Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Món chay: và bài Pháp "Phước huệ song tu" - Chùa Giác Lâm

 Xôi lá cẩm

 Canh bí rợ với nấm

 Nui xốt cà

 Tàu hủ kho thơm với củ cải trắng

Đậu que xào

Chè xôi nước

Nếu các bạn có dịp nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma hay những vị Thầy nói Pháp, các bạn sẽ thấy được quý Thầy đều dạy cho mình cách làm sao để có hạnh phúc.  Chữ hạnh phúc ở đây không phải là hạnh phúc thường tình như là tình yêu nam nữ, hay đời sống thật giàu sang, hay món ngon vật lạ, hay ngoạn mục du lịch ...  Mà hạnh phúc ở đây có nghĩa là an lạc (inner peace), người có được an lạc rồi thì việc hưởng thụ cho cá nhân đối với họ không còn quan trọng nữa.  Họ sẵn sàng chia sẻ những gì họ có cho những người kém mai mắn.  Khi hỏi tại sao họ làm như vậy thì được trả lời rằng vì làm việc đó khiến họ vui (hạnh phúc, happy).  Đây là mục đích của những người làm việc thiện.  DS đã hỏi nhiều người làm việc thiện lắm rồi và đều được trả lời như vậy.  Chỉ đơn giản có vậy.

Mỗi buổi sáng chú nhật đáng lẽ được ngủ nướng là ngon nhất, nhưng có một việc làm mà DS nghĩ còn ngon hơn, đó là việc chia sẻ tiếng Việt với những em nhỏ sinh trưởng ở Mỹ.  Vào lớp nhìn thấy các em cũng thức dậy thật sớm để đến lớp là trong lòng thật vui, nhìn thấy các em ham học thì trong lòng càng vui hơn, nhìn thấy các em xung phong lên bảng ráng bỏ dấu cho đúng thì thật không có gì để diễn tả hết niềm vui đó.  Nên các bạn, mình cố gắng làm việc thiện để mình được vui nhé.

Sau giờ tiếng Việt là giờ tụng kinh và thuyết Pháp ở chùa.  Thú thật, nhiều khi sau lớp học DS hay cúp cua về sớm lắm, vì công việc nhà còn bề bộn.  Nhưng nán ở lại chùa cũng rất là vui vì sau phần tu phước là đến phần tu huệ.  Được tụng kinh, được nghe Pháp để tâm trí được mở mang, để biết sống sao cho tốt đẹp cho đời cho đạo.

Hôm nay DS có đủ duyên nghe bài Pháp "Phước huệ song tu" của Ni Sư trụ trì chùa Giác Lâm, DS xin chia sẻ đến các bạn để chúng ta cùng nhau tu phước tu huệ các bạn nhé.

Vào một kiếp xa xưa có hai vị Tỳ Kheo, một vị chỉ chuyên tu nhưng không làm phước, một vị chuyên làm phước mà không chịu tu.  Đến khi Đức Phật Thích Ca thành đạo thì vị chuyên tu đầu thai gặp đức Phật xuất gia làm sa môn và tu chứng quả A la hán.  Nhưng vị này khi đi khất thực thường bị trở về không đủ cơm ăn và thường hay bị đói.  Còn vị chuyên tu phước thuở đó thì đầu thai thành con voi có sức mạnh, được nhà vua cưng chìu cho đeo vàng bạc đầy mình và vật thực rất đầy đủ.  Vì đã chứng quả A la hán, biết được kiếp trước của mình, vị sa môn rất hối hận vì đã không tu phước nên kiếp này phải chịu đói.  Vị A la hán này gặp được voi và nói cho voi biết vì sao phải sinh ra là làm loài vật.  Con voi nghe xong, biết được mình thiếu trí huệ, bỏ ăn để bỏ báo thân làm voi.  Qua câu chuyện này, mình nên biết rằng phước, huệ cả hai đều rất là cần cho đời sống tu tập của mình.
Tu phước thì mình bố thí nội tài (kiến thức, sức lao động) và ngoại tài (tiền) và bố thí Pháp, người xuất gia học Pháp xong rồi thì nói cho Phật tử nghe.  Đối với Phật tử thì nên đem những gì mình nghe được để nhắc nhở người khác.  Không ai mà nghèo đến nổi mà không có thể tu phước.  Không có tiền thì có sức, có lời nói.  Không phải đợi có tiền nhiều mới bố thí, mình nhịn một chút phần mình để chia sẻ cho người thì phước rất lớn.
Đức Phật có dạy Tứ nhiếp Pháp để mình áp dụng trong việc tu phước để làm lợi ích cho người.
1.  Bố thí nhiếp:
Có người hỏi tui nghèo quá lấy gì mà bố thí.  Xin nghe câu chuyện sau đây.
Vào thời đức Phật có vị vua tổ chức lễ cúng dàng Trai tăng.  Lúc đó có một bà lão ăn mày nhịn phần ăn của mình để xin cúng dường Phật một nắm đậu.  Đức Phật liền hóa phép cho mỗi hạt đậu đều được rơi vào mỗi bát của chư Tăng.  Tuy có một nắm đậu nhưng phước đức của bà lão còn nhiều hơn là  của nhà vua cúng dường món ngon vật lạ.  Vì của cúng dường của Vua là của bá tánh.  Nhà vua nghe vậy hiểu được lòng của bà lão và tặng bà ta vàng ngọc gấm vóc để thoát khỏi kiếp sống ăn mày. 

Qua đây mình hiểu rằng nếu có ít mà đem dâng cúng bằng tất cả tấm lòng thành thì phước đức rất lớn.  
Làm lành chớ nên do dự.  Khi phát bồ đề tâm chừng nào thì làm liền, đừng nên nói để dành đến chừng nào có nhiều thật nhiều rồi mới bố thí.  Vì vô thường, mình đâu biết được mình sẽ ra đi lúc nào.  

Nhiều người tu cũng hẹn như vậy, nói để chừng nào về hưu mới tu, xong tới có cháu phải giữ, xong tới có chắt...  Hằng ngày phải dành thời gian tu tập, đừng nói rảnh hả tu, không bao giờ rảnh đâu.
Bố thí là:
-Đem những gì mình có, cho những người không có
-Tìm hiểu hoàn cảnh, tâm trạng và hoài bão của người xem người ta cần gì

Bố thí có:
-Tài thí: cho người tiền của vật chất
-Pháp thí: đem lời Phật dạy hướng dẫn cho người, cho người băng dĩa Pháp
-Vô úy thí: cho người những điều không lo sợ. 
Thí dụ như có nhiều người lo sợ bị cướp, bị mất của cải.  Mình tìm cách khuyên người ta nên đề cao cảnh giác, nhưng nếu bị mất là do nhân quả, không nên quá lo sợ.  Cũng không nên mở cửa cho ai vào nhà mình muốn cướp thì cướp :).  Mình cẩn thận hết sức thì thôi, không việc gì phải lo.
Có người bị bệnh nan y thì mình khuyên người ta lo chữa trị, và không nên lo lắng, buông cái lo để nếu không trị được thì cũng còn có đường về Tây Phương.
2.  Ái ngữ nhiếp:  dùng lời dịu dàng cho người bớt khổ.
Mình có cảm hóa được người, mới hướng dẫn người được.  Ở đời nhiều người hay dùng lời sẳn, vụng làm người khó chịu, chán ghét, không thích thân cận, vậy thì hướng dẫn người sao được.
Không phải mình dùng lời ngọt ngào hoa mỹ để lừa gạt người đâu nhe, đây không phải là tu phước.
3.  Lợi hành nhiếp:  hành động để làm lợi ích cho người.
- cho 1 lời an ủi
-thăm người bệnh
-làm cho người cảm mến 
-người không hiểu thì giúp cho người hiểu
-giúp người nhẹ bớt gánh lo
-có lòng thì làm được (chứ không phải ai chết sống mặc ai)
4.  Đồng sự nhiếp:  muốn giúp được người thì phải làm việc chung với người.
Tại sao đức Phật lại chọn Ta Bà uế độ có năm thứ ác trược để thị hiện?  Vì đức Phật muốn hóa độ chúng sanh.  
Cùng làm việc hòa mình, hy sinh, chịu cùng hoàn cảnh thì dễ thông cảm.  Mình chỉ tay năm ngón thì không được đâu.
Tóm lại mình phải thiết thực, làm gương mẫu tiêu biểu cho người mới được người thương cảm, tán thành.  Được như vậy thì ở trong xã hội mình mới đem lại sự tốt đẹp cho đời.

Chúc các bạn luôn tu phước và tu huệ.
Nam mô A Di Đà Phật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến