Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Biến Đổi Khí Hậu: Liên Hiệp Quốc kêu gọi toàn cầu ăn chay!




Tin mới nhất: “LIÊN HIỆP QUỐC KÊU GỌI TOÀN CẦU CHUYỂN SANG LỐI ẨM THỰC KHÔNG THỊT, KHÔNG BƠ SỮA”

Bài tường thuật của Felicity Carus, Phó chủ bút phát hành, mục Môi trường, nhật báo Guardian, Anh quốc, đăng hôm nay, ngày 2 tháng 6, 2010, nguyên văn tiếng Anh, BBT Việt Nam Ăn Chay chuyển ngữ. 

Một chuyển hướng sang lối dinh dưỡng thuần chay vô cùng cần thiết để cứu vãn thế giới khỏi nạn đói, thiếu thốn nhiên liệu và những nguy hại tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu, bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm nay.

Bản báo cáo từ Ủy ban Quốc tế Quản lý Tài nguyên Bền vững, thuộc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) cho biết trong khi dân số toàn cầu dự đoán sẽ tăng vọt lên 9,1 tỷ người vào năm 2050, khẩu vị kiểu Tây phương với lối ăn uống nhiều thịt và các sản phẩm bơ sữa quả thật không bền vững.

Bản báo cáo viết: "Ảnh hưởng nông nghiệp dự đoán sẽ gia tăng rất nhiều do dân số phát triển, khiến việc tiêu thụ sản phẩm thú vật cũng gia tăng. Không như nhiên liệu hóa thạch, khó mà tìm sự chọn lựa thay thế: con người ta phải ăn.
Việc giảm thiểu tác động đáng kể chỉ có thể xảy ra khi có một thay đổi lớn trên toàn thế giới trong lối dinh dưỡng, tránh những sản phẩm động vật.”

Giáo sư Edgar Hertwich, tác giả chính của bản báo cáo, nói: "Các sản phẩm thú vật gây nhiều tai hại hơn là [sản xuất] những vật liệu xây cất như cát hoặc xi-măng, nhựa hoặc kim loại. Sinh khối và mùa màng trồng cho loài vật nguy hại tương đương bằng nhiên liệu hóa thạch [đang cháy].”

Đề nghị này theo lời khuyên năm ngoái của Ngài Nicholas Stern, nguyên cố vấn của chính phủ Lao Động về kinh tế của biến đổi khí hậu, rằng ăn chay tốt hơn cho Địa Cầu. Tiến sĩ Rajendra Pachauri, chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), cũng đã kêu gọi mọi người ăn chay một ngày trong tuần để giảm khí thải các-bon.

Ủy ban gồm các nhà chuyên gia đã xếp hạng những sản phẩm, tài nguyên, sinh hoạt kinh tế và vận chuyển trên cán cân ảnh hưởng môi trường. Các vị này cho biết nông nghiệp đồng hạng với việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch vì cả hai đều nhanh chóng gia tăng khi nền kinh tế phát triển.

Ernst von Weizsaecker, một khoa học gia về môi sinh và đồng chủ tịch Ủy ban, nói: "Khi sự giàu có gia tăng, điều này kéo theo một chuyển hướng về lối ăn nhiều thịt và sản phẩm bơ sữa – nông súc ngày nay tiêu thụ rất nhiều vụ mùa trên thế giới và do đó, cũng tiêu thụ rất nhiều nguồn nước sạch, phân bón, và thuốc diệt sâu.”

Bản báo cáo cho biết cả hai lãnh vực năng lượng và nông nghiệp cần “tách rời” khỏi sự gia tăng về mặt kinh tế vì ảnh hưởng môi trường tăng khoảng 80% mỗi khi mức lợi tức lên gấp đôi.

Achim Steiner, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), nói: "Thoát khỏi tàn phá môi trường là thử thách hàng đầu mà các chính quyền đang đối diện trong một thế giới đang tăng dân số, tăng lợi tức, tăng đòi hỏi tiêu thụ, và nỗi khó khăn dai dẳng của việc giảm nghèo.”

Uỷ ban đã sử dụng rất nhiều nghiên cứu, kể cả “Đánh giá Hệ sinh thái Thiên niên kỷ,” và nêu lên những áp lực môi trường sau đây để trở thành những ưu tiên của các chính phủ vòng quanh thế giới: biến đổi khí hậu; thay đổi môi trường sống; phung phí ni-tơ và phốt-pho trong phân bón; lạm dụng quá mức việc đánh cá, các khu rừng và những tài nguyên khác; các chủng loại bị xâm lăng; nước uống không an toàn và không vệ sinh; phơi nhiễm chì; ô nhiễm không khí thành thị; và phơi nhiễm hạt vật chất trong ngành nghề.

Nông nghiệp, nhất là cho thịt và các sản phẩm bơ sữa, chiếm 70% việc tiêu thụ nước sạch, 38% tổng số đất đai, và 19% khí thải nhà kính của thế giới - bản báo cáo cho biết như trên. Tài liệu sẽ được giới thiệu vào thứ bảy này để trùng hợp với Ngày Môi trường Thế giới của Liên Hiệp Quốc.

Năm vừa qua, Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng, tính đến năm 2050, việc sản xuất thực phẩm toàn cầu phải gia tăng 70% mới nuôi nổi dân số tăng vọt của thế giới. Ủy ban cho biết hiệu suất nông nghiệp sẽ bị choáng ngợp bởi dân số gia tăng theo dự đoán.

Giáo sư Hertwich, cũng là giám đốc của chương trình sinh thái kỹ nghệ tại Đại học Khoa học và Kỹ thuật Na Uy, nói rằng các quốc gia đang phát triển – nơi phần đông sự gia tăng dân số này sẽ diễn ra - không nên theo gia tăng tiêu thụ kiểu Tây phương: “Các quốc gia đang phát triển không nên theo mô hình của chúng tôi. Nhưng cũng tùy chúng tôi chọn lựa để phát triển kỹ thuật, chẳng hạn như năng lượng bền vững hoặc các phương pháp tưới nước.” 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến