Ngày xưa trên đồi núi có một ngôi chùa thật trang nghiêm, là nơi Tam Bảo để quý Phật tử về tu tập. Thầy trụ trì tự bỏ công sức ra xây một bờ thành để cho chùa tạo thêm khung cảnh ấm cúng và trang nghiêm hơn
Khi quá trình xây Thầy làm rất tỉ mỉ chọn lựa những viên gạch tốt và đẹp để xây tường, xây viên gạch nằm ngang cho chắc bờ thành
Trong quá trình xây, Thầy xây đến đâu chỉ ngắm theo chiều dọc của bức tường sao cho thẳng và đẹp, Thầy không cần ngắm mặt ngang của bức tường
Sau khi xây xong, Thầy bắt đầu quan sát nhìn ngang bức tường, Thầy rất ngạc nhiên trên bức tường tất cả những viên gạch đều xây nằm ngang, nhưng lại có hai viên gạch xây nằm dọc thật xấu xí, Thầy nói rằng:
-Ta xây một cách cẩn thận như thế, vậy mà vẫn có hai viên nằm dọc làm xấu đi cả một bức tường, điều tội tệ hơn là nó nằm giữa ngay bức tường nữa chứ
Thế rồi Phật tử về chùa tham quan, Thầy không dám giới thiệu bức tường mới làm cho quý Phật tử chiêm ngưỡng, Thầy mời quý Phật tử tham quan bên này, tham quan bên kia…để né tránh tham quan bức tường xấu.
Quý Phật tử vào chùa nghe theo lời Thầy đi tham quan hết bên này đến bên kia.
Bấy giờ có một vị Đại lão Hòa Thượng đến chùa tham quan, Thầy trụ trì thưa rằng:
Kính mời Ngài tham quan bên này, và tham quan bên kia…
-Hòa Thượng bảo rằng: Cảm ơn Thầy tôi muốn tham quan bức tường kia trước đã?
Thầy trụ trì mới nói rằng:
-Bức tường ấy không có gì đẹp để xem đâu ạ!!!
-Hòa thượng bảo: Ôi không!, Tôi thấy nó rất độc đáo, từ phía xa tôi thấy bức tường ấy rất ấn tượng rồi.
-Thầy trụ trì: Hoảng sợ nói: Nhưng bức tường ấy, bức tường ấy!!!
Hòa Thượng khen rằng: Ôi bức tường đẹp làm sao
Thầy Trụ trì: Ngài nói thật chứ, Ngài không thấy trên tường có hai viên gạch xấu xí sao?
Hòa Thượng Bảo: Có chứ, nhưng tôi thấy có 998 viên gạch còn lại xếp thành một bức tường hoàn hảo như thế này, thì hai viên gạch xấu xí, nó như một nét chấm phá rất độc đáo, khiến cho bức tường này trở nên ấn tượng, và nổi bậc hơn.
Lời bình:
Qua câu chuyện này như là một bài học kinh nghiệm, bạn thấy đấy trong cuộc sống mọi sự việc có giá trị thế nào tùy thuộc vào cái nhìn của mỗi con người. Cũng bức tường đó có người nhìn vào cho là đẹp, có người lại cho có vài điểm xấu
Ông bà xưa thường nói: “Nhân vô thập toàn” trong cuộc sống không có cái gì gọi là hoàn mỹ một cách tuyệt đối. Mặc dù bạn có cố gắng trau dồi tu luyện đến mức độ nào đi nữa bạn vẫn có một, hai khuyết điểm nhỏ, không làm sao tránh khỏi
Điều quan trọng nhất, khi bạn lỡ sai lầm biết nhìn nhận nó để ăn năn sám hối sửa đổi. Bạn đừng bao giờ bảo thủ, cố chấp, dùng đủ mọi cách để che lấp cái lỗi của mình, bạn lừa gạt người khác được, chứ bạn không lừa gạt được chính bản thân của bạn
Bạn nên nhớ rằng: Trong cuộc sống con người không bao giờ có tính tuyệt đối. Vì vậy, chúng ta nên tìm cái tương đối để sống hiểu nhau, thông cảm và tha thứ cho nhau
Ở đời bạn làm rất nhiều việc tốt giúp ích cho mọi người, cho xã hội trở nên tốt đẹp, thì dù một lỗi lầm nho nhỏ như hai viên gạch trên bức tường kia cũng chẳng có gì phải e ngại sợ thiên hạ chê cười, ở đời ai chẳng có lầm lỗi, chúng ta là phàm phu không phải là Thánh Nhân
Nếu bạn là một người có trí, khi bạn tạo nghiệp bất thiện đối với người khác, bạn nên quán chiếu lại những sự việc bạn đã làm vừa qua mắc phải lỗi lầm gì khiến biết bao nhiêu người đau buồn, bỏ đi và xa bạn
Bạn nên nhìn nhận cái lỗi và nói một lời xin lỗi với họ, bạn đừng bao giờ dùng những lời ngụy biện để che đậy cái tội của mình, thì tội lỗi càng chồng chất nặng thêm, vì vậy bạn thường quán chiếu suy xét lại
Vô thường lá rụng, ở bên sân
Nhặt lá vàng rơi, sạch cõi trần
Phiền não trong tâm, nhặt dứt bỏ
Tâm hồn thanh tịnh, khỏi trầm luân (Trí Giải)
Do vậy, ở trên đời có hai hạng người đáng quý, đức Phật dạy rằng: “Có hai hạng người mạnh nhất trên đời. Một là hạng người không phạm lỗi lầm, hai là hạng người có lỗi lầm nhưng biết ăn năn, sám hối”
Hằng ngày ươm giống Bồ đề tâm
Học giả chân tu, thấy lỗi lầm
Kiếm tuệ vun gươm, trừ ác nghiệp
Trượng phu thành tựu được “chân tâm” (Trí Giải)
Ở đời có người bờ ngoài nhìn tướng giống như một quân tử, nhưng trong tâm rất thâm độc, xảo quyệt, tham lam, ích kỷ vì lợi ích cho bản thân mình nói xấu hãm hại rất nhiều người
Khi người ta phát hiện ra được cái lỗi lầm ấy, thì bạn lại dùng vô số phương thức để che lấp cái tội của mình, tự bản thân tạo nghiệp bất thiện, không quay đầu ăn năn sám hối, còn lôi kéo nhiều người tham gia vào phía mình để thị phi mắng chửi người khác bao che cái ngã của mình, thì hạng người này nghiệp chướng quá sâu nặng vì vậy
- “Tâm lệch lạc thì cuộc sống nghiêng ngã đảo điên
- Tâm gian dối thì cuộc sống bất an.
- Tâm ghen ghét thì cuộc sống hận thù.
- Tâm đố kỵ thì cuộc sống mất vui.
- Tâm tham lam thì cuộc sống dối trá …
Cho nên, ta không những đem tâm của mình đặt ngay trên ngực để yêu thương mà còn:
- Đặt trên tay để giúp đỡ người khác.
- Đặt trên mắt để nhìn thấy nỗi khổ của tha nhân
- Đặt trên trán để may mắn chạy đến với người cùng khổ.
- Đặt trên miệng để nói lời an ủi với người bất hạnh.
- Đặt trên tai để biết nghe lời than trách, góp ý của người khác
- Đặt trên vai để biết chịu trách nhiệm và chia sẻ trách nhiệm với anh em, chị em”
Vì vậy, bạn cần phải xin lỗi những người bạn đã gây ra chuyện đó. Xin lỗi cũng là một phương pháp tu nhẫn và tính khiêm nhường cần học hỏi. Xin lỗi là một đức tính tốt không có gì phải xấu hổ. Điều hổ thẹn nhất là tự mình đánh mất cái tâm của mình chạy theo cái ích kỷ, tham, sân, si, giận hờn, hơn thua, ganh tỵ, thấy người ta hơn mình là khởi tâm hãm hại, đó mới là điều hổ thẹn của người học Đạo giải thoát
Trong mỗi con người ai cũng có một khuôn mặt thật riêng biệt của mình, không ai giống ai (tâm dị biệt, cho nên tạo nghiệp khác nhau, hình tướng khác nhau)
Nhưng trong một nhóm nào đó, họ tự chế ra những mặt nạ giống nhau đeo vào để đồng cảm, cùng một quan điểm, cùng tiếng nói bao che cho nhau, vì sợ người khác khinh chê sẽ thân bại danh liệt
Còn đối với những bậc trí, có tâm từ bi độ lượng, lòng khoan dung, trong đôi mắt của họ chỉ có tình thương yêu, không có sự giận hờn thù hận, không bao giờ nhìn lỗi người khác.
luôn “phản quan tự kỷ = tự soi xét chính bản thân mình” hoặc “tiên trách kỷ hậu trách bỉ = trước trách mình sau mới trách người khác.” Vì tâm từ bi luôn hiện hữu trong ánh mắt, nên nhìn vạn vật xung quanh đều là hoa không có rác, không có lời thô tục mắng chửi, nhục mạ người khác, họ chỉ có ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Khi nhìn lên bức tường thấy một bức tường hoàn mỹ, mặc dù bị khuyết hai cái lỗi nhỏ do sơ ý, họ vẫn mỉm cười thông cảm cho nhau không bắt bẻ lỗi người khác.
Tại vì sao Thầy trụ trì lại xây tường chỉ nhìn dọc theo bờ thành mà không nhìn ngang, đó là Thầy đang hành Bồ Tát hạnh dạy mọi người một bài học thật hay.
Những viên gạch đã kết lại thành một khối (bức tường) thì cũng giống như mọi người tạo thành nhóm bạn, một đoàn thể chơi chung thân thiết với nhau, thì bao giờ cũng thuận ý nhau, cùng một gu. Vì thế có câu nói rằng: “muốn biết về bạn như thế nào thì hãy nhìn những người bạn của người ấy.” Mặc dù một người trong nhóm có làm sai, hay nói sai đi nữa cũng không sao, họ cùng nhau hùa vào bao che bảo vệ cho nhau
Ít có người dám nhìn nghịch lại (nhìn ngang), ngược quan điểm với nhóm bạn sợ mặc cảm và bỏ rơi, nếu ai có lòng cảm đảm nhìn ngang trong nhóm bạn thì chắc chắn sẽ thấy cái lỗi của người đó
Điều này ví dụ dễ hiểu: 8 cầu thủ bóng đá cùng chơi chung một nhóm rủ bán độ, nếu tám 8 thủ này đồng ý (nhìn dọc) thì việc xấu không ai biết. Trong đó có một người can đảm đứng lên tố cáo (nhìn ngang) việc làm phi pháp đó, thì việc xấu mới bại lộ.
Trong mẩu chuyện Thầy trụ trì xây tường chỉ ngắm theo chiều dọc, mà không ngắm chiều ngang muốn khuyên nhủ chúng ta:
Khi bạn tiếp xúc mọi người, bạn bè, mà bạn chỉ thích nhìn dọc theo họ, họ nói gì bạn cũng gật đầu không biết đúng sai, như vậy bạn là những kẻ thích nịnh hót vì danh lợi, vì lợi ích cá nhân. Bạn không dám nhìn ngang để chỉ ra cái lỗi của bạn mình,
Vì thế, khi nhìn bức tường theo chiều dọc thì bạn đâu có thấy hai viên gạch xấu xí. Còn bạn nhìn ngang thì sẽ phát hiện ra cái tốt xấu của từng viên gạch tạo nên một bức tường ra sao
Cho nên khi bạn nhìn một người bạn thân dù có làm gì sai trái đi nữa, bạn nhìn dọc theo, thì những người phạm lỗi ấy cũng trở thành chân chính trong ánh mắt của bạn. Nhưng bạn quên rằng cái chân chính mà bạn cho là tốt là đẹp chỉ là cái vỏ bên ngoài, bên trong toàn là sự giả dối lừa đảo người khác, cho nên đức Phật dạy: “Người ngu biết mình ngu, nhờ vậy thành có trí. Người ngu cho mình có trí, thật là chí ngu” (Pc 63)
Khi bạn nhìn ngang nó có hai khía cạnh: một là chỉ ra khuyết điểm của người khác, giúp người ấy biết tu hành sửa đổi lỗi lầm không muốn họ rơi vào ác đạo, thì đó là tấm lòng Từ bi của bạn noi gương theo đức Phật và chư vị Bồ Tát, Thánh Tăng…điều này bạn nên làm.
Còn bạn nhìn ngang người khác như vạch lá tìm sâu, phát hiện lỗi lầm người khác để thị phi, phỉ báng trả thù cá nhân thì bạn chính là kẻ vô minh, còn sân si, thù hận chồng chất làm trái lời Phật dạy:
Hận thù diệt hận thù
Đời này không có được
Không hận diệt hận thù
Là định luật ngàn thu (pc: 5)
Hạnh phúc của con người không đến từ sự thù hận, tức giận. Cho nên sự trang trải tình thương trong cuộc sống xã hội là điều cần thiết nhất để hóa giải sự xung đột, nếu chúng ta đến với nhau bằng một trái tim vị tha, từ bi chân thật không giả dối để sưởi ấm tình người thì chắc chắn rằng xã hội sẽ tốt đẹp không có sự thù hận, chém giết, gây bất an cho con người.
Vì vậy, hàng ngày mỗi cá nhân cần phải trồng hạt giống từ bi nơi tâm, để xây đựng một xã hội tốt đẹp và hoàn mỹ, chúng ta hãy sống bằng trái tim của lòng từ, khi gặp người hoạn nạn sẵn sàng giúp đỡ với khả năng của mình. Khi thấy người khác có lầm lỗi biết bao dung và tha thứ, thì chúng ta cũng giống như những viên gạch đẹp đang xây một bức tường Từ bi thật hoàn mỹ cho mình và cho tha nhân.
“Gần nhau trao cho nhau, yêu thương tình loài người.
Gần nhau trao cho nhau, tin yêu đừng gian dối.
Gần nhau trao cho nhau, ánh mắt nhân loại này.Tình yêu thương trao nhau, xây đắp trên tình người.”“Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người” là xây đắp một bức tường Từ bi trong xã hội hiện đại để xóa bỏ xung đột trong các mối quan hệ, vì vậy vai trò Phật giáo rất quan trọng