Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

Nhạc: Phước thiện bố thí (Dānakusala) nhạc chế lời từ bài Hào Hoa


Bấm chuột vào hình mặt người để nghe nhạc

PHƯỚC THIỆN BỐ THÍ (DĀNAKUSALA)
Chế lời: Thích Trí Giải
Trình bày: Thanh Trì
Chế lời từ bài: Hào Hoa
Bảo rằng ngày nay, những ai làm phước, làm lành
Sẽ được giàu sang, bởi do làm phước mà ra
Đời vui biết chừng nào, lòng không có muộn phiền
Hỏi mọi người, có người nào mà không mơ ước
Những gì tạm đây, vẫn chưa được thấy hài lòng
Dẫu rằng ngày nay, đời ta chẳng kém gì ai
Nào ai biết được rằng, giàu sang đến chừng nào
Cũng là giàu sang hữu lậu, là phù vân vậy thôi
Phù vân là gì? Có, không, rồi tan, còn gì Từ bi là gì?
Với tâm thường hay làm lành
Là thực hành lợi tha, vô tâm mà bố thí
Ta giúp cho nhiều người không đau thương
Với lòng từ bi chúng ta thường phải hành trì
Bởi lòng từ bi xóa tan mọi thứ khổ đau
Giàu sang phát lòng từ, thành tâm giúp mọi người
Để nhiều người khỏi muộn phiền, thì niềm vui nào hơn
4c74b3ac_234b4a34_baiphat_yb

PHƯỚC THIỆN (PUÑÑAKUSALA)
Trong tam giới, con người nói riêng, tất cả chúng sinh nói chung, thân tâm được an lạc đó là quả của phước thiện.
Người có nhiều phước thiện cho quả, trong đời sống được nhiều an lạc, có ít khổ cực.
Người có ít phước thiện cho quả, trong đời sống được ít an lạc, có nhiều khổ cực.
Phước thiện thuộc về danh pháp (nāmadhamma) hay thuộc về thiện tâm, không phải vật chất, nên khó thấy, khó biết, chỉ có bậc có trí tuệ, có thần thông mới có thể biết người nào có phước thiện.
Trong đời này, có số người được giàu sang phú quý, có chức cao quyền lớn..., người ta thường gọi: "người ấy có phước lớn"; nên hiểu rằng đó là cách gọi theo quả phước thiện, không phải gọi theo nhân phước thiện. Nếu muốn gọi cho đúng và chính xác thì nên gọi: "người ấy hưởng quả phước lớn". Như bà Visākhā gọi ông phú hộ Migara, cha chồng của bà "dùng đồ cũ", có nghĩa là hưởng quả của phước thiện bố thí từ kiếp trước; trong kiếp hiện tại không tạo nhân phước thiện bố thí.
Trong bộ Petavatthu: Tích ngạ quỷ, có những ngạ quỷ tiền kiếp đã từng là phú hộ.
Cho nên, kiếp hiện tại, người nào được giàu sang phú quý,... kiếp vị lai người ấy không chắc được giàu sang phú quý... như vậy. Bởi vì, sự giàu sang phú quý... là quả của phước thiện bố thí; khi hưởng quả giàu có, mà không tạo thêm nhân phước thiện bố thí, có tâm keo kiệt bỏn xẻn trong của cải ấy, sau khi chết do năng lực ác nghiệp cho quả tái sanh vào hàng ngạ quỷ, chịu cảnh đói khát, khổ cực; dầu do thiện nghiệp nào đó cho quả được tái sanh làm người, thì cũng là người nghèo đói, thiếu thốn khổ cực. Vậy, chỉ có phước thiện cho quả mới hỗ trợ cho chúng sinh được an lạc mà thôi.
Phước Thiện Là Gì?
Theo Phật giáo: Danh từ Phước dịch ra từ Pāḷi là Puñña. Danh từ Thiện dịch ra từ Pāḷi là Kusala.
Puñña: phước: có nghĩa là trạng thái làm cho tâm của mình được trong sạch khỏi phiền não. Ngược với phước làtội (pāpa) là trạng thái làm cho tâm bị ô nhiễm bởi phiền não.
Quả báu của phước là sự an lạc thân – tâm.
Kusala: thiện: có nghĩa là trạng thái tiêu diệt ác pháp. Ngược với thiện là bất thiện (akusala) chính là ác pháp.
Quả báu của thiện là sự an lạc thân – tâm.
Cho nên, phước và thiện đồng nghĩa với nhau.
Phước (puñña) thường thấy trong Kinh tạng, có nghĩa hẹp.
Thiện (kusala) thường thấy trong Vi diệu pháp tạng, có nghĩa rộng.
Phước sanh lên do bởi nhiều nhân duyên, trong Puññakiriyāvatthu: Hành động tạo nên phước thiện, có 10 pháp:
1- Bố thí (dāna).
2- Giữ giới (sīla).
3- Hành thiền (bhāvanā).
4- Cung kính (apacāyana).
5- Giúp đỡ trong việc thiện (veyyāvacca).
6- Hồi hướng – chia phước (pattidāna).
7- Hoan hỉ với phước của người khác hồi hướng (pattānumodanā).
8- Thuyết pháp (dhammadesanā).
9- Nghe pháp (dhammassavanā).
10- Chánh kiến (diṭṭhijukamma).
Ðó là 10 pháp để phát sanh, tạo nên phước thiện.
Tập sách nhỏ này đề cập đến phước thiện bố thí.
Bố thí để tạo phước thiện là thí chủ sử dụng của cải tiền bạc... và cả sự hiểu biết của mình đem ban bố cho người khác với thiện tâm tế độ, mong mỏi sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc đến cho người khác, chúng sinh khác. Sự bố thí như vậy gọi là phước thiện bố thí.
Sự bố thí để trở thành dục giới thiện nghiệp, thí chủ cần phải có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) trong sạch, không bị tham, sân, si... làm ô nhiễm.
Nếu sự bố thí này thuộc về dục giới thiện nghiệp, thì cho quả báu trong cõi dục giới như giàu sang, phú quý, có nhiều của cải, tiền bạc, có quyền cao chức trọng... đời sống sung túc, được an lạc, song vẫn còn quanh quẩn trong cảnh khổ tử sanh luân hồi.
Nếu sự bố thí này trở thành bố thí ba la mật là 1 trong 10 pháp hạnh ba la mật, thì hỗ trợ cho các ba la mật khác, dẫn đến sự thành tựu siêu tam giới thiện pháp, đó là sự chứng đắc 4 Thánh Ðạo liền cho quả là 4 Thánh Quảtrở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.
Bố thí để trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật, khi thí chủ bố thí, với thiện tâm hoàn toàn trong sạch, không bị ô nhiễm bởi tà kiến, tham ái, ngã mạn và hợp với tâm bi, đức tin, trí tuệ phát nguyện chỉ mong chứng ngộ Niết Bàn, mong trở thành bậc Chánh Ðẳng Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc bậc Thánh Thanh Văn Giác trong hạng nào đó mà thôi. Ngoài ra không cầu mong trở thành phú hộ, vua chúa, chư thiên, vua trời.... Như vậy, sự bố thí ấy mới trở thành pháp hạnh bố thí ba la mật.
Nguyên nhân không bố thí
Những hạng phàm nhân sanh ra trong đời này vốn có đầy đủ 12 bất thiện tâm: 8 tham tâm + 2 sân tâm + 2 si tâm; 108 loại tham ái; 1.500 loại phiền não; họ không có duyên lành gặp được bậc Thiện trí, không được lắng nghe, học hỏi chánh pháp của bậc Thiện trí, nên không hiểu biết thế nào là thiện pháp, ác pháp, phước, tội, chánh, tà, v.v... nên không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Những hạng phàm nhân nào vốn có tâm si mê cố hữu, thêm vào tâm keo kiệt bỏn xẻn trong của cải, trong sự hiểu biết của mình; nên không muốn đem ban bố cho người khác, chúng sinh khác. Ðó là nguyên nhân không bố thí được.
Người tham thường nghĩ rằng: "Cho hết, lấy gì để dùng!".
Bậc trí thường dạy rằng: "Dùng hết, lấy gì để bố thí!", mà không làm phước bố thí, thì do đâu sanh được nhiều của cải. Cũng như, có bao nhiêu hạt giống ăn hết, thì mong gì sanh được nhiều quả khác!
Suy xét làm phước thiện bố thí
Những tiền kiếp Ðức Bồ Tát đã từng tạo nhiều phước thiện bố thí, do thiện nghiệp ấy cho quả thường tái sanh trong dòng vua chúa, hoặc gia đình phú hộ có nhiều của cải. Khi cha mẹ qua đời, Ðức Bồ Tát được thừa hưởng toàn bộ gia tài của cha mẹ để lại.
Ngài xuy xét rằng: "Toàn bộ của cải này, ông bà cha mẹ để lại, không có một ai mang theo được một thứ nào cả, đến phiên ta, chắc chắn ta cũng chẳng mang theo được. Ðiều tốt hơn hết, ta nên sử dụng của cải này đem làm phước bố thí, như vậy, không những về phần ta có được phước thiện, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an lạc ở kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai lâu dài, mà ta còn có thể hồi hướng phước thiện ấy đến cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của ta nói riêng và tất cả chúng sinh nói chung. Nếu họ hay biết hoan hỉ phần phước bố thí thanh cao này, chắc chắn họ sẽ thoát khỏi cảnh khổ, được tái sanh cảnh thiện giới (sugati), hưởng được sự an lạc lâu dài; nếu họ đang hưởng an lạc ở cảnh thiện giới nào rồi, họ hoan hỉ phần phước thiện này, thì sự an lạc càng thêm tăng trưởng đối với họ.
Suy xét rằng: mọi thứ của cải này liên quan đến 5 tai nạn:
Tai nạn do lửa cháy thiêu hủy.
Tai nạn do nước ngập lụt cuốn trôi.
Tai nạn do trộm cướp chiếm đoạt, sát hại chủ nhân.
Tai nạn do Ðức Vua tịch thu.
Tai nạn do người không ưa thích chiếm đoạt....
Như vậy, mọi thứ của cải trong đời, không chắc chắn thuộc về của riêng ai cả, chỉ là của chung cho tất cả mọi người; hễ ai có phước thì được hưởng. Nay ta là người đang thừa hưởng, là chủ nhân của cải này, nếu ta sử dụng của cải này đem làm phước thiện bố thí, giúp đỡ những người khác, để tạo được phước thiện thuộc của riêng mình trở thành một thứ của báu được bền vững lâu dài, chắc chắn không có tai nạn nào làm hư hại, không có một ai chiếm đoạt được.
Suy xét rằng: sự thật, tất cả mọi thứ của cải này, không có tính chất bền vững lâu dài, cuối cùng chắc chắn phải bị hư hoại, tan nát không còn nữa. Nhưng nếu ta sử dụng của cải này đem làm phước bố thí, thì sẽ trở thành thiện nghiệp của riêng ta, có tính chất bền vững lâu dài, đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an laïc trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai nữa. Nếu được làm phước bố thí đến những bậc có giới đức trong sạch, sẽ cho quả báu vô lượng kiếp, lại còn tạo duyên lành trên con đường giải thoát khỏi tử sanh luân hồi, trong ba giới bốn loài nữa".
Ðức Bồ Tát thí dụ rằng:
Ngôi nhà bị cháy, người chủ nhà đem được đồ vật nào ra khỏi nhà, đồ vật ấy có ích lợi cho họ, những đồ vật còn lại trong nhà bị thiêu hủy hết, chẳng có ích lợi gì cho chủ nhà cả. Cũng như vậy, sắc thân này ví như ngôi nhà, luôn luôn bị cháy, bị thiêu hủy bởi 11 thứ lửa: lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già, lửa chết, lửa sầu não, lửa than khóc, lửa khổ thân, lửa khổ tâm, lửa thống khổ.... Biết sử dụng của cải đem ra làm phước thiện, thì trở thành thiện nghiệp là nơi nương nhờ an lành cho chủ nhân trong kiếp hiện tại lẫn nhiều kiếp vị lai.
Do sự suy xét đúng đắn như vậy, cho nên Ðức Bồ Tát sẵn sàng sử dụng của cải của mình đem làm phước thiện bố thí một cách dễ dàng, không có tâm keo kiệt bỏn xẻn nào có thể ngăn cản việc bố thí.
Dầu Ðức Bồ Tát tái sanh trong gia đình nghèo khổ, thiếu thốn, chịu cảnh đói khổ, Ngài cũng suy xét rằng: sở dĩ ta sống trong cảnh nghèo khổ, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, chịu cảnh thiếu thốn kiếp hiện tại này, là vì kiếp trước ta ít tạo phước bố thí. Nay kiếp hiện tại này, nếu ta không hoan hỉ tạo phước bố thí, thì kiếp sau ắt phải chịu khổ hơn kiếp này nữa.
Do sự suy xét đúng đắn ấy, bậc Thiện trí hoan hỉ làm phước bố thí đến những bậc có giới đức đáng kính, có ít, thì làm phước bố thí ít, theo khả năng của mình. Thật ra, phước thiện bố thí được nhiều hay ít hoàn toàn không tùy thuộc vào vật bố thí, mà tùy thuộc vào tác ý thiện tâm trước khi bố thí, đang khi bố thí và sau khi đã bố thí xong.
Nếu cả ba thời tác ý thiện tâm trong sạch, hoan hỉ trong việc bố thí, thì chắc chắn phước thiện bố thí được nhiều vô lượng.
Trong vòng tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài, mỗi chúng sinh chỉ là một người khách lữ hành tạm trú nơi này, cõi khác một thời gian ngắn hay dài, tuỳ theo tuổi thọ của mỗi chúng sinh, không có một ai có quyền thường trú lâu dài theo ý của mình được, dầu phạm thiên ở cõi trời vô sắc giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiên, là cõi trời tột bậc của tam giới có tuổi thọ dài nhất là 84.000 đại kiếp [đại kiếp là khoảng thời gian trải qua 4 a tăng kỳ thành-trụ-hoại-không của kiếp trái đất, thời gian lâu dài không thể tính bằng số lượng được], đến khi hết tuổi thọ ở cõi trời này cũng phải tái sanh xuống cõi thiện dục giới.
Chúng sinh sống trong tam giới gồm có 31 cõi là:
- Phạm thiên sống trong 4 cõi trời vô sắc giới, đang hưởng quả an lạc trong bậc thiền sở đắc của mình, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.
- Phạm thiên sống trong 16 cõi trời sắc giới, đang hưởng quả an lạc trong bậc thiền sở đắc của mình, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.
- Chư thiên sống trong 6 cõi trời dục giới, đang hưởng đầy đủ sự an lạc trong ngũ trần của mỗi cõi, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí. Nếu vị chư thiên nào muốn làm phước thiện bố thí, vị chư thiên ấy cần phải hiện xuống cõi người để tìm cơ hội làm phước thiện bố thí.
- Chúng sinh sống trong 4 cõi ác giới: địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh đang chịu quả khổ do ác nghiệp của mình đã tạo, nên không có cơ hội nào làm phước thiện bố thí.
- Con người trong cõi Nam thiện bộ châu, trên địa cầu mà chúng ta đang sống, có nhiều cơ hội làm phước thiện bố thí; còn con người ở 3 châu khác: Ðông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu, Bắc câu lưu châu, không có cơ hội, hoặc ít có cơ hội làm phước thiện bố thí.
Thật vậy, con người chúng ta ở cõi Nam thiện bộ châu này có nhiều điểm ưu việt hơn các hàng chúng sinh ở những cõi khác, đó là:
- Có thể xuất gia hành phạm hạnh cao thượng.
- Có thể tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba la mật, hoặc 20 pháp hạnh ba la mật, hoặc 30 pháp hạnh ba la mật, để trở thành bậc Thánh Thanh Văn Giác, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Ðức Phật Toàn Giác ngay ở cõi người này.
Tuy nhiên, con người chúng ta ở cõi Nam thiện bộ châu này cũng có những tính chất đặc biệt nữa là:
- Có thể tạo mọi thiện nghiệp đầy đủ 30 pháp hạnh ba la mật, để trở thành Ðức Chánh Ðẳng Giác vô thượng trong 10 ngàn thế giới chúng sinh.
- Có thể tạo mọi ác trọng nghiệp gọi là ngũ vô gián nghiệp: giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh A-ra-hán, làm cho Ðức Phật bầm máu, chia rẽ Tăng; đó là những ác nghiệp nặng nhất, mà các hàng chúng sinh trong cõi khác không thể tạo được.
Như vậy,
- Khi con người tạo thiện pháp có khả năng đạt đến mức cực thiện, trở thành đức Chánh Ðẳng Giác.
- Khi con người tạo ác pháp, có khả năng đạt đến mức cực ác: giết cha, giết mẹ..., chắc chắn sa vào đại địa ngục Avīci do ác trọng nghiệp của mình đã tạo.
Mặc dầu vậy, con người vẫn có quyền tối thượng: quyền chọn lựa tạo thiện pháp, hoặc tạo ác pháp. Cho nên, tái sanh làm người trong cõi Nam thiện bộ châu này có nhiều điều thuận lợi để tạo mọi thiện pháp.
Ðức Phật dạy: "Manussattabhāvo dullabho: Ðược tái sanh làm người là điều khó".
Trong kinh sách thường đề cập đến Ðức Bồ Tát tạo mọi thiện nghiệp ở cõi người, đến khi hết tuổi thọ, sau khi chết, do năng lực cho quả tái sanh là vị thiên nam trong cõi trời dục giới. Vị thiên nam Bồ Tát này không muốn hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mà phát nguyện chấm dứt sanh mạng (trước khi hết tuổi thọ) để được tái sanh làm người cõi Nam thiện bộ châu này, nơi có nhiều cơ hội thuận lợi tiếp tục công việc bồi bổ pháp hạnh ba la mật cho sớm được đầy đủ; để trở thành bậc Thánh Thanh Văn, hoặc Ðức Phật Ðộc Giác, hoặc Ðức Phật Toàn Giác, rồi đạt đến mục đích cứu cánh cuối cùng là tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Nay kiếp này, chúng ta có diễm phúc đã được tái sanh làm người rồi, chúng ta nên cố gắng tạo mọi thiện pháp, để nâng đỡ mình trở nên cao thượng. Thật vậy, con người được gọi là cao thượng do nhờ thiện pháp, chỉ có thiện pháp mới nâng đỡ con người trở nên cao thượng như:
Dục giới thiện pháp nâng đỡ tái sanh làm người hoặc chư thiên cõi trời dục giới.
Sắc giới thiện pháp nâng đỡ tái sanh làm phạm thiên cõi trời sắc giới.
Vô sắc giới thiện pháp nâng đỡ tái sanh làm phạm thiên cõi trời vô sắc giới.
Siêu tam giới thiện pháp nâng đỡ trở thành bậc Thánh nhân trong Phật giáo.
Trong Phật giáo có 4 bậc Thánh nhân:
- Bậc Thánh Nhập Lưu.
- Bậc Thánh Nhất Lai.
- Bậc Thánh Bất Lai.
- Bậc Thánh A-ra-hán.
Trong mọi thiện pháp, phước thiện bố thí là thiện pháp làm nền tảng cho tất caû mọi thiện pháp, dānaṃ sabbatthasādhakaṃ: phước thiện bố thí có thể hỗ trợ cho sự thành tựu tất caû mọi thiện pháp, từ tam giới thiện pháp cho đến siêu tam giới thiện pháp.
Vai trò hạnh bố thí trong các pháp
Bố thí có trong 3 hoặc 10 pháp puññakiriyā-vatthu: pháp tạo nên phước thiện.
Bố thí có trong 4 pháp saṅgaha: pháp tế độ.
Bố thí có trong 4 pháp để trở thành Ðức Vua.
Bố thí có trong 10 pháp hành của Ðức Vua.
Bố thí có trong 10 pháp hạnh ba la mật.
Bố thí có trong 38 pháp maṅgala: pháp an lành.
Bố thí là pháp dễ kết bạn thân thiết với mọi chúng sinh. Trong câu hỏi của Āḷavakayakkha.... V.v....
Phước Thiện Bố Thí
Phước thiện bố thí được thành tựu do hội đủ nhân duyên kết hợp như:
1- Tác ý thiện tâm bố thí (cetanādāna).
2- Vật bố thí (dānavatthu).
3- Người thọ thí (paṭiggāhaka).
Một khi hội đủ 3 nhân duyên này, mới thành tựu phước thiện bố thí.
1- Tác Ý Thiện Tâm Bố Thí
Thí chủ có tác ý thiện tâm (kusalacetanā) sử dụng những vaät bố thí ấy đem ban bố, phân phát đến cho những người khác, chúng sinh khác.
Thông thường tác ý thiện tâm bố thí diễn tiến, trải qua 3 thời kỳ:
1- Tác ý thiện tâm trước khi bố thí (pubbacetanā).
2- Tác ý thiện tâm đang khi bố thí (muñcacetanā).
3- Tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí (aparacetanā).
1- Tác ý thiện tâm trước khi bố thí như thế nào?
Thí chủ nhìn thấy, hoặc nghe thấy, hoặc suy tư về một phước thiện nào đó, phát sanh đức tin trong sạch, có tâm từ bi muốn làm phước bố thí để tế độ, giúp đỡ mọi người, mọi chúng sinh, nên tìm cơ hội tốt để tạo nên phước thiện ấy. Thời kỳ tác ý thiện tâm muốn làm phước bố thí này có thể phaùt sanh trước nhiều năm, nhiều tháng, nhiều ngày hoặc ngay trước khi bố thí không lâu, đó là thời gian chuẩn bị để làm phước thiện bố thí. Suốt thời gian này, gọi là tác ý thiện tâm trước khi bố thí, dù chưa thành tựu phước thiện bố thí, song tác ý thiện tâm này cũng gọi là thiện nghiệp.
2- Tác ý thiện tâm đang khi bố thí như thế nào?
Thí chủ có tác ý thiện tâm trước khi bố thí từ trước, nay đến lúc, đến thời thí chủ sử dụng vật bố thí, đó là của cải, tiền bạc, đồ đạc, vật thực... hoặc sự hiểu biết của mình đem ban bố, phân phát đến người khác, với tâm từ bi tế độ và được người khác đang thọ nhận những vật bố thí hoặc sự hiểu biết của mình ban cho.
Thời gian ngắn ngủi diễn ra giữa người thí chủ trao vật thí và người thọ thí tiếp nhận vật thí ấy, gọi là thời kỳ tác ý thiện tâm đang khi bố thí, đồng thời phước thiện bố thí được thành tựu ngay khi ấy.
3- Tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí như thế nào?
Sau khi thí chủ đã có tác ý thiện tâm bố thí xong, phước thiện bố thí đã thành tựu rồi, kể từ thời gian đó về sau, mỗi khi thí chủ nhớ tưởng, niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy, đồng thời tác ý thiện tâm sau khi đã bố thí phát sanh, thì thiện nghiệp bố thí tăng trưởng. Ở thời kỳ này, thời gian không hạn định, có thể nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, nhiều kiếp sau... mỗi khi nhớ tưởng, niệm tưởng đến phước thiện bố thí ấy, đồng thời tác ý thiện tâmphát sanh, có sự bố thí làm đối tượng, nên thiện nghiệp bố thí lại tăng trưởng.
Cho nên, trong 40 đề mục thiền định, có đề mục gọi là "cāgānussati: đề mục niệm tưởng đến phước thiện bố thí của mình đã tạo trước đây". Hành giả tiến hành đề mục thiền định này có thể đạt đến cận định mà thôi, hỉ lạc phát sanh đến hành giả; đề mục thiền định này không thể đạt đến an định, bởi vì, đề mục thiền định này quá rộng lớn bao la, không rõ ràng, không thể làm cho ấn chứng thô ảnh tương tự và ấn chứng quang ảnh trong sáng phát sanh, nên không chứng đắc bậc thiền nào.
2- Vật Bố Thí
Vật bố thí để tạo nên phước thiện, Ðức Phật dạy có nhiều loại:
Trong Luật tạng, Ðức Phật dạy có 4 loại vật bố thí để tạo nên phước thiện, gọi là tứ vật dụng (catupaccaya) cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của tất cả chúng sinh nói chung, con người nói riêng; nhất là đối với bậc xuất gia, Sa di, Tỳ khưu trong Phật giáo.
Ðức Phật cho phép Tỳ khưu, Sa di thọ nhận tứ vật dụng của thí chủ dâng cúng là:
1- Y phục (cīvara): y phục của Tỳ khưu, Sa di mặc che kín sắc thân đáng hổ thẹn, ngăn ngừa nóng lạnh, muỗi mòng, rắn rít..., gồm có 3 tấm y:
- Y 2 lớp đắp khi trời lạnh.
- Y nội mặc che kín từ lỗ rún xuống quá đầu gối 8 ngón tay, vòng quanh trước sau đều đặn.
- Y vai trái mặc choàng kín quanh toàn thân mình, từ cổ xuống quá đầu gối 4 ngón tay, vòng quanh trước sau đều đặn.
2- Vật thực (piṇṇapāta): vật thực của Tỳ khưu, Sa di kiếm được bằng cách đi khất thực (xin ăn) từ nhà này sang nhà khác, dầu ít hay nhiều để vào bát vừa đủ ăn một bữa, thọ thực không được quá ngọ (12 giờ trưa).
3- Chỗ ở (senāsana): chỗ ở của Tỳ khưu, Sa di thường ở dưới gốc cây, hang động.... Nếu có phước đặc biệt, Tỳ khưu, Sa di có thể thọ lãnh chỗ ở do thí chủ xây cất như cốc, chùa.......
4- Thuốc trị bệnh (gilānabhesajja): thuốc trị bệnh của Tỳ khưu, Sa di thường là nước tiểu bò, hoặc nước tiểu ngâm loại trái cây làm thuốc [Ðức Phật cho phép dùng 2 loại trái cây làm thuốc: agadāmalaka và agadaharītaka] .... Nếu có phước đặc biệt Tỳ khưu, Sa di có thể thọ nhận các loại thuốc do thí chủ dâng cúng để trị bệnh, ngừa bệnh....
Trong Vi diệu pháp tạng, Ðức Phật thuyết về chân nghĩa pháp (paramatthadhamma), dạy vật thí có 6 loại:
1- Sắc thí (rūpadāna): bố thí các hình dạng, màu sắc, nhìn thấy bằng nhãn thức tâm.
2- Thanh thí (saddadāna): bố thí các âm thanh, nghe được bằng nhĩ thức tâm.
3- Hương thí (gandhadāna): bố thí các mùi, ngửi được bằng tỷ thức tâm.
4- Vị thí (rasadāna): bố thí các vị, nếm được bằng thiệt thức tâm.
5- Xúc thí (phoṭṭhabbadāna): bố thí các loại xúc, tiếp xúc được bằng thân thức tâm.
6- Pháp thí (dhammadāna): bố thí các pháp, biết được bằng ý thức tâm.
Trong Kinh tạng Ðức Phật thuyết dạy vật bố thí có 10 loại:
1- Bố thí vật thực (annadāna): bố thí các loại thức ăn.
2- Bố thí nước uống (pānadāna): bố thí các loại nước uống.
3- Bố thí vải (vatthadāna): bố thí các loại vải.
4- Bố thí xe cộ (yānadāna): bố thí các loại xe cộ phương tiện đi lại.
5- Bố thí bông hoa (mālādāna): bố thí các loại bông hoa.
6- Bố thí vật thơm (gandhadāna): bố thí các loại mùi thơm.
7- Bố thí vật thoa (vilepanadāna): bố thí các loại vật thoa.
8- Bố thí chỗ nằm (seyyādāna): bố thí các chỗ nằm như: giường, ghế, đồ trải nằm.
9- Bố thí chỗ ở (āvasathagharadāna): bố thí chỗ ở như: chùa, nhà, cốc....
10- Bố thí đèn (padīpeyyadāna): bố thí đèn phát sanh ánh sáng.
Mười loại vật thí này là những vật thường dùng trong đời sống. Ngoài ra, trong đời còn có nhiều vật thí khác đem lại sự lợi ích, thuận lợi trong cuộc sống, không đem lại sự tai hại cho kiếp hiện tại lẫn kiếp vị lai, có thể dùng làm vật bố thí để tạo phước thiện.
3- Người Thọ Thí
Người thọ thí đóng vai trò quan trọng để thành tựu phước thiện bố thí. Trường hợp thí chủ có tác ý thiện tâm bố thí, có vật bố thí, mà không có người thọ thí thì không thành tựu phước thiện bố thí của thí chủ.
Người thọ thí còn quan trọng là thành tựu được quả báu của phước thiện bố thí nhiều hoặc ít.
Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta [Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Dakkhiṇavibhaṅgasutta], Ðức Phật có dạy hai hạng thọ thí:
1- Cá nhân thọ thí (paṭipuggalikadāna).
2- Chư Tỳ khưu Tăng thí (Saṃghadāna).
- Cá nhân thọ thí như thế nào?
Cá nhân thọ thí là thí chủ làm phước thiện bố thí đến mỗi cá nhân, có tính cách riêng biệt dầu một vị hay nhiều vị.
Cá nhân thọ thí được phân chia có 14 hạng, từ bậc cao nhất đến hạng thấp nhất:
1- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Chánh Ðẳng Giác.
2- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ðức Phật Ðộc Giác.
3- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh A-ra-hán.
4- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc thành bậc Thánh A-ra-hán.
5- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Bất Lai.
6- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc bậc Thánh Bất Lai.
7- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhất Lai.
8- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc bậc Thánh Nhất Lai.
9- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến bậc Thánh Nhập Lưu.
10- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hành giả đang tiến hành thiền tuệ, để chứng đắc thành bậc Thánh Nhập Lưu.
11- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hành giả ngoài Phật giáo chứng đắc thiền, có thần thông.
12- Làm phước thiện bố thí cúng dường đến hạng phàm nhân (Tỳ khưu, Sa di, cận sự nam, cận sự nữ) có giới đức trong sạch.
13- Làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân phạm giới, không có giới.
14- Làm phước thiện bố thí đến loài súc sanh.
Ðó là 14 hạng cá nhân thọ thí.
Quả báu cá nhân thọ thí
Trong 14 hạng cá nhân thọ thí này, thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng nào cũng được 5 quả báu: Sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ.
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến loài súc sanh như chim, cá,... sẽ hưởng được 5 quả báu suốt 100 kiếp.
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân phạm giới, không có giới, sẽ được hưởng 5 quả báu suốt 1.000 kiếp.
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân có giới đức trong sạch, sẽ được hưởng 5 quả báu suốt 100.000 kiếp.
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hạng phàm nhân ngoài Phật giáo chứng đắc thiền và thần thông, sẽ hưởng được 5 quả báu suốt triệu triệu kiếp hoặc một ngàn tỷ kiếp (1012).
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến hành giả đang tiến hành thiền tuệ để chứng đắc bậc Thánh Nhập Lưu, sẽ hưởng được 5 quả báu vô lượng kiếp.
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến bậc Thánh Nhập Lưu, sẽ hưởng được 5 quả báu vô lượng kiếp nhiều hơn nữa.
Thí chủ làm phước thiện bố thí đến bậc Thánh Nhất Lai, bậc Thánh Bất Lai, bậc Thánh A-ra-hán, Ðức Phật Ðộc Giác, Ðức Chánh Ðẳng Giác sẽ được hưởng quả báu vô lượng, vô lượng kiếp không sao kể xiết được.
Về cá nhân thọ thí, bậc thọ thí có đầy đủ 5 đức: giới – định – tuệ – giải thoát – giải thoát tri kiến hoàn toàn chừng nào thì quả báu vô lượng, vô lượng chừng ấy.
Ví như người nông dân tài giỏi, có hạt giống tốt, gieo trên thửa ruộng tốt mầu mỡ, thì chắc chắn sẽ thu hoạch được bội phần. Cũng như vậy, thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm trong sạch đầy đủ 3 thời kỳ, hoan hỉ làm phước bố thí những vật bố thí hợp pháp, đến bậc thọ thí có đầy đủ 5 đức: giới – định – tuệ – giải thoát – giải thoát tri kiến hoàn toàn chừng nào, chắc chắn quả báu vô lượng, vô lượng kiếp kể từ thuở ấu niên, trung niên cho đến lão niên đầy đủ chứng ấy.
- Chư Tỳ khưu Tăng thọ thí như thế nào?
Chư Tỳ khưu Tăng thí là làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng có tính cách chung, là một vị Tăng hoặc nhiều vị Tăng. Ðiều quan trọng, tâm của thí chủ hướng đến cúng dường chư Tăng, không phải hướng đến một cá nhân thọ thí nào. Thí chủ bạch với vị Ðại Ðức quản Tăng rằng: "Kính bạch Ðại Ðức, con xin kính thỉnh 1 vị Tỳ khưu Tăng". Vị Ðại Ðức quản Tăng chỉ định vị Tỳ khưu nào, vị Tỳ khưu ấy đại diện chư Tăng thọ thí, như vậy gọi là Tỳ khưu Tăng thọ thí, không phải cá nhân thí.
Tỳ khưu Tăng thọ thí phân chia có 7 nhóm:
1- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, có Ðức Phật chủ trì.
2- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng và chư Tỳ khưu ni Tăng, sau khi Ðức Phật tịch diệt Niết Bàn.
3- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng.
4- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu ni Tăng.
5- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng và một số Tỳ khưu ni Tăng,(mỗi bên có một số vị đại diện, bất luận ít hay nhiều).
6- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng (có một vị hoặc một số Tỳ khưu đại diện Tăng).
7- Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu ni Tăng (có một vị hoặc một số Tỳ khưu ni đại diện Tăng).
Ðó là 7 nhóm chư Tỳ khưu Tăng thọ thí, trong thời hiện tại này chỉ còn hai hạng chư Tăng thọ thí là:
Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng.
Thí chủ làm phước thiện bố thí cúng dường đến một số Tỳ khưu Tăng (có một vị hoặc một số Tỳ khưu đại diện Tăng).
Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ānanda rằng:
"Này Ānanda, trong thời vị lai sẽ có hạng người gọi tên Tỳ khưu "Bhikkhu" còn mảnh y quấn cổ, là người phạm giới, hành ác pháp. Những người thí chủ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo, có tác ý thiện tâm làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng dầu trong số Tỳ khưu phạm giới ấy.
Này Ānanda, sự làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng trong thời vị lai ấy, Như Lai dạy rằng: vẫn có quả báu vô lượng không sao kể xiết được. Như Lai không hề dạy trực tiếp hoặc gián tiếp rằng: làm phước thiện bố thí đến cá nhân thọ thí hưởng quả báu nhiều hơn làm phước thiện bố thí đến chư Tỳ khưu Tăng thọ thí" [Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Dakkhiṇavibhaṅgasutta.]
Qua đoạn kinh trên, Ðức Phật dạy cho người Phật tử nên biết rõ khi tác ý thiện tâm nghĩ đến chư Tỳ khưu Tăng là nghĩ đến ngôi Tăng bảo, là phước điền cao thượng của tất cả chúng sinh. Bởi vì chỉ có cá nhân Tỳ khưu phạm giới(bhikkhu dussīla), còn ngôi Tăng bảo là những bậc Thánh Tăng hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh, cao thượng; cho nên làm phước thiện bố thí cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng, phải nên liên tưởng đến chư bậc Thánh Tăng chắc chắn phước thiện bố thí vô lượng, không sao kể xiết.
Do đó, thí chủ nên có "tác ý thiện tâm trong sạch nơi Ðức Tăng, tâm không nên nghĩ đến cá nhân vị Sa di, Tỳ khưu, vị Ðại Ðức nào".
Ví dụ: Người thí chủ muốn làm phước thiện bố thí cúng dường đến "Tỳ khưu Tăng" 1 vị, 2 vị,... người ấy đến bạch với vị Tỳ khưu quản Tăng rằng:
- Kính bạch Ngài Ðại Ðức, con xin thỉnh Tăng 1 vị (hoặc 2 – 3... vị), xin Ngài chỉ định cho con 1 vị Tăng (hoặc 2-3.... vị).
Khi Ngài Ðại Ðức quản Tăng chỉ định vị nào, thí chủ hoan hỉ đón rước vị ấy, một cách cung kính như cung kính với chư bậc Thánh Tăng. Như vậy, gọi là làm phước thiện bố thí cúng dường đến "Tỳ khưu Tăng thọ thí".
Nhưng nếu Ngài Ðại Ðức quản Tăng chỉ định một vị Sa di hoặc một vị Tỳ khưu phạm giới, hoặc một vị Ðại Ðức có giới hạnh trang nghiêm.... Nếu người thí chủ nghĩ rằng "ta thỉnh được một vị Sa di, hoặc vị Tỳ khưu phạm giới, hoặc vị Ðại Ðức có giới hạnh trang nghiêm". Như vậy, không gọi là làm phước thiện bố thí đến Tỳ khưu Tăng thọ thí, mà trở thành cá nhân thọ thí.
Trong Chú giải bài kinh trên, có tích nói về phước thiện bố thí cúng dường đến Tỳ khưu Tăng, được tóm tắt như sau:
Người cận sự nam thiện trí là thí chủ xây cất một ngôi chùa dâng cúng đến chư Tăng. Một hôm, ông đến chùa thỉnh "Tỳ khưu Tăng" 1 vị về nhà làm phước thiện bố thí cúng dường vật thực, Ngài Ðại Ðức quản Tăng kiểm Tỳ khưu, lần này đến phiên một vị Tỳ khưu có giới hạnh không trong sạch, không trang nghiêm, được chỉ định đại diện "Tỳ khưu Tăng" đến nhà người cận sự nam này.
Buổi sáng vị Tỳ khưu mặc y mang bát đến nhà, người cận sự nam đón rước cung kính như một vị Ðại Ðức cao Tăng, như là rữa chân, lau hai bàn chân, thỉnh mời ngồi chỗ cao quý, tự tay mình dâng cúng những món vật thực ngon lành với tâm hoan hỉ và kính trọng "Tỳ khưu Tăng". Vị Tỳ khưu ấy sau khi độ vật thực xong trở về chùa, người cận sự nam tiễn đưa về đến chùa cũng với tâm hoan hỉ và kính trọng "Tỳ khưu Tăng".
Buổi chiều vị Tỳ khưu ấy đến nhà người cận sự nam này mượn đồ dùng để làm việc riêng, người cận sự nam này dùng chân đẩy món đồ dùng ra cho mượn không một chút kính trọng, rồi bảo rằng: "Hãy đem đi!".
Một người bên cạnh theo dõi hành vi cử chỉ người cận sự nam này từ sáng đến chiều hoàn toàn trái ngược nhau, không hiểu tại sao? Muốn tìm hiểu, nên hỏi người cận sự nam này rằng:
- Thưa anh, tôi nhìn thấy sáng nay anh tỏ ra kính trọng với vị Tỳ khưu giới hạnh không trong sạch ấy, như một vị Ðại Ðức cao Tăng, mà chiều nay anh lại đối xứ với vị Tỳ khưu ấy không có chút nào kính trọng cả. Tại sao như vậy? Thưa anh.
Người cận sự nam thí chủ thưa rằng:
- Sáng nay, tôi hết lòng cung kính, vì thiện tâm của tôi hươùng đến "Tỳ khưu Tăng", hoàn toàn không phải hướng đến cá nhân vị Tỳ khưu ấy.
Chiều nay, tôi tỏ ra không kính trọng đến cá nhân vị Tỳ khưu ấy, bởi vì tôi thấy rõ vị Tỳ khưu ấy có giới hạnh không trong sạch, thân và khẩu không trang nghiêm, không thu thúc lục căn thanh tịnh, cho nên, tôi không cung kính đến cá nhân vị Tỳ khưu ấy, hoàn toàn không liên quan đến Tỳ khưu Tăng.
Qua tích trên, người cận sự nam thí chủ có trí tuệ, hiểu biết cách làm phước bố thí cúng dường một cách cung kính đến Tỳ khưu Tăng (dầu gặp vị Tỳ khưu có giới không trong sạch). Việc làm phước bố thí cúng dường đến Tỳ khưu Tăng này có được phước thiện vô lượng, có quả báu vô lượng, suốt vô lượng kiếp.
Người Bố Thí – Người Thọ Thí (Dāyaka – Paṭiggāhaka)
Trong kinh Dakkhiṇāvibhaṅgasutta [Majjhimanikāya, Uparipaṇṇāsa, Dakkhiṇavibhaṅgasutta], Ðức Phật dạy Ðại Ðức Ānanda rằng:
"Này Ānanda, sự trong sạch đối với người bố thí và người thọ thí có 4 trường hợp:
1- Người bố thí có thiện tâm trong sạch, còn người thọ thí không có tâm trong sạch.
2- Người bố thí không có tâm trong sạch, còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch.
3- Người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm không trong sạch.
4- Người bố thí và người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch.
- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch; còn người thọ thí không có tâm trong sạch?
Trường hợp này, người bố thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp, còn người thọ thí là người phạm giới, hành ác pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí có thiện tâm trong sạch; còn người thọ thí không có tâm trong sạch.
- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí không có tâm trong sạch; còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch?
Trường hợp này, người bố thí là người phạm giới, hành ác pháp, còn người thọ thí là người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí không có tâm trong sạch; còn người thọ thí có thiện tâm trong sạch
- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm không trong sạch?
Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người phạm giới, hành ác pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm không trong sạch.
- Này Ānanda, thế nào gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm trong sạch?
Trường hợp này, cả người bố thí lẫn người thọ thí đều là những người có giới đức trong sạch, hành thiện pháp.
Như vậy, gọi là người bố thí lẫn người thọ thí đều có tâm trong sạch".
Giải thích 4 trường hợp:
1- Trường hợp thí chủ là người có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp; còn người thọ thí là người có giới không trong sạch, có ác pháp, phước thiện bố thí này cho quả báu không được hoàn toàn một trăm phần trăm. Ví dụ:
Như trường hợp Ðức Bồ Tát Vessantara làm phước thiện bố thí con cho Bà la môn ăn xin Jūjaka có giới không trong sạch, thế mà do năng lực phước thiện của Ðức Bồ Tát cũng có thể làm cho mặt đất rung chuyển.
2- Trường hợp thí chủ là người có giới không trong sạch, có ác pháp; còn người thọ thí có giới trong sạch, có thiện pháp, phước thiện bố thí này cho quả báu kém hơn trường hợp trên. Ví dụ:
Như trường hợp người dân chài làm phước thiện bố thí để bát 3 lần đến Ngài Ðại Ðức Dīghasoma. Khi gần chết, phước thiện bố thí để bát hiện lên cho quả tái sanh làm chư thiên ở cõi trời dục giới.
3- Trường hợp thí chủ là người có giới không trong sạch, có ác pháp; người thọ thí cũng có giới không trong sạch, có ác pháp, phước thiện bố thí này cho quả không đáng kể. Ví dụ:
Như trường hợp người thợ săn thú rừng làm phước thiện bố thí 3 lần đến vị Tỳ khưu có giới không trong sạch, có ác pháp; rồi hồi hướng đến thân quyến loài ngạ quỷ; loài ngạ quỷ ấy hoan hỷ phước thiện ấy không đáng kể, không thể thoát khỏi cảnh khổ của ngạ quỷ, nên than rằng: Tỳ khưu không có giới kia phá hoại phước thiện của ta rồi!
Về sau, loài ngạ quỷ hiện ra báo cho người thợ săn ấy biết rõ như vậy, lần này người thọ săn làm phước thiện bố thí cúng dường để bát chỉ 1 lần đến vị Tỳ khưu có giới, có thiện pháp, rồi hồi hướng đến thân quyến loài ngạ quỷ. Lần này, ngaï quỷ hoan hỉ thọ nhận được phước thiện bố thí ấy, nên thoát khỏi cảnh khổ loài ngạ quỷ, được tái sanh nơi thiện giới.
4- Trường hợp thí chủ là người có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp; còn người thọ thí cũng có giới trong sạch, có thiện pháp, phước thiện bố thí này cho quả báu hoàn toàn một trăm phần trăm, quả báu vô lượng không sao kể xiết.
Trong 4 trường hợp này, trường hợp thứ tư cả người bố thí lẫn người thọ thí đều có thiện tâm trong sạch, dĩ nhiên sẽ có phước thiện bố thí vô lượng, sẽ hưởng quả báu suốt vô lượng kiếp.
Nếu không được như vậy, người bố thí là bậc Thiện trí, có giới hạnh trong sạch, có thiện pháp phát triển, tác ý thiện tâm trong sạch hoan hỉ việc làm phước thiện bố thí, thì phước thiện cũng được phát triển, sẽ hưởng được quả báu nhiều.
Ví dụ: Một nông dân tài giỏi, có được hạt giống tốt dầu gieo ở đất hoặc thửa ruộng không tốt, nhưng nhờ người nông dân ấy biết săn sóc tưới nước khi cần nước, biết phân bón khi cần phân bón, biết làm cỏ lúa,... chắc chắn người nông dân ấy sẽ thu hoạch không ít.
Quả Báu Riêng Biệt Của Mỗi Vật Thí
Quả báu chung của bố thí có 5:
1- Tuổi thọ sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân, tâm an lạc.
4- Thân tâm có sức mạnh.
5- Có trí tuệ nhanh nhẹn, hoặc có quyền cao chức trọng.
Mỗi vật thí có quả báu riêng biệt của nó, được sưu tập từ các bộ trong Tam tạng như sau:
- Bố thí cơm nước được 10 quả báu:
1- Sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân và tâm an lạc.
4- Thân tâm có sức mạnh.
5- Có định tâm mau lẹ.
6- Có trí tuệ sáng suốt.
7- Có nhiều bạn bè (tùy tùng).
8- Có tâm dũng cảm.
9- Có cơm đầy đủ (không thiếu ăn).
10- Có nước uống đầy đủ.
- Bố thí cháo được 10 quả báu: [Vinayapiṭaka, Mahāvagga, phần Bhesajjakkhandhaka]
1- Sự sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân tâm an lạc.
4- Thân tâm có sức mạnh.
5- Trí tuệ nhanh nhẹn.
6- Giảm sự đói.
7- Giảm sự khát.
8- Làm cho chất gió lưu thông.
9- Rửa đường ruột.
10- Tiêu hoá vật thực.
Hoặc bố thí cháo được 10 quả báu:
1- Ðược tái sanh cõi Tam thập tam thiên.
2- Có lâu đài bằng ngọc, có nhiều thiên nữ hầu hạ, hưởng sự an lạc cõi trời.
3- Ðược 33 lần làm vua cõi Tam thập tam thiên.
4- Ðược 30 lần làm đức Chuyển luân thánh vương.
5- Làm vua nước lớn không kể xiết.
6- Kiếp chót xuất gia, khi cạo tóc đồng thời chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả.
7- Kiếp chót ấy, chứng đắc đến A-ra-hán Thánh Quả, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trước khi thọ Tam quy và thọ giới.
8- Không buồn rầu, khóc than.
9- Ít bệnh hoạn ốm đau.
10- Chứng ngộ Niết Bàn.
- Bố thí nước được 10 quả báu:
1- Sắc thân sạch sẽ, sáng sủa.
2- Thân tâm nhẹ nhàng, nhanh nhẹn.
3- Có nhiều bạn bè, tùy tùng.
4- Có tiếng tốt lan rộng khắp mọi nơi.
5- Không bị khát nước.
6- Tuổi thọ sống lâu.
7- Sắc thân xinh đẹp.
8- Thân, tâm an lạc.
9- Thân, tâm có sức mạnh.
10- Có trí tuệ sáng suốt.
- Bố thí thuốc trị bệnh được 10 quả báu:
1- Tuổi thọ sống lâu.
2- Sắc thân xinh đẹp.
3- Thân, tâm có sức mạnh.
4- Có nhiều trí tuệ.
5- Có nhiều bạn bè, có tiếng tốt lan rộng.
6- Ít khổ, được nhiều an lạc.
7- Ít bệnh hoạn ốm đau.
8- Tránh khỏi mọi tai họa.
9- Ðược chư thiên nhân loại kính mến.
10- Thường được gần gũi với người thân yêu.
- Bố thí hộp nhỏ được 10 quả báu:
1- Tránh khỏi mọi tai họa.
2- Thân tâm an lạc.
3- Có nhiều bạn bè.
4- Không tái sanh cảnh ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sanh).
5- Cử chỉ nói năng nhã nhặn, vi tế.
6- Không nghèo khổ.
7- Có tiếng tốt lan rộng khắp mọi nơi.
8- Có hai bàn tay bằng phẳng.
9- Không kinh sợ.
10- Có những hộp bằng vàng, bạc, ngọc, thủy tinh và có ngựa quý, voi quý; những vật quý không bị mất.
- Bố thí cầu bắc qua sông, rạch được 10 quả báu:
1- Nếu bị rơi từ trên cây cao, núi cao, xuống hố sâu, vực thẳm... sẽ có một vật cản trở không nguy hiểm, nếu bị chết sẽ tái sanh cõi thiện giới.
2- Những kẻ thù không làm hại được.
3- Kẻ trộm cướp không chiếm đoạt được của cải của mình.
4- Ðức Vua không coi thường.
5- Thoát khỏi mọi tai họa.
6- Ở ngoài trời nắng không cảm thấy khó chịu.
7- Ở cõi người hoặc cõi trời, khi cần xe, voi sẽ hiện ra.
8- Ðược xe ngựa quý Sindho chạy nhanh như gió.
9- Có voi quý bay trên hư không.
10- Chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðạo – A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạt tuyệt phiền naõo trầm luân, tịch diệt Niết Bàn.
- Bố thí dù che được 8 quả báu:
1- Thân không bị lạnh hoặc nóng.
2- Thân không bị dính bụi dơ.
3- Tránh khỏi mọi tai họa.
4- Ít bệnh hoạn, không bị hành phạt.
5- Sắc thân có da thịt mềm mại.
6- Ðược chư thiên, nhân loại kính trọng.
7- Tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não.
8- Nếu cần, có cả trăm ngàn cây dù.
- Bố thí bát được 8 quả báu:
1- Dùng chén bát bằng vàng, bạc, ngọc....
2- Tránh khỏi mọi tai họa.
3- Ít bệnh hoạn ốm đau.
4- Có nhiều của cải tài sản.
5- Của cải được bền vững lâu dài.
6- Ðược chư thiên, nhân loại kính trọng.
7- Tâm dễ an định.
8- Phiền não ít phát sanh, tâm mong muốn pháp cao thượng.
- Bố thí thuốc nhỏ mắt được 8 quả báu:
1- Có đôi mắt tròn đẹp.
2- Con mắt chỗ trắng thì trắng.
3- Con mắt chỗ vàng thì vàng.
4- Con mắt chỗ đen thì đen.
5- Con mắt trong sáng xinh đẹp.
6- Tránh khỏi bệnh đau mắt.
7- Con mắt như mắt của chư thiên.
8- Có thể chứng đắc pháp nhãn.
- Bố thí vải, y phục được 6 quả báu:
1- Kiếp nào, sắc thân cũng có da màu vàng, đẹp đẽ.
2- Sạch sẽ, không dơ bẩn.
3- Sắc thân phát ra ánh sáng.
4- Sắc thân có da thịt mềm mại.
5- Nếu cần, y phục có cả ngàn.
6- Vải lụa, vải nhung, gấm,...... muốn bao nhiêu cũng được.
- Bố thí khăn lau được 6 quả báu:
1- Sắc thân phát ra ánh sáng.
2- Không dơ dáy bẩn thỉu.
3- Nước da màu vàng óng ánh.
4- Sắc thân có da thịt mềm mại.
5- Bụi dơ không dính vào thân.
6- Có nhiều oai lực.
- Bố thí gối nằm được 6 quả báu:
1- Có được những gối trầm thơm, gối ướp hương sen, gối lông cừu....
2- Thu thúc thân khẩu, thu thúc lục căn thanh tịnh. Có thể chứng đắc các bậc thiền hữu sắc với đề mục tứ vô lượng tâm.
3- Hiểu biết pháp hành giới, định, tuệ.
4- Tinh tấn tiến hành thiền tuệ dẫn đến hoàn thành 37 pháp Chứng đắc Thánh Ðạo.
5- Chứng đắc Thánh Ðạo – Thánh Quả.
6- Hưởng sự an lạc trong Thánh Quả A-ra-hán.
- Bố thí giày dép được 4 quả báu:
1- Có xe, ngựa, kiệu, phương tiện đi lại đầy đủ.
2- Mỗi bước đi như đạp trên tấm thảm nhung.
3- Có chánh niệm tiến hành theo con đường giải thoát khổ.
4- Có chánh niệm, có lục căn thanh tịnh.
Trên đây trích quả báu của một số vật thí làm tiêu biểu, để hiểu rõ moãi vật thí có quả báu riêng biệt của nó, cũng như mỗi loại giống có mỗi loại quả của chính nó. Tất cả mọi quả báu này nhiều hay ít, hoàn toàn tùy thuộc vào đức tin trong sạch và tác ý thiện tâm (cetanā) cả 3 giai đoạn:
Giai đoạn trước khi bố thí.
Giai đoạn đang khi bố thí.
Giai đoạn sau khi đã bố thí.
Cả 3 giai đoạn đều có đại thiện tâm trong sạch hoan hỉ đến sự bố thí ấy (vật thí dầu ít hay nhiều), chắc chắn phước thiện bố thí vô lượng; thì quả báu của phước thiện bố thí ấy cũng vô lượng.
Phân Loại Bố Thí
Do những nhân duyên: tác ý thiện tâm bố thí, người thọ thí và vật bố thí khác nhau, nên phân loại ra thành nhiều nhóm, mỗi nhóm có 2 – 3 ... loại phước thiện bố thí.
Nhóm bố thí có hai loại
Ví dụ: Āmisadāna – Dhammadāna.
- Āmisadāna: vật thí là những vật như: y phục, vật thực, đồ uống, đồ dùng, chỗ ở, thuốc trị bệnh....
- Dhammadāna: pháp thí là thuyết giảng chánh pháp, dạy đạo, chỉ dẫn hành thiền....
Trong hai loại bố thí này, pháp thí là cao thượng hơn cả.
Cũng như vậy, trong hai loại cúng dường:
- Āmisapūjā: cúng dường bằng những vật như: hoa, quả, vật thơm....
- Dhammapūjā: cúng dường bằng cách thực hành theo chánh pháp.
Trong hai cách cúng dường này, cúng dường bằng cách hành theo chánh pháp là cao thượng hơn cả.
Vaṭṭanissitadāna – Vivaṭṭanissitādāna.
- Vaṭṭanissitadāna: bố thí cầu mong hưởng sự an lạc đời đời, kiếp kiếp trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
- Vivaṭṭanissitadāna: bố thí chỉ cầu mong chứng ngộ Niết Bàn, giải thoát khổ trong vòng tử sanh luân hồi trong tam giới.
Thật ra, sự bố thí cầu mong hưởng sự an lạc trong kiếp tử sinh luân hồi trong tam giới, thí chủ được thành tựu quả báu trong cõi người (manussasampatti), như giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, được hưởng sự an lạc cõi người; và được thành tựu quả báu trong cõi trời (devasampatti), được hưởng sự an lạc cõi trời. Dầu ở cõi nào thí chủ cũng hài lòng, say đắm trong cõi ấy, không muốn từ bỏ. Nhưng đến khi hết tuổi thọ, phải từ bỏ cõi ấy, tâm thường bị ô nhiễm, luyến tiếc của cải và những người thân yêu.
Còn bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ tử sanh luân hồi trong tam giới, khi thí chủ chưa chứng đạt đến mục đích cứu cánh Niết Bàn, vẫn còn trong vòng tử sanh luân hồi, thì vẫn được giàu sang phú quý, quyền cao chức trọng; và vẫn hưởng được sự an lạc cõi người, cõi trời. Song tâm không dính mắc nơi của cải, tài sản, sự nghiệp ấy; sẵn sàng sử dụng của cải, tài sản bố thí đến người khác một cách dễ dàng; thậm chí dễ dàng từ bỏ nhà, đi xuất gia hành phạm hạnh, để mong chứng ngộ Niết Bàn, theo năng lực lời phát nguyện trong kiếp quá khứ.
Như vậy, đối với hạng người bố thí cầu mong chứng ngộ Niết Bàn họ sẽ được thành tựu: quả báu cõi người(manussasampatti), quả báu cõi trời (devasampatti), và còn kết quả chứng ngộ Niết Bàn (Nibbānasampatti)nữa.
Thí chủ cầu mong chứng ngộ Niết Bàn, cần phải phát nguyện rằng:
"Idaṃ me dānaṃ āsavakkhayāvahaṃ hotu".
"Cầu mong phước thiện bố thí của con, làm duyên lành dẫn dắt con đến sự chứng ngộ Niết Bàn, chứng đắc A-ra-hán Thánh Ðaïo, A-ra-hán Thánh Quả, diệt đoạn tuyệt tất cả mọi phiền não trầm luân".
Sāhatthikadāna – āṇattikadāna.
- Sāhatthikadāna: tự thí: tự tay mình đem những vật thí dâng cúng, ban bố, phân phát đến người khác.
- Aṇattikadāna: sai khiến người thí: không tự tay mình bố thí, mà sai khiến người đem những vật thí của mình ban bố, phân phát đến người khác.
Tự thí có quả báu giàu sang phú quý, có nhiều người thân yêu quý mến, giúp đỡ, hầu hạ.
Sai khiến người thí có quả báu giàu có, song sống cô đơn, ít người thân yêu, hầu hạ.
Như trường hợp cậu Uttara là nô bộc của ông Tỉnh trưởng Pāyāsi, được ông sai bảo hằng ngày phân phát bố thí của cải của ông đến người khác. Cậu Uttara sau khi chết, do phước thiện bố thí cho quả tái sanh làm chư thiên cõi Tam thập tam thiên, có lâu đài nguy nga tráng lệ, có nhiều thiên nam, thiên nữ, bạn thân, hầu hạ...; còn ông Tỉnh trưởng Pāyāsi sau khi chết, được tái sanh làm chư thiên cô đơn nơi cõi trời Tứ đại thiên vương, trong một lâu đài hoang vắng, không có thiên nam, thiên nữ hầu hạ.
Sakkaccadāna – Asakkaccadāna.
- Sakkaccadāna: cung kính thí: tự mình đem những đồ vật bố thí, cúng dường đến Ðức Phật, Ðức Pháp, Ðức Tăng, Tam bảo, hoặc đến người khác một cách cung kính.
- Asakkaccadāna: bất kính thí: tự mình đem những đồ vật bố thí, cúng dường đến Tam bảo, hoặc đến người khác một cách không cung kính, xem thường.
Ñāṇasampāyuttadāna – Ñāṇavippāyuttadāna.
- Ñāṇasampāyuttadāna: bố thí hợp với trí: thí chủ có trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp và quả của nghiệp trong khi đang đem vật thí bố thí, cúng dường đến người khác.
- Ñāṇavippāyuttadāna: bố thí không hợp với trí: thí chủ không có trí tuệ hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp trong khi đang đem vật thí bố thí, cúng dường đến người khác.
Sasaṅkhārikadāna – Asaṅkhārikadāna.
- Sasaṅkhārikadāna: bố thí do người khác động viên khuyến khích: còn tự mình không nghĩ đến việc bố thí. Người khác đến động viên khuyến khích mình bố thí, khi ấy mới phát sanh đức tin làm phước thiện bố thí.
- Asaṅkhārikadāna: bố thí do tự mình nghĩ: không có người nào động viên, khuyến khích. Tự mình nghĩ đến việc bố thí, rồi phát sanh đức tin trong sạch làm phước thiện bố thí.
Trong hai loại phước thiện bố thí này Asaṅkāri-kadāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn Sasaṅkhārikadāna.
Somanassadāna – Upekkhādāna:
- Somanassadāna: bố thí đồng sanh với hỉ: bố thí bằng đức tin trong sạch, nên đại thiện tâm đồng sanh với tâm hoan hỉ trong việc phước thiện bố thí ấy, vì cảm thấy hài lòng nơi người thọ thí và vật thí của mình.
- Upekkhādāna: bố thí đồng sanh với xả: bố thí bằng đức tin, song đại thiện tâm đồng sanh với xả, vì không cảm thấy hài lòng nơi người thọ thí, hoặc vật thí của mình.
Trong hai loại bố thí này, nếu dục giới thiện nghiệp, thì somanassadāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn upekkhādāna; còn trong sắc giới thiện nghiệp thì upekkhādāna có năng lực phước thiện bố thí mạnh hơn somanassadāna.
Dhammiyadāna – Adhammiyadāna.
- Dhammiyadāna: bố thí những vật thí hợp pháp: của cải phát sanh một cách hợp pháp, đem làm phước thiện bố thí, phước thiện này trong sạch, không bị ô nhiễm bởi ác pháp.
- Adhammiyadāna: bố thí những vật thí phi pháp: của cải phát sanh một cách phi pháp, như trộm cắp, lường gạt... đem làm phước thiện bố thí, phước thiện này không hoàn toàn trong sạch, bị ô nhiễm bởi ác pháp.
Kāladāna – Akāladāna.
- Kāladāna: bố thí đúng thời, đúng lúc, đúng thời gian quy định như:
* Vassikasātikadāna: bố thí dâng y tắm mưa: Ðức Phật cho phép Tỳ khưu nhận y tắm mưa kể từ ngày 01 tháng 6 đến ngày 15 tháng 6 (AL) là hết hạn. Trong khoảng thời gian 15 ngày ấy, chư Tỳ khưu chỉ có thể nhận y tắm mưa 1 lần trong một ngày nào đó mà thôi. Vì vậy, thí chủ cũng chỉ có thể bố thí dâng y tắm mưa trong khoảng thời gian 15 ngày.
* Kathinadāna: bố thí dâng y kathina: Ðức Phật cho phép Tỳ khưu Tăng sau khi đã an cư suốt ba tháng mùa mưa, tại một nơi nào rồi, được phép nhận lãnh y kathina, kể từ ngày 16 tháng 9 đến ngày 15 tháng 10 (AL). Trong khoảng thời gian một tháng ấy, chư Tỳ khưu Tăng chỉ có thể thọ lãnh y kathina 1 lần trong một ngày nào đó mà thôi, còn lại các ngày khác, không thể thọ lãnh y kathina được nữa.
* Gilānabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu trong thời gian đang lâm bệnh.
* Āgantukabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu khách từ xa mới đến.
* Gamikabhatta: bố thí vật thực đến Tỳ khưu sắp đi xa....
Những sự bố thí này đúng thời đúng lúc.
- Akāladāna: bố thí không quy định thời gian.
Thí chủ bố thí bất cứ lúc nào, đến bất cứ người nào khi muốn bố thí.
Trong hai loại phước thiện bố thí này, kaladāna có quả báu của phước thiện bố thí rất đặc biệt hơn akāladāna như: cho quả báu tốt lành từ thuở ấu niên, được giàu sang phú quý, có những gì mà người khác khó có, được những gì mà người khác khó được, khi cần thứ nào có ngay thứ ấy, đúng lúc đúng thời.
Trong phần kāladāna, kathinadāna: bố thí dâng y kathina có quả báu đặc biệt. Thông thường, các loại phước thiện bố thí, quả báu chỉ có thể phát sanh đến thí chủ mà thôi. Song kathinadāna: phước thiện bố thí dâng y kathina, quả báu đặc biệt phát sanh không những cho thí chủ, mà còn có quả báu đặc biệt phát sanh đến cho chư Tỳ khưu Tăng thọ thí nữa.
Ðức Phật cho phép chư Tỳ khưu Tăng, sau khi đã an cư nhập hạ một nơi suốt 3 tháng mùa mưa, không bị đứt hạ, chư Tỳ khưu Tăng có thể thọ nhận y kathina, trong thời gian hạn định chỉ một tháng kể từ ngày 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch.
Như vậy, trong một năm có 12 tháng, chỉ có 1 tháng (kể từ ngày 16 tháng 9 đến 15 tháng 10 âm lịch) làm lễ dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng; còn 11 tháng khác không làm lễ dâng y kathina được. Trong 1 tháng có 30 ngày, chư Tỳ khưu Tăng ở trong một ngôi chùa (hoặc một nơi nào) chỉ có thể thọ nhận y kathina một lần trong một ngày nào đó mà thôi, còn lại 29 ngày khác không thể thọ nhận y kathina được.
Cho nên, thí chủ có cơ hội làm phước dâng y kathina đến chư Tỳ khưu Tăng có được nhiều phước thiện, có nhiều quả báu đặc biệt hơn các sự bố thí khác.
Nhóm bố thí có ba loại:
Ví dụ:
Hīnadāna – Majjhimadāna – Paṇītadāna.
- Hīnadāna: bố thí bậc thấp: trong khi bố thí thiện tâm hợp với 4 pháp là:
* Chanda: tâm hài lòng trong việc bố thí,
* Vīriya: tinh tấn trong việc bố thí,
* Citta: quyết tâm trong việc bố thí,
* Vimanisa: trí tuệ hiểu biết rõ nghiệp và quả của nghiệp,
có tính chất thấp kém, nên gọi bố thí bậc thấp, có quả báu bậc thấp.
- Majjhimadāna: bố thí bậc trung: trong khi bố thí, thiện tâm hợp với 4 pháp: hài lòng, tinh tấn, quyết tâm, trí tuệ, có tính chất trung bình, nên gọi bố thí bậc trung, có quả báu bậc trung.
- Paṇītadāna: bố thí bậc cao quý: trong khi bố thí, thiện tâm hợp với 4 pháp: hài lòng, tinh tấn, quyết tâm, trí tuệ có tính chất cao quý, nên gọi bố thí bậc cao quý, có quả báu bậc cao quý.
Dānadāsi – Dānasahāya – Dānasāmi.
- Dānadāsi: bố thí như cho đến kẻ tôi tớ: thí chủ thường dùng những đồ tốt, còn đem những đồ xấu bố thí đến người khác. Ví như người chủ dùng đồ tốt, còn cho đồ xấu đến kẻ tôi tớ.
- Dānasahāya: bố thí như tặng đến bạn thân: thí chủ dùng những đồ vật như thế nào, bố thí đến người khác những đồ vật như thế ấy. Ví như thí chủ dùng những đồ vật như thế nào, tặng cho bạn thân những đồ vật cũng như thế ấy.
- Dānasāmi: bố thí như biếu đến người chủ: thí chủ thường dùng những đồ vật xấu, còn đem những đồ vật tốt, quý giá bố thí cúng dường đến người khác. Ví như người nhỏ kính biếu những đồ vật quý giá đến người lớn, bậc đáng kính trọng.
Mỗi loại phước thiện bố thí đều có quả báu thấp, trung, cao khác nhau. v.v....
Bậc Thiện trí bố thí có 5 chi
1- Saddhadāna: bậc Thiện trí bố thí có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Bố thí bằng đức tin này có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là có sắc thân xinh đẹp, đáng chiêm ngưỡng.
2- Sakkaccadāna: bậc Thiện trí bố thí bằng sự cung kính, và vật thí phát sanh một cách trong sạch.
Bố thí bằng sự cung kính có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là toàn thể gia đình vợ con, tôi tớ, bà con, bạn bè, thuộc hạ... cả thảy đều ngoan ngoãn vâng lời, dễ dạy.
3- Kāladāna: bậc Thiện trí bố thí đúng thời, đúng lúc như trong các lễ dâng y tắm mưa, dâng y kathina, bố thí đến Tỳ khưu khách, Tỳ khưu đi xa, Tỳ khưu bệnh, người bệnh, người đang đói khát....
Bố thí cúng dường đúng thời, đúng lúc, có quả báu giàu sang phú quý; và đặc biệt nhất là có quả báu tốt lành từ thuở ấu niên cho đến lão niên, có những vật mà người khác khó có, được những vật mà người khác khó được....
4- Anuggahadāna: bậc Thiện trí bố thí với tâm tế độ người thọ thí.
Bố thí với tâm tế độ, có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là quan tâm đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.
5- Anupahaccadāna: bậc Thiện trí bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người.
Bố thí không làm khổ mình, không làm khổ người có quả báu giàu sang phú quý, và đặc biệt nhất là tất cả của cải không bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, không bị nước ngập lụt cuốn trôi, không bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, không bị Ðức Vua tịch thu, không bị người không ưa thích tranh giành.
Như trong kinh Sappurisadānasutta [Aṅguttaranikāya, phần 5 chi, kinh Sappurisadānasutta], Ðức Phật dạy:
Này chư Tỳ khưu, bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí bằng đức tin trong sạch sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt là người có sắc thân rất xinh đẹp, có màu da mịn màng trắng trẻo sạch sẽ, đáng để cho mọi người ngưỡng mộ.
Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí bằng sự cung kính sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đặc biệt vợ con tôi tớ, người làm công, bè bạn, v.v... đều lắng nghe và cung kính vâng lời làm theo lời khuyên dạy.
Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí hợp thời, hợp lúc, sẽ được quả báu nhiều tiền của giàu sang phú quý và đặc biệt khi cần được thứ gì sẽ có được thứ ấy theo sự mong muốn của mình.
Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí với tâm tế độ người thọ thí, sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý và đaëc biệt là người ấy thường quan tâm đến sự thọ hưởng của cải, đầy đủ sung túc ngũ trần.
Bậc Thiện trí làm phước thiện bố thí không làm khổ đến mình và người sẽ được quả báu nhiều tiền của, giàu sang phú quý, và đặc biệt tất cả của cải tài sản không bị thiệt hại bởi lửa cháy, nước lụt, trộm cướp, vua chiếm đoạt và kẻ không ưa thích phá hoại.
Này các Tỳ khưu đó là 5 cách phước thiện bố thí của bậc Thiện trí và quả báu của nó.
Hạng người thiểu trí bố thí có 5 chi
1- Asaddhadāna: người thiểu trí bố thí không có đức tin trong sạch nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Bố thí không có đức tin này cũng có quả báu giàu có, nhưng có sắc thân xấu xí không đáng ngưỡng mộ.
2- Asakkaccadana: người thiểu trí bố thí không cung kính, vật thí phát sanh không trong sạch.
Bố thí không cung kính cũng cho quả báu giàu có, nhưng lời nói bị coi thường, những người trong gia đình cũng như người khác không vâng lời làm theo.
3- Akāladāna: người thiểu trí bố thí cúng dường không đúng thời, không đúng lúc.
Bố thí không đúng thời, không đúng lúc cũng có quả báu giàu có, nhưng khi cần đến vật gì, không được vật ấy như ý.
4- Anuggahadāna: người thiểu trí bố thí không có tâm tế độ.
Bố thí không có tâm tế độ cũng có quả báu giàu có, nhưng tâm không nghĩ đến sự hưởng thụ của cải cho được an lạc.
5- Upahaccadāna: người thiểu trí bố thí làm khổ mình, khổ người.
Bố thí làm khổ mình, khổ người cũng có quả báu giàu có, nhưng của cải dễ bị thiệt hại do bởi lửa thiêu hủy, nước ngập lụt cuốn trôi, bị kẻ trộm cướp chiếm đoạt, Ðức Vua tịch thu, người không ưa thích phá hoại.
5 đại thí (mahādāna)
1- Không sát sanh gọi là đại thí. Bởi vì người không sát sanh là người bố thí sự an toàn tánh mạng cho tất cả chúng sinh, dầu nhỏ hay lớn; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả chúng sinh.
2- Không trộm cắp gọi là đại thí. Bởi vì người không trộm cắp là người bố thí sự an toàn của cải riêng của mọi người, lẫn của chung của xã hội, của quốc gia dân tộc; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả mọi người.
3- Không tà dâm gọi là đại thí. Bởi vì người không tà dâm với vợ chồng của người khác, là người bố thí sự an toàn, tôn trọng hạnh phúc gia đình của người khác; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả mọi người.
4- Không nói dối gọi là đại thí. Bởi vì người không nói dối người khác là người bố thí lời chân thật, đem lại niềm tin đối với mọi người; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả mọi người.
5- Không uống rượu và chất say, nhân sanh dể duôi quên mình gọi là đại thí. Bởi vì người không uống rượu và chất say, là người có trí nhớ, trí tuệ, biết mình không làm những điều tội ác như: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối... là người bố thí sự an toàn cho tất cả chúng sinh; là bố thí sự không tai hại, không oan trái; là bố thí sự an lạc đến tất cả chúng sinh.
Năm đại thí này có quả báu lớn là được vẹn toàn tất cả như: không bị tai hại, không bị oan trái, không ai làm khổ mình....
Trường Cửu Thí (thāvaradāna)
Trường cửu thí: là bố thí những vật có tính chất bền vững lâu dài theo thời gian và không gian, thì phước thiện bố thí cũng tăng trưởng theo thời gian và không gian ấy. Nghĩa là, vật thí còn tồn tại chừng nào, thì phước thiện ngày đêm cũng tăng trưởng chừng ấy.
Trường cửu thí (thāvaradāna) có 6 loại:
1- Ārāmaropadāna: làm phước thiện bố thí trồng những cây ăn quả, những cây cho bóng mát ở trong vườn.
2- Vanaropadāna: làm phước thiện bố thí trồng cây gỗ quý như: cẩm lai, cây sao... thành rừng cây.
3- Setukārakadāna: làm phước thiện bố thí xây cầu nối liền hai bên bờ sông để người qua lại được thuận lợi ngày đêm.
4- Papadāna: làm phước thiện bố thí hũ nước uống đặt bên đường để cho người qua, kẻ lại uống đỡ khát nước.
5- Udapānadāna: làm phước thiện bố thí đào giếng lấy nước dùng, nước uống cho mọi người.
6- Upassayadāna: làm phước bố thí xây cất nhà nghỉ, nhà trọ, chùa, chỗ ở dâng cúng đến chư Tỳ khưu Tăng từ bốn phương.
Những vật thí này có tính chất bền vững lâu dài theo thời gian và không gian, gọi là trường cửu thí, đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho mọi người. Cho nên, phước thiện của thí chủ được tăng trưởng suốt ngày đêm không ngừng nghỉ.
Quả Báu Bố Thí
Trong kinh Dānānisaṃsasutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Dānānisaṃsāsutta] dạy:
Thí chủ làm phước thiện bố thí có được 5 quả báu kiếp hiện tại và kiếp vị lai như sau:
1- Thí chủ được nhiều người hài lòng kính mến.
2- Bậc Thiện trí thường gần gũi tế độ thí chủ.
3- Tiếng lành, tiếng tốt của thí chủ được lan truyền.
4- Thí chủ không sao nhãng việc hành pháp của người tại gia.
5- Thí chủ sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả được tái sanh nơi cõi trời dục giới, hưởng sự an lạc trong cõi trời.
Quả báu phước thiện bố thí vật thực
Trong kinh Bhojanadānasutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Bhojanadānasutta] dạy:
Thí chủ làm phước thiện bố thí vật thực, gọi là bố thí 5 pháp đến cho người thọ thí.
1- Bố thí sự sống lâu: nhờ vật thực nên duy trì được mạng sống.
2- Bố thí sắc đẹp: nhờ vật thực nên mặt mày tươi tỉnh, sắc thân hồng hào xinh đẹp.
3- Bố thí sự an lạc: nhờ vật thực nên thân tâm có được sự an lạc.
4- Bố thí sức mạnh: nhờ vật thực nên có được sức mạnh của thân, tâm.
5- Bố thí trí tuệ: nhờ vật thực nên tâm được an tịnh, trí tuệ sáng suốt.
Khi thí chủ bố thí sự sống lâu rồi, sẽ có được tuổi thọ sống lâu trong cõi người và tuổi thọ trong cõi trời.
Khi bố thí sắc đẹp rồi, sẽ có được sắc đẹp trong cõi người và sắc đẹp trong cõi trời.
Khi bố thí sự an lạc rồi, sẽ có được thân tâm an lạc trong cõi người và an lạc trong cõi trời.
Khi bố thí sức mạnh rồi, sẽ có được sức mạnh của thân tâm trong cõi người và sức mạnh của thân tâm trong cõi trời.
Khi bố thí trí tuệ rồi, sẽ có được trí tuệ, có tài ứng đối nhanh, khiến cho người nghe kính phục.
Quả báu bố thí trong kiếp hiện tại
Kinh Sīhasenāpatisutta [Aṅguttaranikāya, Pañcakanipāta, kinh Sīhasenāpatisutta] dạy:
Một thuở nọ Ðức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa trong khu rừng lớn gần thành Vesāli. Khi ấy, vị thừa tướng Sīha đến hầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn bèn bạch rằng:
Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có thể thuyết giảng cho con thấy được quả báu của sự bố thí ngay trong kiếp hiện tại không?
- Ðức Phật dạy rằng: Có thể được!
Này thừa tướng Sīha, thí chủ là người được phần đông mọi người thương yêu kính mến. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.
Này thừa tướng Sīha, chư bậc Thiện trí thường đến tế độ thí chủ. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.
Này thừa tướng Sīha, danh thơm tiếng tốt của thí chủ được lan truyền khắp mọi nơi. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.
Này thừa tướng Sīha, thí chủ đi vào hội đoàn nào như Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, cư sĩ có tâm dũng cảm, không rụt rè. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong kiếp hiện tại.
Này thừa tướng Sīha, thí chủ sau khi chết, do phước bố thí cho quả được tái sanh cõi thiện giới, cõi trời dục giới. Ðó là quả báu của phước bố thí hưởng trong những kiếp sau.
Nghe Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vậy, vị thừa tướng Sīha bạch rằng:
Kính bạch Ðức Thế Tôn, Ngài thuyết giảng quả báu bốn điều trước, không phải con tin, mà chính con đã thấy rằng: con là thí chủ được phần đông mọi người thương yêu kính mến, chư bậc Thiện trí thường đến tế độ con, danh thơm tiếng tốt của con được lan truyền khắp mọi nơi rằng: "Thừa tướng Sīha là thí chủ thường cúng dường đến chư Ðại Ðức Tăng...", con đi vào hội đoàn Vua chúa, Sa môn, Bà la môn, cư sĩ với tâm dũng cảm, không rụt rè.
Kính bạch Ðức Thế Tôn, bốn quả báu của phước bố thí mà con đã thấy rõ trong kiếp hiện tại này, đúng như những điều mà Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng. Và điều thứ năm mà Ngài thuyết giảng: "Thí chủ sau khi chết, do phước bố thí cho quả được tái sanh cõi thiện giới, cõi trời dục giới", điều ấy con chưa thấy, nhưng con có đức tin theo Ðức Thế Tôn.
Ðức Phật khẳng định lại một lần nữa rằng:
Ðúng như vậy! Này thừa tướng Sīha.
Ðúng như vậy! Này thừa tướng Sīha, thí chủ sau khi chết, do phước bố thí cho quả được tái sanh cõi thiện giới, cõi trời dục giới,....
-ooOoo-
nguồn: viet.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến