Thứ Tư, 21 tháng 7, 2010

Sức Khỏe Của Bạn: Kỹ năng bơi lội cho hè này

Mùa hè đến rồi, có những nơi nóng hơn mọi khi. Những lúc như vậy, loài người (cũng như thú) thường đi tìm những nơi gần biển, gần hồ, gần nước sẽ cơ thể được mát mẻ, dễ chịu. Khi bơi lội hoặc đùa vui với nước, ta nhớ cẩn trọng để bảo đảm sự an toàn. Sức khỏe và mạng sống là quan trọng vì có thân người là dịp hiếm quý để rốt ráo thăng hoa.

Sau đây là một vài nhắc nhở
từ Hội Hồng Thập tự Hoa Kỳ cho sự an toàn khi bơi lội.

1. Luôn luôn trông chừng trẻ em khi chúng gần nước.
2. Luôn luôn bơi với một người khác; đừng bao giờ bơi một mình.
3. Đừng uống rượu và bơi. Rượu làm hư hại khả năng phán xét, làm mất thăng bằng, và khiến động tác không phối hợp.
4. Đừng nhai kẹo cao su hoặc ăn để tránh mắc nghẹn khi bơi.
5. Ngừng bơi khi vừa nghe hoặc thấy đàng xa trời có bão. Sét có thể đi nhanh khoảng 8 dặm (gần 13 cây số) trong một cơn bão. Nước có tính dẫn điện, cho nên hãy ra khỏi hồ bơi hoặc nước ngay lập tức.
6. Tuân theo các bảng đề "Cấm lặn." Những nơi đó đã được nghiên cứu là không an toàn.
7. Cẩn thận xem chừng những yếu tố "quá" nguy hiểm như: quá mệt, quá lạnh, quá xa bờ an toàn, quá chói nắng, quá sức. Trong trường hợp đó, hãy ra khỏi hồ hoặc bể bơi. Hãy giữ cho mùa hè được an vui bằng cách an toàn dưới nước.

Trên báo Thanh Niên ngày 19/7/2010 vừa qua, Thu Hằng có tường trình về trường hợp trẻ em Việt Nam chết đuối. Xin cảm ơn Thu Hằng và báo Thanh Niên đã loan tin cần thiết này cho xã hội.

Trong tinh thần "mỗi ngày một việc thiện," một trong những điều thiện bạn có thể làm trong mùa hè này là giúp cho người khác biết bơi, hoặc giúp chính mình biết bơi. Các đại gia thay vì đầu tư vào những việc kinh doanh làm hại sức khỏe của người khác hoặc khiến họ nợ nần chồng chất, gia đình đổ vỡ, có thể xây những câu lạc bộ bơi lội, mướn huấn luyện viên, tổ chức những trường bơi, giúp đào tạo những thiên tài bơi lội để các bạn trẻ có dịp dự thi Thế Vận Hội sánh vai cùng thế giới, cấp học bổng cho đồng bào thiếu điều kiện tài chánh có phương tiện được học bơi, v.v.

Trẻ em nhỏ xíu cũng có thể học bơi, và người lớn cũng vậy. Leah Robbins, lúc 13 tháng tuổi đã đạt kỷ lục bơi 50 mét, lúc 3 tuổi bé bơi được 500 mét (mặc dù giải chính thức là 400 mét, nhưng bé bơi xa hơn thế). Cô Oprah Winfrey, một trong người dẫn chương trình lừng danh, giàu có nhất thế giới, bắt đầu học bơi khi cô 40 tuổi. Nam phụ lão ấu gì cũng có thể là thân chủ học bơi trong tương lai, một thị trường lớn. Đây cũng là "chánh mạng," theo đuổi nghề nghiệp lương thiện, hữu ích, không làm giàu trên nước mắt và đau khổ của đồng loại và chúng sinh.

Lúc nào cũng là thời gian tốt để có thêm kỹ năng bơi lội. Về thể chất: lành mạnh cho sức khỏe, về tinh thần: tạo sự tự tin cho suốt một đời người khi có thể tham gia trong những dịp sinh hoạt mà không phải từ chối quanh co, về tâm linh: cũng có thể xem là một bài học vô úy, khắc phục sợ hãi và chướng ngại.

Ở Việt Nam mỗi ngày có 10 trẻ em chết đuối, vậy trung bình 1 tháng 300 em! Đây là những linh hồn quý báu do Thượng Đế sáng tạo, nếu còn sống biêt đâu các em sẽ là những khoa học gia, văn sĩ, bác sĩ, nghệ sĩ, luật sư, kỹ sư tài giỏi... mất đi thật là một điều đáng tiếc, nhất là khi chúng ta có thể phòng ngừa!



(Thanh Niên - Người viết: Thu Hằng) Cấp thiết đưa môn bơi vào trường học

Trước thực trạng trẻ em bị chết đuối gia tăng, nhiều bậc phụ huynh và các cơ quan hữu trách đề xuất: cần cấp thiết phổ cập môn bơi lội cho học sinh.

10 trẻ chết đuối mỗi ngày


Đã hơn 1 tháng trôi qua, gia đình anh Nguyễn Văn Cường (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) vẫn còn bàng hoàng trước sự ra đi của cậu con trai 14 tuổi.

Chiều 10.6, con trai anh Cường là Nguyễn Thế Mạnh cùng 2 người bạn đồng trang lứa sang nhà bà ngoại ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) chơi. Cả 3 em rủ nhau ra sông Hồng tắm và Mạnh không may bị chết đuối. Anh Cường nghẹn ngào: “Gia đình tôi đau lòng lắm, mẹ cháu giờ vẫn lúc mê lúc tỉnh bởi hình ảnh cháu lúc nào cũng lởn vởn trong đầu. Giá như các trường học đưa môn bơi lội vào giảng dạy, thì nguy cơ tử vong có lẽ giảm đi rất nhiều. Tôi mong các bậc cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến con cái, nhất là trong dịp hè. Chú ý đừng để các cháu nhỏ chơi ở gần sông, hồ ao”.


Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối (đuối nước) trong thời gian qua. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em như: vụ đắm đò tại bến Chôm Lôm (Nghệ An), tại bãi đá Nhật Tân (Hà Nội), ở đập thủy điện Quảng Bình...

Theo ông Nguyễn Trọng An - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội), đuối nước là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em cao nhất. Chỉ riêng năm 2008 đã có 3.523 trẻ em và người chưa thành niên tuổi từ 0-19 bị tử vong do đuối nước; tính trung bình mỗi ngày có 10 trường hợp trẻ bị chết đuối.


Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trong 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy đã có 218 trẻ tử vong do đuối nước. Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đàm Hữu Đắc cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu do sự bất cẩn của người lớn, do sự thiếu trách nhiệm khi để lại các hố nước sâu tại các công trình sau khi xây dựng xong và do trẻ thiếu ý thức khi đi bơi tại những nơi nguy hiểm...

Tỷ lệ chết đuối cao nhất khu vực


Tình hình đuối nước ở trẻ em Việt Nam gia tăng đến mức báo động, khiến các tổ chức quốc tế cũng vào cuộc. Ông Jean Dupraz, quyền Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cảnh báo: “So với các nước trong khu vực, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở Việt Nam là cao nhất, cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động mạnh ngay lập tức”. Theo ông Jean Dupraz, đuối nước là tai nạn có thể phòng tránh được và để giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ cần có sự cam kết cũng như phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quần chúng...


Thứ trưởng Đàm Hữu Đắc kêu gọi: “Đã đến lúc toàn thể xã hội, các ngành, các cấp cần phải có những hành động quyết liệt, cụ thể để ngăn chặn tai nạn, bảo vệ an toàn cho trẻ em. Hãy phòng ngừa tai nạn ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải dấy lên phong trào hướng dẫn tập bơi cho trẻ nhỏ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.

Còn ông Nguyễn Trọng An cho biết thêm: “Từ cuối năm 2009, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội đã phối hợp với Bộ GD-ĐT thí điểm dạy môn bơi trong trường học. Dạy trẻ em biết bơi là việc làm cấp thiết. Tuy nhiên để triển khai rộng rãi, cần phải có lộ trình như: đầu tư xây hồ bơi tại các trường học, chuẩn bị đội ngũ giáo viên...”.



http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201030/20100719162917.aspx
http://tlc.howstuffworks.com/family/swimming-safety2.htm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến