái của chúng sinh, hầu mang lại hạnh phúc an lạc hơn khi con người không còn quan niệm cái “ta” hiện hữu, thì lúc ấy lòng nhân ái chan hòa vị tha vô lượng khởi lên.
Khái niệm Vô ngã trong đạo Phật là để nhận chân sự vật hiện hữu do duyên sinh tạo thành mà có rồi biến đổi vô thường hủy diệt. Nhưng thể tánh của sự vật lại chơn thường, tâm cảnh thì có sinh có diệt, Phật tính thì bất sinh bất diệt. Cho nên dùng “Trí tuệ bát nhã quán thân ngũ uẩn giai không độ tất cả khổ ách”. Nhờ giáo lý Vô ngã mang đến đời sống tích cực diệt trừ tâm tham ái mang lại hạnh phúc an lạc ngay trong đời này và xây dựng một cuộc sống chân thiện mỹ cho gia đình, xã hội.
Chúng ta thực hành giáo lý vô ngã sẽ xây dựng cuộc sống từ bi, bình đẳng, có nhân quyền, công bằng trong cuộc sống, xã hội bình yên không có chiến tranh giữa các quốc gia xảy ra, không có sự kỳ thị chủng tộc cộng đồng và tôn giáo, vì thế đức Phật thiết lập giáo lý Vô ngã.
Ngày nay, con người vì cái “ngã” đã chạy theo những tài sản vật chất, danh lợi địa vị, quyền lợi quốc gia, chiếm đất đai những đất nước khác. Cũng vì mục đích riêng cho quốc gia của mình, vì cái “ngã” lãnh đạo quốc gia, cai trị độc đảng, độc tài, không có nhân quyền, tham nhũng quơ quét của dân tạo nên sự câm phẫn trong lòng dân, “tức nước sẽ lở bờ” – đó là quy luật tất yếu, dân chúng biểu tình, chiến tranh xảy ra thảm khốc, gieo rắc tai họa cho con người. Vì thế, sự tai hại của cái “ngã” rất lớn và nghiêm trọng. Nếu quốc gia nào dùng chính sách theo lý tưởng Vô ngã mọi người sống bình đẳng, có nhân quyền, làm việc với tinh thần vô tư không cầu lợi, nghĩ lợi ích chung cho quốc gia hơn là cung phụng cho cái “ngã” của mỗi cá nhân, thì quốc gia ấy sẽ bền vững được dân chúng tin tưởng, thì chế độ ấy được tồn tại bền lâu.
Lịch sử chứng minh cho chúng ta thấy rằng, quốc gia nào trên thế những người lãnh đạo mang tư tưởng độc tài, độc đảng cai trị, không có nhân quyền, thì dân chúng sẽ bạo loạn, chế độ sẽ sụp đổ, một minh chứng như nước Libya. Nguồn gốc dẫn đến sự xung đột nguyên nhân chính là sự bảo thủ cố hữu (chấp ngã) của người lãnh đạo quốc gia. Muốn giải quyết đoạn trừ nguyên nhân ấy đòi hỏi con người phải thay đổi tư tưởng, sống trong tình thương, có lòng vị tha, biết lắng nghe sửa đổi cái sai, cái bảo thủ của mình, tạo mối mật thiết với những quốc gia khác, không tạo ra sự hiềm khích, ganh tỵ, kiêu căng, tham nhũng hối lộ, dẹp bỏ mọi thành kiến giữa cá nhân và cá nhân, quốc gia này với quốc gia khác, biết lắng nghe tôn trọng mọi ý kiến để sửa đổi tư duy hữu ngã. Những tư tưởng độc tài, bảo thủ “chấp ngã”, đức Phật đã dạy mọi người từ bỏ cách đây hơn 2500 năm, tư tưởng ấy không làm cho xã hội văn minh phát triển, chỉ đưa con người đi vào sự nghèo nàn khổ đau. Cho nên hòa bình không thể dùng chiến tranh để giải quyết, Đức Phật dạy rằng: “chiến tranh nào cũng đem đến sự khổ đau vô lượng vô biên, chiến thắng sinh thù oán, bại trận sinh khổ đau. Cho nên phương pháp duy nhất là đừng có chiến tranh để giải quyết xung đột, phải tìm mọi phương pháp hòa bình để chấm dứt các bất đồng ý kiến và xung đột”. Như vậy: “Hòa bình là một kết quả ý chí quyết liệt và cuộc đấu tranh kiên cường để tự thắng bản thân là một vấn đề tự giáo dục, tự huấn luyện, dân chúng có thể yêu quý hòa bình như là một báu vật cần thực hiện”.
Ngược lại con người sống không có tình thương yêu lẫn nhau, cuộc sống chấp ngã trở nên khổ đau phát sinh nhiều sự xung đột nội bộ như Nam Hàn và Bắc Hàn những cuộc chiến tranh hiện nay như: Libya, Bờ Biển Ngà,…cũng phát sinh từ những người lãnh đạo có tư tưởng theo chủ nghĩa bảo thủ, độc tài “chấp ngã”. Đất nước không có nhân quyền, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, giáo dục, văn hóa xã hội xuống cấp nghiêm trọng, vì thế nên dân chúng dễ dàng đứng lên để lật đổ chế độ độc tài. Đó là một tấm gương cho những quốc gia nào mang tư tưởng độc tài, độc đảng, không tôn trọng nhân quyền, không biết lắng nghe sửa đổi cái sai của mình tìm mọi cách để bảo vệ chế độ thì trước sau, sớm hay muộn chế độ ấy cũng bị sụp đổ. Theo quan điểm của đạo Phật mọi người biết sống và làm việc theo tinh thần “Vô ngã” đừng có lợi ích cá nhân, quốc gia có nhân quyền bình đẳng trong xã hội, làm việc với tinh thần bình đẳng, biết lắng nghe tôn trọng mọi ý kiến đóng góp xây dựng để sửa đổi đưa xã hội phát triển, thì chắc chắn rằng xã hội ấy, quốc gia ấy được ấm no hạnh phúc, dân giàu nước mạnh. Còn sống trong tư tưởng bảo thủ độc tài chỉ có mục đích duy nhất cung phụng cho mỗi bản “ngã” mỗi cá nhân con người mà thôi, không bao giờ đưa xã hội phát triển văn minh.
Ngày nay, chúng ta cũng thấy rằng: đạo đức vốn có của con người bị suy thoái toàn diện, những giá trị nhân bản đạo đức làm người cũng không có như: giết người cướp của, cờ bạc rượu chè, xì ke ma túy, hiếp dâm, tham nhũng,…giáo dục xuống cấp, văn hóa đồi trụy…những tội lỗi này cũng vì phục vụ cho dục vọng đê hèn của cái “Ngã”. Nguyên nhân chính cũng vì lòng tham ái mà ra, nhưng nhìn nhận khách quan hơn do xã hội kinh tế nghèo nàn, chênh lệch giữa giàu và nghèo quá lớn, những người có quyền có chức thì giàu sang tột bậc, nông dân thì đói khổ. Mặc dù họ biết giết người cướp của là phạm tội tử hình, nhưng vì sự sống để bảo vệ cái “ngã” họ vẫn làm. Nếu một quốc gia nào biết lo đời sống nông dân ấm no hạnh phúc, sự chênh lệch giàu nghèo không có thì chắc chắn rằng quốc gia ấy sẽ không có vấn đề tệ nạn xã hội, cướp của giết người…Thời cuộc, hoàn cảnh xã hội đầy rẫy điều xấu làm cho đạo đức xã hội bị băng hoại, luân thường đạo lý bị đảo lộn, con người chà đạp lên sự sống nhân phẩm của người khác để kiếm sống. Trước một xã hội như thế thì phương pháp, diệu dược để trị liệu hữu hiệu nhất là con người sống phải xóa bỏ bản “ngã”. Có cái nhìn sáng suốt (chánh kiến), hành động đúng đắn trong công việc (chánh nghiệp), suy nghĩ đúng đắn (chánh tư duy), sống một cách đúng đắn đạo đức làm người (chánh mạng). Nói chung, con người biết áp dụng tu tập vào Bát chánh đạo và tuân thủ năm giới căn bản nền đạo đức làm người trong xã hội (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) để tu tập diệt trừ ái dục của con người thì chắc chắn rằng giá trị nhân bản đạo đức của người không bao giờ đánh mất. Như vậy mới kiến tạo một xã hội có nền đạo đức văn hóa tốt đẹp, đưa cuộc sống con người trở về chân thiện mỹ. Đó là một chân lý không phải những điều mang tính chất trừu tượng siêu hình, phù phiếm. Do vậy chúng ta biết quay về với đạo Phật là quay về cuộc sống chân thiện mỹ, quay về chính mình để tìm lại hạt minh châu (Phật tính) từ lâu bị chôn vùi dưới dòng sông ái dục và cát bụi của vô minh, chúng ta biết thức tỉnh tu tập để đoạn trừ cái “Ngã” đạt đến tinh thần “Vô ngã”, thì bấy giờ chúng ta đang sống trong cảnh giới Niết bàn an lạc vô sanh bất diệt.

Trí Giải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến