Thứ Năm, 12 tháng 8, 2010

Môi Trường Quanh Ta: 5 thói quen gây hiểm họa cho đại dương


Việt Nam chúng ta được thừa hưởng nhiều bãi biển. Giữ cho biển sạch và đẹp là một điều cần thiết, không những về phương diện mỹ quan, mà còn hệ trọng cho sự bền vững của môi sinh. Những thói quen sau đây, phần đông người ở quốc gia nào cũng vướng phải. Đây là một bài học chung cho công dân toàn cầu: Thay đổi những đường lối cũ để tránh hiểm họa cho chính mình. 

5 Thói Quen Của Gây Hiểm Họa Cho Đại Dương
Jayni Heimbuch

Dù đang sống ở đâu, ngay cả giữa sa mạc Mojave hoặc giữa cánh đồng ở miền trung nước Mỹ, một điều đáng ngạc nhiên là chúng ta liên hệ trực tiếp với đại dương. Hệ thống biển cả của Địa Cầu này gắn liền với sinh hoạt thường nhật của chúng ta, dù những sinh hoạt đó dường như không đáng kể hoặc rất xa vời. Sau đây là 5 thói quen nhỏ tích tụ thành vấn đề lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe của biển.

1) Khí thải các-bon = đại dương bị axít hóa

Mỗi khi bật đèn, vặn vòi nước, nạp pin cho điện thoại di động, đi máy bay hoặc bất cứ sinh hoạt nào gây khí thải các-bon, chúng ta là nguyên nhân trực tiếp khiến đại dương bị axít hóa, kết quả là sự rối loạn đời sống ngoài biển cả. Đại dương có thể hấp thụ khoảng 2 phần 3 khí thải các-bon trong không khí, nhưng càng hấp thụ thán khí CO2, đại dương càng thêm axít. Độ pH thay đổi gây ra mọi thứ, từ vỏ tôm tép trở nên mềm hơn hoặc cứng hơn, san hô bị mất màu, đến dân số sứa biển bùng nổ. Chúng ta càng bơm nhiều khí
CO2 từ không khí qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch, đại dương càng bị axít hóa nhiều, và các sinh vật hải dương càng bị mất quân bình.

Những quyết định như không đi máy bay nếu không cần thiết, bớt ăn thịt, mua năng lực xanh có thể giảm dấu ấn các-bon của bạn rất nhiều, và giúp giảm bớt một trong những đe dọa lớn nhất cho đại dương của chúng ta.

2) Đóng hàng = khu rác ở Thái Bình Dương
 

Người Mỹ có nhiều rác lắm. Mỗi người thảy ra 185 cân Anh (khoảng 84 kí-lô gram) nhựa hàng năm, đa số là từ những gói hàng. Từ bao ny-lông, đến hộp đựng thức ăn mang về, đến bao đóng hàng (đồ chơi, thực phẩm v.v.), chúng ta tiêu dùng và vất đi rất nhiều một thứ mà không bao giờ có thể biến mất cả. Thật vậy, phần lớn sẽ tái xuất hiện trên đại dương. Vùng rác ngoài Thái Bình Dương và 4 khu rác khổng lồ khác đã chứng minh rất rõ vấn đề của nhựa ngoài đại dương. Nhựa (plastic) không những giết hại các sinh vật ngoài biển, mà còn len vào chuỗi dây chuyền thực phẩm, rồi cuối cùng hiện diện trên bàn ăn của loài người qua món hải sản.

Bằng cách quan tâm đến việc đóng hàng khi bạn mua sắm và chọn lựa a) giảm tối thiểu việc gói hàng, và b) tái chế càng nhiều càng tốt những gì chúng ta tiêu thụ - cả hai điều này sẽ giúp làn sóng nhựa bớt trôi giạt vào đại dương.

3) Ăn đồ biển = hải sản biến dạng

Công nghiệp đánh cá ngày nay gần suy sụp. Các khoa học gia phỏng đoán rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục đánh cá như bây giờ, công nghiệp đánh cá toàn cầu sẽ bị sụp đổ vào năm 2050. Thời gian đó không xa là mấy. Dù bạn nghĩ mình là người nghiện ăn đồ biển nặng nhất, hoặc không thể nào sống nổi nếu không được ăn cá hoặc ăn tôm vài lần trong tuần, bạn vẫn có thể có những chọn lựa bền vững.

Bằng cách giảm bớt hải sản bất cứ khi nào có thể, [để ý xem loài hải vật nào bị nguy cơ tuyệt chủng,] bạn sẽ giúp đại dương chúng ta giữ được những chú cá tung tăng bơi lội trong tương lai.
 

4) Tiêu thụ quá đà = cái chết của cá voi

Ồ, mua đồ chơi qua mạng Amazon.com có thể khiến cá voi chết à? Câu trả lời ngắn gọn là: Đúng thế. Trong khi nhân loại đã du hành hàng triệu năm
trên biển, kỹ nghệ hàng hải chỉ mới tăng vọt trong vài thập niên nay thôi. Một phần là do sự tiêu thụ khủng khiếp của chúng ta. Nguyên liệu được chuyên chở từ tàu bè đến các hãng chế tạo, rồi sản phẩm lại được chất lên tàu, chở về tay người tiêu thụ. Chúng ta càng tiêu thụ nhiều, càng nhiều thứ phải được chở tới chở lui trên đại dương. Nhưng trên đường, các thương thuyền này sẽ gặp cá voi.

Tiếng động lớn của những chiếc tàu – còn gọi là ô nhiễm âm thanh - khiến loài cá voi khó liên lạc với nhau. Một vài hậu quả đối với cá voi bao gồm: mức độ căng thẳng gia tăng, cơ hội kết đôi và ăn uống bị giảm sút. Tệ hơn nữa, đụng phải tàu là một vấn đề nghiêm trọng cho loài cá voi, một chủng loại đang bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.

Giảm tiêu thụ những đồ vật chất thật sự giúp dân số cá voi đang bị đe dọa tuyệt chủng được hồi phục.

5) Lái xe = giếng dầu ngoài khơi

Trừ khi bạn sống ở một nơi nào thật xa các nguồn tin của báo chí truyền thông, nếu không, có lẽ bạn cũng đã nghe nói đến tai nạn chảy dầu từ tháng 4, 2010 ở Vịnh Mễ Tây Cơ, do Deepwater Horizon, một dàn khoan dầu ngoài khơi của hãng BP. Chỉ cần lý luận một chút thôi cũng đủ hiểu ra sự tùy thuộc vào dầu hỏa và văn hóa lệ thuộc vào xe hơi của chúng ta. 


Hiện nay Hoa Kỳ dùng khoảng 19,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, 71% cho xe hơi, xe tải, xe buýt, máy bay. Càng lệ thuộc vào xe cộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch để di chuyển từ A đến B, thay vì dùng xe đạp và phương tiện di chuyển công cộng, chúng ta càng lệ thuộc vào khoan dầu cho những nhiên liệu mau hết đó. Như vậy có nghĩa là càng có thêm nguy cơ để đặt giếng dầu vào những nơi đầy rủi ro nơi lòng biển sâu và thêm một tai nạn như đã xảy ra ở Vịnh Mễ Tây Cơ.

Giảm thiểu sự tùy thuộc vào dầu hỏa có nghĩa là giúp đại dương chúng ta tránh khỏi những ô nhiễm đầy chết chóc.

http://planetgreen.discovery.com/work-connect/5-human-habits-highly-harmful-to-the-ocean.html


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến