Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Y học: Bưởi - Vị thuốc quý

Bưởi là trái cây ngon, bổ, mát nhưng khả năng chữa bệnh của cây bưởi, từ lá đến hoa, từ múi bưởi tới vỏ ngoài của trái bưởi thì ít người biết... Bác sĩ Phạm Hồng Nga, Viện Y dược học Dân tộc TP. HCM giới thiệu nhiều bài thuốc từ bưởi.

Buoi Nhung bai thuoc quy it nguoi biet
Bưởi trồng ở Vĩnh Long

Lá bưởi có tác dụng giải cảm, trừ đàm, tiêu thực, hoạt huyết... Vỏ quả bưởi trừ phong, tiêu phù thủng, giảm đau... Nước ép múi bưởi kích thích tiêu hoá, bổ khí huyết, giảm mỡ, an thai, sổ lãi kim...

Buoi Nhung bai thuoc quy it nguoi biet
Hoa bưởi 

Tinh dầu vỏ quả và hoa bưởi có thể dùng để kháng khuẩn.

Bưởi (tên khoa học: Citrus grandis Osbek hay Citrus decumana Mur) là một loại cây ăn trái quen thuộc với người Việt Nam. Trái bưởi là món ăn tráng miệng giàu vitamin. Hương hoa bưởi thơm ngát khó quên.

Nhưng khả năng chữa bệnh của cây bưởi, từ lá đến hoa, từ múi bưởi tới vỏ ngoài của trái bưởi thì không phải ai cũng biết.

Bưởi, loài cây ăn trái quen thuộc

Bưởi, thuộc họ cam quýt (Rutaceae), là cây to cao từ 8 - 13 m. Vỏ thân màu vàng nhạt. Cành có gai dài, nhọn ở kẽ lá. Lá có hình trứng hoặc trái xoan, mọc so le. Hoa đều, to, mọc thành chùm 6 - 10 hoa, rất thơm. Quả hình cầu, cùi dày, màu thay đổi theo giống.

Bên trong quả có nhiều múi chứa tẹp mọng nước. Hạt dẹp có cạnh và chất nhầy bao quanh. Lá và vỏ quả có tinh dầu thơm.

Bưởi được trồng khắp nơi trên đất nước. Có nhiều giống bưởi với màu sắc, vị chua ngọt khác nhau. Nổi tiếng là bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), Phúc Trạch (Hà Tĩnh), Biên Hòa (Đồng Nai)...

Cây bưởi được trồng chủ yếu để lấy quả ăn, lấy hoa ướp thơm thức ăn, hoặc cất nước hoa bưởi. Ngoài ra, người ta còn dùng lá làm thuốc, chủ yếu là lá tương. Vỏ bưởi và hạt bưởi cũng được sử dụng.

Cây bưởi ưa sáng, ưa vùng khí hậu nhiệt đới, không thích hợp nơi núi cao, khí hậu lạnh 13 - 18oC. Nếu có, chỉ là bưởi hoang hóa, cằn cỗi, quả chua và vị đắng đến mức không thể ăn được.

Bưởi, vị thuốc cổ truyền

Buoi Nhung bai thuoc quy it nguoi biet
Bưởi vừa là loại cây ăn trái rẻ tiền, vừa là một vị thuốc cổ truyền quen thuộc của người Việt Nam. 

Không chỉ là loại cây ăn trái bổ, rẻ tiền trong cuộc sống thường nhật, bưởi có nhiều ứng dụng trong y học cổ truyền của dân tộc.

Trong lá, hoa, vỏ quả bưởi đếu chứa tinh dầu. Ngoài ra, vỏ quả bưởi còn có pectin, naringin (một loại glucozid), men tiêu hoá peroxydaza và amylaza, đường ramoza, vitamin A và C...

Dịch ép múi bưởi có 4 - 10% đường, 9% acid citric, 50% vitamin C, và một ít vitamin A và B1, cùng nhiều loại men tiêu hóa amylaza, peroxydaza... Còn hạt bưởi cũng chứa nhiều dầu béo.

Lá bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm. Nó có tác dụng trừ hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng.

Vỏ quả bưởi có vị đắng, cay, mùi thơm, tính bình. Vỏ bưởi được sử dụng nhằm trừ phong, hóa đờm, tiêu báng (lách to), tiêu phù thũng, hoạt huyết, giảm đau.

Nước ép múi bưởi có vị chua ngọt, mùi thơm, tính mát. Nước ép bưởi có thể kích thích tiêu hóa, bổ khí huyết, giảm mỡ trong máu, an thai, sổ lãi kim.

Ngoài ra, vỏ quả bưởi đào kết hợp với lá khổ sâm có thể ức chế ký sinh trùng sốt rét, hạ sốt, không có tác dụng phụ. Tinh dầu từ vỏ quả và hoa bưởi có thể dùng để kháng khuẩn (giảm độc trực khuẩn lao, tụ cầu vàng, phế cầu, có khả năng tiêu diệt amip). Bên cạnh đó, một số bài thuốc từ bưởi giúp giảm huyết áp, hạ cholesterol trong máu, lợi tiểu.

Tuy nhiên, người suy nhược do can hoả nhiệt không nên dùng các bài thuốc từ bưởi.

Lá bưởi

Lá bưởi tươi cùng với nhiều loại lá thơm khác dùng để nấu nước xông chữa cảm cúm, nhức đầu.

Lá bưởi già chữa cảm, sốt, ho hắt hơi, kém ăn, sưng đau chân do hàn thấp chướng khí, giảm đau do trúng phong, tê bại. Ngày dùng 10 - 20g lá tươi, sắc uống.

Lá bưởi non được nướng chín để nắn, xoa bóp chỗ đau cho tan máu ứ, sai khớp, sưng, bong gân, gãy xương do chấn thương. Sau đó, lấy lá khác giã nát bó vào chỗ bị tổn thương.

Vỏ quả bưởi

Dùng để chữa ho, đờm tích đọng ở họng và phế quản, đau bụng, ăn uống không tiêu. Bỏ lớp cùi trắng, lấy lớp vỏ ngoài rồi sao. Ngày dùng 4 - 12g, sắc uống

Nước ép múi bưởi

Làm thuốc chữa tiêu khát (đái tháo), thiếu vitamin C, làm nguyên liệu chế acid acitric thiên nhiên.

Hoa bưởi

Làm nước hoa, đồng thời kết hợp với các dược liệu khác (quế, hồi...) để tạo hương cho thức ăn.

Một số bài thuốc có bưởi

Buoi Nhung bai thuoc quy it nguoi biet
Bưởi da xanh có trồng nhiều ở Bến Tre, giá có lúc đến 18.000 đồng/kg 

Chữa cảm sốt và cúm, cả hai thể phong hàn và phong nhiệt:

Dùng nước xông: Nấu nước xông với các loại lá: bưởi, sả, tía tô, kinh giới, bạc hà, mỗi thứ một nắm lá tươi. Xông trong vòng 5 - 10 phút.

Chữa đau dạ dày

Vỏ bưởi quả đào, vỏ quýt, lá dạ cẩm, ba vị bằng nhau, tán nhỏ. Liều dùng: 10g/ngày, lần uống 5g

Thuốc tẩy

Vỏ quả bưởi the 12g, đọt lá muồng trâu 20g, vỏ cây đại 20g. Sắc với hai chén nước còn một chén. Uống hết một lần.

Chữa thũng trướng

Vỏ quả bưởi đào, nước thông, bồ hóng, mỗi vị 20 - 30g, diêm tiêu 12g, cỏ bấc 8g. Sắc uống 2 lần vào lúc đói.

Kiêng mặn, muối khi sử dụng thuốc.

Chữa phù thũng

Vỏ bưởi khô, ích mẫu, 2 vị bằng nhau, tán nhỏ.

Uống mỗi lần 8g với rượu khi đóo. Hoặc mỗi vị 20 - 30g sắc uống.

Thuốc tiêu phù

Vỏ bưởi đào 600g, cỏ roi ngựa 500g, bồ hóng bếp 400g, bích ngọc đơn 400g, ích mẫu 300g, hồi hương 200g, quế thanh 200g, phèn chi 200g, phèn chua 100g.

Tán thành bột làm hoàn, uống ngày 20g.

Chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh

Vỏ bưởi khô, đốt và xông hơ vào rốn

Chữa chốc đầu ở trẻ em

Hạt bưởi bóc bỏ vỏ ngoài. Xâu thành sợi dây thép, phơi thật khô. Đốt trên ngọn lửa cho cháy thành than rồi tán nhỏ. Rửa sạch chỗ chốc đầu bằng nước ấm, thấm khô rồi bôi bột than hạt bưởi.

Ngày bôi 1- 2 lần. Thời gian điều trị từ 3 - 6 ngày.

Các nhà khoa học Việt Nam chưa tìm thất bất kỳ một tác nhân nào từ cây bưởi trồng có khả năng gây bệnh cho con người, kể cả bệnh ung thư. Đây là một loại cây thuốc quý và rất quen thuộc đang được người Việt Nam duy trì và phát triển.

BS. Phạm Hồng Nga, Chuyên khoa Y học cổ truyền, chuyên khoa dinh dưỡngViện Y Dược học Dân tộc TP.HCM

Việt Báo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến