Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010

Cõi Thơ: Sinh nhật nhà thơ Rumi (30-9)

Cách đây trên 800 năm, vào ngày 30 tháng 9, Rumi (Mawlana Jalaluddin Rumi), một nhà thơ và bậc thầy tâm linh đã chào đời tại tỉnh Balkh ở A Phú Hãn. Ngài nổi tiếng qua những thông điệp về tình yêu dành cho Đấng Thiêng Liêng, vượt trên mọi biên giới của ngôn ngữ, văn hóa, và tín ngưỡng.

Mời bạn đọc bản dịch một bài thơ của Ngài, nguyên tác tiếng Ba Tư, do Sharam Shiva chuyển sang tiếng Anh, trích từ thi tập "Hãy Lặng Im Đừng Nói Gì Với Chúa: Những Bài Thơ Trữ Tình Của Rumi." Người Tình trong thơ Rumi là Đấng Tối Cao và cũng là Chân Tánh, Đại Ngã, là chính chúng ta. Rumi ca tụng và nhắc ta tìm về với mối tình bất diệt này.

Trong Tim Bạn Có Một Ngọn Nến 

Trong tim bạn có một ngọn nến
đang sẵn sàng để được thắp lên.
Trong hồn bạn có một khoảng trống
đang chờ mong để được lấp đầy.
Bạn có cảm thấy gì không?
Nỗi cách xa Người Tình thiên cổ.
Hãy mời Người cho dạt dào chan chứa,
cho ấp yêu ngọn lửa trong tim.
Hãy nhắc nhở những ai bảo khác
rằng Tình Yêu quả thật
tùy ý tùy nghi mà đến
và nỗi nhớ thương
không thể học được từ bất cứ trường nào.

Và sau đây là trích đoạn bài biên khảo sâu sắc của tác giả Nguyễn Đức Tùng trên tạp chí Hợp Lưu.

Thơ Rumi
NGUYỄN ĐỨC TÙNG


...Tôi biết đến Rumi nhờ Coleman Barks, người dành trọn nửa cuộc đời mình để tìm hiểu nhà thơ lớn lao và bí ẩn này. Độc giả Mỹ cũng chỉ mới biết đến ông một cách rộng rãi vài năm trước đó, nhờ sự giới thiệu của Robert Bly. Chính nhà thơ Mỹ lừng danh Robert Bly đã dẫn Coleman Barks đến trước đống bụi thời gian mù mịt phủ kín trang thơ.

Rumi sinh ngày 30 tháng 9 năm 1207 ở một xứ sở mà nay là quốc gia A Phú Hãn đầy chiến tranh, trong một gia đình trung lưu, có người cha là một nhà thần học nổi tiếng. Xứ sở ông hồi đó là một trong những trung tâm nghiên cứu lớn về đạo Hồi. Năm 1220, người Mông Cổ xâm lăng A Phú Hãn từ phương Bắc, thiêu hủy tất cả các thành quách và nền văn minh giàu có này. Rất may, gia đình Rumi đã rời quê trước đó vài năm, trên đường hành hương về đất thánh Mecca. Năm 1125, họ đến vùng Rum và định cư ở đó. Tên của Rumi có nghĩa là " kẻ đến từ Rum".

Năm 1244, khi Rumi đã nổi tiếng khắp nơi vì học vấn lỗi lạc của ông, một sự kiện đặc biệt xuất hiện. Một hôm, đang cưỡi lừa đi trên đường, ông bị chặn lại bởi một kẻ lạ mặt. Kẻ này đưa ra lời thách đố với những câu hỏi khó khăn. Cuộc trao đổi của Rumi và hắn kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày, và như được Rumi kể lại về sau "Không ăn, không ngủ, không đếm xỉa gì đến những nhu cầu của con người". Trong giây phút lịch sử, hai thiên tài nhận ra nhau. Sau nhiều tháng làm đôi bạn tri kỷ, Shams, kẻ lạ mặt trong buổi hội ngộ đường làng nói trên, biến mất. Lòng đầy thương nhớ, Rumi nhận ra nguồn cảm hứng bất tận từ người bạn mới quen. Ông bắt đầu làm thơ và hát chúng lên giữa các bạn bè, đệ tử.

Thơ Rumi là tiếng hát của một tâm hồn lãng mạn.

Anh muốn tới nơi
Đôi chân trần em bước
Bởi vì trước mỗi bước chân
Có thể là: em đã nhìn xuống đất.

...Ông cũng dạy người khác cách chấp nhận sự thật và lòng bao dung.

Chúng ta là bạn với những kẻ giết chúng ta
Kẻ cho chúng ta thấy được sống của biển khơi. Chúng ta
Yêu mến cái chết này. Chỉ có sự vô minh là nói
"Gác lại chuyện này đi, cho đến ngày hôm sau nữa."
Đừng tránh lưỡi dao. Người bạn này
Có vẻ hung dữ, sẽ mang tâm hồn bạn
Đến những chân trời khác, mang con ác điểu của bạn
Lên đỉnh cao gió hú. Chúa Jesus lên thập giá.

Thơ Rumi ngạt ngào sự tương thông giữa người và người, như tiếng thổi rì rào của gió trên thảo nguyên bao la.

Điều gì được nói với một cánh hồng khiến nó mở ra, đã được
Nói thì thầm với tôi trong ngực
Điều gì đã được nói với cây thường xuân xanh biếc, làm cho
Nó trở thành dũng mãnh, đứng thẳng lên, đã được
Thì thầm kể lại với bụi hoa lài khiến cho hoa lài trở nên chính nó, điều gì
Làm cho cây mía ngọt ngào, điều gì
Đã được nói với cư dân của thị trấn Chigil ở Turkestan khiến họ
Trở nên đẹp đẽ, điều gì làm cho hoa lựu đỏ nở như một
Khuôn mặt người, giờ đây
Đang được nói với tôi. Tôi đỏ mặt lên. Điều gì làm cho ngôn ngữ tôi
Trở thành lưu loát, chính là điều này đây
Cửa của nhà kho lớn lao đang mở, lòng đầy biết ơn,
Tôi nhai một khúc mía đường
Lòng đầy tình yêu với kẻ mà mọi điều khác thuộc về.

Rumi nói nhiều đến sự đổi thay, sự cần thiết của đổi thay, và niềm đau bạn đành chấp nhận đã được lột vỏ mỗi ngày.

Ngày hôm qua trong một buổi họp tôi đã thấy
Tâm hồn tôi trong một chiếc lọ của một kẻ nào
Đang tìm cách đổ đầy
Mỗi người chọn cho mình một nỗi đau, điều sẽ
Thay đổi anh ta thành một chiếc bánh mì nướng
chín thơm lừng.

Tình yêu thương đồng loại bàng bạc trong thơ của Rumi. Tâm hồn ông thật dịu dàng. Thơ Rumi là lời kêu gọi không khi nào cũ, mãi mãi trẻ trung giữa một thế giới đầy bạo lực.

Hãy nhìn một đứa trẻ một tuổi
Sự giận dữ bắt đầu khi bạn quá tự hào
Về mình. Hãy làm ta nhỏ lại. Hãy dùng
Sự coi thường của người khác, và tự nhìn lại mình, để thay đổi, giống như
Đám mây trong chuyện cổ dân gian biến thành
Con rắn… đôi khi mùi vị ngọt ngào làm bạn
Trở nên chua chát và tệ bạc.

Giữa một thế giới đầy nhiễu nhương loạn lạc, lắng nghe Rumi, ta như nghe được lời cảnh tỉnh của ông từ 800 năm trước.

Một đặc điểm của thơ Rumi là ông ít nói về cái tôi của mình. Tuy là thơ trữ tình, đây là một loại trữ tình phi cá tính. Chúng ta không biết nhiều về ông như một con người trong đời sống bình thường. Những câu thơ tha thiết và bay bổng của Rumi có sức mạnh nối kết những cá thể riêng biệt, làm cho con người trở nên gần gũi nhau, làm cho chúng ta hòa tan vào đất trời. 


Đọc thơ ông, ta thay đổi khi nào không biết, tâm hồn trở nên trong suốt như dòng suối róc rách chảy qua giữa những viên sỏi trắng, rũ bỏ và thanh sạch. Mặc dù ý tưởng về Thượng Đế rất mạnh mẽ ở Rumi, ông không phải là một nhà truyền đạo theo nghĩa thông thường. Khác với những người cùng thời, thơ ông cũng không nhắc nhiều đến Thượng Đế. Nếu có, Ngài hiện lên như một người bạn tâm tình.

Ông nói: "Tinh thần hòa lẫn với thế giới hiện thực mà kẻ mang cho, quà tặng và người nhận là một". Rumi kêu gọi tình thân ái, giống như tình bạn.

Hãy ở lại bên nhau, các bạn
Đừng chia lìa, đừng ngủ
Tình bạn được tạo ra
Bằng sự tỉnh thức
Bánh xe đạp nước nhận nước rồi
sẽ trả lại. Và cho đi.

Rumi nhắc đi nhắc lại về sự sầu muộn và nỗi thống khổ của loài người. Chỉ có một tình yêu vững bền không điều kiện là cách duy nhất để chữa chạy. Nhưng hơn thế nữa, ông đòi hỏi ở chúng ta sự chấp nhận, thong thả, thanh thản, vững chãi, nhưng không cay đắng đối với bất công của số phận, sự đày ải, nỗi đau thể chất và tinh thần. Nuốt lấy nỗi đau, có phần hùng tráng, đi xuyên qua nó, tiêu hóa nó, như bóng tối, như trái cây chín tới, chuyển hóa chúng thành một phần của đời sống chúng ta.

Sự buồn đau khủng khiếp
Của kiếp người. Hãy uống
Tất cả chúng đi. Nhưng một cách khác.

Rumi cũng nói về cái chết. Ông kêu gọi chúng ta can đảm và chuẩn bị sự chờ đợi nó bằng thái độ của mình đối với sự khổ đau. Có thể nói mà không đến nỗi quá sai rằng con người chuẩn bị cho cái chết bằng cách trưởng thành khi học cách đối phó với đau khổ thường hằng.

Tôi nhìn thấy nỗi sầu uống một cốc rượu buồn
và tôi kêu lớn: Rượu ngon quá, phải không nào?
ngươi bắt được ta rồi, nỗi sầu trả lời, và
ngươi làm hỏng hết chuyện của ta. Làm sao ta còn
đi rao bán được cái buồn nữa đây?

Thơ Rumi có tính thần kỳ, huyền ảo, nhưng không bí hiểm, lại hết sức dễ hiểu, đi thẳng vào lòng người. Từ ngữ mà ông dùng, khi dịch sang tiếng Anh, nhất là dưới bàn tay trác tuyệt của Robert Bly và Coleman Barks, rất dung dị mà vẫn bay bổng, tài hoa. Thơ Rumi kêu gọi sự trở lại với im lặng, vì im lặng cho phép chúng ta cảm nhận được, ngửi được, nếm được mùi vị của sự hiện hữu, như một đóa hồng lặng lẽ tỏa hương trong đêm tối.

Những cuộc trò chuyện bất tận nổi tiếng của Rumi với người bạn tri kỷ của ông, Shams Tabriz, có lẽ đã xảy ra thông qua những khoảng im lặng ngân dài. Ai biết được họ đã nói gì với nhau qua thứ ngôn ngữ vô âm ấy. Mặc dù thắm đẫm tinh thần Hồi giáo, Rumi thường hiện lên trong thơ ông, ít nhất là đối với tôi, như một thiền sư của vùng Trung Cận Đông, một hành giả thiền thực sự. Qua thơ Rumi, giọng nói thánh thót của ông, và sự im lặng của ông, nhân loại ngày nay, nhất là ở phương Tây và miền Đông Á, vốn xa cách về địa lý và lịch sử, cảm thấy gần gũi hơn với những dân tộc có một nền văn hóa lớn lao, khắc nghiệt, và quá khác biệt.

Những xung đột ngày nay giữa thế giới Kitô và thế giới Hồi giáo, cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ trên chính đất nước A Phú Hãn của ông, và hiện nay là Iraq, vùng Vịnh, cuộc xung đột bất tận giữa Do Thái và Palestine, hay Lebanon hiện nay, đầy máu lửa… không dập tắt tiếng thơ của Rumi, trái lại, kêu gọi chúng ta đọc ông nhiều hơn nữa, uống chén rượu tâm hồn ngạt ngào mà ông mời vẫn còn thơm, lên tiếng nhiều hơn cho hòa bình và sự cảm thông giữa các giống người, và cũng tập im lặng nhiều hơn nữa, một sự im lặng đầy tỉnh thức của kẻ lữ hành trên đường về cố xứ.

Thời gian để gác bỏ ngoài tai những lời khuyên
Thông thái, để mở những nút thắt mà
Văn hóa của chúng ta buộc lại. Cắt chúng đi
Nhét bông vào lỗ tai. Trở về với bãi lau nương sậy
Để cho mía mọc lên trong tâm hồn bạn. Không cần có
Luật lệ nào, hay bổn phận thường ngày. Chúng không
Mang lại sự an bình im lặng.

Rumi mất trong một buổi hoàng hôn năm 1273. Tương truyền rất nhiều người, thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau, đã đến dự tang lễ của ông. Ở xứ sở của mình, nhiều năm, nhiều thế kỷ sau, ông vẫn còn được gọi là Mevlana, nghĩa là Bậc Thầy.

Có lẽ trên đường trở về chốn vĩnh hằng, ông lại gặp Shams, người bạn tri kỷ ngày xưa chăng? Hãy nghe ông kể lại mẩu đối thoại tượng trưng, trong một bài thơ ngắn:

…ngày kia đến hỏi Shams: Anh làm gì ở đây?
Trả lời: Có gì ở đó đâu mà làm?

Mỗi năm vào ngày 17 tháng 12, ngày mất của Rumi, nhiều nơi trên thế giới tổ chức tưởng niệm. Ngôi mộ của ông ở xứ Konya được nhiều du khách đến viếng mỗi ngày. Ở đó, giữa sự an tĩnh của cây xanh im lặng ngàn đời, những lời nhắc nhở về tình yêu, về sự hòa hợp của ông vẫn dịu dàng vang lên như vừa mới hôm qua.

Không còn là kẻ xa lạ, bạn lắng nghe
Suốt ngày tiếng gọi yêu thương
Như con ong, bạn trở về nhà
Mang theo mật của mình, dù cố quận vẫn còn xa.

NGUYỄN ĐỨC TÙNG


Chú thích: tài liệu chính dựa trên cuốn "The Soul of Rumi," Coleman Barks, nhà xuất bản Harper Collins, USA, 2001, và một số bài viết của Robert Bly.

http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=3&tabId=482&ArticleID=444

  

Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010

Ích Quốc Lợi Dân: Tuần Lễ Ăn Chay (San Diego, California, Hoa Kỳ)

Toàn thể 8 nghị viên và thị trưởng Jerry Sanders đồng ký
Bản tuyên ngôn Tuần Lễ Ăn Chay 2010 
ở thành phố San Diego (2 - 9 tháng 10)

[VNAnChay, tổng hợp] Ngày nay Liên Hiệp Quốc, các khoa học gia nghiên cứu về biến đổi khí hậu, y sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và nhiều người nữa đã công nhận vô số ưu điểm của việc ăn chay và khuyến khích lối sống này vì nhiều lý do khác nhau, lý do nào cũng ảnh hưởng lớn lao đến sinh mạng của từng cá nhân cũng như vận mệnh Địa Cầu. Theo chiều hướng đó, ngày càng có thêm các viên chức chính phủ trên thế giới bắt đầu hăng hái lãnh tránh nhiệm hướng đạo: thực thi những đề án mang lợi ích cho người dân và xã hội.

Gần đây, thành phố San Diego, một thành phố biển ở cuối miền nam California, lớn thứ nhì ở tiểu bang này (chỉ sau Los Angeles) và lớn hàng thứ 8 trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, với trên 1,4 triệu dân, đã tuyên bố ngày 2 - 9 tháng 10 là Tuần Lễ Ăn Chay 2010.

Nghị viên thành phố Todd Gloria


Dân biểu tiểu bang Lori Saldana


Dân biểu tiểu bang Pedro Nava 

đã hứa ăn chay trong tuần này và cũng tham gia những sinh hoạt trong tuần lễ Veg (Ăn Chay). Lời hứa rất đơn giản:

"Vâng! Tôi muốn ăn uống lành mạnh hơn, có sức khỏe tốt hơn, ngưng ủng hộ sự tàn ác trong việc nuôi thú vật làm thức ăn, và giúp bảo vệ trái đất. Tôi hứa sẽ tìm hiểu về lối sống ăn chay trong tuần lễ Ăn Chay!"

Theo trang mạng San Diego Veg Week, hệ thống của loài người dễ tiêu hóa thức ăn thực vật hơn là thức ăn động vật. Các thú vật ăn thịt có ruột ngắn, trong khi ruột của loài người lại dài, thịt phải mất thời gian lâu hơn để qua ruột rồi mới bài tiết, khiến ruột dễ có nguy cơ bị nghẽn và các rắc rối khác.

Xin chúc San Diego ăn chay vui lắm chứ! Và mong địa phương nơi bạn ở cũng như gia đình bạn sẽ hưởng ứng trong tháng 10 là tháng ăn chay!

Có hàng ngàn công thức nấu ăn chay trên mạng, chẳng hạn: Ăn Chay Thời Đại Mới, Nấu Ăn Chay, Ẩm Thực Chay & Pháp Hỷ Thực.
 

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010

Vườn Nhạc: Animals (Oh Why?) - Thú Vật (Ồ, tại sao?)


Một bản nhạc trẻ trung và ý nghĩa, mời bạn bấm vào đây để cùng nghe: Animals (Oh Why?) 

Animals (Oh Why?) [Thú Vật (Ồ, tại sao?)] là một nhạc phẩm do tổ chức bất vụ lợi www.ohwhyohwhy.org thực hiện.

Câu hỏi "Tại sao ta phải ăn thịt động vật?" đến từ góc nhìn của sự dồi dào mà chúng ta được ban cho trên Địa Cầu, sự huy hoàng đẹp đẽ của loài vật, sự đau khổ của vô số chúng sinh, gương sáng của những vĩ nhân và giáo lý của các tôn giáo trên thế giới.
 

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Tìm hiểu & lắng nghe (Đức Khổng Tử)


Khổng Tử Gia Ngữ (Quyển 5, thiên 20: Khốn ách)

Khổng Tử ách ư Trần Thái, tòng giả thất nhật bất thực. Tử Cống dĩ sở tề hóa, thiết phạm vi nhi xuất, cáo địch ư dã nhân, đắc mễ nhất thạch yên. Nhan Hồi Trọng Do xuy chi ư nhưỡng ốc chi hạ, hữu ai mặc đọa phạn trung, Nhan Hồi thủ nhi thực chi, Tử Cống tự tỉnh vọng kiến chi, bất duyệt, dĩ vi thiết thực dã. Nhập vấn Khổng Tử viết: "Nhân nhân liêm sĩ, cùng cải tiết hồ?" Khổng Tử viết: "Cải tiết tức hà xứng ư nhân nghĩa tai?" Tử Cống viết: "Nhược Hồi dã, kỳ bất cải tiết hồ?" Tử viết: "Nhiên." Tử Cống dĩ sở phạn cáo Khổng Tử. Tử viết: "Ngô tín Hồi chi vi nhân cửu hĩ, tuy nhữ hựu vân, phất dĩ nghi dã, kỳ hoặc giả tất hữu cố hồ. Nhữ chỉ, ngô tương vấn chi." Triệu Nhan Hồi viết: "Trù tích dư mộng kiến tiên nhân, khởi hoặc khải hựu ngã tai? Tử xuy nhi tiến phạn, ngô tương tiến yên." Đối viết: "Hướng hữu ai mặc đọa phạn trung, dục trí chi tắc bất khiết, dục khí chi tắc khả tích, hồi tức thực chi, bất khả tế dã." Khổng Tử viết: "Nhiên hồ, ngô diệc thực chi." Nhan Hồi xuất, Khổng Tử cố vị nhị tam tử viết: "Ngô chi tín Hồi dã, phi đãi kim nhật dã." Nhị tam tử do thử nãi phục chi.

Khổng Tử bị vây khốn ở giữa nước Trần và nước Thái, rơi vào tình cảnh khốn cùng. Các học trò cùng theo Ngài đã 7 ngày không có gì ăn. Tử Cống nhân lúc người gác sơ hở, liền trốn ra ngoài, lấy số tiền mang theo, khẩn cầu người nông dân, mua được một ít gạo.

Nhan Hồi và Trọng Do đốt lửa nấu cơm ở trong một căn phòng xây bằng đất.

Có một hòn đất nhỏ rơi vào nồi cơm, Nhan Hồi liền lấy chỗ cơm bẩn ra ăn.

Tử Cống ở ngoài giếng nhìn thấy, cho rằng Nhan Hồi đang ăn vụng, nên rất không hài lòng, bèn đi vào nhà, hỏi Khổng Tử rằng: "Thưa thầy, một người vừa nhân đức, vừa trong sạch, trong hoàn cảnh khốn cùng thì có phải cũng cần hành sự theo lễ, có thể vì tư lợi của mình mà thay đổi tiết tháo không?"

Khổng Tử đáp rằng: "Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải theo lễ mà hành sự, nếu như tùy ý thay đổi tiết tháo, thì không xứng đáng được gọi là bậc quân tử nhân đức nữa."

Tử Cống tiếp lời: "Người như Nhan Hồi có lẽ không bao giờ thay đổi tiết tháo đâu, thầy nhỉ?"

Khổng Tử đáp: "Đúng thế."

Tử Cống liền đem chuyện Nhan Hồi đang nấu cơm thì ăn vụng ra kể với Khổng Tử.

Khổng Tử nói rằng: "Lâu nay, ta vẫn tin rằng Nhan Hồi là người trọng nhân đức, trọng lễ nghĩa, cho dù có chuyện như con nói, ta cũng khó vì đó mà nghi ngờ, chuyện này chắc có duyên cớ gì đây. Con hãy khoan nói gì, để ta hỏi xem."

Gọi Nhan Hồi lại, Khổng Tử nói rằng: "Mấy hôm trước, ta nằm mơ thấy các bậc tổ tiên đã khuất, có lẽ tổ tiên có điều gì muốn nhắc nhở hay phù hộ ta chăng? Con nấu cơm xong thì mang lên đây, ta muốn dùng làm lễ cúng tổ tiên."

Nhan Hồi liền đáp: "Thưa thầy, khi nãy có một cục đất rơi vào nồi cơm, nếu không lấy ra thì e cơm sẽ bẩn mất, con định lấy chỗ cơm bẩn vứt đi, nhưng lại thấy tiếc; thế là con hớt chỗ cơm bẩn ở trên ăn mất rồi. Bây giờ cơm không thể dùng để cúng được nữa."

Khổng Tử đáp: "Nếu phải là ta thì ta cũng ăn chỗ cơm đó rồi."

Sau khi Nhan Hồi lui ra, Khổng Tử nói với các học trò rằng: "Không phải đến hôm nay ta mới tin là Nhan Hồi rất giữ lễ."

Các học trò từ đó càng tin phục Nhan Hồi hơn.

孔子厄於陳蔡,從者七日不食. 子貢以所齎貨,竊犯圍而出,告糴於野人,得米一石焉,顏回仲由炊之於壤屋之下,有埃墨墮飯中,顏回取而食之,子貢自井望見之,不悅,以為竊食也. 入問孔子曰:「仁人廉士,窮改節乎?」孔子曰:「改節即何稱於仁義哉?」子貢曰:「若回也,其不改節乎?」子曰:「然. 」子貢以所飯告孔子. 子曰:「吾信回之為仁久矣,雖汝有云,弗以疑也,其或者必有故乎. 汝止,吾將問之. 」召顏回曰:「疇昔予夢見先人,豈或啟祐我哉?子炊而進飯,吾將進焉. 」對曰:「向有埃墨墮飯中,欲置之則不潔,欲棄之則可惜,回即食之,不可祭也. 」孔子曰:「然乎,吾亦食之. 」顏回出,孔子顧謂二三子曰:「吾之信回也,非待今日也. 」二三子由此乃服之.

 

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Uyển chuyển (Đức Khổng Tử)

Tưởng niệm ngày sinh nhật Đức Khổng Tử (28 tháng 9, 551 - 479 trước Công nguyên), một bậc Thầy tôn kính trong nhân loại.

Liệt Tử có chép rằng:

Tử Hạ hỏi Khổng Tử: "Nhan Hồi người như thế nào, thưa ngài?"

Khổng Tử đáp: "Cái Nhân của Hồi hơn ta."

Tử Hạ lại hỏi: "Tử Cống là người như thế nào, thưa ngài?"

Khổng Tử đáp: "Cái Mau Mắn của Tử hơn ta."

Tử Hạ hỏi thêm: "Tử Lệ là người như thế nào, thưa ngài?"

Khổng Tử đáp: "Cái Dũng của Do hơn ta."

Tử Hạ hỏi nữa: "Còn Tử Trương là người làm sao, thưa ngài?"

Khổng Tử ôn tồn đáp: "Cái vẻ Trang Nghiêm của Tử hơn ta."

Tử Hạ lấy làm lạ bèn thưa: "Vậy tại sao bốn người ấy còn theo thầy mà học?"

Khổng Tử nói: "Lại đây ta bảo cho. Hồi chỉ biết nhân mà không biết lúc bất nhân. Tử chỉ biết mau mắn mà không biết chậm chạp. Do chỉ biết hùng dũng mà không biết nhút nhát. Sử chỉ biết trang nghiêm mà không biết ung dung để hòa đồng với mọi người. Nay dù có gồm tất cả những cái hay của bốn người ấy lại mà đổi lấy cái ta có, ta cũng không đổi, bởi vậy họ phải tôn ta làm thầy."

Vậy mới hay Khổng Tử đã thấu suốt cái nguyên tắc quan trọng nhất trong đạo xử thế là phải biết biến: "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cử” (có biến mới có thông, có thông mới lâu bền được). Phải biết tùy cơ mà ứng biến cho hợp thời trung tiết. Nếu chỉ khư khư nhất mực thì dẫu hay đến mấy cũng hỏng việc mà thôi.



Thứ Hai, 27 tháng 9, 2010

Người Hùng Ăn Chay: Thủ hiến Shivraj Singh Chauhan (Madhya Pradesh, Ấn quốc)

Thủ hiến Shivraj Singh Chauan, bang Madhya Pradesh là người trường chay
[VNAnChay, tổng hợp] Chính phủ Madhya Pradesh, một tiểu bang tọa lạc ngay trung tâm Ấn quốc, gần đây đề nghị thêm.. trứng vào thực đơn của 66.000 trung tâm y tế cộng đồng "aanganwadi." Các trung tâm này cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe căn bản như kế hoạch gia đình (ngừa thai), giáo dục về dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng, các lớp măng non (trước khi vào mẫu giáo).

Thủ hiến Shivraj Singh Chauhan tuyên bố hôm 23/9/2010: “Các trung tâm y tế cộng đồng aanganwadi đâu cần thêm trứng làm chi? Ngày nào Shivraj Singh Chauhan còn làm thủ hiến của Madhya Pradesh, ngày đó sẽ không có trứng [trong thực đơn của trung tâm sức khỏe]. Trong bất cứ trường hợp nào, cơ thể con người được cấu tạo để tiêu thụ thức ăn chay. Ăn chay có đầy đủ tất cả dinh dưỡng cho cơ thể con người."

Sự cương quyết của thủ hiến Shivraj Singh Chauhan khi cần thiết là một điều vô cùng lợi ích cho dân. Trứng ngày nay có nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn; trứng cũng có lượng cholesterol cao, dễ gây tình trạng nghẽn tim mạch; thêm vào đó là loài gia cầm bị hành hạ bắt buộc đẻ trứng càng nhanh, càng nhiều cho công nghệ. Riêng về chất đạm: 1/2 chén đậu hủ có 10,1 gram chất đạm, 1 quả trứng chỉ có 6 gram chất đạm mà thôi.
 


Ở Ấn Độ, thủ hiến (chief minister) là viên chức cao cấp sau thống đốc (governor) tiểu bang. Madhya Pradesh có tháp Sanchi do hoàng đế A Dục (Akosha) khởi xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Từng là một vị hoàng đế chinh phạt và cai trị phần lớn lãnh thổ Nam Á, từ A Phú Hãn đến Bengal, một hôm sau chiến cuộc, ngài cỡi ngựa đi duyệt quanh thành, chỉ thấy toàn xác người và nhà cửa hoang tàn, thiêu rụi. Ngài động lòng thốt lên: "Ta đã làm gì thế này!!!" Từ đó, "A Dục ác vương" trở thành "A Dục sùng đạo," tận tình phát huy những giá trị đạo đức, từ bi của Phật giáo.

Tháp Sanchi, bang Madhya Pradesh
Trong tiếng Phạn, Akosha có nghĩa là "không đau khổ," "Vô Ưu." Mong rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của thủ hiến Shivraj Singh Chauhan và nhiều vị khác, người cũng như vật tại Madhya Pradesh sẽ được sống trong sự "vô ưu," an bình, hạnh phúc, và sức khỏe dồi dào. Những nơi khác, có lẽ cũng nên noi gương Ấn Độ và nói KHÔNG với trứng.

http://www.telegraphindia.com/1100925/jsp/nation/story_12980245.jsp

  

Vì Sao Ăn Chay: Tôi ăn chay vì...

Ảnh: CrackThePlates
Tôi Ăn Chay vì...
  • Tâm Linh
  • Môi Trường
  • Đạo Đức
  • Sức Khỏe
  • Thực Tế
 Đây là một lối sống tốt.


Chủ Nhật, 26 tháng 9, 2010

Góc Đẹp Tâm Hồn: New Age: Cơ thể, trí óc và tinh thần

Trang Đọt Chuối Non chủ trương tư duy tích cực, có nhiều bài xây dựng, nhắc nhở nhau những điều hay đẹp, nhất là các bài viết của tác giả Trần Đình Hoành. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

New Age: Cơ thể, trí óc và tinh thần
Posted on Tháng Chín 24, 2010 by tdhoanh

Chào các bạn,
 

“Body, mind, spirit” là cụm từ trong văn hóa New Age của Mỹ và Âu Tây ngày nay, bắt đầu thịnh hành khoảng 20 năm trước, đầu thập niên 9x, khi thế hệ Baby Boomer của Mỹ–thế hệ của The Beatles, Joan Bayez, Woodstock, Bill & Hillary Clinton—bắt đầu vào tuổi 40, hơi chậm làm việc lại một chút, khai phá đời sống tâm linh và khám phá ra… Phật giáo, Lão tử, Yoga và các luồng tâm linh Đông Phương. Văn hóa New Age có nhạc New Age, nhẹ nhàng, sâu sắc, tâm linh, như Enya, Yanni, Kitaro, và “Body, Mind, Spirit” cho triết l‎ý sống.

Đối với người phương Đông chúng ta, ta chẳng nhận ra điều gì lạ cả, vì chúng ta sinh ra và lớn lên với khái niệm “thân thể, đầu óc, và tinh thần” là một, cả nghìn năm nay rồi. Nhưng đối với người phương Tây thì khi nói đến “body, mind và spirit” là một hợp thể như thế, thì đó là một cách mạng lớn về tư tưởng.

Ở Đông phương, chúng ta có truyền thống ăn chay trường chỉ dùng thực phẩm thực vật—đó là body—kiểm soát và tập trung tư tưởng qua thiền đinh và thiền quán—đó là mind—để phát triển đời sống tâm linh và giác ngộ–đó là spirit. Cơ thể ta, trí tuệ ta, và chân tâm là một, và là một với cả vũ trụ, gọi là “Không” trong Phật học. Trong Đạo gia (Lão tử) thì ta có “thân, ý, ‎ thần” và đạo sĩ Đạo gia rất cẩn thận việc ăn uống chay trì—thân–tập trung tư tưởng trong khí công—ý– để luyện thần—linh hồn của con người.

Trong khi đó, ở Tây phương thể xác xưa kia bị coi như là bụi đất, nặng nề, tội lỗi, đáng khinh, và trong truyền thống Công giáo việc hãm mình và hành xác là việc luôn được khuyến khích. Trí tuệ được quí trọng phần nào, nhưng xem như là biệt lập với thể xác, khai mở bởi Thánh Linh (Holy Spirit) chứ không lệ thuộc vào sức khỏe của thể xác. Và linh hồn thì bất tử. Thân thể, trí tuệ và linh hồn là 3 cái ở chung một nhà nhưng không hòa hợp thành một bao giờ.

Rất may là sau hơn 2 nghìn năm, đến thế kỷ 21 này, thì Tây phương bắt đầu bắt kịp Đông phương chúng ta về “body, mind, spirit”.

Nhưng, các bạn, chúng ta có biết sống với kiến thức sâu đậm nghìn năm mà chúng ta được thừa kế không vậy? Hay là kiến thức này chỉ được ông hàng xóm quý trọng, còn đối với mình thì bụt nhà không thiêng?

• Ta là cái gì ta nuốt vào. Cái gì chúng ta ăn vào, uống vào, chính là cái làm nên chúng ta—cơ thể, trí óc và tinh thần.

Nếu ta uống rượu bia thường xuyên chẳng hạn, thì đương nhiên là đầu óc ta mù mờ thường xuyên, khó phát triển về trí tuệ, khó phát triển thiền định, tĩnh lặng và tri kiến tâm linh.

Nếu ta ăn thịt cá thường xuyên mà chẳng suy nghĩ gì cả thì ta thường không biết yêu loài vật, và có lẽ cũng ảnh hưởng đến tình yêu của ta đến sinh vật Người. Dĩ nhiên là ta vẫn cần tiêu thụ thức ăn cần thiết cho cơ thể kể cả thịt cá, nhưng nếu có thể thay một ít thịt cá bằng các món khác, thì tại sao không?

Và tại sao ta lại không khuyến khích nhau không bao giờ ăn thịt rừng, để giúp các loài vật hiếm hoi trên rừng tồn tại cho môi sinh của chúng ta. Cứ rủ nhau đi nhậu thịt rừng, và có thể là thịt rừng săn bắt phi pháp, là sao?

Và ta có quan tâm đến thực phẩm tinh thần hàng ngày như thực phẩm cho cơ thể không? Mỗi ngày ta thích nghe loại thông tin gì, sách vở gì, tài liệu gì? Có rất nhiều văn hoá bạo động, tiêu cực, khêu gợi tham sân si của con người… ta có biết mà tránh đi không, và tìm những gì tích cực và trong sáng để tiêu thụ hàng ngày không? Các bạn, “Ta là cái gì ta nuốt vào.”

Mỗi ngày ta nói chuyện với bạn bè, ta thường nói các chuyện dịu dàng về tình yêu con người, về xây dựng tổ quốc, hay nói chuyện ganh tị, bạo động, tham sân si, hoặc lải nhải phàn nàn?

• Tư duy của ta ảnh hưởng đến cách ta nuôi dưỡng cơ thể và đời sống tâm linh. Nếu ta có tư duy tích cực và tĩnh lặng, ta sẽ có khuynh hướng điều độ chừng mực trong việc ăn uống ngủ nghỉ, đồng thời có nhiều cơ hội phát triển sâu sắc về các vấn đề tâm linh.

• Nếu đời sống tâm linh của ta sâu sắc—nghĩa là ta khiêm tốn, thành thật và yêu người—thì thường là ta sáng suốt hơn về trí tuệ, nhất là trong các việc liên hệ giữa con người, tức là các việc từ thương mãi, đến kinh tế, giáo dục, chính trị. Và ta cũng có khuynh hướng cẩn thận và khỏe mạnh hơn trong việc nuôi dưỡng cơ thể.

Body, Mind, Spirit, ba điều này là hợp thể chặt chẽ như đầu, mình, và tứ chi. Một phần tốt thì các phần khác mạnh theo, một phần hỏng thì các phần khác yếu theo. Cho nên chúng ta cần hiểu biết để bảo vệ từng phần chính là bảo vệ cả ba, và phát triển mỗi phần là phát triển cả ba.

Chúc các bạn một ngày vui.
Mến,
Hoành

© copyright 2010
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com


http://dotchuoinon.com/2010/09/24/c%C6%A1-th%E1%BB%83-tri-oc-va-tinh-th%E1%BA%A7n/

Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

Vì Sao Ăn Chay: Ăn chay đẩy lùi độc tố

Cà-ri Thái thuần chay
Ăn chay đẩy lùi độc tố  

[Thanh Niên] Ăn chay trong 5 ngày mỗi tuần có thể giúp giảm hàm lượng kháng sinh và phthalate, một loại hóa chất thường được thêm vào các đồ vật bằng chất dẻo, qua đó làm giảm tình trạng lão hóa của cơ thể.

Theo kênh truyền hình Discovery, để rút ra kết luận trên, các nhà khoa học đã khảo sát ở các tình nguyện viên sống tại chùa trong 5 ngày, và trong suốt thời gian này, họ chỉ ăn chay. Phân tích mẫu nước tiểu của các tình nguyện viên trước và sau 5 ngày ở chùa, nhóm nghiên cứu nhận thấy hàm lượng hóa chất đã giảm đáng kể sau khi ăn chay.


Mai Duyên

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201037/20100910181323.aspx

 

Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Cõi Thơ: Nẻo Đường Không Chọn (The Road Not Taken)

Nẻo Đường Không Chọn
Nguyên tác: "The Road Not Taken" của nhà thơ Hoa Kỳ Robert Frost

Bản dịch: The Shadow


Hai ngả rẽ năm xưa trong rừng úa,

Tiếc làm sao chẳng chọn được cả hai.

Kẻ lữ thứ ta tần ngần đứng mãi,

Mắt vời trông lối khuất bụi cây dài.


Nẻo mời gọi, thôi đành theo lối cỏ

Êm như nhung nằm đợi bước chân đi.

Tuy dấu tích người qua mòn ngả nọ

Hay đường này nào có khác nhau chi?

Cùng trải mình sáng năm xưa đôi ngả,
Trong lá êm không mang vết xéo dày.
Ta dối hẹn ngày sau thăm lối lạ,
Đường đưa đường biết trở lại sao đây!


Không ngăn tiếng thở dài ta phải thốt,

Thời gian qua mà năm ấy cánh rừng,

Ta đã chọn lối mòn thưa kẻ bước,

Một đời theo chân rẽ mãi không cùng.



The Road Not Taken

Robert Frost


Two roads diverged in a yellow wood,

And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could

To where it bent in the undergrowth;


Then took the other, as just as fair,

And having perhaps the better claim,
Because it was grassy and wanted wear;

Though as for that the passing there

Had worn them really about the same,


And both that morning equally lay

In leaves no step had trodden black.

Oh, I kept the first for another day!

Yet knowing how way leads on to way,

I doubted if I should ever come back.


I shall be telling this with a sigh

Somewhere ages and ages hence:

Two roads diverged in a wood, and I–

I took the one less traveled by,

And that has made all the difference.


http://ntuongvi.wordpress.com/2010/09/05/the-road-not-taken/

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Bánh hạt hồ đào nam việt quất thuần chay

Ảnh: Elana

Qua bài "Quả nam việt quất, hạt ngọc chống vi khuẩn," chúng ta đã có dịp tìm hiểu thêm về món quà thiên nhiên hữu ích này (còn gọi là "mạn việt quất" theo tiếng Trung Hoa, có nghĩa là việt quất dạng dây leo). Đây là một loại quả mọng màu đỏ, tuy bé nhưng lại là "tí lực sĩ." Nam việt quất khô cũng tương tự như nho khô nhưng nhỏ hơn và vị hơi chua: 100 gram nam việt quất cho ta 16% lượng sinh tố C cần thiết hàng ngày.

Nam việt quất xuất xứ từ Bắc Mỹ châu nên trong ngày Lễ Tạ Ơn của hai quốc gia Hoa Kỳ và Gia Nã Đại, nhất định bạn sẽ thấy món xốt nam việt quất truyền thống. Quả nam việt quất ít khi được dùng tươi, chỉ 5% là được tiêu thụ theo cách đó; 95% còn lại được mang đến thị trường qua dạng nước ép, mứt, xốt, và sấy khô. Nước ép nam việt quất (được pha với nước lọc và có khi với các nước trái cây khác như táo, lựu v.v.) thường được dùng trong những lúc chẳng may bị nhiễm trùng đường tiểu (tiết niệu) vì đây là một "cây chổi quét vi khuẩn" của thiên nhiên. Khi mua nam việt quất, bạn nhớ tìm loại hữu cơ và không thêm đường.

Công thức bánh sau đây không hẳn là bánh mì
vì không có bột... mì mà chỉ có bột dừa (bên mình hoặc xứ ngoại đều có sản xuất). Bánh này cũng không hẳn là bánh ngọt vì không ngọt lắm. Có lẽ ta gọi là bánh thuần chay nhé, vì bánh này không có "bộ ba béo đau tim" là bơ sữa trứng. 1 chén nam việt quất bằng 200 gram, thế là trong ổ bánh này có gấp đôi lượng vitamin C mình cần trung bình mỗi ngày đấy.

Hạt hồ đào (còn gọi nôm na là hạt óc chó, nhưng tên này không thích hợp lắm cho món ăn chay, nên mình dùng từ đẹp cho món ăn cũng được thăng hoa)
là nguồn omega-3 axít béo, đặc biệt quan trọng cho lối dinh dưỡng ăn chay. Hồ đào được dùng nhiều ở Ấn Độ, là một món cúng dường cho nữ thần Vaisnav Devi cũng như trong Lễ hội Ánh sáng Diwali. Chúc các bạn có thêm thật nhiều ánh sáng trong đời khi ăn chay với hạt hồ đào!

Bánh Hạt Hồ Đào Nam Việt Quất Thuần Chay


1 ổ bánh

Mình cần:

  • ½ chén bột dừa
  • 1 muỗng cà-phê muối biển
  • 1 muỗng cà-phê tiêu mặn (baking soda)
  • 2 quả chuối chín, xay thật nhuyễn như sinh tố (thế trứng)
  • ½ chén dầu hạt nho (grape seed oil)
  • ½ chén mật thùa (agave nectar)
  • 1 muỗng canh tinh chất va-ni (vanilla extract)
  • 1 chén nam việt quất (khô hoặc đông lạnh) (cranberry)
  • ½ chén hạt hồ đào, giã nhỏ (walnut)
Nào, ta cùng nướng bánh chay:

    1. Trong tô trung bình, trộn bột dừa, muối, tiêu mặn. 
    2. Trong tô lớn, trộn đều chuối, dầu hạt nho, mật thùa, tinh chất va-ni. 
    3. Trộn (1) + (2), sau đó thêm nam việt quất và hồ đào. 
    4. Đổ bột bánh vào khuôn đã được làm trơn (bằng bơ thực vật hoặc dầu ăn) để bánh khỏi dính (khuôn bánh thường khoảng 8,5 x 4,5 x 2,5 phân Anh (khoảng 21,5 x 11,5 x 6,5 cm). 
    5. Nướng 350°F (175°C) khoảng 50 phút. 
    6. Lấy bánh ra khỏi lò. Có thể thưởng thức khi bánh nóng hoặc nguội, đều ngon cả.
        Chúc các bạn cùng gia đình một cuối tuần vui vẻ và khi có thể chọn lựa, nhớ ăn chay!


        Quả Ngon: Nam việt quất (Cranberry)

        Nam việt quất (cranberry) tươi
        Quả nam việt quất, hạt ngọc chống vi khuẩn

        Bài viết của Minh Khang, nguồn “Thực Phẩm & Đời Sống”

        Những quả nhỏ tròn và đỏ tươi đang gây chú ý bởi ngoài vị chua, quả còn có nhiều tính năng vượt trội tốt cho sức khỏe.

        Quả nam việt quất (cranberry) có tên khoa học là Vaccinium macrocarpon có thể bị lầm lẫn với bất cứ quả mọng nào. Mới nhìn thoáng qua bạn có thể thấy hơi giống quả dâu tây (strawberry), nhưng nó sần sùi hơn, màu đỏ sậm hơn, hơi ngả sang tím than, như một chùm nho nhỏ xíu vậy, dùng để nấu ăn hay làm mứt, ít ai ăn sống vì nó gần như là trái rừng, chua lắm, ăn sống không ngon.

        Quả nam việt quất có đặc điểm quý báu: một vũ khí chống vi khuẩn cực mạnh. Ban đầu quả có mặt tại vùng Bắc Mỹ và được người Anglo-Saxons gọi là “cranberry”, nghĩa là “quả mọng của chim dang” vì hình dáng giống như chiếc cổ và mỏ của loại chim này. Nhưng nó còn có tên khác trong ngôn ngữ Iran: atoca hay ataca.

        Nam việt quất khô
        Nhỏ nhắn nhưng "vạm vỡ"

        Những người da đỏ Mỹ dùng nó trong thực phẩm và chế biến thành cao dán cho vết thương. Nó chống khuẩn rất tốt. Cây sống ở những vùng khô cằn, nhiều acid và chịu được giá rét đến -25 o C (không thể trồng ở các vùng ôn hòa, màu mỡ) nhưng có hàm lượng vitamin dồi dào.

        Cây chổi quét vi khuẩn

        Nếu như nam việt quất được người ta chú ý là bởi vì tính năng chống dính của nó là bởi vì nó chứa thành phần polyphenol khác biệt gọi là proanthocyanidin (PAC’s), có tác dụng ngăn cản các vi khuẩn bám vào thành niêm mạc (chúng ức chế sản xuất chất kết dính).

        Từ năm 2004 Afssa đã công nhận quả nam việt quất có lợi thật sự cho sức khỏe. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Y Cao Hùng (Đài Loan) năm 2004 cho thấy, quả nam việt quất có thể giúp trị bệnh ecpet (mụn giộp) mà không để lại các phản ứng phụ nào. Trong nghiên cứu năm 2005 của tiến sĩ Kris Kruse-Elliott, Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), quả nam việt quất còn có tác dụng đối với cả chứng bệnh xơ vữa động mạch (hiện tượng động mạch dày lên và xơ cứng), cụ thể là ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ và đau tim ở người bệnh.

        Nếu như các khuẩn que, thủ phạm gây ra viêm nhiễm đường tiết niệu cố bám vào thì quả nam việt quất lại tích cự quét chúng đi. Nó cũng acid hóa nước tiểu và gây rối loạn đối với sự tăng sinh của vi khuẩn. Ngoài ra, với những bệnh nhân nam bị ung thư tiền liệt tuyến, bệnh sẽ giảm 50% nếu thường xuyên uống nước nam việt quất (khuyến cáo nên dùng là 2 cốc/ngày). Tác động này đã được chứng minh một cách khoa học.

        Còn nhiều những tính năng khác được ghi nhận nhưng chưa được khảo sát sâu rộng và cần có thêm những nghiên cứu khác nữa. Ngoài ra, quả nam việt quất còn có công dụng trị bệnh thận. Loại hoa khô của cây nam việt quất cũng rất hữu hiệu cho những ai bị bệnh phổi.

        Quả nam việt quất còn có tác dụng đối với vi khuẩn helicobacter pylori, thủ phạm gây viêm loét, khiến cho chúng không thể bám vào dạ dày. Nó cũng sát khuẩn làm tróc mảng bám răng cũng như giúp ngăn ngừa hư và sâu răng và kích hoạt HDL (cholesterol tốt). Để tận hưởng các tính năng này, các nghiên cứu cho thấy nên hấp thụ 36 mg PAC’s mỗi ngày. Thành phần này rất khỏe và không bị thoái hóa bởi quá trình thay đổi của quả, người ta có thể sử dụng dưới dạng bột, nước ép, hay viên...

        Thực phẩm, viên uống, mỹ phẩm...

        Quả nam việt quất phải mất thời gian mới chu du khắp các quốc gia. Các sản phẩm như nước ép, viên uống, bột và cả ngành mỹ phẩm đang để ý vì tính năng chống oxy hóa cao, tuy chưa có kết quả đáng khích lệ. Sau cùng là vào đến nhà bếp: sốt, mứt, sirô, quả nam việt quất ngâm chua, các loại bánh quy chocolate và cranberry hay tarte cranberry và nhiều nữa đang kích thích vị giác chúng ta cũng như hỗ trợ cho sức khỏe.

        Lưu ý: Trong trường hợp sử dụng viên uống thì liều tốt nhất là uống hai viên 36 mg vào buổi sáng để chống đỡ các chứng viêm nhiễm tiết niệu, trong vòng 30 ngày (hoặc 3 tháng trong trường hợp tái nhiễm).

        Tuy nhiên, Hyun Koo, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Đại học Rochester, Mỹ, cảnh giác chúng ta không nên uống hoặc ăn quá nhiều sản phẩm chứa nam việt quất, bởi vì theo ông thì : “Vấn đề lớn nhất với sản phẩm nam việt quất là công nghiệp (thực phẩm) - họ thêm đường vào!”

        Minh Khang (theo iSant)

        http://thucphamvadoisong.vn/ban-can-biet/1188-qua-nam-viet-quat-hat-ngoc-chong-vi-khuan.html

        Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

        Môi Trường Quanh Ta: Trăng tròn mùa gặt 2010

        Trăng tròn mùa gặt 2010: Cảnh đẹp mùa thu

        Trích bản tin CNN do Pradeep Kolla biên soạn:

        Trăng tròn mùa gặt năm 2010 đã xuất hiện vào lúc hoàng hôn hôm qua (22/9). Trăng mùa gặt là trăng rằm ngày cuối cùng của mùa hè. Mặt trăng tỏa ra ánh sáng màu cam và rất to trên bầu trời. "Trăng mùa gặt" có tên gọi như thế vì nông dân nhờ ánh trăng để tiếp tục công việc đồng áng của mình vào mùa thu.
         

        Kể từ năm 1991, đây là lần đầu tiên hiện tượng này xảy ra. Thêm vào đó, trăng đã mọc lên chỉ 30 phút sau hoàng hôn, thay vì 50 phút như thường lệ. Đây là một hình ảnh đẹp cho những ai được chứng kiến.
         

        Tháng này có nhiều việc kỳ diệu diễn ra ngoài không gian. Hôm thứ hai (20/9/2010) Mộc tinh đã đến gần Địa Cầu nhất kể từ năm 1963. Ngày 17/9/2010, Thiên Vương tinh cũng đã băng ngang sau Mộc tinh. Tất cả những hiện tượng lạ lùng này khiến các nhà giả thuyết cho rằng các hành tinh đang phối hợp dự tính gì với nhau, nhưng Tạp chí Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ giải thích rằng đây chỉ là "sự trùng hợp."

        Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

        Nếp Sống Ăn Chay: Bánh Trung Thu chay cao cấp, mới lạ

        Trăng Vàng Thanh Tịnh - Bánh Trung Thu Chay (Ảnh: Kinh Đô)
        Hôm nay nhân dịp Tết Trung Thu, kính chúc quý bạn đọc một ngày lễ thật rạng rỡ, huy hoàng, từ ái, và ăn chay.

        Xin cảm tạ báo Dân Trí và tác giả Thái Hà đã thực hiện bài viết hữu ích này, cho thấy rằng nếp sống ăn chay đa dạng, sáng tạo, phong phú, nhẹ nhàng, trong sáng.

        Cũng xin chúc mừng công ty Kinh Đô chính thức tham gia thị trường bánh chay và ra mắt dòng sản phẩm bánh Trung Thu chay cao cấp, mang lại những món quà trang nhã cũng như phục vụ thức ăn ngon, lành mạnh cho công chúng. 

        Bánh Trung Thu chay cao cấp

        [Dân Trí] Đã từ lâu việc ăn chay trở thành một thói quen, một phong cách sống của rất nhiều người. Vượt ra khỏi khái niệm liên quan đến tôn giáo, ăn chay còn là một cách để gìn giữ sự bình yên trong tâm hồn hay quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe.
         

        Ăn chay – Một xu hướng sống mới
         

        Tại Việt Nam, khái niệm ăn chay đã có từ rất lâu, nhất là trong các ngày Rằm hoặc mùng 1 Âm lịch. Ăn chay là để tịnh tâm, hướng thiện và cầu nguyện cho những gì tốt đẹp. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, các bạn trẻ cũng rất quan tâm đến sức khỏe bằng cách ăn chay. Khái niệm "ăn chay" ngày nay đã trở thành một xu hướng mới.
         

        Chị Mai Lan, thành viên của một trung tâm Yoga cho biết: “Đã hơn 1 năm nay, tôi đã quen với các món ăn chay. Cuộc sống của tôi như sang một trang mới: Tâm hồn lắng đọng sau các bài Yoga, cơ thể khỏe khoắn với các món chay thuần thực vật. Hơn nữa, ngày nay món ăn chay rất đa dạng hương vị, giúp tôi cải thiện nhu cầu ẩm thực của mình rất nhiều.”
         

        Bắt nhịp với xu hướng đó, nhiều nhà hàng chay đã đem đến cho thực khách nhiều sự lựa chọn, nhiều món chay đa dạng khác nhau. Không đứng ngoài nhu cầu ấy, Kinh Đô đã cho ra đời dòng bánh Trung Thu chay cao cấp phục vụ Tết Trung Thu.
         
        Bánh Trung Thu chay cao cấp, mới lạ
         

        Bánh Trung Thu chay cao cấp của Kinh Đô với 100% thành phần nguyên liệu chay cao cấp. Các nguyên liệu như thịt chay, xá xíu chay, vịt quay chay, tôm chay, cua chay và bào ngư đều được biến chủ yếu từ protein đậu nành, tinh bột và các loại gia vị.
         

        Protein đậu nành đảm bảo hai yếu tố dễ tiêu hóa và cung cấp các axit amin thiết yếu. Protein đậu nành còn có tác dụng giảm nguy cơ đau tim, giảm cholesterol trong máu, giảm loãng xương và phòng chống ung thư. Bột phomai là nguyên liệu lý tưởng thay thế cho trứng – vốn là một trong những thực phẩm có chất dinh dưỡng hoàn thiện nhất. Phomai cung cấp chất đạm, canxi, phốt pho cao, rất bổ dưỡng và tốt cho xương. Đường Litesse có nguồn gốc từ ngô tạo vị ngọt dịu và tăng chất xơ giúp dễ tiêu hóa .
         

        Các loại hạt cao cấp như hạt macadamia, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân và quả hồ đào lại nhằm cung cấp các loại vitamin và chất khoáng. Quả hồ đào tăng cường vitamin B, E, cần thiết cho sự phát triển và tối ưu hóa chức năng não, ngăn ngừa bệnh ung thư. Hạt hướng dương giúp tăng cường trí nhớ, ngăn ngừa lão hóa. Hạt hạnh nhân chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho hệ tim mạch như magie, vitamin E và còn cung cấp rất nhiều protein, chất xơ, kali, canxi, phốt pho và sắt. Đặc biệt hạt macadamia được xem là nữ hoàng của các loại hạt với thành phần dinh dưỡng như vitamin E, B1, B2, chất khoáng (sắt, canxi, Kali, magie, kẽm), chất xơ và các axit amin rất có lợi cho sức khỏe.
         

        Từ những nguyên liệu chay thuần thực vật kể trên, Kinh Đô đã sáng tạo những chiếc bánh Trung Thu chay mô phỏng hượng vị mặn hấp dẫn như Bào Ngư Thượng Hải, Cua Alaska, Heo Quay Phú Quý, Tôm Càng Biển Đông, đậu canh hạnh nhân cao cấp, Trà xanh hạt Macadamia, đậu xanh hướng dương….. làm phong phú hơn thực đơn các món chay. 

        Không chỉ chú trọng đến hương vị của sản phẩm, chiếc bánh còn được bảo quản trong những chiếc hộp giấy vàng dịu điểm xuyết những hoa văn tinh tế của văn hóa Việt Nam mang đến cảm giác thiền định và tao nhã. Đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe và đảm bảo vị chay thuần khiết, Kinh Đô đã đầu tư một dây chuyền và thực hiện quy trình sản xuất hoàn toàn riêng biệt để đảm bảo sự tinh khiết của bánh chay.
         

        Với việc cho ra đời dòng bánh chay Thanh Tịnh lần đầu tiên tại thị trường Việt Nam, Kinh Đô mong muốn mang lại cho tất cả mọi người một mùa trăng rằm viên mãn. Thanh Tịnh không đơn thuần là một món ăn chay tuyệt hảo để mọi người thưởng lãm mà còn là một quà tặng tinh tế, thể hiện sự quan tâm dành cho người thân, bạn bè, đặc biệt là cho các vị tiền bối với tất cả ân tình của mùa trăng rằm tháng Tám.
         

        Thái Hà
         

        http://dantri.com.vn/c23/s157-421226/b225nh-trung-thu-chay-cao-cap.htm

         

        Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 16)

        Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 16)

        (Các kỳ trước)

        Quách Tĩnh hồi tưởng lúc Dương Khang xin mượn máy bay hứa sẽ “trả liền.” Trong khi đó, DK đang lái máy bay quang năng rất là thoải mái.

        Dương Khang: (ca, yêu đời)
        “Có người hỏi phi công ước mơ dzì,

        Người ơi nhân thế muôn màu, nào biết mơ chi?
        Ước rằng từ khi tung nhịp cánh
        Tình...” (tự động dứt ngang, nói một mình) Máy này chạy thích thiệt, đúng là ngày nay kỹ thuật điện mặt trời, ban đêm vẫn lái được... Thôi, mình không mua hột vịt lộn nữa, lúc này cúm gia cầm dữ quá, nghĩ lại ăn cũng thấy ớn ớn. (nhìn kiếng chiếu hậu trong máy bay, ngắm ngía và gật gật đầu tỏ vẻ hài lòng) Mình đẹp trai như vầy mà chết trẻ, phí! (lấy lược chải đầu có chút bi-ăng-tin)
        (bấm nút điện thoại di động, có tiếng reng: "Anh em ta cùng mẹ cha...") A lô, anh hả?
        Quách Tĩnh: Tĩnh đây! Sao, em đi mua gì xong chưa?
        DK: Dạ thôi em đổi ý. Anh đang ở đâu, để em quành về! Đi lang thang hoài cũng có lúc "ngựa nản chân bon."
        QT: Ừ, thôi em về. Cho anh biết tọa độ đi.
        DK: Thì em xuống gần biên giới Mễ rồi, nhưng chưa đến nơi “bỗng dưng muốn chán,” em muốn trở về mái nhà xưa đây.
        QT: Em đến bên cầu biên giới rồi hả? À cũng gần hả? Vậy em đến Hân Tinh Tân Bích nhé (mở hệ thống định vị toàn cầu GPS cột ngang dây thắt lưng ra xem), đi ích-xờ dặm hướng bắc, y-cà-rết dặm hướng đông, trăng sáng, gió hiu hiu, đến giờ Hợi hay giờ Tý thì tới. Máy bay này biết bơi, em đáp trên mặt biển được.
        DK: Ôi chà, em chưa đáp xuống biển bao giờ.
        QT: Thì trong đời làm gì cũng phải có lần đầu.
        DK: Lần đầu xin đừng là lần cuối à nhen. Em không biết bơi đâu đó.
        QT: Ấy, em đừng nói “không biết”.. Nói “chưa biết” cũng được mà. Mai mốt để tỷ tỷ Hoàng Dung chỉ Khang bơi. Người nào đi bộ được, lái máy bay được là bơi được.
        DK: Trời ơi, thôi mắc cỡ lắm.
        QT: Mắc cỡ gì, chị em là dân hải đảo mà. Em sống ở sa mạc, đâu có điều kiện nhiều như người miền biển.
        DK: Ờ quên há, đúng rồi, em không... à, em "chưa" quen biển.
        QT: Thì do thói quen cả. Nhưng bây giờ em lớn rồi, em có quyền chọn lựa những gì tốt cho mình.
        DK: Anh nói đúng. Biết bơi cũng tốt đó chứ. Ai cũng tung tăng, tung tăng vui vẻ dưới nước mà mình ngồi trên bờ, buồn hơn con chuồn chuồn. Khang này chỉ thích vui thôi! À, Đào Hoa Đảo.. Hôm nào Quách Tĩnh nói nhạc phụ anh cho Khang ghé thăm với.
        QT: Phải rồi, không có người hướng dẫn mà đi lang thang là kể như lạc lối như chơi.
        DK: À... một chuyện quan trọng... (ngập ngừng) Máy bay này có phao không Quách Tĩnh?
        QT: Có chứ! Lúc em đáp xuống đó! Vừa phao vừa dù, em yên tâm!
        DK: Rồi, Khang giao phó đời mình cho Quách Tĩnh đó nha. Hừm, run còn hơn lúc gặp người đẹp Mục Niệm Từ à nhen. Thôi, Quách Tĩnh để bộ đàm walkie-talkie, xeo-phôn, bíp-pơ, 3, 4 thứ đi, có gì em gọi.
        "Biển sóng biển sóng đừng xô tôi  

        Đừng xô tôi ngã dưới chân người..."
        Hoàng Dung: (bỉu môi, nói nhỏ) Hứ, to con mà nhát.
        DK: Ủa, nghe có tiếng bà Hoàng.. ớ, tỷ tỷ Hoàng Dung đó hả?
        QT: À, tỷ tỷ em đứng gần đây. Thôi em đến nhanh nhe. Cứ đáp xuống địa điểm anh dặn.
        DK: Dạ.
        HD: (nói vói theo) Ở đây đang đợi nhe, chú lái nhanh lên!
        DK: (nhịn) Tin em đi, em đến liền. (cúp máy, nói một mình) Gớm, người bé như hạt tiêu mà nóng thế! Khiếp! À, phải rồi, tiêu thì phải nóng, bó tay! Thôi thương ông Tĩnh nhà mình thì đành chịu vậy. Thế mới biết Mục Niệm Từ Từ của mình là dách dách! (vọt cao lên trời, cho máy bay đảo lộn vài vòng như hình chữ vô tận infinity rất ngoạn mục rồi mới trực chỉ vùng biển..)
        QT: Thôi mình trở lại với Khưu trang chủ và phu nhân đi Dung nhi!
        HD: Dạ mình đi. À mà Quách Tĩnh..
        QT: Chi đó em?
        HD: Anh thương Dương Khang lắm hở?
        QT: Ờ, thì chú ấy là em mình. Cha mẹ hai bên tình thâm kết nghĩa, anh muốn làm tròn bổn phận của một người anh.
        HD: Em thấy Dương Khang thất hứa, lại hay cà rỡn, nên trong lòng không vừa ý lắm.
        QT: (dỗ) À, mỗi người một tánh, do thói quen “khi xưa ta bé” mà. Dung nhi đừng để tâm làm chi cho héo sầu nhan sắc! Phụ nữ mà hay nhăn, đến lúc bốn bó trở lên là có dấu chân chim trên mắt, mau già lắm đó!
        HD: Khang cũng đâu có bé hơn Quách ca là bao?
        QT: Thì tại linh hồn Quách ca già quá “đát”, bây giờ trở lại với “vết thương cuối cùng” nè. Xong rồi lãng tử phải trở về nhà ngơi nghỉ chứ.
        HD: Dắt em theo với! Em cũng muốn nghỉ ngơi.
        QT: Dĩ nhiên rồi. Em là một cô gái tốt, thế nào em cũng được Trời thương "queo căm hôm" (welcome home).
        HD: Em sẽ cố gắng thông cảm cho Dương Khang hơn.
        QT: Lúc trước tính tình Khang không đơn thuần như bây giờ. Anh nghĩ mình đối xử với tình thương và lòng bao dung thì vẫn hơn. Cũng có hiệu quả đó Dung nhi. Tự dưng người ta thương lại mình, bất chiến tự nhiên thành, chứ không thôi "căng mãi ngàn năm" với người khác, mình cũng mệt lắm.
        HD: À, Quách ca nói đúng. Vả chăng, nhân chi sơ tánh bổn thiện – em nghe Nhất Đăng đại sư nói vậy.
        QT: Dung nhi nghe hồi nào?
        HD: Lúc ngài dùng công phu Nhất Dương Chỉ cứu em sống. Em bây giờ như có được cuộc đời thứ hai. Đời người mong manh quá. Thời gian đó hai đứa mình ở trên chùa, được ăn cơm chay. Có Ngư, Tiều, Canh, Độc...  Quách ca nhớ chưa?
        QT: À, anh nhớ rồi. Nhất Đăng đại sư quả là Thiên hạ ngũ tuyệt. Cứ theo đó, mình nhìn cái tốt của người khác, em nhé. Như vậy khỏe cho mình, mà cũng nhẹ cho người nữa.
        HD: Em sẽ rán!
        QT & HD: Hai đứa cùng rán!

        (HD cười khúc khích, bỏ chạy, QT cũng cười chạy đuổi theo HD trên bờ biển... Khuyển Ca gần đó cũng phóng theo. Cả ba đều có khinh công nên đi không chạm mặt cát, dưới ánh trăng vàng dìu dịu, nhìn như trong mơ. Sát bờ biển không có cây, nên không có vài màn phi thân như “Ngọa hổ tàng long” Crouching Tiger Hidden Dragon. Chắc phải đợi xin xem hồi sau mới rõ!)


        Tiếng hát DK tiếp tục "Một chuyến bay đêm" (không thấy mặt):
        "Ở đời ai hiểu ai
        Người bay trắng đêm dài
        Người thức giữa đại dương
        Người yên giấc ven rừng
        Bạn có biết chuyện này tôi ghi lúc mọi người còn ngủ say..."

        Thứ Ba, 21 tháng 9, 2010

        Vì Sao Ăn Chay: Thuần chay là một lối sống

        Bạn thân mến,

        Thuần chay là một lối sống. Ngoài việc ăn không thịt động vật và không sử dụng các sản phẩm động vật, tránh gây tổn thương cho chúng sinh khác, thuần chay còn có nghĩa là cố gắng sống một cuộc đời hiền hòa, tử tế, quan tâm đối với mọi người, mọi vật và môi trường quanh ta. Điều đó bao gồm việc không hoang phí. Chính thói quen hoang phí, không màng đến người khác cũng như không nghĩ đến hậu quả của việc mình làm, là nguồn đau khổ cho nhiều cá nhân và có khi là cả một dân tộc.

        Bạn đã xem qua bài về những tỷ phú cần kiệm, nhưng một điều chưa được đề cập đến là những nhà tỷ phú có tiền nhiều để làm chi? Đa số đều ban tặng cho người khác, làm việc thiện. Đó mới là điều đáng quý. Cho nên người ta không phải tiết kiệm để ngắm nhìn tiền bạc vô tri mà có được hạnh phúc thật sự bên trong. Hạnh phúc là khi cho ra, là mang lại niềm vui, là thay đổi cuộc đời của đồng bào mình, của những trẻ em, người lớn kém may mắn đang ở những nơi xa xôi trên thế giới. Và dĩ nhiên, nếu ta không có thì không thể cho. Một trong những giá trị của sự cần kiệm là ở đó.

        Tiết kiệm cũng mang lại cho ta sự tự do, bởi khi cần làm việc gì, ta sẽ có khả năng, còn hơn là bó tay vì đã tiêu xài quá độ vào những việc không đáng. Chúng ta chịu ảnh hưởng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè rất nhiều. Hãy giúp nhau có thái độ quan tâm, lưu ý tới những người chung quanh bằng cách tự làm gương cho chính mình. Rất may là nền tảng giáo dục, đạo đức của nước ta xem những phẩm chất này là quan trọng. Phần đông người Việt Nam rất tế nhị. Dù ở phương trời nào, có lẽ các bạn vẫn yêu mến người Việt Nam mình là thế. Chúng ta chỉ cần làm sống dậy và giữ cho bền truyền thống nhân, nghĩa, lễ, trí, tín muôn đời.

        Mỗi người dân đều đẹp thì toàn thể quốc gia sẽ đẹp. Ăn chay là một trong những bước khởi đầu của chữ “nhân."

        Tiết Kiệm Là Vàng: 6 bí quyết xài tiền của những đại tỷ phú cần kiệm

        6 bí quyết xài tiền của những đại tỷ phú cần kiệm

        Người viết: Jean Folger (nguyên văn tiếng Anh)

        Carlos Slim Helu (Carlos Slim), một đại gia về kỹ thuật viễn liên và tỷ phú, nổi tiếng là cần kiệm. Theo tạp chí Forbes, tài sản của ông lên đến 60,6 tỷ Mỹ kim. Giả sử số tài sản kết sù này sẽ không có gì thay đổi, ông ta có thể tiêu mỗi phút  $1.150 đô trong vòng 100 năm tới mới hết tiền. Nói một cách khác, trong vòng 13 phút ông có thể xài tương đương số tiền mà một công nhân (với đồng lương căn bản) mang về nhà sau 1 năm trời làm lụng cực khổ hàng ngày.

        Quả tình 1.011 người tỷ phú hiện nay trên thế giới đang ở trong địa vị mà nhiều người ao ước, đó là không bao giờ xài hết tài sản. Tuy thế, có một số tỷ phú sống tiết kiệm và để dành tiền trong những trường hợp khiến ta ngạc nhiên. Ngay cả những người không-phải-tỷ-phú  (hiện nay tổng cộng là 6.864.605.142 người trong chúng ta, gần 6,9 tỷ người) cũng có thể chia sẻ 6 bí quyết xài tiền của những nhà tỷ phú cần kiệm.

        1. Nhà cửa đơn giản
         

        Các tỷ phú có thể chọn để sống ở những biệt thự sang trọng nhất mà ta có thể tưởng tượng được, và thực tế cũng có nhiều người làm thế, chẳng hạn như Bill Gates (Microsoft) có ngôi biệt thự rộng 66.000 bộ vuông (6.100 mét vuông), trị giá $147,5 triệu đô-la ở Medina, Washington. 

        Tuy nhiên, tỷ phú cần kiệm như Warren Buffett chọn sống giản dị: ông vẫn ở trong gian nhà 5 phòng của ông ở bang Omaha mua vào năm 1957 với giá $31.500. Tương tự, Carlos Slim vẫn sống ở căn nhà mình luôn sống trên 40 năm qua.

        2. Di chuyển bằng sức mình hoặc phương tiện công cộng
         

        Những tỷ phú tiết kiệm như John Caudwell, David Cheriton và Chuck Feeney thích đi bộ, đi xe đạp, hoặc dùng phương tiện công cộng (xe buýt, xe điện v.v) khi di chuyển trong thành phố. Tất nhiên những người nhà giàu này có thể dùng trực thăng để đi đến buổi họp, hoặc có tài xế đưa rước bằng xe Bentley, nhưng họ chọn tập thể dục và tận dụng phương tiện vận chuyển công cộng. Tốt cho ngân quỹ và xuất sắc cho môi trường!

        3. Mua quần áo ở tiệm xoàng
         

        Có người, dù lợi tức nhiều ít bao nhiêu, cũng hay thích mặc quần áo, giày dép thiết kế thời trang. Trong khi đó, các tỷ phú cần kiệm cho rằng điều đó quả tình không đáng phải khiến mình tốn công hoặc tốn tiền đến thế. Bạn có thể thấy giáo sư David Cheriton của đại học Stanford mặc quần jean và áo thun. Ông là người giới thiệu Sergey Brin và Larry Page - đồng sáng lập viên của Google - tới những nhà đầu tư ở hãng Kleiner, Perkins, Caufield & Byers (kết quả là ông được lời to khi chứng khoán Google lên thật cao).
         

        Ingvar Kamprad, sáng lập viên của tiệm Ikea bán đồ đạc trong nhà, tránh không mặc đồ vest. John Caudwell, đại gia điện thoại di động, mua giày ở tiệm bình thường thay vì dùng tiền mua y phục thiết kế.

        4. Chỉ cần một cây kéo bén

         

        Mỗi lần cắt tóc trung bình tốn khoảng $45, nhưng người ta có thể tốn lên đến $800 đô. Nhân lên 8,6 lần (nếu trung bình 6 tuần cắt tóc một lần), phí tổn tổng cộng sẽ là $7,200 hàng năm, chưa kể tiền boa. Các nhà tỷ phú dĩ nhiên có thể trả tiền để có kiểu cắt tóc thời trang nhất, nhưng nhiều người không thích mất thời gian trong những tiệm cắt tóc đắt tiền. Tỷ phú như John Caudwell và David Cheriton tự cắt tóc một mình ở nhà.

        5. Lái xe thường thôi
         

        Trong khi các tỷ phú như Larry Ellison (đồng sáng lập viên và tổng giám đốc điều hành tập đoàn Oracle) thích tiêu bạc triệu cho xe, tàu, máy bay, một số khác thích sống bình dị với những loại xe cộ do họ chọn. Jim Walton (nhóm Wal-Mart) lái xe bán tải (pickup truck) 15 tuổi. Azim Premji, đại gia người Ấn, lái xe Toyota Corolla. Ingvar Kamprad hãng Ikea lái xe Volvo 10 tuổi. Trọng điểm là mua một chiếc xe nào bền bỉ, rồi lái cho đến khi xe không còn chạy nổi. Những nhà tỷ phú cần kiệm này không cần phải thay xe mới mỗi ngày đâu.

        6. Tránh những thứ xa hoa
         

        Có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết người giàu nhất thế giới, Carlos Slim (như nói ban nãy, ông có thể tiêu xài mỗi phút trên 1.000 đô trong vòng 100 năm mà không sợ hết tiền) không hề làm chủ một du thuyền hoặc máy bay. (Giảm tiêu xài là cách dễ nhất để có thêm tiền.)

        Nhiều tỷ phú khác cũng không dùng những xa xí phẩm. Warren Buffett tránh những thứ xa hoa, ông nói: "Đa số đồ chơi rất phiền hà.”

        Bài học đáng giá

        Một số tỷ phú trên thế giới có khuynh hướng cần kiệm. Có lẽ tánh tiết kiệm này cũng giúp cho họ hái thêm tiền. Dù gì chăng nữa, họ không xài tiền khi không cần thiết và 6.864.605.142 người không-phải-tỷ-phú cũng có thể theo gương họ, tránh việc tiêu dùng quá đáng để tranh đua với bạn bè, hàng xóm. Dù lợi tức bao nhiêu, đa số chúng ta cũng có thể tìm cách để giảm thiểu việc tiêu xài phung phí, giống như những vị tỷ phú cần kiệm vậy.

        http://finance.yahoo.com/banking-budgeting/article/110550/tips-from-frugal-billionaires?mod=bb-budgeting


         

        Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

        Bếp Chay Thanh Nhẹ: Xíu Mại Thuần Chay Đơn Giản

        Xíu Mại Thuần Chay Đơn Giản

        Món chay này thực hiện rất nhanh, dưới 30 phút. Tuy bình thường là món điểm tâm, nhưng thích hợp với bất cứ lúc nào.

        Để làm khoảng 20 viên xíu mại


        Mình cần:
        • 3 1/2 muỗng canh dầu ăn
        • 1 muỗng canh gừng băm nhuyễn
        • 2 chén đậu hủ cứng, tán nhuyễn, vắt thật ráo nước, thêm 1/2 muỗng canh bột bắp (hoặc bột năng, bột mì, bột mì căn) cho đậu hủ dính lại, nêm tí bột nêm thảo mộc (nếu không có thì dùng muối)
        • 1/2 chén nấm đông cô, băm nhỏ
        • 2 muỗng canh nước tương lạt
        • 1 muỗng canh bột ngũ vị hương
        • 1 muỗng canh tương hoisin
        • 2 chén bắp cải thái chỉ
        • 1 chén cà-rốt bào sợi mỏng
        • 20 miếng da hoành thánh thuần chay, hình vuông hay tròn cũng được
        • 1/4 chén đậu Hòa Lan
        Ta cùng vào bếp chay nhé:

        1. Trong một chảo lớn, cho dầu ăn vào. Khi dầu nóng, cho gừng vào, xào khoảng 1 phút. Cho đậu hủ và nấm đông cô vào. Xào khoảng 4-5 phút, đảo đều tay. Cho nước tương lạt, ngũ vị hương vào, nấu thêm 2-3 phút. Cho tương hoisin vào. Cuối cùng, cho bắp cải và cà-rốt vào. Xào khoảng 4-5 phút nữa cho mềm. Chắt ráo nước.

        2. Chụm ngón trỏ và ngón cái lại thành một vòng tròn. Để da hoành thánh lên tay, rồi đặt nhân lên trên, vừa đủ, đừng đầy quá. Gói da hoành thánh lại, theo hình một cái chun (tách) nhỏ. Trang hoàng 1 viên đậu Hòa Lan màu xanh lên trên cho đẹp.

        3. Trong một nồi lớn, cho nước vào ngập ¼ nồi. Nấu sôi. Để rổ hấp lên nồi, hấp khoảng 15 phút là ăn được.

        4. Xốt dùng với xíu mại: 4 muỗng canh nước tương, 2 muỗng canh giấm táo, 1 muỗng canh đường thuần chay hoặc mật thùa, 1/2 muỗng canh tương ớt xay nhuyễn loại ăn phở (tùy thích), 1/2 muỗng canh dầu mè. Pha đều và nêm nếm tùy theo khẩu vị.

        Chúc các bạn một tuần vui vẻ và ăn chay ngon miệng!


        Chủ Nhật, 19 tháng 9, 2010

        Truyện Ngắn: Ba Cái Sàng


        Ba Cái Sàng
        (Nguồn: T.H., trang Thế Giới Trong Ta)

        Một hôm, có một người trẻ tuổi chạy đến chỗ một vị triết gia, hớt hải nói: “Tôi có một tin tức muốn báo ngay cho ngài biết...”

        “Khoan đã” - vị triết gia ngắt lời anh ta. “Điều anh muốn thông báo cho tôi biết, đã lọc qua ba cái sàng hay chưa?”
         
        “Ba cái sàng?” - người trẻ tuổi ngỡ ngàng, thắc mắc: “Xin ngài cho biết, đó là những cái sàng gì vậy?”
         
        “Cái sàng thứ nhất tên là sự thật. Nghĩa là, điều anh muốn nói cho tôi biết, có đúng là sự thật hay không?”
         
        “Tôi không rõ, chỉ nghe ở ngoài phố người ta nói như vậy!”
         
        “Thế thì ta hãy kiểm tra bằng chiếc sàng thứ hai” - triết gia nói tiếp - “Hãy cho rằng, điều anh muốn thông báo cho tôi biết không phải là sự thật. Như vậy chắc là có thiện ý?”
         
        Người kia lưỡng lự: “Không, thưa ngài... Thực tế có lẽ còn ngược lại...”
         
        Triết gia lại ngắt lời anh ta và bảo: “Vậy thì chúng ta phải dùng đến chiếc sàng thứ ba. Xin hỏi, điều khiến anh xúc động đến mức như vậy, có thực sự quan trọng hay không?”
         
        “Thật ra cũng không thể nói là quan trọng” - người kia thất vọng đáp.
         
        Triết gia nói: “Tóm lại, điều anh muốn thông báo với tôi đã không phải là sự thật, chẳng có thiện ý, lại không quan trọng. Vậy thì anh chẳng cần phải nói gì nữa! Chúng ta hãy quên nó đi, vì sự việc đó chẳng đáng để chúng ta bận tâm.”
         
        Thường ngày, chẳng phải có rất nhiều sự việc mà chúng ta hăm hở muốn thông báo ngay cho người khác biết, thật ra cũng rất vô tích sự, giống như sự việc mà anh chàng trẻ tuổi kia muốn báo cho triết gia hay sao?
         
        Trong cuộc sống, nếu như thường xuyên sử dụng ba chiếc sàng “Sự thật” - “Thiện ý” - “Quan trọng” để sàng lọc những tin tức mà ta muốn thông báo cho người khác biết, chắc rằng chúng ta sẽ nhận thấy: Có rất nhiều điều, thật ra là không đáng hoặc không nên nói!
         
        “Ba cái sàng” của vị triết nhân trong câu chuyện kể trên, có thể giúp chúng ta “quản lý” cái lưỡi của mình, không để nó tự ý làm càn! Một khi cái lưỡi đã được quản lý tốt thì cuộc đời cũng sẽ tốt hơn. 


        http://www.thegioitrongta.com/index.php?module=news&task=viewNewsDetail&id=399&category_id=60&news_name=Ba_cai_sang.htm

        Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

        Truyện Ngắn: Tin Nhắn

        Tin Nhắn
        (Sưu tầm)

        Còn nhớ khi hồi đầu mới yêu nhau, ngày đầu tiên anh vừa mua điện thoại di động thì cũng là lúc nhận được tin nhắn đầu tiên của cô: "Em nhớ anh!" Đây cũng lần đầu họ liên lạc bằng tin nhắn điện thoại với nhau.

        Khi đó, anh mân mê đọc lại ba chữ đó không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc, trái tim anh trào lên một cảm xúc rung động ngọt ngào vô cùng. Cả một thời gian dài sau đó anh cũng không nỡ xóa tin nhắn đầu tiên đó của cô.

        Hồi ấy cô và anh học đại học ở hai nơi cách xa nhau, những lần gặp gỡ chỉ ngắn ngủi trong giây lát, còn khoảng thời gian phải xa nhau lại dài dằng dặc. Và khi đó, những tin nhắn qua điện thoại đã trở thành một cầu nối tình yêu không thể thiếu giữa hai người, chúng đã gắn hai trái tim yêu thương nhung nhớ được xích lại gần nhau, và cùng cảm nhận được thấy sự tồn tại của nhau.

        Còn nhớ một buổi tối, cô và anh đã hẹn nhau thời gian nhắn tin nói chuyện, nhưng sau khi rất nhiều tin nhắn anh gửi đi cho cô đều không thấy có hồi âm trở lại, anh lo lắng gọi điện cho cô thì không có ai nhấc máy. Anh hoảng hốt khi nghĩ đến chuyện gì xảy ra cho cô liền cuống quýt vơ vội một cái áo khoác lên người rồi nhảy chuyến tàu đêm ngồi hơn 7 tiếng đồng hồ để đến nơi cô học. Hóa ra khi ấy cô đi học về mệt quá nên ngủ thiếp đi quên mất cuộc hẹn với anh.

        Nhìn thấy cô đứng trước mặt vẫn khỏe mạnh an toàn, anh thở phào nhẹ nhõm ôm chầm cô vào lòng. Còn cô lúc đó cũng bật khóc vì xúc động...

        Sau khi tốt nghiệp anh và cô kết hôn và có một cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Họ vẫn dùng nhắn tin cho nhau để thuận tiện liên lạc nhưng những tin nhắn đã bị đơn giản đi rất nhiều: "Em đang ở đâu thế?" "Em đang trên xe buýt". "Bao giờ anh về đến nhà?" "10 phút nữa".

        Sau này trong điện thoại của anh cũng dần có thêm rất nhiều tin nhắn của bạn bè đồng nghiệp, và những tin nhắn của cô cũng nhanh chóng bị anh xóa đi đầu tiên để thay thế bằng những tin nhắn mới.

        Cứ thế 5 năm trôi qua, tình yêu giữa hai người cùng phai nhạt dần trước những lo toan của cuộc sống. Anh cảm thấy cô không còn đáng yêu hấp dẫn như ngày xưa nữa, và không cảm nhận thấy những rung động nhung nhớ như trước đây khi họ yêu nhau. Và rồi một cô gái tên Như đã bước vào cuộc sống của anh từ đấy.

        Anh tìm được tình yêu ở Như, tìm được cảm giác tình yêu đã bị đánh mất. Như yêu anh và chiều chuộng anh hết mực. Mối quan hệ của họ ngày càng trở nên sâu nặng. Ngoài thời gian ở nhà, bên ngoài anh vẫn âm thầm qua lại quan hệ với Như, anh nghĩ rằng Như mới chính là người yêu anh và hiểu anh nhất...

        Một buổi tối như thường lệ, sau khi vui vẻ bên Như, anh lái xe về nhà. Trên đường về, chợt anh nảy ra một ý nghĩ, anh muốn thử tình cảm của Như xem tình yêu cô dành cho anh nhiều như thế nào, có nhiều như cô vẫn nói với anh không?

        Nghĩ vậy anh dừng xe và gửi cho Như một tin nhắn: "Xe anh bị đâm trên đường. Anh đang ở... Em đến ngay nhé!" Sau đó anh ngồi trên xe chờ đợi. Một tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không thấy Như đến, cũng như chẳng có bất cứ liên lạc gì từ phía cô. Anh lại nhắn lại thêm một lần nữa. Nhưng chờ một lúc vẫn không thấy có bất cứ động tĩnh gì. Anh giận dữ nổ máy quyết định bỏ về nhà.

        Đúng lúc đó từ đằng xa có một chiếc taxi lao vút đến và thắng gấp ngay sát bên cạnh xe anh. Từ trong xe một người phụ nữ vẫn còn đang mặc bộ áo ngủ xộc xệch lao ra khỏi xe hốt hoảng chạy lại. Thật bất ngờ đó chính là vợ anh.

        Anh giật mình vội vàng kiểm tra lại tin nhắn trong điện thoại. Tin nhắn đầu tiên anh gửi cho Như thì không sai. Nhưng tin nhắn thứ hai anh lại gửi nhầm cho vợ mình.

        Chưa hết ngỡ ngàng thì vợ anh đã lao đến chỗ anh, không ngừng đập vào cửa kính gọi anh. Giọng cô lạc đi: "Anh... Sao vậy? Anh có sao không? Anh không làm sao chứ?" Anh mở cửa xe và ôm choàng vợ vào lòng, giọng anh nghẹn lại: "Không sao, anh không sao, chỉ là va chạm nhỏ thôi". Anh vừa nói vừa dịu dàng hôn lên trán cô, người cô vẫn còn chưa hết run rẩy.

        Anh xót xa ôm cô chặt trong tay, mắt rơm rớm vì xúc động. Anh vô cùng hối hận vì những ham muốn nông nổi của mình mà đã phản bội cô, và thầm cảm ơn tin nhắn gửi nhầm đó đã giúp anh hiểu ra ai là người yêu anh nhất! 

        Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2010

        Sinh Hoạt Từ Ái: Tham gia Ngày Thế Giới Ăn Chay

        1 tháng 10, 2010 - Liên hoan mừng Ngày Thế Giới Ăn Chay
        Chỉ còn đúng 2 tuần nữa là đến Ngày Thế Giới Ăn Chay, 1 tháng 10, do Hội Ăn Chay Bắc Mỹ chủ trương và cổ động. Ngày thứ sáu, 1 tháng 10 cũng là ngày đầu tiên của Tháng Ý Thức Về Ăn Chay (Vegetarian Awareness Month).

        Bạn có thể ghi danh để tham gia sinh hoạt của mình trong ngày vui này. Hội Ăn Chay Bắc Mỹ cám ơn bạn trước và tâm sự: "Dù sinh hoạt của quý vị lớn hay nhỏ, chúng tôi cũng muốn được biết. Dù quý vị chỉ đón mừng Ngày Thế Giới Ăn Chay bằng cách mời một người bạn ăn chay hoặc mặc áo thun có thông điệp ăn chay đến sở - chúng tôi cũng muốn được nghe. Mọi nỗ lực, dù có vẻ nhỏ bé đến đâu, cũng gieo hạt giống tốt trong tâm hồn người khác." 

        Ngoài ra trang mạng Ngày Thế Giới Ăn Chay có thêm vài góp ý như sau:

        Bạn có thể tạo sự khác biệt bằng cách cho mọi người biết về lợi ích của việc ăn chay. Bạn sẽ giúp tạo một thế giới tốt đẹp hơn, vì ăn chay đã được chúng minh là tốt cho sức khỏe, cứu mạng sống của loài vật, và gìn giữ Địa Cầu.

        Hãy khuyến khích những người bạn, đồng nghiệp và gia đình bạn ăn chay tháng 10 này và về sau. Có thể họ sẽ cơ hội trúng giải thưởng lớn khi tham gia chương trình tình nguyện ăn chay tháng này!

        Mục tiêu năm 2010: Giảm ăn thịt để hơn 1 triệu thú vật không bị giết trong tháng 10 này!

        Bạn có thể thực hiện một hoặc nhiều điều sau đây:
        1. Mặc áo thun có thông điệp cổ động ăn chay.
        2. Xin phép dán bích chương về Ngày Thế Giới Ăn Chay/Tháng Ý Thức Về Ăn Chay trong thư viện, siêu thị, các tiệm bán thực phẩm lành mạnh, các nơi thờ phượng, các trung tâm nghệ thuật, và những nơi công cộng thích hợp.
        3. Mời gia đình và bạn bè dùng cơm chay.
        4. Yêu cầu thư viện (công cộng, trong trường trung học, đại học v.v.) triển lãm băng, sách và các tài liệu hữu ích về ăn chay.
        5. Khuyến khích các nhà hàng và các tiệm thực phẩm ủng hộ và quảng cáo những món ăn chay trong thực đơn.
        6. Tổ chức các buổi hội thảo chiếu phim về ăn chay hoặc các đề tài tương tự cho bạn bè, hoặc tìm cách chiếu trên đài TV phục vụ cộng đồng (miễn phí).
        7. Đăng quảng cáo về Ngày Thế Giới Ăn Chay/Tháng Ý Thức Về Ăn Chay trên báo chí địa phương.
        8. Tổ chức các buổi tiệc chung (potluck), dã ngoại, hoặc ăn ngoài tiệm chay.
        9. Viết thư cho các báo biết về dịp này và cho biết lợi ích của việc ăn chay đối với cá nhân bạn.
        10. Đề nghị các tiệm sách trưng bày sách nấu ăn chay và giảm giá đặc biệt trong tháng.
        11. Thuyết trình về ăn chay cho các tổ chức, hội đoàn nào bạn quen biết hoặc là thành viên.
        12. Thỉnh cầu thị trưởng hoặc viên chức địa phương ký bản tuyên ngôn Ngày Thế Giới Ăn Chay (xin liên lạc với chúng tôi để lấy mẫu).
        13. Giao tặng thức ăn chay cho các viên chức chính phủ (nếu có truyền thông hiện diện càng tốt) hoặc các xướng ngôn viên dẫn chương trình phát thanh.
        14. Phục vụ thức ăn chay cho các nhà tạm trú của người vô gia cư.
        15. Phát tờ thông tin (bươm bướm) tại hội chợ, nơi mua sắm, và các sinh hoạt công cộng khác (nhớ theo luật lệ địa phương).
        Dù không là người ăn chay trường, bạn cũng có thể tham gia!
        1. Ăn chay trong ngày thứ sáu, 1 tháng 10, hoặc cả tháng 10.
        2. Tìm hiểu thêm ăn chay có thể giúp ích được gì cho bạn.
        3. Thử những món mới tại các tiệm ăn chay địa phương.
        4. Bàn thảo về ăn chay với những người thích thú về đề tài này.
        5. Tổ chức tiệc chay và mời bạn bè đến tham dự.
        6. Ăn chay thường xuyên, bất cứ lúc nào có thể được.
        http://www.worldvegetarianday.org/youcando/
         

        Bài đăng phổ biến