Thứ Hai, 31 tháng 5, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: Viễn ảnh một thế giới không khói thuốc

Sinh viên Việt Nam hưởng ứng môi trường không khói thuốc
Ảnh: Dân Trí

Hôm nay, ngày cuối cùng của tháng 5, là Ngày Thế giới Không thuốc lá do Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hiệp Quốc chủ trương.
Gần nửa năm 2010 đã trôi qua, bạn có ước mơ gì cho viễn ảnh của thế giới trong những ngày trước mặt?
Bạn muốn hành tinh nơi chúng ta đang sinh sống sẽ ra sao ngay trong kiếp này?
Cây xanh, bóng mát, nguồn nước sạch, không khí trong lành, không có khói thuốc, phải không bạn?
Một hành tinh không còn giết chóc, cả người lẫn thú.
Một hành tinh không còn hận thù, chiến tranh, mà chỉ có tình bạn và giúp đỡ lẫn nhau để mọi người cùng tiến bộ, thăng hoa.

Địa Cầu là một trường học vĩ đại. Ta như những người bạn đồng lớp đang học những điều mình cần phải học, mà quan trọng nhất là bài học yêu thương. Đã là bạn thì tình thương là nền tảng, ta không tranh đua mà chỉ đối xử với nhau trong tinh thần cao thượng, để khi rời khỏi mái trường trần gian này, ta có được một gia tài đạo đức, một kho tàng kiến thức tâm linh phong phú, và vô vàn kỷ niệm đẹp bên nhau.

Một thế giới không khói thuốc, cũng có thể lắm, phải không bạn? Bởi vì ở những thế giới vật chất, cái gì có bắt đầu cũng có chấm dứt mà. Và đây là lúc phải chấm dứt những thói quen tai hại.

Hôm nay ta nói về một thói quen tai hại giết chết 5 triệu người hàng năm: hút thuốc.

Hút thuốc là một điều không tốt cho sức khỏe, ai cũng biết điều đó rồi. Theo tường trình của Tổ chức Y tế Thế giới và Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, trong khói thuốc có 4.000 hóa chất, trong số đó có 250 chất được biết là nguy hại, và trong 250 chất đó, có 50 chất gây bệnh ung thư!

Những chất độc đó bao gồm:

• arsenic (kim loại nặng, độc)
• benzene (có trong xăng)
• beryllium (kim loại, độc)
• cadmium (kim loại dùng trong pin)
• ethylene oxide (hóa chất khử trùng dụng cụ y khoa)
• kền (nguyên tố kim loại)
• polonium-210 (nguyên tố hóa học phóng xạ)
• vinyl chloride (chất độc dùng chế tạo đồ nhựa)

Thuốc lá độc hại như thế, nên với kiến thức khoa học ngày càng chứng minh rõ điều này, một số các quốc gia, lãnh thổ và thực thể chủ yếu đều có đạo luật cấm hút thuốc dưới nhiều hình thức:


Tòa thánh Vatican (2002)

Trụ sở chính Liên Hiệp Quốc (2003)

Á Châu: Ấn Ðộ (2008), Bahrain (2008), Bangladesh, Bắc Hàn (2010), Bhutan (22/2/2005 - quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hút thuốc nơi công cộng), Đài Loan (2007), Hồng Kông (2007), Kazakhstan (2003), Nam Dương (2006), Nhật Bản (2010), Nam Hàn, Nê-pan, Mã Lai Á, Pakistan (2003), Phi Luật Tân (2002), Qatar (2002), Syria (2009), Tân Gia Ba (2006), Thái Lan (2002), Trung Quốc (2007), Việt Nam (2005)

Âu Châu & Trung Ðông: Ái Nhĩ Lan (2004 - quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hút thuốc tại nơi làm việc), Albania (2007), Anh quốc (2007), Áo quốc (2007), Armenia (2005), Ba Lan, Ba Tư, Bảo Gia Lợi, Băng Lan, Bỉ (2005), Bosnia và Herzegovina (2007), Bồ Ðào Nha (2008), Cộng Hòa Tiệp (2009), Croatia (2008), Cyprus (2009), Do Thái (1983), Ðan Mạch (2007), Đảo Faroe (2008), Đảo Man (2008 - lệnh cấm đưa đến kết quả là trại tù đầu tiên không khói thuốc của Âu Châu), Đức (2007), Estonia (2005), Guernsey (2006), Hòa Lan (2004), Hy Lạp (2009), Jersey (1973), Kuwait, Latvia, Lithuania (2007), Lỗ Ma Ni, Lục Xâm Bảo, Macedonia (2007), Mallorca, Malta (2004), Monaco (2008), Montenegro, Na Uy (1988), Nga, Pháp (1991), Phần Lan (1995), Serbia (2005), Slovakia, Slovenia (2007), Tây Ban Nha (2006), Thổ Nhĩ Kỳ (1997; 2008), Thụy Ðiển (2005), Thụy Sĩ (2008), Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Tô Cách Lan (2006), Turkmenistan, Ukraine, Wales (2007), Ý Ðại Lợi (2005)

Đại Dương Châu: Fiji, Papua Tân Guinea, Tân Tây Lan (1876 - nơi có tòa nhà đầu tiên trên thế giới theo luật không khói thuốc; 1990; 2004), Úc Ðại Lợi (1999)

Mỹ Châu: Á Căn Ðình (2006), Ba Tây (2009), Bermuda (2006), Chí Lợi (2006), Colombia (2008), Costa Rica, Cuba (2005), Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại (2004), Guatemala (2008), Mễ Tây Cơ (1995), Panama (2008), Paraguay (2010), Peru, Puerto Rico (1993), Quần đảo Virgin Anh quốc, Uruguay (2006)

Phi Châu: Ai Cập, Botswana, Djibouti (2008), Kenya (2007), Madagascar, Mauritius (2008), Morocco, Mozambique (2007), Nam Phi (1993), Namibia (2009), Niger (2008), Nigeria, Seychelles, Somalia, Sudan, Tanzania, Tunisia, Uganda (2004), Zambia (2008)

(Chúc mừng các bạn Việt Nam ở 28 quốc gia "Thân thương Muôn phương," nơi bạn đang sinh sống chính quyền đều có ít nhiều quan tâm về việc tai hại của thuốc lá. Và hiện nay có 5 bạn đang ở những nơi nào đó mà vệ tinh không nhận dạng ra quốc gia... nhưng Việt Nam Ăn Chay đoán rằng nơi bạn ở rất văn minh và như vậy chắc chắn là hoàn toàn không khói thuốc!) 

Năm 2008, Tổ chức Y tế Thế giới đề xướng MPOWER gồm các biện pháp giúp đẩy mạnh việc bảo vệ sức khỏe công cộng:

    * M - monitor (kiểm soát sử dụng thuốc lá và chính sách ngăn ngừa);
    * P - protect (bảo vệ dân chúng tránh khói thuốc lá);
    * O - offer (trợ giúp người dân cai thuốc lá);
    * W - warn (cảnh báo về nguy hiểm của thuốc lá);
    * E - enforce (áp dụng những luật cấm quảng cáo, phổ biến, bảo trợ thuốc lá);    
    * R - raise (tăng thuế thuốc lá).

Việc kiểm soát và bắt phạt những người vi phạm luật cấm hút thuốc là một điều không dễ cho các cơ quan và nhân viên hữu trách ở một vài quốc gia, kể cả nước Việt Nam chúng ta. Có những quốc gia may mắn, mọi người đều tự giác hoặc vì tiền phạt quá cao, nên việc thi hành luật cấm dễ dàng hơn. 

Tùy điều kiện địa phương, tùy hoàn cảnh, nhu cầu của người dân mà ta phục vụ. Điều trọng yếu là luật lệ để bảo vệ con người. Như đèn xanh thì đi, đèn đỏ thì ngừng, để tránh tai nạn giao thông. Cũng vậy, cấm hút thuốc là để bảo vệ sức khỏe của người dân và tiền đồ dân tộc. Nếu một quốc gia mà dân chúng chết hết hoặc bệnh hoạn thì còn gì là quốc gia? 

Thuốc lá đang giết dân ta, thì bằng mọi cách, ta phải bảo vệ dân mình. Không người mẹ nào cho con mình thuốc độc cả. Thuốc lá là một bãi mìn, cho người hút trực tiếp và gián tiếp. Những gì nguy hiểm phải tránh xa, đừng đưa dân vào chỗ chết. Dù rằng ai cũng có lần ra đi, nhưng sống sao cho đáng kiếp người, và ra đi trong vinh quang, tự chủ, phải không bạn?

Trong một bài trước đây, Việt Nam Ăn Chay có đề cập đến các nghiên cứu cho thấy ăn chay có thể giúp cai thuốc

Mời bạn đọc lại:

Tham khảo:
http://whqlibdoc.who.int/publications/2009/9789241563918_eng_full.pdf
http://www.cancer.gov/cancertopics/factsheet/Tobacco/cessation
http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2009/smoke_free_laws_20091209/en/
http://dantri.com.vn/c20/s20-399022/da-nang-phat-dong-chuong-trinh-khong-khoi-thuoc-la.htm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến