Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa
Trích: “Khổng Tử Tinh Hoa” – Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
Khảo sát ý niệm về Trời, về Thượng Đế qua Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa, tức là khảo sát niềm tín ngưỡng của dân tộc Trung Hoa thời cổ, trong khoảng hơn 2000 năm lịch sử trước đời Khổng Tử.
Sống thời nay mà bàn chuyện xa xăm quá vãng từ ba, bốn nghìn năm về trước như vậy, thoạt nghĩ, tưởng là viển vông, lỗi thời. Nhưng biết đâu trong cái thế giới ngả nghiêng cả về tinh thần lẫn vật chất này, niềm tin của người xưa lại chẳng làm vững mạnh lại lòng tin của người nay?
Khảo cứu Tứ Thư, Ngũ Kinh, nhiều người vẫn tưởng rằng đức Khổng lập ra một đạo mới, nhưng kỳ thực Ngài chỉ muốn làm sống lại những truyền thống, những tín ngưỡng cao đẹp của người xưa, muốn xây dựng lại cho nước Trung Hoa nền Thiên trị (Théocratie) chính thống của các thánh quân, hiền phụ thời trước…
Ngài nói:
«Ta trần thuật chứ không sáng tạo,
Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.»
Thực vậy, Ngài ra công sưu tầm, san định các tài liệu lịch sử, lễ nhạc, thi ca thời cổ, ghi chép thành bộ Ngũ Kinh quí báu mà ngày nay chúng ta thừa hưởng. Nhờ vậy mà bây giờ chúng ta mới còn có những quan niệm chính xác về dân Trung Hoa thời cổ....
Dân Trung Hoa có ý niệm về Trời, về Thượng Đế tự bao giờ? Từ Bàn Cổ, từ Phục Hi, hay từ Hoàng Đế? Đó thực là một câu hỏi khó trả lời…
Chúng ta chỉ biết rằng: theo Trúc Thư Kỷ Niên thì từ thời Hoàng Đế (tức vị năm 2697 trước kỷ nguyên) đã thấy đề cập tới Trời, một cách kính cẩn nhưng cũng rất tự nhiên, quen thuộc.
Trong thiên đầu sách, nhan đề là «Hoàng Đế Hiên Viên Thị», Trúc Thư ghi:
Năm thứ 50 (đời Hoàng Đế), mùa thu, tháng bảy, ngày Canh Thân, phượng hoàng bay đến, Hoàng Đế tế lễ ở sông Lạc.
Từ ngày Canh Thân, trời sa mù ba ngày, ba đêm; ban ngày cũng hôn ám. Hoàng Đế hỏi Thiên Lão, Lực Mục, Dung Thành xem sự thể thế nào ?
Thiên Lão tâu: «Thần nghe khi nước yên và vua chuộng văn thì phượng hoàng tới ở; lúc nước loạn và vua chuộng võ, thì phượng hoàng bay đi. Nay phượng hoàng bay lượn vui vẻ ở bờ cõi Đông, tiếng kêu an hòa tiết tấu ứng hợp với Trời. Suy ra thì biết: TRỜI ĐÃ BAN NHỮNG LỜI NGHIÊM GIÁO CHO ĐỨC VUA, xin đức vua chớ nên bất tuân.» Tài liệu lịch sử này chứng minh rằng Hoàng Đế (2697 BC) và quần thần đã tin kính Trời, đã đề cập tới Trời một cách rất là tự nhiên quen thuộc và trong những tình thế nghiêm trọng bất thường, đã biết cùng nhau bàn bạc để tìm hiểu ý Trời mà tuân cứ…
Vua Nghiêu (tức vị 2356 BC) lại còn thánh thiện hơn nữa: Ngài đã biết sống thánh thiện noi gương Trời!
Khổng Tử đã viết về vua Nghiêu như sau: «Vua Nghiêu đức nghiệp lớn thay, chỉ có Trời là lớn! Chỉ có vua Nghiêu là bắt chước Trời.»
Khi vua Thuấn lên ngôi (2255) đã tế lễ Thượng Đế.
Vua Đại Võ khi còn là hiền thần, đã biết khuyên vua Thuấn sống cuộc đời đức hạnh «để có thể huy hoàng rước lấy Thượng Đế».
Lúc trị thủy thành công trở về, Đại Võ dâng vua Thuấn một tấm ngọc huyền khuê, để báo cáo công việc hoàn thành. Phó Diễn bình rằng: Võ dâng Thuấn ngọc huyền khuê là muốn nói cùng vua Thuấn: «Đức hạnh của nhà vua đồng nhất với đức hạnh Trời.»
Các vua sáng lập nhà Ân (1766-1122) cũng đã biết sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế.
Kinh Thi viết:
«Thủa nhà Ân còn thời thịnh trị,
Đã từng cùng Thượng Đế tất giao.»
Sau khi nhà Ân suy vi thì vua Văn (sinh năm 1258 BC), người được mệnh lệnh Thượng Đế hưng binh đánh Trụ, lại biết sống phối hợp với Trời.
Kinh Thi viết:
«Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,
Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,
Cho muôn dân thấy mà tin.»
...Thượng Đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, có nhiều danh hiệu: Đế, Thượng Đế, Thiên, Hoàng Thiên, Thượng Thiên, Hoàng Thượng Đế, Thiên Hoàng Thượng Đế, Thượng Thiên Thần Hậu, Hoàng Hoàng Hậu Đế, v.v… Ấy là chưa kể đến những danh từ trừu tượng siêu hình như Dịch, Thần, Thái Cực, v.v…
Ngày 30-11-1700, Vua Khang Hi giáng chiếu như sau: «Đối với các việc tế lễ mà các vua chúa thời xưa quen dâng kính Trời, đó là những việc tế lễ mà các triết gia Trung Hoa gọi là … tế lễ Trời Đất, mục đích là để tôn kính Thượng Đế… cho nên, đã hiển nhiên là không phải dâng tế lễ cho trời hữu hình hữu chất, mà là dâng cho đấng chủ tể đã tạo thành trời đất muôn vật. Và vì người xưa kính sợ Thượng Đế, không dám trực tiếp xưng tên Ngài, nên họ thường xưng hô Ngài dưới danh hiệu là Thượng Thiên, Hoàng Thiện, Mân Thiên. Y như ngày nay, khi đề cập tới Hoàng Đế, người ta không gọi đích danh Hoàng Đế, mà lại gọi cửu trùng, chín bệ… Như vậy xét về từ ngữ thì có khác nhau, nhưng xét về ý nghĩa thì những danh từ ấy đều là một…»
Vua Khang Hi thực đã tỏ ra một thái độ sáng suốt và biết dung hòa hết sức...
… Trời oai nghi, nhưng luôn để mắt nhìn xuống muôn phương để dìu dắt ám trợ chúng dân.
«Kìa Thượng Đế muôn trùng cao cả
Oai nghi nhìn thiên hạ chúng dân
Nhìn quanh tứ phía hồng trần
Tìm xem ai kẻ trị dân an bình.»
Bởi vì:
«Sinh dân Trời chẳng bỏ liều
Liệu người cai quản đến điều mới thôi.»
Dĩ nhiên là «Trời rất thông minh, nên các vị thánh quân phải bắt chước Trời, như vậy quần thần sẽ khâm phục và dân chúng sẽ được cai trị hẳn hoi, yên ổn.»
Trời không thân ai, chỉ thân kẻ biết kính sợ Ngài.
Trời đôi khi cũng phẫn nộ vì những lỗi lầm, thất bại hay tội lệ của các nhà cầm quyền, có khi cũng ra uy, giáng tai ách, nhưng, thật ra Ngài thương muôn dân vô hạn, đến nỗi đồng hóa mình với chúng dân.
Kinh Xuân Thu cũng viết:
«Trời rất thương dân. Có lẽ nào Trời để cho một người trị dân theo ý riêng mình, theo tính xấu mình mà phế bỏ tính trời đất, chắc không thể nào được.»
oOo
Khảo cứu văn liệu, sử liệu Trung Hoa thời cổ, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy dân Trung Hoa xưa đã thờ Trời, tin Trời, kính sợ Trời. Hơn thế, họ còn coi Trời như cha, vì thế mà vua nhiều khi còn được mệnh danh là nguyên tử, là con đầu của Thượng Đế. Trịnh Khang Thành bàn rằng: «Phàm người ta ai cũng là con Trời, Thiên Tử là con đầu hay là trưởng tử.»
Chính Trời cai trị, hướng dẫn dân chúng.
Kinh Thi viết:
«Trời xanh dẫn dắt chúng dân,
Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,
Trời, Người, đôi ngọc chương khuê,
Bên cho, bên lấy, đề huề, xiết bao,
Tay cầm, tay giắt, khéo sao,
Trời xanh, dẫn dắt dân nào khó chi.»
Như vậy, các vua quan chỉ là những người đại diện, những thiên sứ, những tôi tá của Trời. Một tổ chức xã hội theo quan niệm như vậy là Thiên trị (Théocratie).
Các trang hiền thánh, các thánh quân, hiền thần đều ước ao sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế.. Những chữ «phối Thiên», «khắc phối Thượng Đế» (kết hợp với Thượng Đế) được đề cập nhiều lần trong Tứ Thư, Ngũ Kinh…
Thực là lạ lùng khi nhận thấy người xưa đã có một niềm tín ngưỡng sâu xa về Thượng Đế như vậy, và một lý tưởng đạo hạnh tuyệt vời như vậy …
Thực ra quan niệm về Thượng Đế là một quan niệm rất phức tạp. Nó biến ảo vô cùng, và thay đổi tùy nơi, tùy thời, tùy sự nhận thức của từng người. Đề cập thế nào về Thượng Đế cũng thấy là bất xứng, diễn tả thế nào về Thượng Đế cũng vẫn thấy sai ngoa. Cho nên, nơi đây chúng ta đã không có tham vọng bao quát mọi ý niệm về Thượng Đế trong Nho giáo, chúng ta đã thu hẹp phạm vi, không đề cập tới những quan niệm siêu hình, những danh từ trừu tượng về Thượng Đế của các triết gia về sau, nhất là của Tống Nho.
Chúng ta đã đề cập tới Thượng Đế bằng những quan niệm của đại chúng, của các vị hiền thánh thời xa xưa, chứ không muốn đề cập tới Thượng Đế bằng khối óc của những nhà triết học.
...Chương này chỉ là chương dẫn đầu để xây nền đắp tảng cho các chương sau, vì Thượng Đế chính là căn bản cho nền đạo giáo và chính trị Trung Hoa thời trước.
Chương này ngoài ra còn có mục đích dùng sử liệu văn liệu để chứng minh Thượng Đế chẳng phải là của sở hữu của cá nhân nào, quốc gia nào, dân tộc nào hay thời đại nào, mà Thượng Đế là của chung cho hoàn võ và nhân loại.
"Trời chẳng thân ai, chỉ thân người biết kính sợ Ngài" (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 1).
http://nhantu.net/TrietHoc/KhongHocTinhHoa/KhongHocTinhHoa-1.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét