HT. Thích Thanh Từ
5- Đến cái vui thứ năm khó hơn là: “TỊCH LẠC”. Cái vui này ít được nghe nói. Nó phát xuất từ tâm tịch tịch được diễn đạt qua bốn câu kệ trong kinh Đại Niết Bàn:
Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp
Sanh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc
Tịch lạc được ghép từ chữ đầu và chữ cuối của câu kệ chót là vui, đó là cái vui cứu cánh của người tu. Hai cái vui đầu gần gũi với người mới học đạo, thế mà đa số người học Phật chưa thể thực hiện được, phải thực hiện từ cái vui thứ nhất đến cái vui thứ hai, có được hai cái vui đó rồi mới đến cái vui thứ ba, thứ tư, cuối cùng tới cái vui thứ năm là tịch lạc. Tịch là lặng lẽ, lạc là vui, tịch lạc là tâm lặng lẽ an vui. Cái vui này như thế nào?
Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp. Hành ở đây là hoạt động, tức là thân miệng ý hoạt động. Thân miệng ý hoạt động thì thành nghiệp, hoặc nghiệp thiện hoặc nghiệp ác. Nghiệp xuất phát từ ý nghĩ, miệng nói, thân làm; song ý nghĩ rồi mất, miệng nói rồi mất, thân hành động rồi mất. Thân miệng ý là chỗ tạo nghiệp sanh diệt vô thường, nên nói: “Thị sanh diệt pháp” tức là pháp sanh diệt không bền chắc. Như vậy tất cả hành động tạo tác trên thế gian đều vô thường nên đau khổ. Khi nào “Sanh diệt diệt dĩ”, thì “Tịch diệt vi lạc”. Cái vui này quá sâu kín, cũng gọi cái vui Niết bàn. Sau khi cái sanh diệt nó diệt hết rồi mới tới chỗ tịch diệt. Sanh diệt ở đây là sanh diệt của nghiệp ý, nghiệp khẩu và nghiệp thân, nhưng chủ yếu là ý, vì ý chủ động cho nên nghiệp ý lặng rồi dù có nói có làm cũng là tịch diệt. Như vậy sau khi vọng tưởng lặng hết rồi không còn dấy động nữa thì tâm tịch diệt. Tâm tịch diệt là chỗ an ổn chân thật bất sanh bất diệt. Tâm bất sanh bất diệt đó là Niết bàn. Đó là cái vui cứu cánh chân thật ít người hưởng được.
Chúng ta học và tu theo Phật có cái vui cạn và cái vui sâu. Thứ nhất là cái vui do tùy hỷ thật dễ làm, không tốn công, chỉ xả tâm tật đố của mình là được. Thứ hai là cái vui tốn công tốn của, xả bỏ tài vật của mình và xả bỏ những cái chứa chấp trong tâm niệm mình. Hai cái đó xả được là có cái vui hỷ xả. Thứ ba là cái vui pháp hỷ hay pháp lạc. Cái vui này phải có công phu nghiền ngẫm, nghiên cứu Phật pháp chúng ta mới được niềm an vui trong đạo lý. Thứ tư là thiền duyệt, thiền duyệt thì phải có công phu nhiều tháng nhiều năm tu hành mới được cái vui thiền duyệt. Được cái vui thiền duyệt rồi cuối cùng mới được cái vui tịch lạc; tức là tâm lặng lẽ, rỗng rang không còn một niệm dấy động, thấy tất cả sự vật cái gì cũng nên thơ, đẹp đẽ. Không còn phân biệt đây là xấu, kia là tốt, đây là hay, kia là dở, chỉ một niệm chân thật. Cho nên trong nhà Thiền gọi là: “Xúc mục tức Bồ đề”; tức là nhìn cái gì cũng là Bồ đề, là giác ngộ; thấy người vật đều vui, đều đẹp. Tất cả là mùa Xuân, không có cái gì buồn xấu. Như vậy nếu tới được chỗ vui đó, thì chúng ta hưởng được mùa xuân vĩnh cửu, không bao giờ mất.
http://www.daophatngaynay.com/vn/van-hoa/xuan/3893-Nhung-Cai-Vui-Trong-Dao-Phat.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét