Thứ Ba, 31 tháng 8, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Tỉnh Phú Yên, miền Trung Việt Nam

Phú Yên là một tỉnh ven biển, phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp Khánh Hòa, phía tây giáp Đăk Lăk và Gia Lai, phía đông giáp biển Đông.

Phú Yên có 3 sông chính - sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch, , sông Kỳ Lộ - và nhiều suối nước khoáng nóng như: Phú Sen, Triêm Đức, Trà Ô, Lạc Sanh. Các tài nguyên trong lòng đất bao gồm diatomite, đá hoa cương nhiều màu, vàng sa khoáng.

Cánh đồng Tuy Hòa là cánh đồng lúa rộng nhất miền Trung Việt Nam. Nông nghiệp ở Phú Yên chủ yếu là lúa, mía, cây hoa màu.

Bãi Môn (Tuy Hòa, Phú Yên)
Quang cảnh thiên nhiên ở Phú Yên đa dạng, có núi, cao nguyên, đồng bằng châu thổ, sông, hồ, đầm, vịnh, hải đảo, rất nên thơ, hùng vĩ, như Gành Đá Dĩa, Đầm Ô Loan, Núi Đá Bia, Vịnh Xuân Đài, Bãi Môn, Mũi Điện.

Tên Phú Yên do chúa Nguyễn Hoàng đặt vào năm 1611, mang ước nguyện về một miền đất trù phú, thanh bình trong tương lai.

Ngày nay, tác động của biến đổi khí hậu tại Phú Yên là một vấn đề nghiêm trọng.

Một vài hành động và giải pháp cụ thể mà mỗi cá nhân có thể làm:
1. ngưng đốn rừng,
2. ngừa thai để giảm dân số,
3. tổ chức nông nghiệp trồng rau cải hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ăn chay để tiết kiệm tài nguyên cho mọi người dân đều có đủ miếng ăn,
4. làm điều lành, tránh điều dữ, đối đãi tốt và đùm bọc lẫn nhau,
5. sám hối những lỗi lầm đã qua nếu có và cầu nguyện cho Phú Yên sớm được trù phú yên bình.

Trích đoạn bài viết của Tiến sĩ  NGUYỄN THÀNH QUANG
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
đăng trên báo Phú Yên ngày thứ năm, 26-08-2010

TÁC ĐỘNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ ỨNG PHÓ

Nói về biến đổi khí hậu, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã nghiên cứu, chứng minh rằng tất cả những hiện tượng dị thường như: El nino, La nina, tan băng Nam Cực, trái đất nóng dần lên v.v… đều có nguyên nhân từ con người gây ra cả. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên toàn thế giới xây dựng chương trình cắt giảm khí thải để làm giảm bớt hiệu ứng nhà kính của trái đất. Họ kêu gọi toàn nhân loại hãy bảo vệ và sống thân thiện hơn với môi trường thiên nhiên.

Biến đổi khí hậu ở Phú Yên cũng không nằm ngoài thực trạng chung của toàn cầu và của quốc gia.

Nói đến biến đổi khí hậu ở Phú Yên, không thể không quan tâm đến sự biến đổi của rừng.

Bản dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ (2010 - 2015) đưa ra con số đánh giá độ che phủ rừng khá lạc quan 34,9%, nếu tính cả diện tích cây trồng phân tán là 41,3%. Đó là con số chỉ tiêu còn quá khiêm tốn so với yêu cầu phòng hộ bền vững. Tuy nhiên, tôi nghĩ: con số thực sẽ còn thấp xa so với con số báo cáo. Xin mời lãnh đạo hãy đi thị sát một vòng theo đường vòng cung từ dãy núi Đèo Cả đến Sông Hinh, qua Phước Tân, Vân Hòa đến Phú Mỡ, Làng Đồng, Phú Hải, Xuân Lãnh, Đa Lộc... rừng còn đâu?

Những cánh rừng đại ngàn một thời nay còn đâu nữa. Nếu không nhìn thấy đất trống, đồi trọc thì chỉ nhìn thấy núi xanh màu lá nhưng không thấy có cây.

Xin dẫn chứng một điển hình: Công trình thủy điện Sông Hinh, niềm tự hào của tỉnh Phú Yên. Hồ chứa của nó có dung tích khoảng 350 triệu m3 nước, nằm ở độ cao 115 mét. Những năm trước vành đai phòng hộ bao quanh bờ hồ ở phía đông là rừng nguyên sinh, nhiều cây cổ thụ, thế mà nay đứng ở sân văn phòng nhà máy Thủy điện Sông Hinh phóng tầm mắt nhìn từ đỉnh Dốc Phường ở phía nam đến hút tầm mắt về phía bắc dãy rừng phòng hộ hồ thủy điện nay chỉ thấy toàn là đồi trọc, nương rẫy sắn.

Rừng phòng hộ xung yếu bảo vệ công trình thủy điện bị phá sạch không biết trách nhiệm thuộc về ai? Núi hết cây, trời mưa, núi lở, đập vỡ, đó chẳng phải là nỗi lo thảm họa hay sao?

Quan sát trong chuỗi thời gian vài chục năm lại đây, chúng ta thấy diễn biến tác động của biến đổi khí hậu ở Phú Yên biểu hiện các dạng như:

- Mưa lụt lớn, xảy ra dày hơn, thời gian xuất hiện đỉnh lũ rất nhanh, xuất hiện lũ quét nhiều hơn;

- Lụt úng cục bộ nhiều vùng hơn, nhiều vùng hàng bao đời không biết lụt, nay bị ngập thiệt hại do chủ quan, bất ngờ.

- Xói lở đôi bờ của các dòng sông diễn ra phức tạp hơn, nhiều điểm hơn, núi lở, lòng sông bồi lấp, khô kiệt dòng chảy về mùa khô.

- Mỗi khi có triều cường, gió to, sóng lớn làm xói lở vùng cửa sông, bờ biển diễn ra ngày càng ác liệt.

- Hạn hán, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao đột biến.

- Lốc xoáy, bão to, ác liệt hơn.

Ứng phó với thiên tai, bão lụt là những hành động của con người có ý thức nhằm phòng tránh tổn thất, rủi ro, hoặc làm giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai xảy ra. Nó là công việc thường xuyên, cấp bách và lâu dài của mọi cấp chính quyền và người dân.

Phương châm công tác ứng phó là dựa vào nguồn lực tại chỗ là chủ yếu, lực lượng tăng viện là thứ yếu. Kế hoạch ứng phó nên có kế hoạch thường xuyên và kế hoạch chiến lược. Tổ chức rút kinh nghiệm ứng phó mùa trước, bổ sung kinh nghiệm cho kế hoạch mùa sau là việc làm thành nền nếp, cần tổ chức sớm và bổ sung kịp thời các biện pháp, tránh chủ quan.

Xây dựng bổ sung mạng lưới quan trắc khí tượng, thủy văn cảnh báo sớm, nhất là khu vực đầu nguồn của các con sông lớn. Như trên sông Kỳ Lộ nên bố trí ngay trạm đo mưa tại nhà máy thủy điện La Hiên.

Do địa hình có biến đổi, nên cho triển khai việc điều tra, rà soát, bổ sung các điểm đỏ (là những điểm xung yếu có nguy cơ thiệt hại khi bão lũ, triều cường, xói lở) trên bản đồ toàn tỉnh. Từ đó, cảnh báo cho người dân, giao nhiệm vụ cho chính quyền huyện, xã chuẩn bị phương án phòng tránh chủ động. Nơi nào có điều kiện, có kế hoạch di dời sớm ra khỏi vùng đỏ.

Tổ chức các đội xung kích ứng phó thiên tai tại thôn, xã, được tập huấn công tác cứu hộ, chuẩn bị phương tiện, trang bị cần thiết (sõng nan, phao cứu sinh, bao tải, đá hộc, túi thuốc cấp cứu...) do chủ tịch xã chỉ huy. Những vật tư, vật dụng, trang bị thiết yếu được ngân sách cân đối chi từ quỹ phòng chống thiên tai.

Về lâu dài, cần có một chiến lược dài hạn ứng phó tích cực, chủ động cho từng vùng. Ở vùng đồng bằng, ven biển, đầu tư đê, kè chống xói lở bờ sông, ven biển. Đặc biệt là ở những nơi xung yếu. Tổ chức di dời, tái định cư những vùng thấp thường xuyên bị ngập sâu, vùng các hẻm núi, triền dốc núi dễ sạt lở.

Ngoài việc chú trọng những vùng sạt lở ven sông, suối, có phương án dự phòng di dời, hoặc di dời sớm.

Cần chú trọng xây dựng và thực hiện chiến lược sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững, làm tốt chức năng phòng hộ đầu nguồn.

Trước hết cần kiểm soát, quản lý số đồng bào di cư tự do từ phía bắc vào. Vì cần đất sản xuất họ phát, đốt rừng hết sức nghiêm trọng.

Trong báo cáo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của tỉnh xây dựng chỉ tiêu kế hoạch phát triển rừng rất lạc quan: “Phát triển quỹ đất lâm nghiệp đến năm 2010: 245.000ha, năm 2020: 310.000ha. Trong đó rừng phòng hộ: khoảng 122.000ha - 130.000ha. Phân bổ chủ yếu ở khu vực núi cao phía bắc, phía nam và phía tây thuộc địa bàn các huyện Sông Cầu, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa và vùng ven biển” (trang 117 Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể... PY).

Thực tiễn phát triển ngành lâm nghiệp Phú Yên hơn 30 năm qua cho thấy luôn có sự tương quan tỉ lệ nghịch giữa dân số và đất lâm nghiệp. Dân số càng tăng thì đất lâm nghiệp càng giảm.

Quy hoạch đưa ra chỉ tiêu trong 10 năm tới tăng cho lâm nghiệp 65.000 ha? (mỗi năm 6500ha). Con số quá lớn, căn cứ thực tiễn kết quả trồng rừng của 10 năm trước ta có căn cứ để suy luận là tính khả thi của con số kế hoạch nêu trên là rất thấp.

Có thể hiểu đến năm 2020, cơ cấu kinh tế - xã hội Phú Yên đã bước vào giai đoạn công nghiệp. Nguồn sống của người dân nông thôn hiện nay chủ yếu bằng nông nghiệp, sẽ chuyển sang nguồn sống chủ yếu bằng công nghiệp và dịch vụ? Thật là thần kỳ. Chúng ta ước mong sao được như thế.

Nhưng hiện tại là hơn 70% dân số Phú Yên sống ở nông thôn đang phải luôn luôn đối mặt với vấn đề bát cơm manh áo hàng ngày. Nguồn sống vẫn là từ nông nghiệp là chủ yếu. Trong 10 năm tới chắc chắn không thể có biến đổi lớn về cơ cấu kinh tế - xã hội ở Phú Yên. Việc tranh chấp đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp sẽ còn tranh nhau quyết liệt.

Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện miền núi Phú Yên chủ yếu là trên địa hình đất đồi, đất dốc, chịu sự tác động rất lớn của biến đổi khí hậu: Mùa nắng bị khô hạn. Mùa mưa bị bào mòn, rửa trôi chất mùn, xói lở rất dữ dội.

...Một công việc không thể thiếu đó là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong nhân dân về ý thức phòng tránh thiên tai. Phải tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục để tạo thành thói quen. Làm gì cũng phải nghĩ đến đảm bảo an toàn khi có bão lụt. Từng bước xây dựng thành ý thức cộng đồng, từng bước xây dựng các định chế về an toàn chống lụt bão phù hợp với thực tiễn của địa phương.


http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%E1%BB%A7/X%C3%A3h%E1%BB%99i/tabid/141/GId/141/itemIndex/9/NId/53181/Default.aspx
 

Thứ Hai, 30 tháng 8, 2010

Cõi Thơ: Đừng Đợi

Đừng Đợi
~ Quỳnh An

Đừng đợi đến lúc mây đen vần vũ
Và bầu trời giăng bóng tối thê lương
Khi mưa giông về ngập cả phố phường
Nghìn kỷ vật trôi theo giòng nước lũ

Đừng van xin trận cuồng phong yên ngủ
Nẻo tâm tình không chùn bước thiên tai
Vạn lời cầu khấn nguyện buổi hôm nay
Quả đã kết thôi phân bày ngọt đắng!

Đừng phung phí huênh hoang vì háo thắng
Giá trị con người đâu ở nhà, xe?
Áo quần da, lông thú khoác vào “khoe”
Đầy đồ đạc nhưng tâm hồn trống rỗng

Đừng đợi lúc phải bàng hoàng tỉnh mộng
Chỉ một giây đất rung chuyển long trời
Tiếc thời gian ta mải miết rong chơi
Chưa một khắc suy tư ngày tạ thế

Cùng thiên nhiên, sống đơn thuần rất dễ
Không sát sinh, không uống máu, hại người
Luật vàng xưa đã có tự muôn đời:
“Hãy cho đi những gì ta muốn nhận.”

Đừng đợi nữa để ngày sau ân hận
Khi giã từ một kiếp sống phù du
Lúc xuôi tay trở về cõi thiên thu
Đường trơ trọi, lương tâm buồn ngoảnh lại!


Biến Đổi Khí Hậu: Việt Nam 1 trong 10 quốc gia chịu tác động lớn nhất

Việt Nam thuộc Top 10 nước chịu nhiều thiên tai nhất
Bài viết: Đại Dương

(Dân Trí) - Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất và dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu… Riêng Việt Nam là 1 trong số 10 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất.

Sáng 25/8, Hội nghị châu Á về đánh giá tác động thiên tai đã chính thức khai mạc tại TP Huế. Tham gia hội nghị có hơn 60 chuyên gia đầu ngành đến từ 20 quốc gia trên thế giới, đại diện Liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị do Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế đăng cai tổ chức với sự tài trợ của Dự án Microdis thuộc Chương trình hành động 6 của Ủy ban châu Âu và được điều phối bởi Trung tâm dịch tễ học thảm họa (CRED), Vương quốc Bỉ.

Trong ba ngày từ 25 đến 27/8, các đại biểu tham dự hội nghị nghe và thảo luận về các tham luận như: Quản lý rủi ro thiên tai ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, đặc biệt ở Việt Nam; Sự tham gia của cộng đồng và các bên liên quan trong quá trình lập kế hoạch ứng phó thiên tai ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ; Đánh giá tác động thiên tai ở châu Á;…

Thống kê của tổ chức CRED cho thấy, thiên tai ở châu Á chiếm gần 40% của thế giới và thiệt hại do thiên tai gây ra tại châu Á chiếm gần 60% trong tổng số thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn thế giới. Nghiên cứu năm 2008 của GS Hermi Francisco, Chương trình Môi trường Đông Nam Á cho thấy khu vực châu Á đã phải gánh chịu 85% số lượng các loại thiên tai và 75% tổng giá trị thiệt hại từ giai đoạn 1980 đến 2005 của toàn Thế giới.

Khu vực Đông Nam Á được đánh giá là một trong những khu vực chịu nhiều thiệt hại nhất và dễ bị tổn thương nhất của biến đổi khí hậu do các loại thiên tai liên quan như lụt, mực nước biển dâng, hạn hán… Đặc biệt, Đông Nam Á còn được xem là vùng “rốn bão” của Thế giới. Riêng Việt Nam là 1 trong số 10 nước trên thế giới chịu tác động lớn nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Huế nhằm mục đích chia sẻ, đánh giá những tác động thiên tai, thảo luận về những giải pháp ứng phó hữu hiệu từ các nước trên thế giới để cộng đồng các nước châu Á có kỹ năng đối phó với thiên tai một cách tốt nhất.

Tổ chức Khí tượng Thế giới gần đây đã khẳng định mức độ tích tụ carbon dioxide và các chất gây hiệu ứng nhà kính đạt mức cao hơn bao giờ hết. Đây là hậu quả tất yếu dẫn đến thay đổi khí hậu, kéo theo sự tăng lên về tần suất, cường độ các loại thiên tai trên thế giới.

Những ví dụ cụ thể như hiện tượng khô hạn xảy ra liên tiếp trong 2 năm 2009-2010 ở Australia, Việt Nam và Châu Phi; hiện tượng băng tan ở hai cực với ghi nhận độ lớn khủng khiếp của tảng băng tách ra ở Alaska là 250km; gần đây nhất là lũ lụt và sạt lở đất ở Trung Quốc và Pakistan đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, sức khỏe, đặc biệt là với cộng đồng dân cư nghèo.

Hội nghị lần này cũng là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức quốc tế trong, ngoài nước chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa và giảm thiểu những tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

http://dantri.com.vn/c20/s20-417976/viet-nam-thuoc-top-10-nuoc-chiu-nhieu-thien-tai-nhat.htm


 

Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Ích Quốc Lợi Dân: Lễ hội Ẩm thực Chay quy mô tại Sài Gòn


Xin cám ơn VNExpress và Hải Duyên tường thuật thông tin về ăn chay, đáp ứng thị hiếu của độc giả muốn tìm hiểu về một lối ẩm thực lành mạnh hơn cho chính mình và cho Địa Cầu.
Cũng xin biết ơn "Sài Gòn đẹp lắm" đã công phu tổ chức lễ hội ẩm thực chay với những sinh hoạt đầy vui tươi, sáng tạo. Với mỗi món chay người dân thành phố dùng trong ngày, dừng chém giết, ngưng máu đổ đầu rơi, đó là mỗi lần người dân mang ánh sáng thiên đàng đến cho thành phố. Mong cư dân "Sài Gòn đẹp lắm" (từ trong ra ngoài) mãi mãi đầy sáng tạo và tạo sáng. Xin đa tạ!

Lễ hội ẩm thực chay TP HCM quy mô lớn

[VNExpress - Hải Duyên] Hơn 100 món ăn chay kiểu Việt Nam và nước ngoài được giới thiệu tại Công viên 23/9, trung tâm quận 1, TP HCM nhân dịp mùa Vu Lan báo hiếu.

Đây là lần đầu tiên lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, kéo dài từ ngày 26 đến 29/8.
 

Với chủ đề "vì sức khỏe và môi trường," lễ hội ẩm thực giới thiệu đến công chúng sự phong phú của các món chay cũng như lợi ích của việc ăn chay đối với sức khỏe và thiên nhiên. Đồng thời, ngày hội còn nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch mới thu hút du khách trong và ngoài nước đến với thành phố.

Ngày hội có sự tham gia của hơn 50 đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm chay ở nhiều địa phương trong cả nước. 80 gian hàng được trưng bày bắt mắt, có thể coi như "đại tiệc buffet chay" với 100 món ăn được chế biến theo kiểu cổ truyền lẫn hiện đại. Dịp này, một số nhà chùa còn giới thiệu các món mới để thực khách ăn theo dạng fastfood.

Ngày hội cũng diễn ra nhiều hoạt động: “Hội thi sắc màu ẩm thực chay,” “Đêm tri ân mẹ,” “Vào bếp cùng người nổi tiếng,” Đêm hoa đăng “Con yêu mẹ” diễn ra luân phiên. Xen kẽ là các buổi nói chuyện chuyên đề "Ăn chay những điều chưa biết," hay diễn đàn "Xu hướng ẩm thực chay hiện đại" với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, ẩm thực, môi trường.... Tất cả các chương trình đều nhằm giúp người dân hiểu hơn về lợi ích của việc ăn chay với sức khỏe và môi trường.

"Ăn chay ngày nay không còn là một hành động mang tính chất tôn giáo nữa, mà mỗi người, dù theo đạo nào thì cũng cần có những ngày ăn chay để thể hiện tấm lòng báo hiếu đối với ông bà, cha mẹ. Nó cũng không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn là một cách ăn mới bảo vệ sức khỏe, góp phần thiết thực vào việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng thức ăn từ chăn nuôi", ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM - đơn vị tổ chức nói về ý nghĩa của ngày hội.

Ngoài giá trị văn hóa, Lễ hội ẩm thực chay TP HCM cũng góp phần đưa Việt Nam vào danh sách một trong số ít các nước trên thế giới có hành động cụ thể, thiết thực kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của người dân thông qua việc giảm tiêu thụ thịt động vật.

Ban tổ chức dự kiến sẽ đưa lễ hội trở thành hoạt động thường niên vào dịp rằm tháng Bảy âm lịch.

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2010/08/3BA1F881/


 

Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2010

Bạn Thú Mến Yêu: Con Tô-tô

Loài vật quanh ta là những người bạn dễ thương mà Thượng Đế ban tặng cho nhân loại. Tùy bút sau đây của nam ca sĩ Don Hồ về bọ rùa rất cảm động. Cám ơn nàng tiên Bọ mang lại cho người những giây phút êm đềm, lắng dịu trong cuộc sống. Cám ơn ca sĩ Don Hồ cảm nhận được vẻ đẹp nhẹ nhàng và tình thương vô điều kiện của Bọ. Xin chúc anh luôn cống hiến cho đời tiếng hát với tất cả chân thành và có thêm dịp chia sẻ những lời văn hay từ một cõi vô tư, thuần khiết của tâm hồn.

Thân mời các anh chị và các bạn cùng đọc.

Con Tô-tô 

DON HỒ (www.donhoproduction.com)
Viết trên chặng đường bay từ Los Angeles đến Baton Rouge, Louisiana 6/26/10

Từ lúc còn bé thơ, tôi đã yêu vô cùng những con Tô-tô. Yêu làm sao những đôi cánh cam bóng loáng với chấm đen lí tí bắt mắt.

Thuở ấy gia đình tôi ở một tỉnh nhỏ bên Thái-Lan, mướn nguyên lầu hai của một căn nhà rộng thênh thang. Có được một khoảng ban công lớn, đầy nắng gió, ngó xuống ngôi vườn trồng hoa bán, bốn mùa hoa nở rực rỡ muôn màu sắc...

Cũng nhờ (hay... tại) ngôi vườn hoa màu mỡ này mà ngày ngày cái ban-công của chúng tôi sáng tối thường xuyên được đón chào những chú Tô-tô, cùng vời hàng loạt nào cào cào, châu chấu, bọ ngựa & một lô những loài côn trùng có cánh khác... Trong đám côn trùng bay vù vù đó, với tôi, chỉ có loài Tô-tô là dễ thương nhất. Chúng hiền lành, nhẹ nhàng & đẹp đẽ. Khi bắt được, tôi hay để cho con Tô-tô bò lên tay nhồn nhột, cho đến khi nào chúng chán, đập cánh bay đi thì thôi...

Cho tới bây giờ, tôi cũng chưa biết đích xác tên Việt của chúng là gì? Không nghĩ "Tô-tô" là tên thật của giống bọ dễ thương này đâu, mà bởi bố mẹ tôi đã gọi chúng như thế nên chúng tôi gọi theo mà thôi! Cũng không nghĩ tên chúng là ... con "Cánh Cam" cho dù cánh chúng màu cam! Vì hình như Cánh Cam là loài bọ khác thì phải?

Tiếng Mỹ, người ta gọi chúng là con "Lady Bug". Nghe cũng hay hay! Nhưng nếu để tôi dịch qua tên Việt, chắc tôi sẽ gọi chúng là những con "Bọ Tiểu Thơ" cho nó hợp với màu sắc xinh xắn, điệu đà của chúng. "Bọ Tiểu Thơ", ôi nghe nó thi vị & đài các làm sao...

Bẵng đi một thời gian dài sau khi gia đình rời Thái Lan trở về sống nơi đô thị ngập đầy khói xe - cây xanh còi cọt, tôi quên hẳn mất đi cái nhồn nhột bò trên tay của loài "bọ tiểu thơ" thời ấu thơ xa xưa... 


...Rồi một buổi trưa chớm hè, tại một thành phố ở Bắc Âu xa xôi, tôi kéo valise vào lấy phòng khách sạn. Căn phòng nhỏ theo kiểu cổ, ở trên tầng bốn. Phòng tương đối cũng ổn. Sạch sẽ, thoải mái, duy chỉ có tiếc một cái là khung cửa sổ không được lớn lắm như tôi hay thích!

Bật tung, mở rộng đôi cánh cửa ra cho nắng gió ùa vào. Khung cảnh bên ngoài thật nên thơ, tươi sáng hòa vào bầu trời xanh thẫm, lãng đãng mây trôi. Chớm hè mà trời vẫn mát lạnh, không khí mang vị ngòn ngọt, trong lành. Đâu đó tiếng chuông trầm trầm của một ngôi thánh đường từ xa đổ vọng lại ...

Thoáng một vệt xám, xẹt nhanh ngang tầm mắt. Phản xạ tự nhiên, tôi giật ngược người lại & dõi mắt trông theo... Một loài côn trùng nhỏ gì đó từ ngoài không trung vừa tung cánh bay vào, đậu nhẹ trên khung kính cửa sổ. Đôi cánh màu cam lốm đốm đen quen thuộc, đầy kỷ niệm ngày xưa, vung vẩy như muốn rũ sạch cho hết bụi đường, rồi xếp gọn lại, đứng yên.

Một cảm giác thật lạ làm tôi hơi chợt ...sững người. Cảm giác như vừa tìm thấy lại được một vật thân yêu đã thất lạc từ lâu lắm. Tôi đớ người ra nhìn nó và cảm tưởng như nó cũng đang đứng chăm chú ngắm lại tôi! Bốn mắt nhìn nhau chợt như nhận ra nhau... Người ta thường đùa khi "bốn mắt nhìn nhau" thì hay "trào máu ... họng". Phía tôi thì không trào tí máu họng nào, còn phía con tô-tô thì tôi ... không biết!

Nói như thế để cường điệu, nhân cách hóa tí cho vui, chứ thật sự con tô-tô bé tẻo tèo teo, tôi có thấy mắt nó ở chỗ nào đâu mà biết nó dòm hay không dòm, trào ...máu hay không trào...

Con tô-tô vẫn như ngày xưa, rực rỡ kiêu sa trong nắng vàng. Nó đứng yên lặng như không thể nào yên hơn. Chẳng biết nó đang suy nghĩ gì?

Tôi rón rén khép nhẹ đôi cánh cửa sổ lại, sợ chừng nó có thể đổi ý và bay ngược trở lại ra ngoài. Ý tôi muốn giữ nó ở lại với mình lâu lâu hơn. Tôi như tìm ra được một người quen trong một thành phố hơi xa lạ, thấy lòng nhen nhúm lên chút ánh lửa ấm áp...

Chuông điện thoại bàn reo vang rền, tới tấp. Có người lại chở tôi đi dợt nhạc & hiện đang đợi ở dưới nhà. Con tô-tô vẫn đứng yên chờ đợi, chừng như muốn tâm sự...

- "Ở đây chờ tao tí nhá. Tao đi dợt nhạc lẹ, xong sẽ về ngay!"


Nói nhỏ & tần ngần ngắm con tô-tô thêm một lần nữa rồi tôi kéo tấm màn cửa sổ đóng lại, mục đích giữ con tô-tô lại ở giữa khung cửa & tấm màn cho đến khi tôi trở về.

Buổi dợt nhạc đã kéo dài, lâu hơn tôi nghĩ. Dợt xong mọi người còn kéo nhau đi ăn...

Khi được trả trở về lại khách sạn, thang máy lại đang bị kẹt. Không chờ đợi được, tôi dùng cầu thang bộ, phóng nhanh lên phòng.

Với tay kéo vội mở tấm màn trong cơn hổn hển thở vì mới chạy vội... Trời mùa hè miền Bắc Âu, 11 giờ đêm vẫn còn ánh sáng nhờ nhờ như buổi hoàng hôn ở Bắc Mỹ. Khung cửa kính trống trơn phản chiếu lại khuôn mặt tôi lấm tấm mồ hôi.

Chắc nó bay lên trên thôi mà, tôi nhướng mắt tìm kiếm. Vẫn không thấy bóng dáng.. Tôi mở hết công tắc những ngọn đèn trong phòng lên. Căn phòng sáng choang hẳn.
 

Một đốm đen ở dưới bệ cửa sổ, con tô-tô ở đó... Nó vẫn kiên trì đợi tôi về...
Nó nằm ngửa bụng, cứng đờ. Chân co quắp chổng hết cả lên trời...

Ngoài kia, bầu trời đêm không tối hẳn, vài cụm mây vẫn lững lờ bay...


 

http://www.facebook.com/note.php?note_id=463341982714

 

Khu Vườn Nhà Ta: Mảnh vườn hữu cơ (4 bước cuối: Nhổ cỏ, trừ sâu, thu hoạch, dọn dẹp)

Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama trồng rau cải hữu cơ
9 Bước Dễ Dàng Để Có Một Mảnh Vườn Hữu Cơ
Trồng trọt thức ăn hữu cơ ngon và lành mạnh


(Tiếp theo kỳ trước)

Theo Brian Clark Howard (The Daily Green)

6. Nhỏ cổ dại
 

À, cỏ dại! Dù sống ở tận lớp vỏ trên mặt Địa Cầu, bạn cũng sẽ gặp cỏ dại, vì hạt cỏ nhỏ li ti ở đâu cũng có. Nhổ cỏ bằng tay là công việc cực nhọc, điều đó đúng, nhưng đây cũng là một cách tập thể dục rất hay, bạn lại có dịp hưởng không khí trong lành ngoài trời nữa. Dù sao, bạn đâu muốn đổ mấy hóa chất độc lên thức ăn của mình, hoặc chỗ con cái và thú cưng của mình nô đùa, đúng không?
 

Để giảm cỏ dại, bạn cần dùng lớp phủ (mulch), như vậy cũng giúp bảo vệ đất. Theo lời cô Leslie Land, lớp phủ hữu cơ khi tan trong đất hầu như bao giờ cũng tốt hơn là lớp vải, mặc dù nếu không có điều kiện, bạn cũng có thể dùng vải bố và những vật liệu khác. Rơm rẻ nhưng không dùng lâu được. Gỗ vụn cũng tốt, nhưng đắt tiền. Nhiều người dùng cỏ vụn (sau khi cắt cỏ), nhưng nên nhớ là cỏ vụn có lượng ni-tơ cao, chỉ nên dùng cho những loại cây nào cần rất nhiều chất bổ, chẳng hạn như bí và cải xà-lách.
 

Bạn cũng có thể mướn các trẻ em trong xóm giúp nhổ cỏ dại. Đây cũng là một cách hay để làm quen với các gia đình láng giềng. 

7. Bảo vệ cây không cần thuốc độc diệt sâu

Nếu cây của bạn bị sâu ăn, đây có thể là dấu hiệu của những vấn đề khác, cho nên trước tiên bạn nên bảo đảm là cây có đủ ánh sáng, dinh dưỡng và độ ẩm. Một khu vườn có nhiều loại cây khác nhau cũng giúp ngừa sâu bằng cách giảm bớt cây mà loại sâu nào đó thích và tăng cường sự đa dạng trong vườn. 
 

Cóc, nhái, thằn lằn, chim, hoặc ngay cả dơi, cũng có thể giúp cho sâu bọ không dám đến gần. Những côn trùng hữu ích là người bạn tốt nhất, đặc biệt là bọ rùa (lady bug). Hãy để một ít nước ngoài vườn để những người bạn thú này đến thăm vườn. Trồng cây có hoa nhỏ cũng là ý kiến tốt, như cải gió (sweet alyssum) và thì là (dill). Lưới và mái che cũng giúp ngăn đường tiến của côn trùng.
 

Theo tài liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ, một điều đáng ngạc nhiên là những người chủ nhà có vườn và sân cỏ dùng hóa chất diệt sâu nhiều hơn là nông dân chuyên nghiệp, nếu so sánh diện tích từng mẫu. Ngày nay có những cách thay thế hữu cơ an toàn hơn nhiều cho chính bạn và cho môi trường của chúng ta, chẳng hạn như dầu làm vườn (horticultural oil), các dung dịch làm bằng tỏi hoặc ớt để ngừa sâu.

8. Thu hoạch

Đừng quên thu hoạch kết “quả” của công trình của bạn nhé! Rau quả hữu cơ tươi là những món quà rất tốt cho bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp. Nói chung, bạn càng hái nhiều, cây sẽ sản xuất thêm cho bạn.
 

Vào lúc mùa thu hoạch sai trái nhất, tốt hơn hết là nên viếng vườn mỗi ngày. Bạn trồng rau sống ư? Chỉ cần hái ngay trước khi cần dùng. Nếu bạn muốn phơi khô và để xài lâu, tốt hơn là nên đợi tới ngay trước khi rau nở hoa, đó là lúc rau có nhiều hương vị nhất. Hái các loại rau sống (trừ rau quế) vào buổi sáng, ngay sau khi sương vừa ráo. Rau quế nên hái khoảng trưa chiều, vì rau sẽ giữ được lâu hơn sau một thời gian dưới ánh mặt trời.    

Rửa rau sống sẽ làm mất hương vị của rau. Nếu làm vườn theo kiểu hữu cơ (thiên nhiên, không có hóa chất), bạn không cần phải lo rửa nhiều cho sạch thuốc diệt sâu rày! [mà có rửa cũng không làm sao sạch được hóa chất!] Đây là một điểm khích lệ thêm cho chúng ta khi trồng rau theo kiểu hữu cơ!
 

Khi thu hoạch rau cải có lá xanh, luân phiên hái từ mỗi cây một ít. Còn bông cải xanh (broccoli), hãy đợi cho đến khi đầu bông cải nở to tối đa. Khi hái rau, tốt hơn là dùng dao bén hoặc kéo, thay vì dùng tay, để tránh tổn thương cho cây. [Có vị cho biết trước khi hái rau quả đều xin phép cây, cảm ơn và chúc lành cho cây.]
 

Nếu rau quả sản xuất nhiều, không kịp tiêu thụ, bạn cũng có thể đông lạnh và đóng keo. Hãy thưởng thức món quà của thiên nhiên, bạn nhé!

9. Dọn dẹp

Nếu cây nào bệnh cần nhổ, bạn nhớ bứng tận gốc. Đừng quên cào đất sâu ở dưới và dọn cho sạch, vì những lá bệnh rơi xuống đất cũng có thể mang rắc rối rất lâu. Bỏ cây bệnh trong rừng sâu, chôn dưới đất ít nhất khoảng 1/3 thước, hoặc cho vào lửa đốt.
 

Đa số những cây khỏe mạnh (hoặc ngay cả cây chết) có thể để yên tại chỗ qua mùa đông, làm thức ăn và nơi trú ẩn cho chim chóc và các loài thú hoang dã khác, cũng như giúp cho đất khỏi bị xói mòn.


http://www.thedailygreen.com/green-homes/latest/organic-gardening-tips-460309?src=nl&mag=tdg&list=nl_dgr_gdn_grn_072310_organic-garden&kw=ist


 

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2010

Nếp Sống Ăn Chay: Một vài cách thay thế trứng


Bài nhận định đăng trên báo “The Union” của anh Gerald Lawson từ thành phố Grass Valley, bang California, Hoa Kỳ trong tuần này, 24/8/2010. Ngày nay có nhiều cách để ăn và sống mà không cần dùng trứng gia cầm. Ăn trứng vừa dễ nhiễm bệnh, vừa béo, vừa hại cho tim mạch, vừa gây đau khổ cho hàng triệu triệu các bạn gà - những đau khổ không cần thiết và không bao giờ cần thiết.

Trứng xấu là lý do tốt để thay đổi

Hàng trăm người đã trúng độc khuẩn salmonella enteritidis, khiến 380 triệu quả trứng đã bị thu hồi trên khắp 17 bang Hoa Kỳ. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, có trên 100.000 người Hoa Kỳ bị nhiễm khuẩn salmonella mỗi năm vì trứng. Những triệu chứng thông thường bao gồm tiêu chảy, đau thắt vùng bụng, và sốt.

Nhiễm khuẩn salmonella chỉ là một trong những ảnh hưởng tai hại cho sức khỏe khi ăn trứng mà nhiều người biết đến. Ngoài ra, một quả trứng trung bình có lượng chất béo rất cao, cộng thêm 213 gram cholesterol, đây là những yếu tố chính gây ra bệnh tim, đột qụy, ung thư và tiểu đường.

Hơn nữa, 380 triệu quả trứng đó là sản phẩm của gần 1 triệu rưỡi gia cầm chịu đựng đau khổ cả năm trời trong những chiếc lồng chật hẹp bằng dây thép bén, thường cắt bàn chân và làm rách lông gà. Phân gà bị đổ vào dòng nước gần đó, gây ô nhiễm trầm trọng cho sông Mississippi, và dần dà sẽ đưa đến kết cuộc là một vùng biển chết ở Vịnh Mễ Tây Cơ, gấp 3 lần diện tích tai nạn dầu lan của BP. 

Tin vui là có nhiều loại thay thế trứng rất lành mạnh, thân thiện với sinh thái, và ngon. Để biết thêm chi tiết, xin xem www.chooseveg.com/vegan-substitutes.asp.


[VNAC xin chú thích từ trang mạng tiếng Anh trên:
Có các loại bột thế trứng, hoặc có thể dùng 1 trong 4 công thức sau đây, tương đương với 1 quả trứng:
  • 1 muỗng canh bột năng + 2 muỗng canh nước
  • 1 muỗng canh đậu hủ tán nhuyễn
  • 1 muỗng canh hạt lanh xây nhuyễn (ground flax seed) + 2 muỗng canh nước
  • ½ trái chuối tán nhuyễn]  

http://www.theunion.com/article/20100824/NEWS/100829918/1025

 

Vì Sao Ăn Chay: Ăn trứng nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong cao

Trứng không rõ nguồn gốc rất dễ nhiễm khuẩn (VNMedia)
Ăn trứng nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong cao 
Thùy Minh
Ngày 27/08/2010

(VnMedia) - Gần đây, Mỹ phải thu hồi hơn nửa tỉ quả trứng gà vì nghi nhiễm vi khuẩn Salmonella sau khi hàng ngàn ca ngộ độc thực phẩm liên quan đến trứng xuất hiện liên tục tại nước này. Còn ở Việt Nam, tuy chưa phát hiện trứng gà bị nhiễm loại vi khuẩn này nhưng theo cách thức chăn nuôi và cách tiêu dùng của nhiều người dân hiện nay thì nguy cơ nhiễm khuẩn Samonella sẽ rất cao.

Thói quen tiêu dùng "điếc không sợ súng"

Dạo qua các siêu thị, các chợ trên địa bàn Hà Nội mới thấy thói quen tiêu dùng của người dân vẫn theo kiểu “ điếc không sợ súng” mặc cho các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường xuyên tuyên truyền kiến thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ mình trước dịch bệnh.

Tại nhiều chợ như lớn: chợ Hôm, chợ Kim Liên, chợ Thịnh Liệt, chợ Trương Định… rất nhiều quầy bán trứng bày bán la liệt đủ các loại từ trứng vịt, trứng gà đến trứng chim cút mà vỏ không được vệ sinh sạch sẽ và nghiễm nhiên không hề đề nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Theo nhiều người bán hàng lý giải thì loại trứng như vậy mới là trứng ta "xịn", còn trứng trắng sạch, bóng mượt chỉ có trứng của Trung Quốc.

Các chợ có đông dân cư đến mua hàng đã vậy, nhiều chợ cóc, chợ tự phát thì tình trạng trứng dơ bẩn ở vỏ, thậm chí dập nát vẫn bán được vô tư cho những người tiêu dùng ham rẻ. Chị Lan Anh, một khách mua hàng tại chợ Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, khi đi mua trứng chị thường bắt gặp hiện tượng quả đã bị dâp, ngoài vỏ thì bẩn, nhưng nhiều người vẫn mua. Thường những loại trứng này được bán với giá rẻ hơn một vài đồng. Nhiều người tiết kiệm hay mua trứng đấy.

Không chỉ tại các chợ, thậm chí tại một số siêu thị, trứng gà bày bán được buộc thành từng giỏ cho tiện lợi đối với người mua, nhưng cũng chẳng hề thấy đề nguồn gốc trứng. Giá thành của trứng được bày bán trong siêu thị tuy có vẻ cao hơn ngoài chợ nhưng cũng chắc được người dân tin tưởng hoàn toàn.   

Hiện trên thị trường, một số loại trứng gà, trứng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và còn được khử khuẩn bằng tia UV như trứng của công ty Phúc Thịnh không nhiều. Phần lớn, nguồn hàng được cung cấp từ những người chăn nuôi nhỏ lẻ nên khả năng bảo quản trứng rất kém, rất dễ bị nhiễm khuẩn. 

Ăn trứng nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong cao

Theo Tiến sĩ Đoàn Mai Hương, Phó trưởng Khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Salmonella là loại vi khuẩn đường ruột, có trong phân nhiều loại động vật. Vi khuẩn Salmonella có khả năng lây lan lớn khi phân nhiễm khuẩn bị thải ra ngoài môi trường đất, nước...

Nếu ăn phải trứng nhiễm loại vi khuẩn này sẽ gây nhiễm trùng đường ruột. Tùy số lượng vi khuẩn nhiễm vào cơ thể mà độc lực gây bệnh cao hay thấp. Ở mức độ cao, Salmonella đi vào máu, gây bệnh ở nhiều cơ quan, nhiễm trùng máu dẫn đến thương hàn, có nguy cơ tử vong rất cao. 

Người bị nhiễm khuẩn Salmonella thường phát bệnh từ 48 đến 72 tiếng, bệnh nhân có các triệu chứng nôn, tiêu chảy, sốt cao. Sau khi điều trị kháng sinh thì có thể khỏi. Tuy nhiên,  vẫn có 3% - 5% người mắc bệnh trở thành người lành mang vi khuẩn. Những người này nếu không được quản lý thì nguồn lây nhiễm ra cộng đồng rất cao, đặc biệt nếu những người làm trong ngành chế biến thực phẩm thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng cao.
 
Vì vậy, Tiến sĩ Đoàn Mai Hương khuyến cáo, người dân khi đi mua hàng nếu gặp trứng gà chưa sạch, dính phân thì không nên chọn, quả trứng đã dập, đã vỡ thì càng không nên mua bởi đó là nguy cơ cao để vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào. Đặc biệt, hết sức chú ý thực phẩm dính phân như trường  hợp trứng nuôi tại các trang trại không đảm bảo an toàn vệ sinh rất có thể trứng này đã nhiễm khuẩn  từ loại phân của các động vật nuôi. Người tiêu dùng cũng cần hết sức chú ý, ăn chín uống sôi. 

Về phía chính quyền nên quản lý nguồn chất thải, nguồn phần  và cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng. Quản lý tất cả người lành mang vi khuẩn, phát hiện những người làm trong ngành thực phẩm có mang Salmonella. Nếu phát hiện ra bệnh nhân bị nhiễm bệnh thì phải điều trị kịp thời và cách ly.
 
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vi khuẩn Salmonella được phát hiện trên trứng gà bị thu hồi tại Mỹ là loại vi khuẩn gây ngộ độc khá phổ biến trong các ca bệnh tại Việt Nam. Trung tâm chống độc từng tiếp nhận điều trị cho không ít bệnh nhân bị nhiễm khuẩn Salmonella rất nặng do ăn trứng nhiễm khuẩn hay nem tai, tiết canh. Song, thường gặp nhất vẫn là các ca bệnh thương hàn tại các khoa truyền nhiễm.


Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Thời tiết bất thường đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

Hàng năm có 1 tỷ người thiếu ăn trên thế giới.
Sau đây là bài viết của Chu Hồng Thắng trên báo Nhân Dân, hôm qua, ngày 25-08-2010 (chữ in đậm của Việt Nam Ăn Chay). Cám ơn báo Nhân Dân và các cơ quan truyền thông quan tâm loan báo những tin cập nhật và trung thực về tình trạng của Địa Cầu. Với nạn biến đổi khí hậu gây thiệt hại mùa màng và dân số trên đà tăng vọt, lương thực toàn cầu chắc chắn sẽ không sao bảo đảm để nuôi sống cả hành tinh này.

Dân ta có câu "miếng ăn là miếng tồi tàn." Mà thật vậy, khi không có ăn, đói khát xảy ra, người ta sẽ dễ tranh giành, chiến tranh, bạo động. Chúng ta phung phí quá nhiều tài nguyên cho việc trồng ngũ cốc để đánh đổi miếng thịt, trong khi hàng năm có ít nhất 1 tỷ người trên thế giới thiếu ăn (theo thống kê Liên Hiệp Quốc năm 2009).

Nhân loại ơi, những bạn trẻ, những nhà trí trức, những người lãnh đạo, những người thông minh, những người xinh đẹp, hãy giúp một tay và đồng lòng ăn chay để tiết kiệm vô số kể tài nguyên (đất, nước, không khí, nhân lực, sức khỏe con người, sức khỏe Địa Cầu, sức khỏe tâm linh), xem tình hình có khả quan được chút nào không, trước khi chúng ta cùng đưa nhau đến bờ vực thẳm chỉ vì... miếng ăn.

Thời tiết bất thường đe dọa an ninh lương thực toàn cầu

ND - Giá ngũ cốc trên thị trường thế giới hạ nhiệt khi có dự báo mưa tại phần lớn châu Âu, nhất là ở Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba trên thế giới. Những "cơn mưa vàng" cuối tuần qua tại Nga không chỉ làm giảm sức nóng từ thảm họa cháy rừng ở nước này, mà còn giúp kéo giá ngũ cốc tại Mỹ và châu Âu giảm khoảng 5%, làm dịu nguy cơ lặp lại khủng hoảng lương thực thế giới, từng xảy ra năm 2008. Tuy nhiên, các hiện tượng thời tiết bất thường tiếp tục đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực thế giới được cảnh báo từ đầu tháng 8, khi giá lúa mì trên thị trường thế giới tăng chóng mặt, hơn 70% so một tháng trước đó. Giá các mặt hàng ngũ cốc tăng 50% kể từ tháng 6, mức tăng lớn nhất trong 30 năm qua. Nguyên nhân trực tiếp đẩy giá ngũ cốc tăng vọt chính là những dự báo thiếu lạc quan về tình hình mùa vụ ở các quốc gia sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, do các hiện tượng thời tiết bất thường, như nóng hạn ở Nga, Nhật Bản và lũ lụt nghiêm trọng ở Trung Quốc, Pa-ki-xtan, Ấn Ðộ...

Ðợt nắng nóng và khô hạn vừa qua được ghi nhận là nghiêm trọng nhất trong 130 năm qua ở Nga, kèm theo cháy rừng trên diện rộng đã phá hủy hơn 20% vụ mùa, ước tính làm giảm một phần tư sản lượng ngũ cốc của Nga trong vụ này. Dự báo, tổng sản lượng ngũ cốc năm nay của Nga chỉ đạt 60 đến 65 triệu tấn, giảm mạnh so mức 97 triệu tấn năm 2009 và 108 triệu tấn năm 2008.

Các chuyên gia cảnh báo, mức thiệt hại do thiên tai tại quốc gia chiếm 8% sản lượng lúa mì thế giới này có thể làm giảm 1,6% tổng nguồn cung lúa mì toàn cầu. Tình hình xấu đến mức các chuyên gia cảnh báo Nga có thể phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn ngũ cốc trong niên vụ 2010 - 2011 và là lần đầu trong 10 năm qua. Chính phủ Nga bác bỏ việc phải nhập khẩu ngũ cốc, nhưng ban hành lệnh cấm tạm thời việc xuất khẩu ngũ cốc, từ ngày 15-8 đến hết 31-12 năm nay [2010]. Tổng thống Nga Ð.Mét-vê-đép chỉ thị Chính phủ theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả, ngăn chặn đầu cơ lương thực.

Lũ lụt nghiêm trọng đang đe dọa làm sụt giảm sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc, quốc gia sản xuất 35% sản lượng gạo toàn cầu. Theo Cơ quan Dự trữ lương thực quốc gia Trung Quốc, sản lượng gạo của nước này năm nay ước giảm khoảng 10%. Tại nhiều vùng sản xuất lúa chủ yếu bị ảnh hưởng lũ lụt, như Giang Tây và An Huy, sản lượng có thể giảm tới 20% hoặc 30%.

Hai vựa lúa khác ở châu Á là Ấn Ðộ và Pa-ki-xtan, vốn chiếm tới 15% thị phần thế giới, cũng đang phải vật lộn với trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử, phải kêu gọi viện trợ quốc tế để khắc phục hậu quả thiên tai. Các khu vực sản xuất lúa mì lớn khác của thế giới cũng đang hứng chịu những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Khu vực Biển Ðen điêu đứng vì hạn hán. Tại Ca-na-đa, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, mưa lớn kéo dài có thể làm sản lượng lúa mì năm nay của nước này giảm tới 36%...

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cảnh báo sẽ hạ mức dự báo sản lượng lúa mì của thế giới trong năm nay, thậm chí không đưa ra dự đoán về sản lượng của Nga. Sau Nga, một số nước xuất khẩu ngũ cốc lớn như U-crai-na và Ca-dắc-xtan, hai vựa lúa mì khác của thế giới, cũng cân nhắc việc tạm ngừng xuất khẩu mặt hàng này, nhằm bảo đảm an toàn lương thực và kiềm chế tăng giá lương thực trong nước.

Thực tế khó khăn kể trên, cùng với giá các loại ngũ cốc trên thế giới tăng vọt đã dấy lên mối lo ngại lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008, do nhiều chính phủ đồng loạt cấm xuất khẩu gạo, đẩy giá gạo lên hơn 1.100 USD/tấn, thậm chí dẫn đến cướp bóc lương thực, bạo loạn... Tuy nhiên, các số liệu của giới chuyên gia lương thực quốc tế cho thấy, tại thời điểm hiện nay an toàn lương thực của thế giới vẫn chưa tới ngưỡng nguy hiểm. Tỷ lệ dự trữ lương thực ở mức 26%, cao hơn mức 20% khi xảy ra khủng hoảng lương thực 2 năm trước đây. Trong đó phải kể đến các kho dự trữ gạo lớn, như Trung Quốc 40 triệu tấn, Ấn Ðộ 30 triệu tấn... Dự báo vụ mùa bội thu sắp tới ở Ô-xtrây-li-a [Úc] và Mỹ nhờ thời tiết thuận lợi có thể góp phần làm giảm sức ép về giá lương thực trên thế giới.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bất thường, hậu quả trực tiếp từ tình trạng biến đổi khí hậu, sẽ dẫn đến sụt giảm sản lượng lương thực, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Báo cáo của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho rằng, hiện tượng tan băng khiến nước biển dâng trung bình một mét vào cuối thế kỷ 21 sẽ gây tác hại nghiêm trọng các diện tích lúa được trồng tại các vùng châu thổ và duyên hải địa hình thấp tại châu Á. Lượng khí thải CO2 và nhiệt độ tăng có thể làm giảm 10% sản lượng lúa gạo.

Trong khi đó, báo cáo "Chỉ số nguy cơ an ninh lương thực năm 2010" LHQ vừa công bố cho thấy, Áp-ga-ni-xtan đứng đầu tốp 10 quốc gia có nguy cơ lớn nhất về an ninh lương thực. 36 trong 50 quốc gia được cảnh báo đối mặt nguy cơ cao về lương thực là các nước ở khu vực nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi. Lũ lụt ở Pa-ki-xtan và nắng hạn ở Nga cũng là những yếu tố làm tăng nguy cơ về an ninh lương thực tại hai quốc gia này trong năm tới. FAO ước tính, thế giới hiện có 1 tỷ người thiếu ăn. Ðể nuôi sống 9 tỷ người vào năm 2050, thế giới phải tăng gấp đôi sản lượng nông nghiệp. LHQ khuyến cáo các nước quay trở lại đầu tư phát triển nông nghiệp, cũng như thúc đẩy đàm phán nhằm sớm đạt được một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu.

http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=45&sub=83&article=182086


 

Bếp Chay Thanh Nhẹ: Cơm đậu Trung Mỹ Gallo Pinto

Cơm đậu gallo pinto (Công thức & Ảnh: VegNews Recipe Club)
Cơm đậu Trung Mỹ Gallo Pinto

Đây là món truyền thống của hai quốc gia Costa Rica và Nicaragua ở Trung Mỹ. Gallo pinto, tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là gà đốm, có tên như vậy vì khi đậu đen hoặc đậu đỏ nấu chung với gạo, lúc cơm chín sẽ pha màu đậu.

Món chay này vô cùng đơn giản, vật liệu xứ nào cũng có, và rất bổ. Đậu đen có 80 chất dinh dưỡng, bao gồm nhiều chất đạm, chất sắt, sinh tố folate. Gạo trắng có trên 15 sinh tố và khoáng chất. Gạo cũng có nhiều chất đạm qua 8 loại axít amino cần thiết: leucine, isoleucine, lysine, methionine, phenylalanain, theronine, tryptophan, và valine.

Cho 3 phần ăn

Nguyên liệu bạn cần:


3/4 chén đậu đen nấu chín (nấu trước một ngày càng tốt)
1 chén cơm (nấu trước một ngày càng tốt)

1/2 chén nước dùng (khi nấu đậu, chắt nước để dành)
1 muỗng canh ớt chuông đỏ, băm nhỏ 
1 muỗng canh hành (tùy thích)
2 muỗng canh ngò tươi băm nhỏ
1/2 muỗng canh xốt salsa (gồm cà chua băm nhỏ, chanh, ớt, ngò)
Chút ớt
Chút bột thìa là Ai Cập (cumin)
Bánh tráng bắp (corn tortilla)

Trang hoàng: vài lát quả bơ chín, cà chua, ngò tươi  

Mời bạn vào bếp chay!

1. Trong một chảo to, nấu đậu chín và nước dùng cho đến khi sôi. Giảm lửa trung bình, cho thêm ớt chuông, ớt, và bột thìa là Ai Cập. Nấu khoảng 2-3 phút, đừng đậy nắp. 

2. Sau đó cho cơm, ngò, và xốt salsa vào. Trộn đều. Đậy nắp, nấu cho đến khi vừa nóng thì tắt lửa. 

3. Dọn ăn liền. Trang hoàng với vài lát quả bơ chín, cà chua, ngò. Ăn chung với bánh tráng bắp loại mềm.

Bánh tráng bắp (tortilla)
Xốt salsa (Ảnh: veryveryvegan.com)
                                                     
http://nutritiondata.self.com/facts/legumes-and-legume-products/4284/2
http://health.learninginfo.org/rice.htm

 

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 13)

Quách Tĩnh, Hoàng Dung Ăn Chay (Hồi 13)

(Các kỳ trước)

QT, HD vừa công-phơ-răng côn xong với Vũ Tể tướng ngoài vườn Khưu gia trang. Cả hai được lệnh cần sang kinh đô Hoa-Sinh-Tân khẩn cấp.

QT: Em Dung, mình trở vào trong, không thôi Khưu trang chủ, phu nhân và mọi người trông.
HD: Quách ca, khoan đã!
QT: Sao em?
HD: Hôm nay 16 trăng tròn, em muốn ngắm trăng một tí trước khi trở vào.
QT: À, phải rồi, hôm qua là ngày rằm tháng 7, đại lễ Vu Lan, khắp nơi đều đón mừng.
HD: (ngậm ngùi) Quách huynh, những ngày lễ như vầy, người ta phần đông ai cũng có mẹ, còn Dung nhi lớn lên không biết được tình thương của mẹ là gì... (rươm rướm nước mắt)
QT: (nhẹ vuốt tóc HD bằng tay trái, đây là chiêu ruột của QT, chúng ta sẽ thấy dài dài) Em Dung, em đừng quá mủi lòng, dù sao thì em cũng còn cha...
HD: Em biết, nhưng em vẫn thích được nũng nịu với mẹ, dù chỉ một lần...
QT: Mỗi người một phần số nhe em... Anh cũng mất tình phụ tử, chưa bao giờ được thấy mặt người...
HD: Quách huynh, những người còn cha còn mẹ đầy đủ không biết được diễm phúc của họ, phải không anh? Em nghĩ nhiều khi người ta không biết quý những gì người ta đang có.

QT: Nhưng cũng có những người rất hay đó Dung nhi, trong lòng lúc nào cũng có sự biết ơn. Sống như vậy thật nhẹ nhàng. Mình học biết ơn tất cả...
HD: Quách ca nói đúng... Em, em cũng biết ơn mình đã quen nhau...
QT: Anh cũng vậy... Thấy em sớm mồ côi mẹ, anh lại càng thương.
HD: Em biết mà, Quách ca.. À, mà hôm qua anh gọi thăm Lý bá mẫu chưa?
QT: Công việc lu bu, bận quá, anh cũng quên. Với lại lúc này má cũng không còn ở Mông Cổ nữa.
HD: Anh gọi má một tiếng đi. Bố mất rồi, má chỉ có một mình.
QT: Em nói phải. Bây giờ chắc bên đó là buổi sáng.
HD: Ủa, má đang ở đâu anh?
QT: Má thường rày đây mai đó. Hôm qua có nhắn tin lại trong máy, anh quên nói cho Dung nhi hay. Để anh gọi liền nhe.
HD: Để em giúp. (HD có tài bấm điện thoại rất nhanh như tổng đài)
Lý Bình: Wai. A-lô. Oui.
QT: Má má, con trai cưng của má đây.
LB: Tĩnh hả con?
QT: Dạ con. Má đang ở đâu đó má?
LB: Má đang trong tiệm cà-phê dưới đồi Thánh Tâm Sacré Coeur. Định gọi bánh croissant và cà-phê sữa ăn sáng đây!
(Điện thoại của HD và QT đặc biệt có thể nối với nhau nên HD đều nghe rõ. HD thoáng nhìn, QT hiểu ý.)
QT: Í, má má à, bánh croissant có trứng, có bơ, má má ăn chi, cò-lét-te-rôn lên cao rồi bị xì-tróc, mắc công lắm.
LB: (chiều con) Vậy thôi ha? Vậy má uống cà-phê sữa thôi.
(HD nhìn lần nữa, QT hiểu ý luôn. QT ở gần HD nên chỉ số thông minh IQ cao, không cần phải giải thích nhiều cũng hiểu.)
QT: Í, sữa là của bò mẹ dành cho bò con, má đừng uống sữa tội nghiệp bò con nghe má.
LB: Ủa, trước giờ người ta cũng dùng vậy mà. Phô-mai cũng từ sữa, mình ăn từ trước đến giờ có sao đâu?
QT: Dạ không đâu má ơi, người ta vắt sữa công nghệ, hình con bò cười mỉm chi là quảng cáo lấy tiền, chứ thật ra ngoài đời bò cười không nổi. Ép máy vô chỗ đó, ai mà chịu đời cho thấu... Hôm trước má má đi chụp ma-mo-gram, cả tuần còn đau, con mua dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cho má má xức đó, má má nhớ hông?
LB: Ờ cũng có lý, đau đớn đấy chứ! Tội nghiệp, ngày nào cũng bị vậy chắc thành con bò khóc la vache qui pleure mất...
QT: Dạ đúng đó má má. Với lại, sữa bây giờ nhiều thuốc trụ sinh lắm, người ta chích cho bò rồi mình uống vào...
LB: À, ha... Thôi má hiểu rồi. Nhưng vậy má ăn gì bây giờ?
QT: Má ăn bánh mì baguette, uống trà xanh hữu cơ hay nước trái cây nguyên chất, ăn sáng bên Tây như vậy cũng tốt và rất Pa-ri-zen rồi đó má. Hôm nào má má nhớ các món tìm xẩm, hắc cảo, bánh bao, xíu mại, bánh khoai môn, bánh ướt nước tương dầu mè... thì bên Pháp cũng có tiệm chay phục vụ hết mình.
LB: Cũng ngon đó chứ! Cám ơn con. Ăn vậy cũng giữ eo nữa, tại ban nãy có mấy ông họa sĩ dưới đồi Thánh Tâm xin vẽ chân dung má.
QT: Dạ, má đi du lịch vui. Bổng lộc triều đình vẫn được cấp dưỡng đầy đủ hàng tháng phải không má?
LB: Dư nhiều lắm con. Má tiết kiệm mà, chỉ đi du lịch và học hội họa chút đỉnh giải sầu.
(HD ra dấu, QT lại hiểu. Sao QT IQ cao thế, chắc nhờ ăn chay!)
QT: Dạ. À, má ơi, có Dung nhi muốn xin phép vấn an má.
LB: À, ái nữ của Hoàng Dược sư đó hả? Được được.
HD: Con kính chào Lý bá mẫu...
LB: Chào con. Con gọi ta là má má như Quách nhi cũng được, ta đã xem con là người bạn đời mà Tĩnh chọn mặt gửi vàng.
HD: (đỏ mặt, QT cười cười) Dạ cám ơn Lý.. má má... Má ơi, mùa Vu Lan này, hai con kính chúc má má sức khỏe dồi dào, sống thật lâu với tụi con, và những ước mơ của má má sẽ thành sự thật nhe má.
LB: À, con ngoan lắm. Thằng Tĩnh thật may mắn được vợ đẹp và giỏi như con.
QT: (hí hửng, nói nhỏ với HD) Má gọi em Dung là bà xã của anh...
HD: (mắc cỡ) Dạ cám ơn má. Hôm nào xong công việc, chúng con sẽ cùng du lịch với má ở những nơi có nhiều danh họa. Con cũng rất thích tranh.
LB: Ừ, nhớ nhe hai đứa!
HD: Dạ tụi con xin phép ngừng máy để má dùng điểm tâm. Dạ anh Tĩnh con đây.
QT: Má má ăn ngon nhe. Má làm ơn nhớ giùm con hai câu này:
"Muốn không mau bệnh, chóng già,

Đừng ăn động vật sẽ ra
béo phì."
Tụi con cũng vậy, ăn thuần chay luôn!

LB: Hai đứa bây hết hả? Còn trẻ mà cũng sợ bệnh sao?
QT: Dạ, “phòng bệnh hơn trị bệnh.” Với lại người trẻ cũng bị đột quỵ, tiểu đường, béo phì, má à! Tránh ăn thịt, trứng, bơ sữa thì bớt mấy vụ này.
LB: Rồi, má nhớ. Tại lúc trước má không nghe ai nói mấy chuyện này đó thôi. Má ăn uống dễ mà.
QT: Dạ, má ăn chay với tụi con cho vui. Với lại, má ăn chay, sống lâu cho con trẻ đừng mồ côi mẹ lẫn cha.
LB: Ăn chay chuyện nhỏ, má làm được. Đời má còn nhiều chuyện gian truân, khó khăn hơn nhiều.
QT: Dạ con biết. Bởi vậy con thương má lắm... (nhìn HD) Em Dung con cũng thương má nữa, nhắc con gọi má đó.
LB: Thì người xưa nói “con dâu mới thật là con của mình” mà, chính xác lắm.
QT: Dạ. Je t'aime, I love you, ngộ ái nị, má má.
LB: Moa ô-xí. Má cũng vậy. Ô-rờ-voa, hai con.
QT & HD: A bientôt, má má.
(hôn hôn 3 lần)
(Nhạc đệm:
Paris có gì lạ không em... )

HD : Quách ca, anh giỏi quá, má má hiểu nhanh nữa, chịu ăn chay liền! Khi đến Hoa-Sinh-Tân, em nhất định sẽ đãi anh, Vũ Tể tướng và phu nhân một chầu ăn chay do chính em “biên soạn.”
QT: Trời, nấu ăn mà em làm như viết kịch bản.
HD: Thì cũng phải diễn tả cho bà con biết mấy món ngon chứ.
QT: Hoàng muội nấu ăn thì số 1 đối với Quách Tĩnh rồi! Anh sẽ vô bếp, giúp em "sửa soạn," chịu không? À, với lại Tuyết Hỷ Cô nương cũng có nhiều ảnh minh họa các món chay do Bồ Tát nấu, mình có thể nói các bảo tàng viện bên Hoa-Sinh-Tân triển lãm cho mọi người cùng biết.
HD: Dạ, nhiều món ngon, xếp hàng lần thứ 2 cũng không có thêm!
QT: Ha ha, “ai bảo ăn chay là khổ...”
HD: Quách ca nè, chiếc máy bay quang năng của mình, Dương Khang mượn lấy đi mấy ngày rồi, chưa trả theo đúng hẹn.
QT: À, chắc Dương đệ còn ham vui. Nếu không tìm được chiếc máy bay xô-la chạy bằng năng lượng mặt trời, mình phải tìm cách khác để về kinh đô cho kịp.
HD: Suỵt... Quách ca, có tiếng người... (đưa ngón tay ra dấu ngưng nói, hai người nép vào thân cây ổi)

Kỳ tới: Hành trình về phương Đông.

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Bạn Thú Mến Yêu: Tình mẹ con trong thiên nhiên

Gấu trắng Bắc cực thường sinh đôi. "Gắng trèo lên nào, em bé cưng của mẹ!"

Hai mẹ con linh miêu, không biết đang trầm tư gì đây. "A penny for your thought!"
Gấu đen leo cây rất giỏi, có thể ăn, đùa, ngủ trên cây. "Có anh chị nào thích đùa như hai mẹ con tớ không?"
Hai mẹ con khỉ. Địa chỉ nhà: Nam Mỹ. "Bạn xem, chúng tôi cũng có mắt, mũi, miệng..."

Nhân ngày Vu Lan, mời các bạn xem một số hình ảnh nói lên tình mẹ con giữa loài vật ngoài thiên nhiên hoang dã, có thể bạn sẽ cảm nhận được tình cảm của họ cũng quấn quýt và tha thiết lắm, vì Thượng Đế đã tạo ra như thế. Mong chúng ta luôn cố gắng ăn chay, sống xanh để mẹ con loài vật không phải chia lìa.

Hải cẩu "ngẩng đầu lên ta gọi mặt trời": "A, ấm quá, hai má con mình tắm nắng xíu nha!"

Beo đốm thường sinh ba. "Khi lớn lên em muốn giống Mẹ!"

Món quà Vu Lan, món quà của tình thương: Ăn chay.

 


Cõi Thơ: Mẹ và Con (Quỳnh An)

Tranh Mary Cassatt
Mẹ và Con
~ Quỳnh An

Đêm nhớ mẹ ánh trăng buồn ẩn hiện
Tiếng trùng dương êm như tiếng mẹ ru
Con chào đời một buổi sáng mùa thu
Vòng tay mẹ nâng niu từ thuở ấy

Đôi mắt mẹ đầy thiết tha lóng lánh
Bầu sữa ươm nồng giấc ngủ yêu thương
Tình mẹ con to rộng chẳng biên cương
Lời âu yếm thâu gồm trong vũ trụ

Môi mẹ cười tươi như hoa hé nụ
Cho lòng con cũng sung sướng vui lây
Mẹ sớm hôm tần tảo tháng năm gầy
Từng manh áo miếng cơm con sung túc

Ngày tựu trường mẹ đưa con vào học
Tiếng trẻ ê a, mẹ đứng vẫy tay chào
Mẹ có mộng mơ, có nhớ đến năm nào
Lúc tóc còn xanh, quen ai ngoài cửa lớp

Bao ngày qua tóc xanh giờ nhuốm bạc
Cuộc hí trường thôi ta diễn cho xong
Bạn tình xưa đã về cõi thong dong
Người ở lại đời mong manh sương khói

Khi đêm xuống có bao giờ mẹ hỏi
Sinh mệnh này nguồn gốc đến từ đâu
Mẹ cùng con thân thuộc bấy nhiêu lâu
Mà trìu mến nối nhịp cầu huyết thống?

Tạ ơn mẹ tạo cho con sức sống
Hình hài này mẹ nuôi dưỡng cưu mang
Con lớn khôn nhờ tài mẹ đảm đang
Bao chịu đựng hy sinh dầy mưa nắng

Mẹ ơi, gặp nhau đây trên biển đời câm lặng
Ta nhìn nhau, biết nói những câu gì
Mỗi linh hồn phải đốt đuốc mà đi
Tìm nguyên thủy vĩnh hằng không phai nhạt

Đêm nhớ mẹ ánh trăng pha màu bạc
Chiếu lung linh soi cửa ngỏ tim con
Hành trình nay chân đã mỏi gối mòn
Mong gặp mẹ bên kia bờ ngăn cách.


(Riêng tặng Hồng Hương và những ai thương mẹ)

 

Thứ Hai, 23 tháng 8, 2010

Tùy Bút: Vu Lan thăm Mẹ


Cuối tuần qua Hồng Hương thu xếp về thăm Mẹ ở nhà dưỡng lão. Khi vừa xuống xe là HH đi nhanh vào tìm Mẹ, vì thật ra đây là những giây khắc quý báu và hạnh phúc nhất của HH. Nhiều gia đình Việt Nam bên Mỹ không có điều kiện chăm sóc cha mẹ già ở nhà, phải đưa vào viện dưỡng lão, ngay cả những vị bác sĩ, luật sư thành công trong xã hội cũng gửi thân nhân vào đây. Thảo nào có câu "một mẹ nuôi 10 con nhưng 10 con không nuôi nổi một mẹ," nhưng thực trạng là thế.

Dọc hai bên thành tường của dãy hành lang là các bác lớn tuổi, tóc bạc da mồi, tất cả đều ngồi trên xe lăn. Mùi ở nơi công cộng rất nồng. Có bác ho sù sụ mà không ai ngó ngàng tới, thật tội nghiệp. Những nơi ở chung, người già dễ truyền vi khuẩn cho nhau. Một người bệnh, người nào miễn nhiễm yếu sẽ dễ bị lây.

Xuyên qua một số kinh nghiệm góp nhặt từ những vị cùng hoàn cảnh, HH xin được chia sẻ với quý anh chị và các bạn. Khắp nơi trên xứ mình và xứ người nơi có các cộng đồng Á Đông, lễ Vu Lan đang được đón mừng trong sự tôn kính, thiêng liêng. Chữ hiếu thảo người Á Đông xem trọng, nên mùa báo hiếu là một truyền thống rất đẹp.

Lý tưởng mà nói, ngày nào cũng nên là ngày báo hiếu chứ không phải đợi đến lễ Mẹ, lễ Cha, lễ Ông Bà, hoặc rằm tháng 7. Nhưng thực tế không phải vậy, cho nên có được sự nhắc nhở còn hơn không, bởi thế gian này sẽ ra sao nếu giữa người và người không còn chút tình, nghĩa, hiếu, thuận trong nhân loại? Hẳn là bầu không khí hỗn loạn và nặng nề lắm.

May thay chúng ta đang sống ở Địa Cầu, dù không được hòa bình như cảnh thiên đàng, nhưng ngoài âm cũng có dương, ngoài bóng tối cũng có ánh sáng, tức là ta có tiềm năng để làm cho nơi đây được sáng hơn nếu ta ý thức được cơ hội khi còn trong tay. Bởi thế, có lẽ Địa Cầu là một trong những trường rèn luyện phẩm chất Bi, Trí, Dũng tài tình nhất; và chúng ta, những "học sinh" ở mọi lứa tuổi và cấp lớp trong vũ trụ, đang trên đường tu sửa qua muôn hình vạn trạng khảo nghiệm dưới sự Đạo diễn nhiệm mầu.

Trở lại vài chia sẻ khi chăm sóc người cao niên. Những điều này chỉ là căn bản mà thôi và cũng tùy trường hợp cá nhân mà chúng ta ứng xử nữa. Chẳng hạn:

1. HH để Mẹ tự cầm ly uống nước (ly nhẹ, đừng dùng ly nặng), tự dùng thìa ăn xoài tán. Bằng cách này Mẹ có dịp sử dụng các cơ bắp, tế bào não bộ, vì nếu không dùng sẽ đánh mất khả năng. Nói theo tâm lý chung, khi mất sự tự lập, phải luôn luôn nhờ cậy vào người khác là một điều dễ gây trầm cảm, bực dọc.

2. Nên xem cha mẹ ấm hay lạnh. Việc thứ nhì HH làm khi gặp Mẹ là sờ tay xem Mẹ ra sao. Nếu lạnh, HH thường đưa khăn quàng cổ cho Mẹ (để Mẹ tự quàng khăn một mình). Mẹ HH thích đội nón khi ra ngoài nhưng không đội trong nhà, vì có lẽ người xưa cho đó là kém lịch sự. Nếu lạnh quá mà Mẹ không chịu đội nón trong nhà, có thể đội khăn để giữ ấm vì đa phần nhiệt lượng mất nhiều từ trên đầu.

3. Nếu thời tiết ấm áp, đưa Mẹ ra ngoài hóng nắng và thưởng thức không khí bên ngoài, thoáng hơn là ở trong phòng suốt cả ngày. Nhớ mang kính mát và... đội nón cho Mẹ.

4. Người già cũng thích được ôm, hôn, hoặc nắm tay. Việc đầu tiên HH làm khi gặp Mẹ là hôn Mẹ. Hình như Mẹ rất thích và cũng rất thích hôn lại con cháu. Khi gặp các vị "trước lạ sau quen" dễ thương đến chào hỏi, Mẹ cũng hôn tay và nói bonjour (không có hát “Bonjour Việt Nam” thôi).

5. In bài hát hoặc bài thơ mà Mẹ thường hay ca, đọc trước kia. HH in chữ to và đậm vì mắt Mẹ nhìn không còn rõ. (Khoảng 4, 5 bó là mình bắt đầu nhìn không rõ rồi, huống chi các cụ 9 bó.)

5. Lắng nghe Mẹ nói. Mẹ có nhiều chuyện hay để kể, nhiều lời hay cho ta suy gẫm vì Mẹ sống lâu, biết nhiều. Ngoài ra trực giác của người già cũng rất tốt. HH thường ngạc nhiên bởi những điều Mẹ nói, vô cùng chính xác. Mẹ khi quên khi nhớ, nhưng nhiều lúc nhạy bén không tả được.

6. Lấy tập lưu bút cho Mẹ viết, đó là cách để Mẹ vận dụng não bộ và cũng là cách để mình lượng định một vài khả năng của Mẹ. Bây giờ Mẹ của HH không viết được nữa rồi dù trước kia viết thư rất hay.

7. Cho Mẹ ăn chay vì thịt động vật khó tiêu, người ngồi xe lăn hầu như không vận động, nên không được nhuận trường. Thịt thà cũng có nhiều thuốc trụ sinh, hệ thống miễn nhiễm của người già kém, khó đề kháng, dễ bị bệnh. Đừng sợ ốm yếu vì ngày nay có...

8. ...nhiều loại thuốc bổ thảo mộc thiên nhiên, có thể tìm mua loại Mẹ thích uống để tăng cường sức khỏe. Chị của HH thường mang thuổc bổ cho Mẹ dùng, Mẹ gọi là thuốc tiên.

9. Nhớ cho Mẹ uống nước. Để ý xem Mẹ có khô môi không, hoặc chú ý nhìn da, tay chân, sắc diện xem có khô khan.

10. Nếu có dịp, nên vào thăm Mẹ. Có khi Mẹ ngồi một mình ở góc nhỏ cô đơn, không có ai nói chuyện, không có gì tiêu khiển, gặp người vào thăm nuôi là mừng rỡ, như học sinh nội trú được gia đình vào thăm. (Nếu là mình, mình cũng mừng như thế.)

11. Tùy theo tín ngưỡng của Mẹ, nhắc Mẹ niệm Phật, niệm Chúa, niệm Đấng Tối Cao.

12. Tu hành. Khi một người làm quan, cả nhà được nhờ. Đó là mặt vật chất, hà huống chi tâm linh, sẽ giúp cha mẹ và mọi người được nhiều không thể nghĩ bàn. Vì chiếc áo thân thể trước sau gì cũng có lần phải thay sau một thời gian mặc, nhưng linh hồn là vĩnh cửu và vô tận.

Khi gặp Mẹ, HH kẹp tóc gọn gàng, mặc áo đẹp và trang điểm một tí cho xinh xắn. Khi vừa gặp HH, Mẹ cười vui và nói liền: “Hôm nay con đẹp!” Thấy Mẹ vui, HH rất mừng. Mang lại nụ cười bao giờ cũng khó hơn là mang lại nước mắt. Mang lại hạnh phúc bao giờ cũng cần nỗ lực hơn là mang lại khổ đau.

Xin chúc quý anh chị và các bạn luôn mang lại niềm vui cho cha mẹ và những người chung quanh, đặc biệt nhân mùa Vu Lan báo hiếu.

Nếu tin vào thuyết luân hồi và sự liên quan mật thiết giữa mọi chúng sinh trong vũ trụ, có lúc chúng ta sẽ cảm nhận được sự sống quanh mình đều là những người thân yêu. Như vậy, loài vật quanh ta cũng có thể được xem là những người thân yêu dưới ngoại hình khác, trong những chiếc “áo” khác, và như vậy không ai nỡ ăn thịt người thân bao giờ. Một cách cụ thể để vinh danh chữ Hiếu là theo lối sống ăn chay từ ái.

HH xin kính chúc các bác và Mẹ của HH tâm linh luôn được thăng hoa. Về phần cảm ơn các bà mẹ trên đời, kể cả bà mẹ Trái Đất, thì chắc sẽ không bao giờ tán thán đủ công đức từ tình thương "bao la như biển Thái Bình" của các ngài.

Chủ Nhật, 22 tháng 8, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Tồn Tâm, Dưỡng Tánh (Ngài Mạnh Tử)

Trích trang Giáo Lý CaoDaism.org

SÁCH MẠNH TỬ

Mạnh Tử là người đắc Đạo. Ngài viết ra một bộ sách tựa là Mạnh Tử. Sách nầy gồm có bảy thiên nói về Chánh trị học.


Tâm Học - Mạnh Tử cũng theo sách Trung Dung, quan niệm rằng: “Thiên mạng chi vị Tánh.”


Chữ Tánh đây tức là phần Thiên lý ở trong người, nó gồm có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, tức là cái Minh Đức đã nói trong sách Đại Học ứng hóa để làm hạnh kiểm của người.


Người ta ai cũng có lòng trắc ẩn, tu ố, cung kính, thị phi.


Lòng trắc ẩn tức là Nhân, tu ố tức là Nghĩa, cung kính tức là Lễ, thị phi tức là Trí.


Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí là bốn cái Đức ở trong Bổn tánh, cho nên người ta muốn làm lành thì dễ như nước ở trên cao chảy xuống thấp, nhưng cũng có người không làm lành được là tại vật dục sở tế, khí bẩm sở cầu, làm cho Bổn tánh Thiên nhiên biến ra Tánh khí chất, hằng khuynh hướng về phàm trần, cầu vui vật chất cho mình mà thôi.


Mạnh Tử khuyên người ta nên giữ cái Thiên căn ấy, để làm chủ động cho đời sống. Giữ Bổn tánh tức là đừng cho nó mờ tối và gắng sức trau giồi cho nó phát triển rất mực, rồi người ta theo đó mà hành động thì mình sẽ trở nên người lành, người tốt.


Tánh là Bổn thể của Tâm, cho nên Tâm Tánh tuy hai danh từ, song sự thiệt thì có một, cho nên Mạnh Tử nói: "Tận kỳ Tâm giả, tri kỳ Tánh giả, Tri kỳ Tánh giả tắc tri Thiên lý, tồn kỳ Tâm, dưỡng kỳ Tánh, sở dĩ sự Thiên dã." Biết hết Tâm là biết được Tánh, biết được Tánh là biết Đạo Trời. Giữ còn cái Tâm, hàm dưỡng cái Tánh, ấy là thờ Trời vậy.


Tồn Tâm - Nghĩa là giữ Tâm cho còn. Vả chăng, người ta sở dĩ đứng đầu trong vạn vật là nhờ có Tâm, và trong thiên hạ sở dĩ có người hiền kẻ ngu, cũng chỉ vì Tâm mà thôi. Thế đủ hiểu Tâm quý báu đến ngần nào.

Mạnh Tử nói: "Quân tử sở dĩ dị ư nhơn giả dĩ kỳ tồn tâm dã." Người quân tử sở dĩ khác với người thường là nhờ giữ còn cái Tâm của họ.


Giữ Tâm cho còn, rồi lại nuôi nó cho mỗi ngày càng thanh khiết thêm hơn. Về phương pháp nuôi Tâm không chi hay bằng ít ham muốn vật chất như sự giàu sang, danh lợi, sắc đẹp hay vui sướng nhĩ mục.


Tồn Tánh Dưỡng Khí - Tánh là lý toàn nhiên ở trong Tâm tức là phần tinh anh của Trời phú cho người.


Mạnh Tử nói: "Nhơn chi sở dĩ dị ư cầm thú giả cơ hy. Thứ dân khử chi, quân tử tồn chi." Người ta sở dĩ khác cầm thú chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Kẻ thứ dân thì bỏ mất, người quân tử thì giữ còn. Nhưng Tánh phải có Khí thì mới đứng vững và sanh-trưởng thêm lên; cho nên kẻ học Tồn Tánh phải dưỡng Khí nữa.


Dưỡng Khí thì phải: "Trì kỳ chí nhi vô bạo kỳ khí." Giữ bền cái Chí mà không làm hại Khí. Giữ Chí nói đây, tức là giữ Tánh về mặt tích cực; chớ chẳng phải Tánh với Chí là hai vật.


Nên hiểu rằng: Lúc tồn Tánh thì Tánh yên lặng tức là Tánh đứng về mặt Tiêu cực; nay dưỡng khí thì phải dùng Tánh về mặt tích cực để vận khí, tức là chí. Bởi vì Tánh là tướng soái của Khí; cho nên dưỡng Khí phải dùng Tánh (Chí) mà cầm giữ và vận hành.


Mạnh Tử nói: "Kỳ vi khí giả chí đại, chí cường dĩ trực dưỡng, dưỡng nhi vô hại tắc, tắc hồ Thiên Địa chi gian." Khí ấy rất lớn, rất mạnh, nếu khéo nuôi nó thì nó có thể đầy khoảng Trời Đất.


Phàm người nào tồn Tánh dưỡng Khí đến công viên quả mãn thì người ấy có thể cảm thông với Trời Đất mà cùng vạn vật đồng nhứt thể.


Thật là Mạnh Tử làm sáng Nho giáo đến chỗ Vũ Trụ hóa Tâm linh để cùng Trời Đất vạn vật đồng thể vậy.


http://caodaism.org/7014/0510-gl.htm#Sach%20Manh%20Tu


Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Môi Trường Quanh Ta: Đời sống dưới đáy biển

Đời Sống Dưới Đáy Biển

Đại dương mỹ lệ trên hành tinh của chúng ta có nhiều nơi và nhiều sinh vật mà chúng ta chưa có dịp biết đến. Sau đây là một số hình ảnh dưới lòng đại dương từ các nhiếp ảnh gia khác nhau, được trang mạng sống xanh Treehugger sưu tầm. Người sáng lập ra trang mạng này, Graham Hill từ Gia Nã Đại, khuyến khích việc ăn chay, ít nhất là trong ngày thường.

Địa Cầu đẹp quá, Địa Cầu ơi, Địa Cầu ơi! Chúng ta hãy cùng nhau, mỗi người một tay, trong tình thương và ý thức nâng cao, chăm sóc Địa Cầu này.

San hô tím 
Một trong những sinh vật hiện diện đông đảo nhất ở đại dương. 
Ảnh: Mattk1979


Cỏ chân ngỗng khổng lồ
Có thể cao đến 1 mét (3 bộ Anh), sống ở vùng nước lạnh.
Ảnh: Animal World


San hô quạt đỏ
Thường thấy ở vùng nước cạn.
Ảnh: Aquacon


Cỏ chân ngỗng xanh
Loài cỏ chân ngỗng này giống như hoa cúc ngoài đại dương. 
Ảnh: Poplinre


Cỏ chân ngỗng và Cá hề
Cá hề và cỏ chân ngỗng là đôi bạn thân nâng đỡ nhau.
Ảnh: Shek Graham


San hô mặt trời
Tên tuy thế nhưng không cần mặt trời nhiều cho lắm. 
Cư gia là những hang động và nơi ít ánh sáng.
Ảnh: laslo-photo 


San hô mềm
Mềm mại như lông vũ.
Ảnh: Inon 


Tảo
Năm 2007, các khoa học gia tình cờ khám phá ra một rừng tảo ở Thái Bình Dương. Trước đây người ta ngỡ rằng tảo không thể nào sống được ở vùng biển nhiệt đới. Chúng ta còn nhiều điều để tìm hiểu và thán phục về thế giới đại dương!
Ảnh: NPR/NOAA


San hô não
Có nhiều màu rực rỡ, từ xanh dương đến đỏ, đến hồng đến xanh lá cây. 
Ảnh: Mark Caruana/SaltAquarium.about.com


Ám tiêu san hô (vùng đá ngầm san hô) 
Ám tiêu san hô là quê hương của nhiều chủng loại, tương đương như rừng mưa nhiệt đới, cho nên bảo vệ những ám tiêu san hô là điều quan trọng. Nhưng ngày nay ô nhiễm và lưới cá quá nhiều, khiến chúng ta có thể mất 70% ám tiêu trên thế giới trong vòng 40 năm trở lại.
Ảnh: California Academy of Sciences/Ocean World


http://www.treehugger.com/galleries/2010/08/stunning-underwater-plants-on-the-ocean-floor.php?page=1


 

Bài đăng phổ biến