Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Nhà hàng chay Peace Café (Siem Reap, Cam Bốt)

 Ảnh: Peace Café

Người mình có câu "Anh em xa không bằng láng giềng gần," cho thấy tầm quan trọng của ...cô láng giềng. Cô láng giềng của nước mình là Cam Bốt, hay còn gọi là Campuchia, theo tên nhân vật thần thoại Campu thế kỷ thứ 10. Đây là một vương quốc có nền văn minh cổ kính, với nhiều công trình đáng khâm phục. 

Ở Siêm Riệp (Siem Reap), toàn bộ quần thể di tích Angkor là di sản thế giới theo Liên Hiệp Quốc. Đền Đế Thiên Đế Thích được bao du khách trên khắp toàn cầu viếng thăm và ngưỡng mộ. Nếu có dịp làm quen, gần gũi, tìm hiểu thêm về con người và đất nước Cam Bốt, có lẽ ta sẽ nhận ra rằng nói chung xứ này rất đẹp và người dân rất dễ thương.

Mặc dù láng giềng (hoặc ngay cả bạn bè, thân nhân) nhiều khi trong quá khứ cũng có va chạm, cọ xát, hiểu lầm, nhưng thế kỷ 21 ngày nay là thời đại của thương yêu và tha thứ; "từ bi hỷ xả" những chuyện không vui ngày xưa để mang đến những gì tốt đẹp nhất cho nhau trong hiện tại là điều lợi ích cho cả đôi bên. Vả lại, không ai là hải đảo đơn độc và không quốc gia nào là hải đảo độc đơn. Có quan hệ tốt với láng giềng là một lối xử thế và chính sách vừa khôn ngoan, vừa mang lại hạnh phúc cho tất cả.

Việt Nam Ăn Chay có quen một bạn trẻ người Cam Bốt, chưa tới 26 tuổi đã là tiến sĩ kỹ sư (lại có thêm bằng cao học quản trị kinh doanh cùng một lúc) từ đại học bên Mỹ, người rất thông minh, ăn mặc luôn lịch sự, rất thương yêu gia đình, và đẹp trai còn hơn tài tử mà mình thường xem trên màn ảnh.  

Ở quê hương anh, Siêm Riệp, có một nhà hàng chay tên là Peace Café! Cái tên nghe rất là... Hòa Bình. Và trong chúng ta, ai mà không quý chuộng hòa bình. Người dân Cam Bốt cũng đau khổ đã nhiều rồi, có một nhà hàng chay ngay tại Siêm Riệp là một điều vạn phúc. Xin chúc mừng Siêm Riệp và ban giám đốc Peace Café! Mong rằng khi có dịp viếng Siêm Riệp, các bạn sẽ đến thăm và dùng bữa tại Peace Café.

Qua trao đổi với Peace Café, Việt Nam Ăn Chay được biết đây là một nhà hàng với 50 chỗ ngồi. Các vị này chia sẻ: "Chúng tôi là những người tu hành và theo lối dinh dưỡng của đạo sĩ yogi/đạo Phật, không tỏi, không hành, không thịt, không cá, không trứng."

Cũng theo lời ban giám đốc Peace Café, người Việt Nam là du khách hàng đầu tại Campuchia. Các vị cho biết ngay trung tâm Chợ Cũ của Siêm Riệp cũng có một nhà hàng chay nhỏ có tên là Chamkar, thức ăn ngon. 

Bài viết về ăn chay sau đây trích từ trang mạng Peace Café, nguyên văn tiếng Anh.

Peace Café, dưỡng nuôi cơ thể và linh hồn
 
Peace Café cung ứng thức ăn chay tươi và lành mạnh, ngoài ra còn có một tiệm bánh và một gian hàng mậu dịch công bình. Cách Chợ Cũ của Siêm Riệp chừng 5 phút, đây là một nơi thanh nhàn, yên tĩnh, hoa viên thật xinh đẹp và rộng rãi.

Nếu bạn cần sự an bình sâu lắng hơn, xin mời bạn đến Am Thiền (Meditation Hut), ở một  góc vắng trong vườn, bao bọc bởi chim muông. Hãy thư giãn và thưởng thức thức ăn dưới trời đầy sao với nhạc chapei cổ truyền của Cam Bốt mỗi tối thứ năm, cùng các em vũ múa mỗi tối thứ bảy, hoặc mang con em của bạn đến để cùng đùa chơi xích đu, cát và những trò chơi có tính cách đức dục.
 
Các chương trình cộng đồng bao gồm thiền, yoga, pilates, pháp thoại, xem phim ảnh nâng cao tâm thức. Chúng tôi cũng cung cấp thông tin về những tổ chức phi chính phủ, tình nguyện với trách nhiệm và những cuộc du ngoạn thân thiện với sinh thái.
 
Ăn chay có thật sự bổ và ngon không?
Mời bạn thử qua và nhận xét cho chính mình nhé! 

 
Ảnh: Peace Café

Tại sao có người ăn chay:
 
Ăn chay: không ăn thịt, cá, gia cầm.
 
Lý do thẩm mỹ: Có người không thích mùi vị hoặc hình dạng của thịt.
 
Biến đổi khí hậu: Mê-tan là một loại khí nhà kính mạnh gấp 21 lần thán khí CO2. Bằng cách bớt ăn thịt, chúng ta sẽ làm chậm lại tiến trình tạo khí mê-tan, và do đó, làm chậm hâm nóng toàn cầu.
 
Từ bi đối với loài vật: Có nhiều người không muốn giết hoặc hại thú vật. Thí dụ, Bác sĩ Albert Schweitzer và Ngài Mahatma Gandhi nới rộng triết lý từ bi và bất bạo động, không những cho loài người mà còn cho loài vật.
 
Lý do môi sinh: Mỗi khía cạnh của việc sản xuất thịt đều đưa ra những câu hỏi nghiêm trọng về sinh thái. Nếu một mẫu đất sản xuất 1 phần thịt bò, thì cùng một mẫu đất ấy có thể sản xuất gấp 7,9 lượng kiều mạch, 9,8 lượng bông cải xanh, 39 lượng đậu nành! Ngoài những vấn đề liên quan đến tài nguyên đất và nước, các khó khăn khác về môi trường cũng đến từ sản xuất thịt, như đất xói mòn, rừng cây bị đốn, và giảm thiểu nguồn năng lực.
 
Đạo đức:  Loài vật cũng có cảm xúc như chúng ta. Gây giống nhân tạo, thiến, kích thích hóc-môn, gây béo, chuyên chở trong tình trạng cực kỳ đau khổ, nhốt chuồng, quấn đuôi, và nhiều hình thức hành hạ thú vật khác - chắc chắn rằng nhiều người sẽ ăn chay nếu họ chứng kiến lò sát sinh, hoặc nếu chính tay họ phải giết để lấy thịt. 
 
Sức khỏe: Giảm nguy cơ nhiều bệnh kinh niên và thoái hóa như béo phì, bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, và một số bệnh ung thư.
 
Nạn đói: Chỉ 10% cái chết liên quan đến đói là do những tai ương như nạn thiếu thực phẩm và chiến tranh. Phần đông chết vì đói là do suy dinh dưỡng trầm trọng và hoang phí nguồn thực phẩm. Ngũ cốc và đậu nành được trồng để nuôi cho nông súc ở Mỹ ăn cũng đủ cung cấp thực phẩm cho toàn thể người đói trên thế giới.
 
Ảnh hưởng của gia đình, bè bạn, những người nổi tiếng: Leonardo Da Vinci, Albert Einstein, Leo Tolstoy, George Bernard Shaw, Mahatma Gandhi, Plato, Pythagoras, Plutarch, Albert Schweitzer.
 
Nghiệp quả: Nếu chúng ta gây đau khổ cho những chúng sinh khác, thì ngược lại chúng ta cũng phải hứng chịu đau khổ. Gieo nhân nào thì gặt quả nấy.
 
Lý do tâm linh: Nhiều người đạo Phật, Chúa, Jain, Do Thái và Bà-la-môn chủ trương ăn chay. Trong truyền thống yoga, thức ăn được chia thành nhiều loại, như Satwic khiến đầu óc nhẹ nhàng, trong sáng; Rajsic, chỉ nên ăn vừa phải thôi; và Tamsic, loại thức ăn làm đầu óc lu mờ và nặng nề.

Peace Café, Street 26, gần River Road, vùng Wat Bo
Điện thoại: 092 177127 / 063 965210
 

http://www.peacecafeangkor.org/vegetarian.htm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến