Câu chuyện hai hạt lúa
Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ mùa sau, cả hai đều là hạt lúa tốt to khỏe và chắc mẩy
Một hôm người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng lúa gần đó
Hạt giống thứ nhất thầm nhủ: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất, tốt nhất ta hãy giữ tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi trú ngụ”
Thế là nó chọn một góc khuất trong cái kho lúa để lăn vào đó
Còn hạt giống thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất, nó thật sung sướng khi được bắt đầu một cuộc sống mới
Một thời gian trôi qua hạt lúa thứ nhất bị héo khô nơi một góc nhà bở vì nó chẳng nhận được nước và ánh sáng, lúc này chất dinh dưỡng chẳng giúp ích gì được, nó chết dần chết mòn
Còn hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt, nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới
Lời khuyên của hạt lúa số hai: Đừng bao giờ tự khép mình trong lớp vỏ chắc chắn để cố giữ nguyên vẹn vô nghĩa của bản thân mà hãy can đảm bước ra đi, âm thầm chịu nát tan để góp cho cánh đồng cuộc đời một cây lúa nhỏ, đó là sự chọn lựa của hạt giống thứ hai
A Di Đà Phật hôm nay Trí Giải đọc câu chuyện này thấy hay bình luận vài ý chia sẻ đến quý Phật tử và bạn đọc gần xa cùng nhau tu học.
Bàn Luận: Tâm ích kỷ và lòng vị tha
Ý nghĩa tượng trưng
Hạt lúa thứ nhất chỉ cho chủng tử ác (lòng ích kỷ của phàm phu)
Vụ mùa sau là chỉ cho kiếp sau
Hạt lúa thứ hai chỉ cho lòng vị tha (tâm Bồ đề, hạt giống từ bi của Bồ tát)
Người chủ là chỉ cho phàm phu
Cánh đồng là biểu trưng mảnh đất tâm
Chất dinh dưỡng là phước báu
Cái kho là sự bảo thủ, sự keo kiệt, lòng ích kỷ
Cả hai đều là hạt lúa tốt to khỏe và chắc mẩy, ý nói mỗi tất cả mọi người đều bình đẳng thể tánh, (Phật tính)
Ánh sáng chỉ cho trí tuệ,
Chất dinh dưỡng phước đức
Phân tích câu chuyện:
“Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ mùa sau cả hai đều là hạt lúa tốt to khỏe và chắc mẩy”
Đoạn này ý nói rằng con người sinh ra cõi đời này, đều bình đẳng thể tánh (Phật tính) trong Nhân Sinh Yếu Nghĩa của HT Tuyên Hóa gọi: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện.” Có nghĩa là trong thế giới loài người khi mới sinh ra không có bản tánh xấu xa, tính vốn thiện. Do huân tập theo môi trường tập quán xấu xa của gia đình và xã hội…mới có những con người ác. Tâm vốn thiện là chỉ cho bản thể tâm thanh tịnh trong sáng, không có nhiễm phiền não.
Cái tâm như là một sợi dây để kết nối giữa đời này và đời sau, nếu cũng từ cái tâm này chúng ta biết trau dồi tu tập tích lũy phước đức phát huy năng lực Phật tính vốn có của mình thì lúc đó chúng ta được sinh về cảnh giới an lành, còn chúng không biết tu hành sinh khởi phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, kiến thủ…tạo nghiệp sát sinh, trộm cướp, tà dâm, nói dối…những chủng tử ác này tích lũy vào tâm sẽ làm hoen ố bản tâm thanh tịnh, những tập khí chủng tử ấy là nhân của sự sinh tử luân hồi.
Bao năm gối mỏi, Tâm lang thang
Dong rủi tìm cầu, tiền, bạc, vàng
Được, mất, hơn, thua, hoài trăn trở
Trôi lăn sinh tử, kiếp lầm than (T. Trí Giải)
Vì vậy, hai hạt lúa là hai chủng tử thiện và ác, để quyết định cho vấn đề sinh tử của chúng ta sinh vào cảnh giới thiện hay ác.
Hạt lúa thứ nhất là chủng tử xấu: cho nên nó khởi ý niệm bất thiện: “Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng, ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất, tốt nhất ta hãy giữ tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý ngụ.”
Đây là chỉ cho những người có bản tính xấu xa, hay còn gọi tính ích kỷ, con người mang tính ích kỷ bao giờ cũng chỉ muốn mọi thứ vật chất hoặc tinh thần chỉ thuộc về mình mà không có sự quan tâm đến người khác.
Cái tính ích kỷ này bắt nguồn từ cái tâm tham, một khi con người có tính tham thì trong hành động, lời nói, ý nghĩ của họ cố chấp, luôn luôn muốn lợi ích cho bản thân mình
Vì vậy, hạt lúa thứ nhất tìm cách lẩn trốn trong cái kho, đó chính là con người tự nhốt cái lương tâm, ý chí, cái lòng vị tha (Từ bi) của mình. Họ không dám hy sinh, phát tâm nguyện ban bố, chia sẻ tình thương, hạnh phúc cho chúng sinh
Ở thế gian đa số người ích kỷ nhiều hơn là người có tấm lòng vị tha: “Phật cao nhất xích ma cao bách trượng” vì lòng ích kỷ con người tạo ra vô số tội ác chiến tranh, bạo động, giết người cướp của,… vì thế Mac-đen đã từng nói rằng: “Tính ích kỷ là nguyên nhân của mọi sự tàn ác,” tự mình giết chết Phật tâm của mình, như hạt thóc thứ nhất vì cái tính ích kỷ chỉ biết bản thân mình để rồi tự khô héo và chết đi. Khi con người lớn lên tiếp xúc môi trường cuộc sống, thì dễ tạo nên con người có hai mặt, mặt đen và mặt trắng.
Mặt đen là cái ác, còn cái mặt trắng là cái thiện, nếu bạn cho rằng bạn chỉ có một mặt thì chính là sự ngộ nhận và tự lừa dối chính mình
Trên thế gian này không ai từ nhỏ sinh ra lớn lên chỉ có một mặt, ngoài trừ chư vị Thánh nhân, các bậc tu hành chứng Đạo đã chuyển hóa tâm phiền não thành Tâm Bồ Đề. Vì thế trong Tứ Thập Nhị Chương đức Phật dạy “Người tu đạo như trâu chở nặng đi trong bùn lầy, tuy rất mệt mỏi nhưng không dám ngó hai bên, khi ra khỏi bùn lầy ấy mới được nghỉ ngơi” và trong Kinh Pháp Cú 173 đức Phật đã dạy:
Ai xua tan ác nghiệp
Bằng thiện ý hạnh lành
Sẽ soi sáng quần sanh
Như trăng lên mây tạnh
Vì thế, bạn phải chấp nhận bạn là người có hai mặt để rồi bạn nổ lực tu hành đi tìm con đao của trí tuệ để nạo sạch hết cái lớp mặt đen (diệt trừ phiền não) bấy giờ khuôn mặt của bạn trở về Thánh thiện, tạo nên cuộc sống chân thiện mỹ, như đóa sen vượt thoát khỏi chốn bùn nhơ:
Hoa sen tinh khiết chốn bùn nhơ
Thoát lên mặt nước tự bao giờ
Tỏa hương thơm ngát chân thiện mỹ
Tô điểm trần gian thật nên thơ (T. Trí Giải)
Nếu bạn có khuyết điểm lòng tham lam ích kỷ hẹp hòi, bạn không dám nạo bỏ nó, (ăn năn sám hối) bạn chỉ lẩn trốn, bảo thủ, cố chấp, chỉ dùng những thứ phấn son, những thứ ngôn ngữ điêu ngoa, dịu dàng để che đậy cái tội lỗi lòng ích kỷ của bạn chỉ để đánh lừa thiên hạ, tội lỗi ấy vẫn còn mãi trong tâm, nó nguyên nhân dẫn đến sinh tử luân hồi.
“Loài người bị đắm say,
Trong tài sản, trong dục,
Họ tham lam, điên dại,
Trong các dục ở đời,
Không ý thức rõ ràng,
Ðã quá độ say mê,
Chẳng khác gì con nai,
Không thấy đặt bẫy sập,
Về sau họ khổ đau,
Chịu quả báo ác nghiệp.”
Trong cuộc sống bạn là người giàu có, bạn không có đủ lòng can đảm bước ra để trang trải tình thương đến tha nhân, thì bạn khác nào như hạt lúa số một vì lòng ích kỷ chui vào trong kho lẩn trốn để rồi tự khô héo chết đi
Chính vì cái lòng ích kỷ, hẹp hòi của những giàu sang không biết bố thí, cúng dường tạo phước chia sẻ tình thương đến người khác, thì mỗi ngày phước báo trong tâm của bạn sẽ vơi đi, thay vào đó những chủng tử bất thiện làm cho cái tâm Bồ đề của bạn bị héo tàn, thì bạn sẽ trầm luân sinh tử, bạn không còn phước để kiếp sau được sinh về cảnh giới an lành.
Cho nên, bạn đừng lo sợ mình có hai mặt người khác chê cười, bạn phải chấp nhận để rồi bạn cố gắng tu tập nạo bỏ lớp đen trên mặt, và biết bảo vệ khuôn mặt trắng của bạn, đến một ngày nào đó khuôn mặt của bạn sẽ trung hòa lại thành một, đó là khuôn mặt của Thánh Nhân. Bấy giờ bạn đã từ bỏ địa vị phàm phu để bước lên quả vị Thánh nhân
Còn nếu như khuôn mặt xấu của bạn vì lòng ích kỷ buông những lời nói xấu đến những người khác, bạn bè…. để làm lợi cá nhân bạn quên đi những người xung quanh, sau khi bị lộ diện bạn không dám bước ra nhìn nhận sự thật những gì mình đã làm hại người khác, bạn luôn chui vào trong một góc hẹp, núp trong cái bóng tối cuộc đời để rồi dùng mọi cách lấn trốn tội lỗi. Bạn dùng những thứ ngôn ngữ xảo biện để đánh tan cái tội lỗi đó, chắc chắn bạn càng thêm mang tội, vì bạn che mắt được mọi người phàm tục, bạn không che dấu được nhân quả, không che dấu lương tâm của bạn, bạn đừng núp lẩn trốn như hạt lúa số một để rồi phải gánh chịu sự khô héo.
“Ai hại người hiền thiện,
Thanh tịnh, không cấu nhiễm,
Ác hạnh được chín mùi
Phản lại hại người ngu,
Chẳng khác gì ngược gió,
Lại tung vãi bụi trần”
Vì vậy, bạn hãy can đảm bước ra trước mọi người dùng con đao của trí tuệ để nạo bỏ lớp đen phiền não (ích kỷ, tham lam, sân, si) sau đó bạn dùng những linh dược của chánh Pháp đắp lên đó để chữa trị cái lòng ích kỷ của bạn
Từ trong ba kho tàng quý báu Kinh, Luật và Luận, đức Phật để lại, chính là linh dược và con đao trí tuệ giúp bạn để phẩu thuật cái mặt đen (phiền não) của bạn. Bạn đừng bao giờ dùng con dao bình thường để phẩu thuật dễ bị nhiễm trùng (tà kiến) và làm nguy hại khuôn mặt của bạn hơn.
Chính cái ánh nắng của phiền não, những làng gió nóng gay gắt của tham, sân, si, ích kỷ, thù hận…tạo nên khuôn mặt đen của bạn, và nó làm khô cạn đi chất liệu tình thương trong tâm hồn, bạn không còn cảm giác để tiếp nhận tình thương của người khác, bạn sẽ cảm thấy cô đơn giữa cuộc đời này, và mọi người cũng sẽ xa lánh bạn. Điều này cũng giống như hạt lúa số một vì lòng ích kỷ chui vào kho lẩn trốn, để rồi nó thiếu ánh sáng và dinh dưỡng dần dần sẽ úa tàn, vì thế nhà thơ Tố Hữu cho rằng:
Nếu là con chim chiếc lá
Thì chim phải hót chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu phải chỉ riêng mình (Tố Hữu)
Hạt lúa số hai lòng vị tha
"Còn hạt lúa thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt, nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới"
Còn hạt lúa thứ hai là hạt giống của lòng vị tha, là tâm từ bi của Bồ tát luôn nhớ nghĩ và làm lợi ích cho tha nhân. Chúng ta là người đệ tử của đức Phật phải tu tập thực hành theo lời Phật dạy. Chúng ta đừng bao giờ chú trọng đến bản thân, quyền lợi riêng của mình, cần phải nghĩ đến tha nhân, vì thế trong sáu pháp Lục độ Ba la mật thì bố thí đứng đầu
Ngày nay thế giới, xã hội ngày càng xảy ra bạo loạn, thiên tai chết chóc, nhân loại đang đau khổ quằng quại trong chiến tranh, bạo động tôn giáo, bạo động chính trị, bạo động kinh tế, bạo động gia đình… tái diễn hằng ngày cũng vì cái tâm ích kỷ của con người. Đạo Phật là đạo từ bi, ban vui cứu khổ, hướng dẫn mọi người tu hành trên hai phương diện: Tài thí và Pháp thí
Tài thí là đem tiền của bố thi cứu giúp đồng loại đang đói khổ, thiếu cơm ăn áo mặc, thuốc thang…Phật giáo dạy bố thí là để chia sẻ tình thương cứu người trong lúc hoạn nạn để giúp con người vượt qua khó khăn, động viên an ủi họ…
Chúng sinh chẳng những đói khổ về vật chất còn khổ về đời sống tinh thần, Phật giáo dùng Pháp thí để hướng dẫn chúng sinh tu hành,
Tài thí bố thí tiền tài, vật chất cứu chúng sinh thoát khỏi cảnh đói nghèo khó khăn trong kiếp hiện tại. Còn bố thí Pháp cứu giúp chúng sinh thoát khỏi biển sinh tử luân hồi trong lục Đạo (Thiên, Nhân, A-tu-la, Địa ngục, Ngã-quỷ, Súc-sinh
Hạt lúa thứ hai biểu trưng cho tâm Bồ đề, bố thí Ba la mật của Bồ tát mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh
Tâm Từ bi lợi tha của Bồ tát không có giới hạn, không có ngằn mé, không một động cơ thầm kín ích kỷ tư lợi nào, mà vì hạnh nguyện độ sinh, tâm từ bi của bồ tát như ánh mặt trời chiếu sáng khắp không gian bao la vũ trụ, mà không phân biệt ranh giới quốc gia nào, giàu sang, giai cấp, chủng tộc…Bồ Tát hành bồ tát đạo với cái tâm từ bi bình đẳng để độ sinh mang lại niềm hạnh phúc an lạc cho mọi người.
Tôi hy vọng đó cũng là sự lựa chọn của bạn và tôi khi đứng trước cánh đồng của cuộc đời bao la này đừng để đánh mất cuộc đời mình
Trí Giải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét