Chủ Nhật, 13 tháng 6, 2010

Khuôn Vàng Thước Ngọc: Trích "Nghiệp là một định luật luân lý đạo đức" (NS TN Diệu Minh)


Trích bài “Nghiệp là một định luật luân lý đạo đức”
Ni Sư Thích Nữ Diệu Minh


Mỗi người chúng ta, khi hiện diện trên đời này, ta đã “vay” rất nhiều của xã hội. Bởi ta không thể sống một mình mà không nhờ vả người khác, tức là ta không thể sống mà không “vay”. Do vậy, nhiệm vụ của ta là phải “trả”. Đó là lẽ công bằng.

Nhưng “trả” ở đây là ta phải biết “trả” cho đời, nghĩa là phải biết cống hiến hết sức lực, khả năng mình cho xã hội, phải biết góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung của đất nước; phải cống hiến là trách nhiệm của mỗi con người sống trong xã hội. Nếu như ai ai cũng hiểu rằng “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, thì mọi người sẽ sống đẹp xiết bao, tình thương thân tương trợ, tình nhân loại sẽ vô cùng thắm thiết.

Sống có ý thức, với đầy đủ trách nhiệm của mình tức là nhận chân rõ, không chút mơ màng là mỗi việc làm, mỗi lời nói, mỗi ý nghĩ của chúng ta đều có tác động đến bản thân mình (Biệt Nghiệp) mà còn ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều đến người khác, đến môi trường sống chung quanh ta (Cộng Nghiệp).

Hãy tỏ ra mình có đức hạnh, can đảm và hết lòng. Cố gắng thương yêu mọi loài. Con người chỉ xứng với danh nghĩa của nó chừng nào làm chủ được ý nghĩ, lời nói và hành động mình cả về nội giới và ngoại giới. Chinh phục được ngoại giới là một công trình to lớn, nhưng điều đáng ca ngợi hơn hết vẫn là sự điều ngự chính mình:

“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Không bằng tự thắng mình
Chiến công ấy kỳ tích”

 (Kinh Pháp Cú, 103)

Tâm hồn con người hôm nay đang đổ dốc trước sức lớn mạnh của kỹ thuật, tạo ra những cảnh-huống chênh-vênh, một viễn tượng tiêu diệt thế giới. Tham đắm của cải vật chất, con người có thể bắn giết, đâm chém, tiêu diệt lẫn nhau. Bởi thế, hiện tại chúng ta như đang nằm trên bờ vực thẳm. Tất cả những hành động xấu xa của chúng ta sẽ đưa chúng ta đến đó. Vì xâu xé từ đâu ra? Từ lòng con người! Tang tóc đổ vỡ từ đâu mà có? Từ lòng con người! “Họa phúc nhân do cánh vấn thùy” là vậy.

Vấn đề đau khổ và chiến tranh của nhân loại ngày hôm nay không phải ngẫu nhiên và tất định. Đó là kết quả hành động của con người và chỉ có con người mới có thể thay đổi hành động để biến cải xã hội mà thôi. Sự cải thiện này, chúng ta phải tự mình thực hành lấy, chứ không thể nhờ thiên hạ, sách vở hay các tổ chức nào ngoài chúng ta làm giúp được và sự cải thiện này chỉ có thể thực hiện khi mỗi cá nhân chúng ta bắt đầu biết tự giác lấy mình trong mỗi tình cảm, lời nói, việc làm, và ý nghĩ.

Con người chịu trách nhiệm đời sống tâm thức của mình nên tự nguyện lánh xa mọi điều xấu chứ không phải vì sợ hình phạt, chỉ trích hoặc vì khen thưởng ... Cơ sở triết lý hành thiện theo hướng ly tham, ly sân, ly si, ly ác, ly hại vững chắc hơn cơ sở hình phạt của pháp luật, bởi vì con người khôn ngoan có thể chạy trốn pháp luật và dư luận, nhưng người ta không thể chạy trốn lương tâm và nghiệp quả của mình.

Luật nhân quả không sai chạy, không thể tránh. Mỗi khi ta hại người khác, là ta đang tự hại mình: mỗi khi ta đem lại hạnh phúc cho người khác là ta đang đem lại cho chính mình hạnh phúc tương lai: 

“Tất cả niềm vui có được trên đời
Đều do muốn an lạc cho kẻ khác
Tất cả đau khổ có ra trên đời
Đều do muốn hạnh phúc cho chính mình.” (*)
 (*) Tính chất Cam Lồ, Ni Sư Trí Hải dịch, trang 84

Như vậy, nền đạo đức, luân lý Phật giáo như thế không xây dựng trên các tín điều, không xây dựng trên các tư duy thuần lý, cũng không “ra lệnh”, mà được xây dựng trên giá trị tiêu chuẩn an lạc, hạnh phúc và giải thoát của con người, rất người, ở chỗ con người chính nó phải chịu trách nhiệm về hai mặt nhận thức và hành động.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến