Ngôi chùa còn chìm trong màn sương im lặng. Ánh trăng rằm tỏa sáng khắp núi đồi. Sư chú Viên Thể thong thả đi từng bước lên gác chuông. Bóng chú đổ dài trên từng bậc thang, cơn gió mát thổi nhẹ, phảng phất hương thơm từ cánh đồi Mai làm chú cảm thấy khoan khoái, lâng lâng trong từng bước chân theo hơi thở chánh niệm. Chú đứng im lặng trước đại hồng chung, thở nhẹ ba hơi, ý thức đuợc sự có mặt của chuông, đưa hai tay kính cẩn nâng vồ chuông lên ngang trán niệm:
Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sinh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.
Từng tiếng chuông thong thả nhẹ buông, rồi từ từ nhanh, dồn dập từng hồi, cuồn cuộn như sóng hải triều kêu mọi loài tỉnh thức.
Đại chúng đã có mặt đầy đủ ngoài sân. Sau ba tiếng khánh của thầy Tri Chung, mọi người đi thật nhanh trong im lặng. Ánh trăng văng vặc trên sân gạch đỏ, in những chiếc bóng đổ dài đang chập chờn như từng đợt lá cuốn khiến chú Viên Thể mỉm cười. Hôm nay trong lòng chú rộn ràng một niềm vui.
Giờ ngồi thiền sáng nay chú thấy hạnh phúc. Trên bàn thờ Phật hoa quả được chưng bày trang nghiêm đẹp mắt. Ngôi Tam Bảo rực rỡ trong buổi sáng Rằm tháng Giêng.
Sư chú hôm nay có nhiệm vụ trông nom chánh điện và vườn cây cảnh. Khách thập phương mặc quần áo đẹp chỉnh tề đến mỗi lúc một đông. Mỗi người đều đốt một cây hương khiến chánh điện và khuôn viên chùa ngào ngạt khói.
Sư chú Viên Thể đi rút bớt chân hương từ các bát hương, rồi chú đi vòng quanh trong vườn chùa để canh người hái lộc. Hái lộc đầu năm là một niềm vui của khách thập phương, nhưng hành động thiếu ý thức ấy, gây thiệt hại lớn cho nhà chùa.
Từ xa, dưới gốc cây cam, một thiếu nữ dáng mảnh mai đang kiễng chân vin cành, hái một chùm hoa cam. Chú Viên Thể đi nhanh tới, nhìn chùm hoa cam trên tay thiếu nữ mà nóng mắt. Chú chắp tay, định cự nự thì ánh mắt ranh mãnh của thiếu nữ nhìn chú mỉm cười, làm cho chú khựng lại, lúng túng.
- Xin chú cho Thơ Thơ cành hoa cam này để biếu mẹ đầu năm cúng Phật. Mẹ Thơ Thơ đang bị bịnh nặng ở nhà. Mẹ rất thích hoa cam. Chú vui lòng, chú nhé.
Lời nói nhẹ như tơ phát ra từ đôi môi xinh xắn đỏ hồng của cô thiếu nữ khiến sư chú thấy lòng dịu lại, hai tai chú nóng ran, tim chú đập nhanh, chú không có phản ứng gì khác là đứng chết trân, một lúc sau chú mới lấy lại bình tĩnh, nói nhỏ nhẹ:
- Lần sau cô muốn hái hoa, phải xin phép thầy Tri Viên. Cô tự ý hái như vậy, cô sẽ bị phạt tiền, còn tôi thì bị phạt quì hương.
Ồ, Thơ Thơ không biết, xin lỗi sư chú. Để Thơ thơ tìm thầy Tri Viên, xin thầy đừng bắt phạt sư chú nữa.
- Thôi, lần này lỡ rồi, thầy Tri Viên đang bận. Mà mẹ cô đau bệnh gì, có nặng không?
- Mẹ em đau đầu cả mấy tháng nay. Cứ ngửi mùi hoa cam là mẹ thấy dễ chịu.
- Nhà cô có ở gần đây không, ở trên núi có thứ lá uống vào là hết nhức đầu, để bữa nào tôi đi hái đem biếu bà một ít.
- Nhà em cách đây năm ấp, sư chú đến Thôn Đoài, hỏi nhà Thơ Thơ là ai cũng biết.
Thấy hai sư huynh từ đằng xa đang đi tới, chú Viên Thể chắp tay xá chào Thơ Thơ rồi tiếp tục đi kiểm tra vườn cây cảnh.
Mấy hôm nay sư chú cảm thấy lâng lâng. Hình ảnh cô gái xinh đẹp dưới gốc cây cam cứ lăng xăng trong đầu chú. Chú thương mến cô là người con hiếu thảo, rồi chú lại thấy tội nghiệp cô có bà mẹ đang bị bịnh. Chú trở nên thẫn thờ, đi, đứng, làm việc thiếu chánh niệm khiến mọi người không vui, nên chú hay bị nhắc nhở, la rầy.
Chú cảm thấy đơn độc, không ai thương chú cả. Chú sống khép kín như một hải đảo với riêng hình bóng Thơ Thơ.
Nỗi nhớ càng tăng thì chánh niệm vắng bóng, chú trở nên lười biếng công phu, chấp tác. Chú thấy đời sống trong chùa trở nên vô nghĩa.
Chú muốn vào đời làm một hiệp sĩ, giúp đỡ những người hoạn nạn khó khăn, nhất là Thơ Thơ, mẹ nàng đang bệnh, mẹ con nàng đang cần sự giúp đỡ của chú.
Ý tưởng hiệp sĩ như là một chính nghĩa bùng vỡ trong chú, thúc đẩy chú phải rời bỏ mái chùa thân yêu mà mười chín năm nay vị thầy nhân đức và Tăng chúng thương yêu, đùm bọc chú từ khi còn là một đứa bé bơ vơ ngoài chợ.
Khăn gói lên đường với hai bàn tay trắng, chú bỏ trốn thầy, ra đi tìm Thơ Thơ. Lần theo con đường, đi hết ấp này sang ấp khác, chú đã tim thấy nhà nàng. Khác với trí tưởng, nhà nàng chỉ là mái tranh đơn sơ, thì hiện tại trước mặt chú là ngôi biệt thự sang trọng, kín cổng cao tường. Viên Thể đang đứng tần ngần thì bóng nàng xuất hiện. Nàng đẹp như một tiên nữ, nhìn chú nhoẻn miệng cười. Chú đứng lặng thinh, không mở miệng nói thành lời. Nàng mở cổng. Chú bị sức hút lôi cuốn đi vào trong, như người mất hồn.
Nàng mời chú ngồi, rót nước mời chú uống rồi bắt đầu hỏi chuyện. Chính nghĩa lúc trốn thầy ra đi để làm hiệp sĩ cứu giúp nàng tan biến trong đầu. Bây giờ thì chú mới thấy mình sai, nhưng đã muộn rồi. Chú trốn ra đi viết cho thầy những lời khí phách, nhưng chính sắc đẹp quyến rũ của Thơ Thơ biện hộ cho hành động lỡ lầm của chú.
- Gió nào đưa sư chú đến nhà Thơ Thơ vậy?
Nàng nhìn chú tinh nghịch hỏi.
Chú ấp úng chưa biết trả lời sao thì ba Thơ Thơ bước vào nhà.
- Thưa ba, đây là sư chú chùa Thiên Vân trên núi Bửu Long. Hôm rằm thàng Giêng con lên chùa, xin sư chú nắm hoa cam cho mẹ.
Ông Hội Đồng rất thương vợ và con gái. Ông làm việc bận rộn và mải mê kiếm tiền cũng chỉ vì ông muốn cho bà Hội Đồng và ThơThơ được sung sướng mà thôi. Nay thấy con gái quí mến sư chú, ông cũng quí mến lây. Ông tươi cười chào sư chú, ngồi xuống hỏi chuyện. Chú Viên Thể thấy mình rơi vào cảnh chẳng đặn đừng nên đành phải nói dối. Chú nhỏ nhẹ thưa rằng nhà chú rất nghèo, mẹ chú bị đau nặng, chỉ có mình chú là con nên chú đành phải vì chữ hiếu mà về lo phụng dưỡng mẹ, chú cần có một việc làm, để có tiền lo thuốc thang cho mẹ.
Cảm động trước tầm lòng hiếu thảo của chú, ông giúp cho chú công việc trông nom vườn cây cảnh. Chú nhìn Thơ Thơ bằng đôi mắt thương yêu và biết ơn.
Chú Viên Thể có diện mạo khá đẹp trai, thân hình dong dỏng cao, dáng đi đứng, nói năng dịu dàng. Chú ít nói, trầm tĩnh, nhưng mỗi khi chú nói đều biểu lộ sự chín chắn, lễ độ. Nhà ông Hội đồng có nhiều người giúp việc, họ thường tỏ ra sợ sệt khi gặp ông Hội Đồng và tiểu thư Thơ Thơ.
Nhưng khi vắng mặt chủ, họ thường bông đùa hóm hỉnh.
Họ thấy chú mới đến mà được ông chủ và tiểu thơ quí mến, ưu đãi nên tỏ ra ganh tị, qua những lời nói và nụ cười châm biếm:
Bác Tám tài xế cười hô hố:
- Chà, coi bộ chú em siêng năng dữ à, suốt ngày ở ngoài vườn, hết cuốc đất lại trồng cây, vườn xanh tốt hẳn ra. Chả trách ông chủ và tiểu thơ có vẻ đặc biệt với chú em. Ráng nữa đi, ổng thương, sẽ nhận làm con rể đó.
Chị Xuân nhà bếp cuời, tiếp lời:
- Coi bộ cũng hơi khó đấy. Nhìn chú em còn dáng điệu thầy chùa lắm. Đã vào tới nhà quan rồi mà vẫn còn mặc áo nhật bình, ăn chay. Sáng thì thức thật sớm ngồi thiền, tối thì thức thật khuya tụng kinh, thiền tọa. Còn bụng dạ nào mà làm rễ nữa.
Bác quản gia cười hóm hỉnh:
- Thầy chùa thì cũng có trái tim như người ta chứ, nhất là trước sắc đẹp kiều diễm của tiểu thư, phải không chú em?
Trước những lời nói bông đùa đó, chú không tỏ vẻ giận, cũng không hùa theo tán đồng câu chuyện, chỉ im lặng mỉm cười. Chú luôn quan tâm, giúp đỡ khi có người nhờ đến.
Thái độ hiền lành của chú dần dần được mọi người quí mến, tin tưởng. Khi gặp chuyện buồn, họ hay tìm đến chú tâm sự, có khi kể lể, trách móc người này, phê phán người kia. Chú chỉ im lặng ngồi nghe để chia sẻ nỗi buồn giận đang đốt cháy tâm can họ mà không hùa theo, đôi khi pha trò cho họ cười, xua tan bầu không khí u ám trong đôi mắt họ. Chú có lòng thương người và hào hiệp khi có chuyện nguy hiểm xảy đến. Có một lần khu nhà lá trong huyện cháy. Chú có mặt và tỏ ra tháo vát nhanh nhẹn tìm phương cách dập tắt ngọn lửa.
Bỗng có người đàn bà hốt hoảng chạy từ xa đến, kêu gào đứa con nhỏ đang bị kẹt trong nhà đang cháy bị khóa cửa khi bà đi chợ. Chú Viên Thể dùng toàn lực lao tới, đá tung hai cánh cửa.
Chú nhanh nhẹn bồng đứa bé chạy ra. Rất may là cả chú và đứa bé chị bị phỏng sơ sơ.
Sau vụ đám cháy đó mọi người trong huyện đều biết đến tên chú qua hành động can đảm, nghĩa hiệp. Chú được quan Tri Huyện ban giấy khen và tặng phẩm, tiền bạc. Chú đem số tiền thưởng giúp đỡ các gia đình nạn nhân nghèo bị hỏa hoạn. Tiếng lành đồn xa, nhiều cô thiếu nữ trong huyện ngưỡng mộ và thầm thương chú.
Gia đình ông Hội Đồng càng thương chú hơn. Ông giao cho chú công việc quản gia thay thế bác Tư đã lớn tuổi. Còn Thơ Thơ thì luôn tìm cách để được gần gũi, chuyện trò với chú. Nàng hay nhõng nhẽo, đòi chú làm diều cho nàng thả, thổi sáo cho nàng nghe, dẫn nàng vào rừng để tìm hoa quí. Đi bên cạnh chú, nàng ngây thơ như con nai nhỏ, hồn nhiên chạy đuổi theo đàn bướm lượn, cười tươi như những đóa hoa đang chúm chím trên cánh rừng xanh biếc. Niềm hạnh phúc trào dâng trong trái tim chú, chú thầm cám ơn Trời Phật đã ban cho chú tặng phẩm quí giá nhất là tình yêu thương của nàng. Chú nhìn nàng với ánh mắt tôn kính như nhìn một thánh thể, chú không khởi lên một ý tưởng vẩn đục khi ngắm dung nhan nàng. Chú thương yêu nàng như hình bóng người mẹ mà chú vẫn đi tìm trong ký ức tuổi thơ.
Ông bà Hội Đồng thấy con gái quấn quít chú Viên Thể thì bắt đầu e ngại . Ông đã hứa gả Thơ Thơ cho Minh, con trai ông Tuần Phủ, đang du học ở Pháp, cuối năm Minh về hai họ sẽ tiến hành lễ thành hôn. Ông bàn với vợ nên đem Thơ Thơ về quê ngoại một thời gian, còn ở đây ông tìm cách đổi chú Viên Thể nhận việc ở đồn điền cà phê trên Ban Mê Thuột.
Tình cờ chú nghe được câu chuyện bàn tính giữa hai người. Chú lặng lẽ ra ngoài vườn. Vầng trăng mười sáu tỏa sáng trên cao như soi rõ tâm tư đang quặn đau, vò nát trái tim tràn đầy tình yêu thương của chú. Hình ảnh Thơ Thơ tung tăng chạy nhảy trong trò chơi đuổi bắt dưới ánh trăng, nàng nhanh như con sóc, như chiếc lá cuốn tròn trong gió, mắt chú bị bịt kín, quờ quạng tìm nàng theo tiếng cười khúc khích mà không tài nào bắt đựơc, đang hiện rõ, cuồn cuộn như cơn gió lốc trong trái tim thổn thức của chú. Hai chân chú nặng trĩu không nhấc nổi. Chú ngồi bệt xuống sân cỏ, hai tay ôm đầu nhức nhối, nước mắt ràn rụa. Chợt chú nhớ đến lời thầy dạy:
- Con hãy đóng hết các cửa lại khi nhà con bị giông bão tràn vào, hãy thắp ngọn đèn chánh niệm, con sẽ tìm thấy sự bình an và cách sáng suốt giải quyết vấn đề.
Chú ngồi kiết già, nhắm mắt theo dõi hơi thở vào ra. Chỉ chừng mười hơi thở đều trong chánh niệm, chú đã tìm lại sự bình tĩnh. Tất cả hình ảnh dĩ vãng, như cuốn phim, lần lượt hiện rõ trong trí nhớ của chú.
Theo lời các sư huynh kể lại: Trên đường chạy loạn, thầy đã tìm thấy chú nằm thoi thóp bên cạnh người đàn bà đã chết cứng. Thầy thấy thương tâm quá, bồng chú về nuôi. Vì đang chạy loạn, chú lại rất yếu, thầy nuôi chú thật vất vả. Thầy phải đi xin từng miếng cơm trắng, nhai thật kỹ rồi từ từ mớm cho chú.
Mọi người nhìn cái cảnh thầy tu nuôi con mọn, họ vừa thương hại, vừa nghĩ xấu cho thầy. Nhưng thầy đã vì từ tâm, bỏ ngoài tai những dư luận thị phi. Thầy thường dậy các sư huynh:
Dù xây chín bậc phù đồ
Không bằng làm phước cứu cho một ngưới.
Khi trở lại chùa thầy giao chú cho dì Tư làm công quả trông nom.
Chú được mọi người thương yêu, dậy chú học chữ Hán và chữ quốc ngữ khi mới sáu tuổi. Chú rất sáng dạ, mau hiểu, mau thuộc bài. Chú thuộc chú Lăng Nghiêm khi lên bảy tuổi. Và hầu hết các kinh công phu hàng ngày chú đều thuộc lòng. Chú thỉnh chuông tiếng rất trong và hùng. Mọi người cảm thấy an lạc khi nghe tiếng đại hồng chung ngân vang vào buổi sớm mai. Chú có giọng xướng, tụng kinh rất hay khiến mọi người ưa thích chú.
Thầy thương yêu chú, nhưng bản tính trầm mặc, thầy ít khi biểu lộ tình cảm. Chú sống hạnh phúc, bình an. Nhưng, đột nhiên Thơ Thơ xuất hiện, như nàng tiên ma quái, đã lôi kéo chú ra khỏi mái chùa với bao tình thương của thầy và các huynh đệ. Vọng tưởng lại tiếp tục đưa chú vào chân trời đầy hoa bướm, chú gặp hình ảnh người mẹ đã gục chết bên lề đường, mẹ chú mặc áo dài trắng, quàng khăn voan trắng, đẹp như nàng tiên, dắt tay chú chạy nhảy tung tăng trong rừng hoa sim tím. Mẹ hái cho chú một bông, chú đưa tay cầm, thì lạ thay, tay mẹ biến thành tay Thơ Thơ. Cành hoa cứ giơ lên cao, lên cao khiến chú không thể nào với bắt được. Mắt chú đột nhiên bị bịt kín lại, chú nghe tiếng cười Thơ Thơ trong vắt như thủy tinh, vỡ rời từng mảnh vụn. Chú đuổi bắt nàng vòng quanh, vấp vào tảng đá khiến chú ngã gục, mê man. Khi chú tỉnh dậy, chú thấy mình nằm trong chùa, chung quanh giường là thầy và huynh đệ đang chăm sóc chú. Hai dòng nước mắt lăn dài trên má, chú bật khóc, gọi: thầy ơi !
Cơn gió mạnh làm chú sực tỉnh. Ánh trăng khuya vẫn treo lơ lửng trên cao, sáng rọi khuôn mặt chú. Chú cảm thấy nhẹ nhõm, như vừa thoát qua cơn ác mộng. Chú lặng lẽ bước vào trong phòng, thu xếp vài bộ quần áo thầy tu, viết cho ông bà Hội Đồng và Thơ Thơ vài dòng cảm tạ, để hết lại số tiền, nhờ nàng đem giúp người nghèo khổ. Chú thong thả bước ra khỏi căn nhà đã hơn một năm ru chú vào cơn huyễn mộng.
Chú về tới chùa thì trời đã nhá nhem tối. Cảnh vật quen thuộc êm đềm đã cho chú một cảm giác ấm áp.
Tiếng mõ hòa với tiếng tụng kinh công phu tối của thầy và huynh đệ đệ làm tim chú bồi hồi xúc động, hai giọt nước mắt lăn dài trên má, chú rón rén bước vào chánh điện, quì phủ phục xuống. Chú lạy như thế rất lâu. Tiếng tụng kinh trầm ấm của thầy và các huynh đệ như dòng suối ngọt ngào tuôn chảy trong tâm thức chú, ru chú vào giấc ngủ êm đềm sau một ngày đói, mệt.
Chú tỉnh giấc khí ánh nắng ban mai ùa vào song cửa, tiếng chim hót líu lo trong cây mận trưóc sân. Chú dụi mắt nhìn lại cảnh vật thân quen mà ngỡ như là giấc mơ. Thầy bước nhẹ đến bên giường, đưa tay sờ lên trán chú, dịu dàng nói:
- Con còn mệt, con cứ nằm nghỉ ngơi cho khoẻ.
Chú ngồi dậy, sụp lạy dưới chân thầy.
Nước mắt tuôn trào niềm hối hận, chú không nói lên lời.
Thầy vỗ tay nhè nhẹ lên đầu chú, nói ngọt ngào:
Con vừa trải qua một tai nạn, nhưng rất may là nhờ hồng phúc, con đã tỉnh ngộ mà quay trở về.
Chú nghẹn ngào:
- Con cúi xin thầy tha tội cho con. Con đã phạm lỗi lầm lớn làm cho thầy và các huynh đệ buồn và lo lắng cho con. Con đã làm cho cả chùa mất thanh tịnh vì sự mù quáng của con.
Thầy nâng cầm chú lên, tỏa cái nhìn từ ái vào đôi mắt chú, chậm rãi nói:
Phàm làm người thì ít khi tránh khỏi lỗi lầm. Nhưng cái quan trọng là biết nhận ra sai lầm rồi quyết tâm sám hối, đó mới là cái quí giá. Thầy và các huynh đệ rất lo ngại cho con, vẫn thường theo dõi tin tức về con, thầy yên tâm khi thấy con vẫn giữ được bồ đề tâm, sống giữa sắc giới mà không bị nhiễm ô. Thầy tin chắc là con trở về, đã may cho con chiếc y, đợi con về thọ giới Tỳ Kheo trong lễ đàn được tổ chức sau Mùa An Cư.
Trong buổi lễ sám hối, sư chú Viên Thể đã quì lạy trước đại chúng xin ăn năn sám hối về lỗi lầm chú đã gây ra. Toàn đại chúng hoan hỷ khi thấy Viên Thể trở về. Mọi người chăm sóc thương yêu chú hơn xưa. Chú tìm lại tình thương yêu cao đẹp thuần khiết nơi các huynh đệ. Chú cố gắng tu học, công phu chấp tác, trau dồi đạo hạnh để chuộc lại lỗi lầm.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh. Bây giờ sư chú Viên Thể đã trở thành một thượng tọa giảng sư đạo hạnh nổi tiếng. Thầy đã cùng Tăng chúng mở những khoa tu ở chùa cho các Phật tử gần xa đến tu học, giúp họ chuyển hoá những khổ đau, tạo được lại đời sống bình an, hướng về nẻo thiện. Nhiều chùa ở các tỉnh xa mời thầy đến giảng pháp và tổ chức ngày tu chánh niệm cho Tăng Ni và Phật tử. Thầy không quản ngại đường xa vất vả, vui vẻ nhận lời, cùng đi với các huynh đệ.
Trong một chuyến đi hoằng hóa chánh pháp, thầy đã viếng thăm một thiền viện trên núi Yên Sơn. Những ngọn núi đá nối tiếp nhau, nhấp nhô như con rồng lượn. Đường lên núi quanh co, cao dốc. Những thác nước ào ào tuôn chảy tung bọt trắng xóa giữa bầu trời cao rộng, tạo nên khung cảnh hùng tráng.
Mái tam quan hiện ra giữa hai hàng thông xanh biếc, vẻ trang nhã, u tịch. Thầy bước vào sân chùa cùng với phái đoàn, có hai sư cô kính cẩn chắp tay xá, mời mọi người vào trai đường. Sau khi mời khách uống trà, hai sư cô lui vào. Lát sau, vị Ni sư buớc ra, dáng dấp thanh tao, nét mặt tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn nguyên vẻ đẹp đạo hạnh. Ni sư chắp tay cúi đầu xuống thấp xá chào. Thầy Viên Thể đứng dậy chắp tay xá chào lại. Cả hai người cùng ngẩng đầu lên, bốn măt nhìn nhau. Thầy ngỡ ngàng như trong cơn mơ. Ni Sư đứng trước mặt thầy là Thơ Thơ ngày trước. Ni sư cũng không kém sững sờ. Cả hai đều bối rối. Thầy lấy lại bình tĩnh, hỏi thăm Ni sư về sự tu học và sinh hoạt của Ni chúng. Ni sư cho biết thiền viện này do Ni trưởng Huệ Nghiêm thành lập để dành cho ni chúng chuyên tu. Các sư cô lên đây học giáo lý, văn hóa và tịnh tu năm năm. Sau khóa thi tốt nghiệp, đạt được cả bốn mặt Giới, Hạnh, Văn hóa và Phật Pháp thì sẽ đựơc là một vị nữ tu tài đức song toàn.
Sư cô đã phụ trách những lớp dậy Phật Pháp cho Ni chúng trong Viện và sinh hoạt thanh thiếu niên, hướng dẫn các em có một lý tưởng sống cao đẹp, hiếu thảo với mẹ cha, thương yêu gia đình, giúp đỡ mọi người, đem tài đức ra phụng sự cho quê hương và nhân loại... có một lý tưởng sống cao đẹp, hiếu thảo với mẹ cha, thương yêu gia đình, giúp đỡ mọi người, đem tài đức ra phụng sự cho quê hương và nhân loại...
Sau thời gian dài sinh hoạt ở Ni viện Diệu Nghiêm, sư cô Liễu Nghiêm thấy cần được tịnh tu và nghiên cứu thêm giáo điển. Ni Trưởng đã đề cử sư cô Liễu Nghiêm lên làm Trụ trì thiền viện Thiều Quang trên núi Yên Sơn để hướng dẫn ni chúng tu học.
Nhìn nét thanh thoát của Ni sư Liễu Nghiêm, thầy thấy trào dâng niềm vui. Ni sư dẫn thầy cùng phái đoàn đi thăm thiền viện. Thời khóa chính là ba buổi công phu, thiền tọa, thiền hành. Ngoài giờ học Phật Pháp, các sư cô còn được dạy may, thêu, nấu ăn, cắm hoa, học đàn, học hát trong các buổi sinh hoạt của Ni chúng. Cách trang trí tu viện đơn giản, đậm màu thiền. Mọi thứ đều ngăn nắp, qui củ. Ni chúng dáng dấp thanh thản, dịu dàng, nét mặt toát lên vẻ an lạc, đầy tình thương. Thầy và phái đoàn ngỏ lời khen và tỏ lòng ngưỡng mộ công hạnh của Ni sư trụ trì và sự tu học nghiêm mật của Ni chúng.
Mùa Xuân lại về trên khắp quê hương. Chùa Thiên Vân đã được trùng tu lại theo kiến trúc truyền thống chùa cổ Việt Nam. Vườn chùa được sửa sang qui hoạch lại thành khung cảnh thanh nhã, thoáng mát. Theo con đường dốc thoai thoải lên đồi Mai, tịnh thất của Sư ông được làm bằng ván gỗ, kiến trúc đơn giản nhưngg rất đẹp. Sư Ông năm nay đã ngoài tám mươi, ngài nhập thất chuyên tu và dịch kinh sách, mọi việc trong chùa được giao cho Tăng chúng quản lý.
Thượng tọa Viên Thể được Tăng thân tôn cử là trụ trì, cùng năm vị lớn khác thay nhau những chức vụ điều hành Tăng chúng. Bao năm tu học dưới sự dạy dỗ của Sư ông, các vị thầy lớn đều sống trong tinh thần lục hoà, đạo hạnh khiêm cung, nghiêm mật tu tập, dậy dỗ chúng Tăng giữ gìn giới luật, oai nghi nghiêm túc, tạo nên một Tăng Thân có uy đức, mang lại hạnh phúc cho Sư ông và Tăng thân, làm nơi nương tựa vững chãi cho đồng bào Phật tử.
Trăng rằm tháng giêng tròn như một khối pha lê vàng óng, tỏa ánh sáng dịu dàng trên đồi hoa Mai trắng, hương thơm mát dịu làm thanh thoát lòng người. Dưới ánh trăng, Sư ông và các thầy cùng nhấp ly trà thơm, hương trà nhẹ bốc thành làn khói mong manh, Sư ông nhìn thầy Viên Thể và các vị đệ tử thật sâu, thong thả nói:
- Này các con, mặt trăng kia có lúc tròn lúc khuyết, nhưng thể tánh của trăng thì luôn trong sáng. Đám mây đen chỉ che khuất ánh sáng tỏa xuống thế gian, chứ không làm cho vầng trăng tối đen như mực được. Con người cũng vậy, nếu không biết tu, để cho vọng tưởng, vô minh che khuất, tham đắm, sân hận, si mê tràn ngập tâm trí, tự mình dìm thân tâm trong ngục phiền não, làm khổ đau cho bản thân và những người chung quanh. Đại nguyện của người xuất gia là đạt quả vị giải thoát, bồ đề tâm sáng rỡ mãi như vầng trăng, thoát ra ngoài phiền não, ô trược của kiếp nguời, mang cái bản tâm thanh tịnh ấy để độ đời, cứu giúp muôn vạn sinh linh.
Muốn thực hiện ý chí độ đời một cách viên mãn, các con phải biết nương tựa vào nhau, sống hoà hợp trong một Tăng đoàn, sát cánh bên nhau cùng chung Phật sự, đó là cách các con trả hiếu cho chư Tổ và thầy. Thầy biết chẳng còn tại thế với các con được bao lâu, chỉ có bấy nhiêu lời cuốì cùng dậy bảo các con. Thầy rất vui khi thấy các con thầy, người nào cũng đạo hạnh, tài giỏi.
Các con nhìn kìa, rừng mai nở trắng cả khu đồi, rồi Sư ông cất tiếng sang sảng ngâm:
Xuân đi hoa rụng hết
Xuân đến, nở trăm hoa
Trước mắt, đời chuyển biến
Đầu xanh tuyết điểm pha
Đừng nghĩ:
Xuân tàn hoa rụng cả.
Bên thềm, mai nở trắng đêm qua*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét