Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Lũ trẻ và chú rắn (Kinh Pháp Cú, Phật giáo)

Trích từ trang Hạnh Nguyện Cấp Cô Độc, người viết Thiện Nhựt

KINH PHÁP CÚ
TÍCH CHUYỆN LŨ TRẺ ĐẬP RẮN
 

Vào một thời kia, đức Phật ngụ tại chùa Kỳ Viên, nước Xá Vệ, có đề cập đến lũ trẻ con đập một con rắn.
 

Vào một buổi sáng, đức Phật đang cùng chư Tăng đi khất thực trong thành Xá Vệ, dọc đường ngài gặp một lũ thiếu niên cầm roi, gậy hò hét, đánh đập một con rắn bên đường. Ngài dừng lại hỏi tại sao chúng lại đập rắn như thế. Chúng trả lời vì sợ bị rắn cắn, nên phải đập rắn cho chết đi. Đức Phật bảo: "Nếu các cháu sợ bị đau đớn, sao các cháu lại làm khổ cho kẻ khác? Nếu nay các cháu làm hại đến kẻ khác, thì trong kiếp sau, các cháu chẳng có được hạnh phúc đâu".
 

Rồi quay lại các vị Tỳ kheo, đức Phật nói lên hai bài kệ sau đây:
 

Ai muốn cầu cho mình được hạnh phúc,
Dùng gậy gộc tước đoạt hạnh phúc người.
Về đời sau, kẻ ấy mất an lạc.
(Kệ số 131)

Ai muốn cầu cho mình được hạnh phúc,
Chẳng dùng gậy gộc tước hạnh phúc người.
Về đời sau, kẻ ấy đầy an lạc.
(Kệ số 132)
 

TÌM HIỂU  

A.- Nghĩa chữ:

- Thiếu niên: Thiếu = còn trẻ; niên= năm, tuổi. Thiếu niên là người còn trẻ tuổi từ 10 đến 19 tuổi. Sau tuổi thiếu niên là đến tuổi thanh niên.

- Kiếp sau: Đời sau. Theo thuyết luân hồi của nhà Phật, sau khi chết đi, chúng sanh tái sanh trong đời kế tiếp.

- Hạnh phúc: Sự may mắn, sung sướng, yên vui trong đời sống.

- Tước đoạt: Cướp giựt.
 

B.- Nghĩa ý:
 

1.- Tích chuyện rất giản dị: vì sợ bị rắn cắn, lũ trẻ đập chết rắn. Đức Phật trông thấy con rắn bị hành hạ khổ sở đến chết, mới ngăn lũ trẻ và dạy chúng, đừng vì muốn mình khỏi bị hại mà đi hại kẻ khác.
 

Có thể có người cho rằng, con rắn độc nếu mình chẳng giết nó, nó sẽ hại mình. Mới nghe có lý, nhưng suy nghĩ lại: đâu phải tự nhiên vô cớ mà rắn cắn mình. Tại mình đạp nó, đi gần bên nó, nó mới cắn. 

Lời dạy của đức Phật đặt trên căn bản công bằng: mình không muốn bị hại thì đừng nên hại ai. Lời dạy của đức Phật còn đặt trên căn bản từ bi: thương yêu tất cả chúng sanh, chẳng phân biệt kẻ hiền, người dữ, bạn hay thù. Thái độ đứng đắn đối với các người dữ ác và các độc vật là ta nên tránh xa, để khỏi bị hại, đồng thời cảnh cáo người khác đừng gần.
 

2.- Ý nghĩa của bài kệ số 131 và 132: Cả hai bài kệ nói về luật nhân quả: đời này hại người, ác báo sẽ đến vào đời sau, nay chẳng hại người, sau sẽ được yên vui.
 

Tước đoạt hạnh phúc của người là sao? Trong bài kệ nói dùng gậy gộc là nói dùng võ lực để hành hạ người khác. Nhưng đoạt hạnh phúc còn có nhiều cách xấu ác khác, dùng mưu gian lường gạt, dụ dỗ v.v... cần phải tránh xa, vì đó là tạo nên nghiệp ác.
 

Hạnh phúc to lớn nhất là gì? Đó là hạnh phúc được sống còn trong an vui. Vì lẽ đó, giới thứ nhất cấm sát sanh là để tôn trọng sanh mạng, đồng thời tôn trọng hạnh phúc to lớn nhất của chúng sanh.
 

HỌC TẬP
 

- Học kỹ hai bài kệ để ghi nhớ và dạy trẻ chớ bứt cánh bướm, chớ đuổi bắt chuồn chuồn, chớ bắn chim, chớ câu cá v.v...

http://www.capcodoc.net/index.php?option=com_content&task=view&id=866&Itemid=1


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến