Ăn thuần chay: Tốt cho Địa Cầu |
Trích đoạn bài viết của ký giả tạp chí TIME, Eben Harnell
Tôi không ăn bánh mì thịt bò bằm ba rọi phô-mai nữa. Khoảng 3 năm trước, tôi đã ngưng ăn thịt đỏ và thịt heo. Tôi là người Mỹ, và trời ơi, tôi thích bánh mì thịt bò bằm ba rọi phô-mai lắm lắm. Nhưng tôi đã quyết định, theo kế hoạch bất hoàn hảo của tôi để sống một cuộc đời đàng hoàng, đạo đức: tôi không thể nào tiếp tục ngốn nghiến món bánh mì thịt bò bằm ba rọi phô-mai. Tôi không thể xem sự yêu thích một chất đạm nào đó quan trọng hơn là vấn đề có nhiều em bé đang thiếu ăn hoặc quan trọng hơn nhu cầu cấp bách để giải quyết biến đổi khí hậu.
Một trong những thất bại lớn của phong trào môi sinh – nhưng cũng là sự thành công của nhóm vận động hành lang kỹ nghệ thực phẩm – là đa số mọi người không có chút khái niệm nào về sự liên quan giữa bánh mì thịt bò bằm ba rọi phô-mai và những em bé thiếu ăn, hoặc liên hệ chi đến biến đổi khí hậu.
Sản xuất thịt tốn hao rất nhiều năng lượng. Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, việc sản xuất thịt là nguyên nhân gây ra 18% khí thải nhà kính hàng năm — hơn cả các phương tiện vận chuyển, chỉ gây ra khoảng 14%. Hơn nữa, mỗi năm hàng triệu mẫu rừng mưa bị đốn để nuôi nông súc và cung cấp thức ăn cho nông súc, tiêu hủy một trong những "bồn hút các-bon" lớn trên thế giới và do đó làm tăng nhanh biến đổi khí hậu.
Sản xuất thịt cũng hoang phí năng lượng rất nhiều. Nhiệt lượng (ca-lo-ri) chúng ta thu lại qua việc ăn thịt ít hơn là nhiệt lượng tung ra để nuôi nông súc bằng ngũ cốc. Trong một thế giới với hàng trăm triệu người đói khát, chúng ta đang giành giựt thức ăn từ miệng của các em bé, rồi đem cho thú vật ăn để chúng được béo bổ.
Những ai còn ngờ vực mức độ nghiêm trọng của vấn đề này nên dành vài tiếng đồng hồ để xem qua 21 cuộc nghiên cứu đăng trên tạp chí Trao đổi Triết lý của Hội Hoàng Gia Anh. Ấn bản đặc biệt do Hội Hoàng Gia Anh xuất bản và khoa học gia trưởng John Beggington của chính phủ Anh chủ nhiệm đã tìm hiểu về vấn đề an ninh thực phẩm vào năm 2050. Đến lúc đó, dân số Địa Cầu được tiên đoán là sẽ tăng lên 9 tỷ người, có nghĩa là nguồn cung cấp thực phẩm trên toàn cầu cần phải gia tăng tương tự, lên đến khoảng 70%, để cung ứng cho nhu cầu. Rõ ràng điều đó không thể nào thực hiện được nếu tất cả 9 tỷ người trên thế giới đều muốn ăn bánh mì thịt bò bằm ba rọi phô-mai.
...Không còn nghi ngờ gì nữa: việc nuôi thế giới và giải quyết biến đổi khí hậu sẽ dễ dàng hơn nếu những người có điều kiện tài chính để ăn thịt quyết định ngưng ăn thịt. Năm 2008, tiến sĩ Rajendra Pachauri, chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu Liên Hiệp Quốc đề nghị rằng một việc hữu ích nhất mà mọi công dân có thể làm để phòng chống biến đổi khí hậu là ăn chay.
Ngay cả bớt ăn thịt cũng giúp ích: ở Bỉ, thành phố Ghent ấn định mỗi thứ năm là "Veggiedag" — Ngày Ăn Chay— kêu gọi tất cả trường học và cơ quan công cộng phục vụ thức ăn không có thịt. Họ khuyến khích công dân bằng cách phát triển những tiệm ăn chay và cố vấn phương cách để theo lối dinh dưỡng ăn chay.
Có lẽ đã đến lúc để noi bước những người dân khai ngộ của thành Ghent. Trong tuần này, nhà báo Lev Grossman của tạp chí TIME đã viết về tiểu thuyết gia Jonathan Franzen. Ông Franzen tin rằng sẽ rất tốt nếu người Mỹ thay đổi quan điểm của họ về “tự do.”
Theo nhà văn Franzen, giới hạn cũng có thể mang đến giải thoát thật sự. Tôi hiểu ý ông ta. Khi ngưng ăn thịt, tôi cảm thấy được giải thoát khỏi cảm giác tội lỗi lúc ăn thịt. Bằng cách giới hạn sự tự do chọn lựa, tôi lại cảm thấy tự do hơn.
Cho nên, lòng từ thiện, theo một cách nào đó, cũng có lợi cho chính mình và giải phóng chính mình. Những phần thưởng như vậy, ngay cả một người Mỹ chính gốc khoái thịt cũng có thể hiểu được. (Song tôi vẫn còn tương tư món bánh mì thịt bò bằm ba rọi phô-mai bacon cheese burger!)
http://ecocentric.blogs.time.com/2010/08/16/how-to-feed-the-world-by-going-veggie/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét