Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Phật Pháp: Để được an lạc–Ni Sư Thích Nữ Hạnh Nghiêm

lecauan 049
Đa số chúng ta đến với đạo Phật vì chúng ta đã ý thức được sự khổ đau của cuộc đời.  Chúng ta học Phật để hiện đời được an lạc và giải thoát mọi khổ đau.
Để có được cuộc sống an lạc ngay trong hiện tại chúng ta phải biết cách giữ tâm thanh tịnh.  Chúng ta thường nghĩ về quá khứ và mơ ước vọng tưởng tới tương lai nên tâm chúng ta vọng động.  
Quá khứ đã qua không thể kéo lại được nên hạnh phúc hay đau khổ là của quá khứ không phải ở hiện tại.  Chuyện vui buồn đã qua hãy để cho nó qua luôn.  Những câu nói lỡ lời không hay thì hãy cho nó qua, nhớ hoài là làm khổ chính mình, làm phiền não lấy mình.
Hiện tại thì đang diễn tiến.  Tương lai thì chưa đến.  Mình rong ruỗi quá nhiều khiến mình mất đi những giây phút an lạc.  Vọng tưởng sanh náo động làm ta không kiểm soát được tâm của ta.
Những người ghiền xì ke, ma túy là do bị vọng tưởng chi phối, không kiểm soát được và bị cuốn hút vào đường xa đọa.
Muốn sống tỉnh thức và tập trung ngay trong giây phút hiện tại đòi chúng ta phải có tuệ giác phải có công phu thiền tập.
Xưa có ông vua minh quân thường được nhà hiền triết Tolstoy nhắc đến.  Tuy là minh quân nhưng không sao tránh được lỗi lầm.  Một hôm ông nêu lên ba câu hỏi nếu ai trả lời được 3 câu này thì vua sẽ không bao giờ bị thất bại trong bất cứ công việc nào. 
1.  Làm sao để biết thời gian nào là thời gian quan trọng nhất?
2.  Làm sao để biết nhân vật nào là nhân vật quan trọng nhất?
3.  Làm sao để biết công việc nào là công việc quan trọng nhất?
Vua ban chiếu ra khắp thiên hạ, nếu ai trả lời được nhà vua sẽ ban thưởng trọng hậu.
Về câu hỏi thứ nhất có người nói rằng phải lên lịch trình và làm đúng theo thời khóa biểu.  Người khác cho rằng nên chú ý đến mọi việc xảy ra để làm bất cứ gì cần thiết.  Có kẻ lại bảo phải lập Hội Đồng Nhân Sĩ để hành động theo lời khuyến cáo của họ.  Có người nói phải cần đến những nhà cố vấn tiên tri…
Về câu hỏi thứ hai có người nói những nhân vật quan trọng nhất là những ông đại thần, giám mục, thượng tọa, tướng lãnh…
Về câu hỏi thứ ba có người nói khoa học, tôn giáo, quân đội…
Sau nhiều đêm suy nghĩ nhà vua quyết định lên núi để chất vấn một đạo sĩ nổi tiếng mà vua nghe nói là đã giác ngộ. 
Vị đạo sĩ này chưa bao giờ chịu xuống núi, chung quanh nơi ông ở chỉ có những người dân nghèo, ông không chịu tiếp người quyền quý.  Do đó, nhà vua đã cải trang làm thường dân, đến chân núi, nhà vua để các vệ sĩ ở lại và một mình leo núi. 
Lên đến am, gặp vị đạo sĩ già đang cuốc đất  hào hển, nhà vua bèn hỏi 3 câu hỏi trên.  Vị đạo sĩ lắng nghe, nhưng không trả lời và tiếp tục cuốc đất.  Thấy vị đạo sĩ mệt, nhà vua xin cuốc phụ. Nghỉ một hồi vị đạo sĩ lại tiếp tục cuốc và để cho nhà vua nghỉ mệt.   Hai người tiếp tục cuốc thay phiên nhau như vậy.  Trời đã dần tối mà vị đạo sĩ vẫn không trả lời.
Lúc đó bỗng có tiếng chân người.  Nhà vua ngó ra thì thấy 1 người đang chạy sau bụi cây hai tay ôm bụng đầy máu.  Ông cố chạy đến chỗ nhà vua và ngất xỉu.
Vua và ông đạo thấy có 1 vết đâm nơì bụng.  Vua bèn rửa vết thương, xé áo của mình để băng bó vết thương, máu thấm ướt áo, vua đem giặt và băng lại vết thương.  Làm như vậy cho đến khi máu ngừng chảy.
Lúc người bị thương tỉnh dậy đòi uống nước.  Vua chạy đi múc nước suối cho ông ta uống.  Sau đó thì trời tối, thấm mệt, cả 3 đều ngủ thiếp trong am.
Đến sáng người bị thương bèn xin nhà vua tha tội.  Nhà vua khi chinh chiến có giết anh và tịch thu gia sản của người bị thương nên người này muốn báo thù.  Không ngờ đến chân núi bị vệ sĩ rượt bắt và đâm trúng bụng, nếu không nhờ nhà vua cứu thì đã mất mạng.  Oán thù nhờ đó đuợc giải tỏa, nhà vua vui mừng tha tội và hứa trả lại gia sản cho người bị thương và cho người hầu tới săn sóc cho lành bệnh. 
Sau đó nhà vua lại lên núi tiếp tục hỏi 3 câu hỏi trên.  Vị đạo sĩ nói đã trả lời rồi.
Nếu nhà vua không thương vị đạo sĩ già yếu, không phụ cuốc đất mà đi xuống núi thì đã bị giết mất.  Nên thời gian quan trọng nhất lúc đó là thời gian đang cuốc đất, nhân vật quan trọng nhất là vị đạo sĩ và việc làm quan trọng nhất lúc đó là cuốc đất.
Rồi khi người bị thương đến thì thời gian quan trọng nhất là thời gian chăm sóc cho người bị thương.  Nhân vật quan trọng nhất là người bị thương và công việc quan trọng nhất là băng bó vết thương.
Vị đạo sĩ xin vua hãy nhớ:  “Chỉ có một thời gian quan trọng mà thôi, đó là thời gian hiện tại, là giờ phút hiện tại.  Giờ phút hiện tại quan trọng bởi vì đó là thời gian duy nhất trong đó ta có thể làm chủ được ta. Và nhân vật quan trọng nhất là kẻ đang cụ thể sống với ta, đang đứng trước mặt ta, bởi vì ai biết được là mình sẽ đương đầu làm việc với những kẻ nào trong tương lại.  Công việc quan trọng nhất là công việc làm cho người đang cụ thể sống bên ta, đang đứng trước mặt ta được hạnh phúc, bởi vì đó là ý nghĩa chính của đời sống.”
Chúng ta nên luôn sống với hiện tại, không mơ ước về quá khứ, không vọng tưởng đến tương lai, giúp đỡ người xung quanh giây phút người cần ngay trong hiện tại.  Việc qua rồi không nhớ, việc tương lai không lo.  Không bị chi phối thì tâm ta thanh tịnh, không phiền não.  Làm gì thì chú tâm đến cái đó.  Tâm thanh tịnh là đạo.  Việc này cần tuệ giác công phu thiền tập.
Nguồn: http://chuagiaclam.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến