Mời bạn đọc một bài rất hữu ích của Huyền Trang được đăng trên trang GiaĐình.net.VN, mục Xã Hội, ngày 11/5/2010.
Rượu, thịt, thuốc lá, ma túy - đều là những sát thủ thầm lặng, giết người mà không có tòa án nào xử cho công lý được sáng tỏ. Phần thiệt thòi chỉ thuộc về người tiêu thụ những chất độc này.
Mong bạn hãy tìm hiểu thêm sự thật về rượu, thịt, thuốc lá, ma túy (RTTM), lắng nghe các chuyên gia và những nạn nhân, rồi tìm con đường tốt nhất để giữ gìn mạng sống quý báu của mình.
Nếu bạn may mắn không vướng vào 4 chất độc này, xin bạn hãy giúp những người chung quanh mình sớm trở về lối sống lành mạnh, từ đó tất cả chúng ta mới được sống an ổn trong một thế giới mạnh, lành.
Bố ung thư năn nỉ con bỏ thuốc
"Tôi hút thuốc từ tiểu học, đến năm 66 tuổi thì phát hiện ung thư. Trong cơn đau đớn, tôi nhìn bốn đứa con trai phì phèo nhả khói như nhà máy xi măng, tôi quyết đem chút hơi sức ít ỏi còn lại năn nỉ chúng bỏ thứ chất độc chết người đó...", ông Nguyễn Văn Tháp, 68 tuổi, quê ở Hưng Yên kể "chiến công" của mình trên giường bệnh.
Bài học thuốc lá từ thời tiểu học
Ngay từ thời tiểu học, nhìn thấy thầy giáo dạy học thường hút thuốc rất oai, ông Tháp và bạn học cũng học theo. "Tôi cùng các bạn học cũng tập tành hút thuốc, mới đầu là do tò mò, thử cảm giác; sau thành nghiện lúc nào không biết. Thuốc lá đã đồng hành với tôi từ suốt thời gian đó đến bây giờ. Đầu tiên, tôi chỉ hút một gói một ngày, rồi hơn một gói và đến lúc phải đốt thuốc lá liên tục. Tôi hút thuốc lá mọi lúc, mọi nơi, kể cả thời gian vợ tôi mang bầu 4 đứa con"- ông Tháp kể.
Ông Tháp cho hay: "Mới đầu, vợ tôi cũng khó chịu với mùi thuốc lá nhưng dần dần cũng quen đi, hàng ngày chịu đựng thói nghiện thuốc lá của tôi. Tôi có bốn người con trai và thường tự hào đã sinh được "tứ quý". Ngày tôi nhìn thấy các cậu con trai tập tành hút thuốc là lúc sức khỏe tôi bắt đầu diễn biến xấu. Tôi bị những cơn ho hành hạ một thời gian dài. Đến khi không chịu đựng được nữa, tôi đến bệnh viện và được biết mình bị ung thư phổi...".
Gian nan chiến đấu
"Tôi bắt đầu lo sợ vì căn bệnh chết người này. Chỉ 5% bệnh nhân ung thư phổi có cơ hội sống sót. Tôi hoảng hốt vì bốn đứa con trai cũng đang nghiện thuốc. Nếu chúng tiếp tục hút, kết quả tất yếu như tôi chỉ là tương lai gần. Rồi gia đình chúng sẽ ra sao, cả con cái của chúng nó nữa..."- người bố thất thần tâm sự.
Đó là một ngày cuối năm 2008, ông nghe bác sĩ tại Bệnh viện tỉnh Hưng Yên bảo rằng có một khối u trong phổi, cần phải lên viện K để khám lại. Ông Tháp cùng con trai cả khăn gói lên Hà Nội. Không người thân ở thành phố, tiền trọ đắt đỏ nên hai bố con nằm vật vờ ở hành lang bệnh viện chờ kết quả. Ba ngày sau, các kết quả chẩn đoán ban đầu đã có, ông được yêu cầu nhập viện vì khối u ở phổi.
Số tiền trị bệnh trong thời gian qua không biết bao nhiêu mà kể. Làm ra được đồng nào đều "nướng" vào việc chữa bệnh. Người vợ tần tảo của ông không có một ngày sung sướng. Lúc còn son trẻ thì làm quần quật cùng chồng nuôi các con khôn lớn. Giờ đây, các con đã lớn khôn thì lại sầu muộn vì căn bệnh của chồng. Còn nước còn tát, ngày ngày ông vừa chiến đấu với bệnh tật đang hành hạ bản thân vừa đau đáu mong mỏi các con từ bỏ kẻ giết người là thuốc lá. "Tôi lo cho các con sẽ có kết cục như tôi bây giờ. Những giây phút hiếm hoi tỉnh táo, tôi gọi các con đến bên giường bệnh và khuyên các con đoạn tuyệt với thuốc lá."- ông Tháp bùi ngùi cho biết.
Sức mạnh của tình thân
Mới đầu, các con ông gạt phăng vì thuốc lá đã trở thành kẻ đồng hành với những cuộc nhậu và lúc căng thẳng. Điều này dường như khiến căn bệnh của ông Tháp thêm trầm trọng, nó quật ngã ông rất nhanh. Một thời gian dài, ông Tháp thức trắng vì bệnh tật hành hạ. Bên cạnh đó là nỗi lo thuốc lá sẽ phá hoại tương lai các con. Hơn ai hết, ông hiểu sức mê hoặc của điếu thuốc.
"Chứng kiến cảnh bố bị hành hạ bởi căn bệnh quái ác, bốn anh em chúng tôi đã dần dần bỏ thuốc"- anh Nguyễn Văn Điệp, con trai ông Tháp, người đang ngày đêm túc trực tại Bệnh viện K với bố mình, cho biết.
Ban đầu là tập không hút khi ở bên bố tại bệnh viện, rồi về nhà không hút sợ ảnh hưởng các con, cháu. Đến nay, bốn anh em của anh đều đồng loạt bỏ thuốc. "Nó cũng không khó bỏ như chúng tôi nghĩ. Bây giờ, nếu có ai mời thuốc nhiệt tình đến mấy, chúng tôi cũng "chào thua"... - anh Điệp nói.
Giờ đây, ông Tháp vẫn đang điều trị tại Bệnh viện K, thần sắc ông đã khá hơn rất nhiều so với thời gian trước. Ông đang mãn nguyện vì đã giúp các con chiến thắng thuốc lá.
Sau một tràng ho xé ruột, ông ôm ngực hổn hển nói: "...Giá như trước đây tôi biết thuốc lá gây hại sớm hơn thì tôi đã không hút...".
Tâm sự với chúng tôi, TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: "Cứ mỗi gia đình cảnh báo được con không hút thuốc thì sẽ có nhiều gia đình không có khói thuốc lá. Nhân rộng lên sẽ có một xã hội không thuốc lá, một xã hội trong lành. Đó là xã hội chúng ta cần hướng đến".
Hút thuốc lá thụ động nguy hiểm hơn hút trực tiếp
Khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc có thể hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc một ngày. Người chịu ảnh hưởng của hút thuốc lá thụ động này sẽ làm tăng 20-30% nguy cơ ung thư phổi; tăng 25-35% nguy cơ bệnh tim mạch; 22% nguy cơ trẻ nhẹ cân, chết đột tử, các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, viêm tai cấp và mãn tính đối với bà mẹ mang thai và trẻ em hít phải khói thuốc. (Nguồn: Hội Ung thư Hoa Kỳ)
100 ca chết mỗi ngày vì các bệnh liên quan đến thuốc lá
Theo TS. Trần Văn Thuấn, trong thuốc lá cho chứa hơn 4.000 chất hóa học, trong đó có hơn 50 chất gây ung thư. Hút thuốc và hút thuốc thụ động là nguyên nhân của nhiều căn bệnh như ung thư phổi, các bệnh tim mạch và đường hô hấp. Theo số liệu điều tra tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40 nghìn người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá; trung bình mỗi ngày có hơn 100 người chết vì các căn bệnh do thuốc lá gây ra.
Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao trên thế giới. Với tỷ lệ nam giới hút thuốc là 56% . Một người hút thuốc có thể tiêu tốn cho thuốc lá số tiền tương ứng với 1/3 số tiền dành cho lương thực, bằng 1,5 lần số tiền chi cho y tế và gần bằng mức chi cho giáo dục theo bình quân đầu người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét