Trong cuộc sống hằng ngày thường xảy ra sự xung đột trong các mối qua hệ như tình Thầy trò, vợ chồng, cha mẹ con cái, tình anh em, tình bạn bè…vậy thì làm cách nào để hàn gắn vết thương lòng? Bạn thử tập thực hành nói lời “xin lỗi”.
Khi chúng ta làm một việc gì sai trái khiến đối phương phật lòng, khiến người khác buồn (một lời phê bình, một cử chỉ không đẹp, một hành động xấu…) làm chia rẽ các mối quan hệ thì bạn phải có can đảm trực tiếp nói lời xin lỗi. Lời xin lỗi này như là một thông điệp mang lại hòa bình tốt đẹp cho cuộc sống. Bạn hãy nói lời xin lỗi: “Mình cảm thấy vô cùng ân hận, vì lúc nóng tính không làm chủ được bản thân nên đã có hành động không đúng với bạn, mong bạn hãy tha thứ và bỏ qua”.
Nhiều người quan niệm rằng xin lỗi như là một hành động thấp hèn nhỏ bé, tự hạ mình trước đối phương - đó là sự khiếp nhược, là một quan niệm đi ngược lại tinh thần của Phật giáo. Như vậy thì chẳng khác nào bạn tự đề cao bản ngã của mình! Nếu ai sống luôn chấp ngã không biết nhận lỗi thì chính người ấy luôn sống trong sự đau khổ, thiếu thốn tình cảm, bị mọi người xa lánh và tâm luôn sống trong sự sân hận và tranh chấp. Tuy nhiên, trong sân khấu của cuộc đời không cho bạn diễn theo ý muốn của bạn. “Nhân vô thập toàn”, không ai tự xưng mình là đã hoàn thiện, ngoại trừ các bậc thánh nhân. Quý Ngài có đầy đủ trí tuệ sáng suốt để quán chiếu làm chủ mọi hành động sự việc…quý Ngài không bao giờ tạo tội. Còn chúng ta là hạng phàm phu, tâm trí bị vô minh che đậy, là hành giả đang thực hành tu sửa tâm hạnh, phiền não tham, sân, si vẫn còn làm sao tránh khỏi sự xung đột trong cuộc sống. Vì vậy, việc chúng ta nhận lỗi và xin lỗi là đối diện trực tiếp với hành động mình tạo ra để sửa đổi đó là hành động tốt đẹp, là đức tính khiêm nhường, là biết dẹp bỏ bản ngã để đưa mọi việc trở về tốt đẹp như cũ. Khi bạn nói lời xin lỗi là bạn đã tu cho chính bản thân mình, bạn đã tự sửa đổi nhân cách đạo đức tốt cho chính bạn để nó được hoàn thiện mỗi ngày. Lời nói “xin lỗi” như là một sức mạnh tinh thần lớn lao, là đức tính khiêm nhường, nó giúp bạn sống thân thiện gần gũi với mọi người và vun đắp lòng yêu thương của bạn. Trong ánh mắt của cha mẹ, bạn bè và xã hội sẽ nhìn bạn với ánh mắt khen ngợi không phải là một sự khinh bỉ hay xem thường. Vì vậy, “Ở đời có hai hạng người đáng tôn kính, một người chưa bao giờ phạm lỗi và một người phạm lỗi biết nhận lỗi ăn năn sửa đổi”. Khi biết hối hận và sửa chữa lỗi lầm thì mọi người sẽ đánh giá bạn cao hơn, đối phương sẽ thán phục cái đức tính của bạn và sẵn sàng bỏ qua những kỷ niệm đau buồn để cuộc sống trở nên tốt đẹp.
Xin lỗi với người, tính khiêm nhường
Thù hận bỏ qua, để yêu thương
Học hạnh vị tha, tâm xả bỏ
Nỗi sầu tan biến hết bi thương
(Thích Trí Giải)
Khi bạn tạo ra sự xung đột trong các mối quan hệ, điều tốt nhất bạn nên thực hiện lời nói xin lỗi sớm chừng nào thì tốt chừng ấy để mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ khi bạn đi trong đám đông, rủi ro dậm chân ai đó bạn hãy nói “Oh! Xin lỗi!” hoặc khi bạn đi xe lỡ va chạm ai đó thì mình nói “Xin lỗi bạn!”. Chúng ta hãy để ý đến cách sống của người phương Tây: khi họ làm việc gì cảm thấy có lỗi đối phương họ đều nói lời xin lỗi trực tiếp ngay sau lúc sự việc xảy ra “I’m very sorry!”. Nếu bạn thực hiện lời nói xin lỗi càng lâu thì trở nên rắc rối và phức tạp vì đối phương sẽ nghĩ bạn không có thành ý. Nếu trong gia đình bạn có lỗi với cha mẹ, bạn hãy đến trước bố mẹ chân thành xin lỗi: “Kính thưa bố mẹ! Con đã biết lỗi rồi, kính mong bố mẹ tha thứ bỏ qua cho con”. Còn đối với quan hệ bạn bè, khi bạn làm một người bạn buồn và bất hòa bạn hãy nói: “Mình biết lỗi rồi! Cho mình xin lỗi! Mong bạn hãy bỏ qua mọi chuyện.”
Nhưng cũng có nhiều người khi xảy ra xung đột, tranh cãi đánh nhau…gây bất hòa, cắt đứt mối quan hệ. Sau khi có một người nào muốn hai người hàn gắn lại sự quan hệ ấy thì người này bảo: “Mình không có lỗi, hắn phải xin lỗi mình trước!” và người kia cũng nói y như vậy, ai cũng giành phần chiến thắng về mình. Nhưng bạn đừng quên rằng, trong khi xảy ra sự xung đột mặc dù việc làm của bạn có đúng đi chăng thì chính bạn cũng đã tham gia vào sự việc không tốt đẹp đó. Bạn cũng phải có trách nhiệm bởi do có bạn mới xảy ra sự xung đột. Vậy thì bạn đừng bao giờ đi tìm cái đúng cái sai, càng tìm thì mối quan hệ càng đi xa hơn, càng chia rẽ, cho nên biết “xin lỗi” là một nếp sống lành mạnh của một con người. Tuy nhiên khi bạn xin lỗi bạn vẫn không sửa đổi bản tính vẫn cứ phạm lỗi thì việc “xin lỗi” có vẻ như lạm dụng. Thế nên lời xin lỗi chân thật là một phương pháp hữu hiệu nhất để hàn gắn lại các mối quan hệ theo xu hướng tích cực và tốt đẹp.
Để nói được lời xin lỗi thì thật là khó! Vì mọi người ai cũng luôn bảo vệ bản ngã tự ái cho nên cảm thấy xin lỗi với người khác là một vấn đề rất khó khăn. Nếu bạn chưa quen thì cũng có thể xin lỗi qua email, điện thoại, thư tay…đây là cách xin lỗi gián tiếp không được hiệu quả lắm.
- Bạn nói lời xin lỗi trực tiếp với đối phương bằng ánh mắt chân thành và cử chỉ thân ái từ tốn và sự ăn năn hối hận việc của mình tạo ra cho đối phương. Khi bạn xin lỗi bạn đừng bao giờ biện bạch dong dài để chạy tội cho hành động của mình. Bạn hãy nhận hết trách nhiệm sai trái về mình vì khi bạn biện bạch, dễ đả kích thêm tinh thần cho đối phương, dễ dẫn đến sự xung đột trở lại.
- Bạn xin lỗi là nhận lại cái sai lầm cho chính bản thân mình để sửa đổi và từ đó rút ra kinh nghiệm không bao giờ sai phạm nữa thì bạn càng ngày càng hoàn thiện nhân cách, được mọi người kính phục - đó là bạn đã tu trong phiền não, bạn đã dẹp bỏ được bản ngã tự cao và cái tâm sân hận.
- Xin lỗi là phương pháp giúp cho con người luôn sống hòa hợp vui vẻ. Cho nên lời xin lỗi như là một linh dược để chuyển họa thành phúc, chuyển rắc rối trở nên tốt đẹp. Vậy thì tại sao chúng ta không học cách “xin lỗi”? Nói lời xin lỗi “ái ngữ” thì đâu có tốn tiền mua, tốn công sức thế thì tại sao chúng ta lại không thực hành? Đơn giản là chỉ vì con người xem trọng tự ái. Cái bản ngã là rào cản không cho con người thực hành đức tính cao đẹp ấy. Chúng ta là người học đạo theo lý tưởng từ bi hỷ xả, lý tưởng vô ngã. Chúng ta phải vượt qua chính mình để thực hiện lời nói xin lỗi khi mình có lỗi
“Dù tại bãi chiến trường
Thắng hàng ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng”(Pc:103 HT Minh Châu dịch)
Khi một người có lỗi biết nhận lỗi là người có một tinh thần mạnh mẽ, không phải kẻ yếu hèn thấp kém nhưng ít ai thực hành mà lại chỉ thấy lỗi người khác, không bao giờ thấy lỗi của mình. Người có lỗi không biết nhận lỗi chính là kẻ vô minh!
Khi con người có lỗi
Không nhận tội của mình
Chính là kẻ vô minh
Sinh tử mãi luân hồi. (Trí Giải)
Một yếu chỉ để bạn thực hành lời nói xin lỗi thì bạn phải luôn quán chiếu lỗi chính mình trước mới đến lỗi người “Tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”. Nên khi xảy ra xung đột, bạn đừng bao giờ đổ lỗi lên người khác, mà tự quán chiếu chính bản thân mình khuyết điểm chỗ nào? Hay là việc tu của mình con thấp kém mới tạo ra sự xung đột? Trước những hành động hay lời nói của đối phương, mình hãy luôn quán chiếu:
Chữ thương, chữ ghét ,chữ chê
Do ta vướng bận, si mê bám vào!
Để tâm trong sáng ngàn sao,
Hơn thua, tranh chấp, phiền não khổ thêm
Tiếng thương như gió dịu êm
Ai chê tức giận nổi sân hãi hung.
Thôi thì hãy sống ung dung,
Thương chi cho khổ, ghét chung thêm sầu
(Thích Trí Giải)
Tóm lại, qua sự chia sẻ ở trên đòi hỏi hành giả phải có trí tuệ và bản lĩnh mới thực hành được. Chúng ta cũng thấy rằng, đó chỉ hai từ “xin lỗi” đơn giản như thế mà chúng ta chưa thực hành một cách triệt để huống hồ chi chúng hành trì kinh này kinh kia..
Chính bản thân của Trí Giải xuất gia cũng trên 20 năm vẫn chưa thực hành hai chữ “xin lỗi” một cách hoàn hảo. Đối với Bổn Sư hoặc Cha mẹ, mỗi lần Trí Giải có lỗi với Bổn Sư thì y áo xin sám hối với Ân Sư thì Bổn sư luôn tha thứ và được thương mến. Còn đối với cha mẹ, mỗi lần làm việc gì cha mẹ buồn, mặc dù không cần biết nguyên nhân việc gì đã làm bố mẹ buồn phiền. Khi thấy bố mẹ buồn thì trước bố mẹ ta nói lời xin lỗi “Nếu con có việc gì có lỗi khiến bố mẹ buồn thì kính mong bố mẹ tha thứ lỗi”. Việc xin lỗi Ân Sư hay bố mẹ, Trí Giải đã thực hiện từ nhỏ đến bây giờ.
Còn trong mối quan hệ Phật tử, bạn bè, Trí Giải không biết đã làm ai buồn và phật lòng hay chưa? Nếu có thì hôm nay xin quý vị từ bi hoan hỷ cho Trí Giải xin lỗi những việc gì Trí Giải đã làm khiến quý Phật tử, bạn bè không được vui và mong quý vị bỏ qua cho. Đây là lời “xin lỗi” mà từ trước đến giờ Trí Giải chưa làm được, hôm nay mình thực hiện lời nói xin lỗi gởi đến quý vị nhé!
Thích Trí Giải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét