Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Nói Không Với Thuốc Lá: Đừng làm "mồi" cho bệnh phổi (Bác sĩ Lương Lễ Hoàng)


Bạn thân mến,

Một quốc gia phải có dân chúng thì mới gọi là quốc gia, vì người dân là linh hồn của một đất nước, nếu một đất nước không có người ở thì chỉ là hoang địa.

Ngài Mạnh Tử ngày xưa đã dạy: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.” Dân là quý, nhưng người dân phải ra sao thì đất nước mới phú cường? Căn bản về thể chất phải khỏe mạnh, về tinh thần phải lành mạnh, về tâm linh phải hướng thiện. Không thể có một quốc gia thịnh vượng khi người dân nghiện ngập, đồi trụy về thân, tâm, linh.

Nghiệp ngập tàn phá cơ thể, lại biến con người vào vòng nô lệ, và sau đó là cướp đi mạng sống của biết bao người có thể đóng góp rất nhiều cho quốc gia, cho thế giới, và cho vũ trụ.

Nhân “Ngày Thế giới Không thuốc lá” do Tổ chức Y tế Thế giới Liên Hiệp Quốc khởi xướng, được tổ chức vào ngày cuối tháng 5 hàng năm (trong năm nay sẽ vào ngày thứ hai, 31/5/2010), mời bạn tìm hiểu thêm qua bài viết của Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (Trung tâm Điều trị ôxy Cao áp TPHCM) trên báo Người Lao Động Điện tử, đăng ngày thứ tư, 26/5/2010. Xin cám ơn Bác sĩ và báo Người Lao Động.

Đừng làm “mồi” cho bệnh phổi 

Người nghiện thuốc lá rồi nhiễm ung thư phổi thường có lượng tiền sinh tố A trong cơ thể rất thấp, vì thế cần bổ sung kịp thời trong chế độ dinh dưỡng thường ngày.
 
Khỏi nói dông dài cũng biết món thuốc nào hiện nay đang được tiêu thụ nhiều nhất, không chỉ riêng ở nước ta. Đó chính là thuốc lá, dù giá có tăng, dù lời cảnh báo về ung thư phổi được in thật lớn trên bao thuốc.

Cai thuốc là rất đúng nhưng khổ nỗi trong thực tế không phải cứ nói cai là cai ngay được, dù nhiều người đã rất quyết tâm. Nhưng như thế không có nghĩa là cứ trông chờ đến lúc cai được thì mới tính chuyện bảo vệ sức khỏe mà ngay khi chưa cai, hoặc cai nhưng chưa dứt được thì cũng phải tìm cách giới hạn mức độ nguy hại của khói thuốc, càng nhiều càng tốt.

Chưa cai được thì... né

Nếu như chưa đủ can đảm để nói không với thuốc lá thì thỉnh thoảng tệ lắm cũng nên “cắn răng” trốn hút năm, bảy ngày, né được càng lâu càng tốt. Đừng quên tiến trình hồi phục của nhu mô phổi được tính từng giờ không tẩm khói thuốc.

Kế đến, tuy không chắc như đinh đóng cột nhưng nhiều nhà nghiên cứu đã ghi nhận vai trò quan trọng của một số sinh tố ở người hút thuốc. Chuyên gia thuộc Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ) đã phát hiện tỉ lệ nhiễm ung thư phổi rất thấp ở người tuy hút thuốc nhưng không thiếu tiền sinh tố A.

Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng ở Mỹ cũng vừa phổ biến kết quả nghiên cứu cho thấy người nghiện thuốc lá rồi nhiễm ung thư phổi thường là đối tượng có lượng tiền sinh tố A trong cơ thể rất thấp. Viện Nghiên cứu ung thư ở Phần Lan sau đó đã xác minh là người hút thuốc vẫn còn hy vọng ít bị ung thư phổi nếu đừng quên bổ sung tiền sinh tố A trong chế độ dinh dưỡng thường ngày.

Chuyên gia ở Trường ĐH California (Mỹ) khám phá rằng lượng sinh tố E cũng rất thấp trong cơ thể người hút thuốc. Càng hút lâu ngày, càng hút nhiều điếu trong ngày thì càng dễ thiếu sinh tố E.

Thầy thuốc ở Học viện Phòng ngừa ung thư Thụy Điển, sau khi đúc kết dữ liệu thống kê từ công trình kéo dài hơn 20 năm đã quả quyết là người hút thuốc lá sớm trở thành miếng mồi ngon của bệnh phổi, từ hội chứng tắc nghẽn (COPD) cho đến ung thư, khi cơ thể thường xuyên thiếu hụt cả 3 loại tiền sinh tố A, sinh tố A và E.

Bồi bổ sinh tố C mỗi ngày

Bên cạnh cặp bài trùng sinh tố A và E, các nhà nghiên cứu ở Học viện Miễn dịch Nam Phi cũng đã ghi nhận mối liên hệ mật thiết theo kiểu tỉ lệ nghịch giữa xác suất nhiễm ung thư phổi và lượng sinh tố C trong cơ thể.

Đó cũng là lý do vì sao các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích người hút thuốc nên lưu ý bồi bổ cho cơ thể mỗi ngày với tối thiểu 100 mg sinh tố C. Theo kết quả nghiên cứu ở TP Baltimore (Mỹ), tuổi thọ của người bị ung thư phổi nhưng có chế độ dinh dưỡng dồi dào sinh tố A, E và C cao hơn nếu so với nhóm đối chứng thiếu các sinh tố này trong khẩu phần thường ngày.

Người hút thuốc, vì thế nếu muốn không thúc thủ sớm trước tế bào ung thư thì đừng dại quên ba mẫu tự A, C và E trong toa thuốc phòng ngừa ung thư phổi. Ngừa được hay không chưa biết nhưng thà bật một que diêm trong bóng tối, tất nhiên không để đốt thuốc, vẫn trăm lần đáng làm hơn là phó mặc định mệnh.

Ở Mỹ, để giúp cai nghiện thuốc lá, người ta mời người nghiện thuốc lá đến tham quan cảnh cấp cứu bệnh nhân trụy tim mạch vì ung thư phổi. Việc này nghe rất có lý, vì chưa thấy quan tài thì mấy ai chịu... đổ lệ.

Tăng cường tác dụng xạ trị

Trong chương trình hợp tác nghiên cứu Mỹ-Hoa tiến hành ở Hồ Nam, Trung Quốc, nơi có tỉ lệ tử vong vì ung thư phổi cao nhất thế giới, người ta khẳng định tỉ  lệ người nhiễm ung thư phổi giảm đến 20% sau 5 năm theo dõi hơn 30.000 đối tượng được điều trị dự phòng với hợp chất bao gồm sinh tố A, E và C.

Thầy thuốc chuyên khoa ung thư ở Phần Lan cũng đã dẫn chứng là hợp chất nói trên tăng cường tác dụng của xạ trị cũng như của thuốc hóa trị, tỉ  lệ tái nhiễm ung thư thấp hơn rất nhiều nếu đối chiếu với lô không được điều trị hậu ung thư bằng ba loại sinh tố này.



http://nld.com.vn/20100525103921451P0C1050/dung-lam-moi-cho-benh-phoi.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến