Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Nấu chay: Chạo chay - Mẹ thực hiện

IMG_2340
Hình chạo chay cung cấp bởi nhiếp ảnh gia tí hon HM
 
Món này Mẹ làm ngon lắm, ăn hoài không ngán, hương vị thật đậm đà. Mẹ làm hơn hẳn món chạo tàu hủ của DS làm.  Món này dùng để cuốn hay ăn với bún, cơm dĩa hoặc dồn bánh mì, hay là chỉ ăn chơi đều ngon.

Nguyên liệu
  • Tàu hủ xay nhuyễn
  • Cà rốt xay nhuyễn
  • Bắp gọt lấy hột xay nhuyễn
  • Nấm đông cô, ngâm mềm, xay nhuyễn
  • Muối, tiêu
  • Bột mì căn
  • Mía cây
  • Hột điều cho có màu đẹp
  • Dầu để chiên
Cách làm
1. Trộn tàu hủ, cà rốt, bắp, nấm vào tô lớn, chỉ cần nêm muối, tiêu cho vừa ăn vì bắp, cà rốt và mía rất ngọt rồi nên không cần nêm đường
2. Rắc bột mì căn vào sao cho vò viên được
3. Vắt hỗn hợp lên cây mía
4. Bao bằng lá chuối hay lá bắp
5. Hấp 30 phút
6. Để thật nguội, có thể hấp hôm trước, hôm sau mới chiên
7. Chiên vàng
8. Khi chiên xong, để lại 1 chút dầu để khử hột điều, vớt hột điều ra bỏ, cho chạo chay vào ram lại cho có màu thật bắt mắt
IMG_2336
Chạo chay sau khi hấp
 
Nhiều nơi trên thế giới đang hân hoan đón chào Vu Lan, ban ATC cố gắng đăng thật nhiều món chay để ủng hộ các bạn ăn chay hầu đền đáp phần nào công ơn sanh thành dưỡng dục.
 
Chúc các bạn một mùa Vu Lan hiếu hạnh.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Diệu Sương

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Nấu chay: Bánh mì bột lứt nướng bằng lò nhỏ – Rất dễ làm

DS làm món này cho buổi tiệc trong sở, nghe nói làm bằng bột mì lứt là ai cũng thích vì bột mì lứt có nhiều chất xơ và dinh dưỡng hơn bột mì trắng. Làm dễ lắm, mình pha bột ướt hơn thường lệ một chút thì khỏi cần phải nhồi. Xong mình để vào tủ lạnh cho nó nổi chậm qua đêm, sáng dậy lấy ra nướng là có bánh mì nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Bột có thể để được trong tủ lạnh 1 tuần, hằng ngày mình nướng tới đâu, ăn tới đó.  Bột để lâu hơn sẽ có mùi chua, sau 1 tuần nếu còn dư thì nên cho vào ngăn đá.

Công thức  này làm được 32 que bánh mì.

Nguyêu liệu

  • 1 gói bột nổi nâu (yeast, DS mua hiệu Red Star trong tiệm Mỹ, gần hàng sữa) pha với 2 muỗng canh nước ấm (nước nóng quá men sẽ bị chết, bánh mì làm ra cứng ngắc, đem đi liệng, lỡ trúng ai sẽ bị kiện Smile)

  • 1 1/2 cups nước nóng
  • 1/4 cup dầu ô liu (olive oil)

  • 1/4 cup maple syrup (hay mật ong hay nước đường)

  • 3 1/2 cups bột mì lứt (DS mua hiệu King Arthur Traditional Whole Wheat Flour, hiệu bột này làm bánh mì ngon hơn mấy hiệu khác)

  • 1 1/4 muỗng cà phê muối
  • 4 nắm tay mè để lăn trước khi nướng (không có cũng được)

Cách làm 
1. Trộn tất cả nguyên liệu trên vào 1 tô lớn cho đến khi bột không dính thành tô.
2. Đậy tô bột bằng giấy ni lông.
3. Cho bột vào tủ lạnh qua đêm.
4. Sáng lấy bột ra để ở ngoài khoảng 20 phút cho hết lạnh.
5. Trên mặt phẳng, thoa dầu, lấy 1 viên bằng nửa trái ping pong, lăn trên mặt phẳng, vừa lăn vừa kéo ra thành que dài khoảng 9 inch.
6. Rải mè ra mặt  phẳng, lăn que bánh qua mè cho dính (nếu không có mè thì khỏi).
7. Làm 4 que thì đem nướng (toast). Vặn nút nướng vàng nhất, nướng  2 lần (khi lò bật lên, kéo nút nướng 1 lần nữa).
8. Trở bánh mì qua bề kia, nướng thêm 1 lần nữa.
9. Cho bánh mì lên vĩ cho nguội mà không đổ mồ hôi.
10. DS làm 4 que, nướng, trong khi chờ nướng, DS làm 4 que khác.

Bánh mì que bột lứt ăn với mì Ý xốt cà thì ngon lắm.

Hay mình có thể cán tròn làm bánh mì rỗng ruột kiểu như bánh tiêu, nhét với đạm chay gì cũng ngon.

Chúc các bạn làm bánh mì nhỏ thành công.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Nấu chay: Sa tế chay – Mẹ thực hiện

IMG_2359
Món này Mẹ làm vì thấy trên ngăn đá có nhiều ớt quá. Ớt để nguyên trái trên ngăn đá thì ế nhệ, còn làm ra món sả ớt thì đắc hàng lắm nhen.  Các bạn nào thích ăn cay sẽ mê ngay, mình xào, xốt, chiên, kho hay ăn hủ tiếu, mì, bún… mà thêm 1 tí sả ớt vào là ngon hết biết. Mấy tấm hình này của cháu DS chụp, trông cũng khá lắm chứ Smile. Mẹ nói mùa Vu Lan kêu cháu làm cho cô bé có công đức, mà cũng dễ thương lắm, đang chơi, Mẹ kêu chụp hình là chụp gởi cho DS liền.

Nói chuyện về ớt một chút cho vui cửa vui nhà nhe. Các bạn có biết vì sao dân ở xứ nóng hay thích ăn cay không? DS nghe anh bạn đồng nghiệp nói ăn cay thì lỗ chân lông mở ra, làm cho mồ hôi thoát ra ngoài, bớt được nhiệt trong mình, người trở nên mát mẻ. Nghe cũng hay! Còn đa số người Mỹ không thích ăn cay, ăn cái gì hơi cay một chút thì mồ hôi đổ ra như tắm, uống không biết bao nhiêu ly nước. Đã vậy tối còn năm mơ thấy chuột chạy đầy người. Smile

Nguyên liệu
  • Sả, bào bằng bàn bào tay, xong xay nhuyễn bằng máy
IMG_2356
Sả bào chuẩn bị xay bằng máy
  • Ớt, xay nhuyễn
  • Dầu
  • 1 tai vị hay còn gọi là đại hồi
  • 2 lát gừng
IMG_2357
Ớt xay, sả xay, tai vị và gừng
Cách làm
1. Bắc chảo nóng khử gừng và tai vị cho thơm vàng, xong vớt ra bỏ
2. Cho sả vào xào cho thơm vàng
3. Cho ớt vào, xào cho săn lại
4. Để nguội cho vào hủ, ép xuống cho chặt, muốn để được lâu đổ dầu vào cho ngập
 
Chúc các bạn làm món sả ớt thật ngon.
Nam Mô A Di Đà Phật.

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Nấu chay: Rau củ xào ngũ sắc – Tuệ Lan thực hiện

photo (49)

Một món chay ngon có thể dùng trong các bữa tiệc chay vì đủ tiêu chí ngon và đẹp mắt.

Nguyên liệu

Mỗi thứ một chút gồm: ớt chuông đỏ, thơm, cần tây, dưa leo,  củ năng, hạt điều và đạm chay tùy thích, bữa nay TL dùng thanh cua chay.

Gia vị gồm bột nêm chay, tương xí muội và gừng bằm nhuyễn.

Cách làm

- Rau củ cắt miếng vừa ăn, kích thước tương đương nhau. Dưa leo nhớ bỏ ruột, giữ lại vỏ.

- Khử gừng trong chảo dầu nóng cho thơm, bỏ lần lượt vào chảo mỗi thứ cách nhau 30s, đảo đều: đạm chay->củ năng->cần tây->thơm->ớt chuông->dưa leo ->hạt điều. Nêm chút bột nêm, tương xí muội, tắt bếp cho chút dầu mè cho thơm.

Món này dùng với cơm nóng rất ngon vì  mỗi thành phần nguyên liệu mang một vị khác nhau: một chút chua ngọt của thơm, vị bùi bùi của hạt điều, vị giòn và ngọt của củ năng hay hơi nồng của ớt chuông, tất cả được quyện chung với vị chua ngọt của tương xí muội.

Chúc các bạn làm được nhiều món chay ngon cho mùa chay tháng Bảy này.

Tuệ Lan

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2012

Nấu chay: Cách hấp xôi bằng nồi áp suất – Tuệ Lan thực hiện

photo (38)
Hấp xôi bằng nồi áp suất có nhiều ưu điểm so với cách hấp bằng chõ truyền thống.
- Nhanh và dễ hơn
- Xôi dẻo ngon hơn nhờ nhiều hơi và kín
- Tiết kiệm nhiên liệu
- Tiết kiệm thời gian
TL sử dụng nồi áp suất hiệu Fissler, phụ kiện đi kèm theo nồi gồm có kiềng, sửng có lỗ và sửng không lỗ. Khi hấp xôi chúng ta dùng sửng có lỗ.

Cách làm

photo (34)
Đổ nước vô nồi cách đáy sửng khoảng 2cm tránh cho nước khi sôi táp lên làm nhão xôi.

Nếu dùng nồi áp suất nào không có kiềng đi kèm có thể dùng 1 cái tô nhỏ hoặc cái chén thay thế. Nếu không có sửng thì có thể "chế" bằng cách dùng một rá có lỗ nhỏ, dầy bằng nhôm cắt cho vừa với khuôn trong của nồi. TL học cách làm này từ mẹ vì những năm 80s có nồi áp suất nhưng không có phụ kiện đi kèm, mẹ TL đã làm cách này để hấp xôi.
photo (35)

Bỏ gạo nếp đã ngâm từ 6-8 tiếng (tùy loại) và các nguyên liệu vào sửng có lỗ, trải đều, có thể dùng đũa "đục" vài lỗ trên mặt gạo để hơi nước lên được nhiều hơn.
photo (36)
Đậy kín nắp ở chế độ áp suất, đợi cho đến khi 2 vạch xanh nhú lên như trong hình. Tắt bếp. Vì hơi đủ đã đẩy 2 vạch lên, lúc này trong nồi nước vẫn còn sôi và đưa hơi lên để làm chín xôi. Sau khi hai vạch trở lại vị trí ban đầu, mở nắp ra dùng đũa bới xôi cho đều, nếu thấy xôi hơi khô có thể rắc vài muỗng nước nóng và đảo đều 1 lần nữa. Đậy nắp hấp như lần đầu. Đợi 2 vạch xuống hẳn là đảm bảo xôi chín ngon, dẻo.
photo (37)
Mọi người hay than ngại nấu xôi vì mất thời gian riêng TL lại thấy rất khỏe, ví dụ muốn nấu ăn sáng thì trước khi đi ngủ ngâm gạo, sáng ra để ráo một chút là hấp được rồi. Trong khi hấp thì mình có thể làm được nhiều việc khác. Dùng nồi áp suất đỡ tốn nhiên liệu vừa tiết kiệm tiền vừa "sành điệu" ha vì chúng ta ngoài ăn chay trường vì mục đích tôn giáo còn mang ý nghĩa bảo vệ môi trường. Tiết kiệm nhiên liệu hôm nay chính là để dành cho tương lai Smile.

Nói chuyện ngoài lề một chút, trước khi chưa ăn chay thì cũng có ý thức nghĩ về môi trường chứ chưa hành động như bây giờ. Ví dụ bây giờ mỗi lần đi siêu thị TL thường mang túi hoặc shopping trolley của mình đi để khỏi phải dùng túi nylon của siêu thị, bớt rác thải lại được discount 10 cents, hihi. Còn những cách tiết kiệm nước, tiết kiệm điện sinh hoạt, điện khi ủi đồ v..v… nữa chúng ta cùng chia sẻ để xứng đáng với khẩu hiệu "ăn chay, sống xanh, bảo vệ môi trường" nhé.

Hy vọng TL không bị DS tuýt còi vì đi lạc đường, hihi.
Tuệ Lan

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Nấu chay: Gỏi khổ qua ngon giòn – Nhật Hạnh thực hiện

goikhoqua 006
Món này hôm nay cô Nhật Hạnh làm cho khóa tu Bát Quan Trai ở chùa Giác Lâm, ai cũng khen ngon và xin bí quyết. Cô Nhật Hạnh mến chia sẻ đến các bạn đây.

Nguyên liệu
Khổ qua, xắt không mỏng cũng không dầy cho vừa đủ độ giòn
Đạm chay nào mà mình thích như ham chay, tàu hủ chiên, chả lụa chay xắt lát, tàu hủ ky chiên bóp hơi nát hay nấm xào
Giấm, đường, muối, tiêu, bột nêm
Rau răm, xắt hơi nhuyễn
Đậu phọng, giã hơi nát

Cách làm
1. Pha giấm với đường sao cho hơi sền sệt (chắc là tỉ lệ 1 giấm 1 đường)
2. Ngâm khổ qua với hỗn hợp giấm đường, để tủ lạnh qua 1 đêm
3. Trước khi trộn gỏi, cho khổ qua ra rổ 30 phút cho ráo nước (không vắt chỉ để ráo thôi)
4. Cho khổ qua ra tô lớn, nêm muối hay bột nêm cho vừa ăn
5. Trộn đạm chay vào cho đều
6. Trộn rau răm, đậu phọng, rắc tiêu

Món này trộn vừa ăn lắm nên không cần nước chấm. Hình như bí quyết để làm gỏi ngon là ngâm với dung dịch giấm đường trước cho thấm. Kỳ rồi về VN, DS cũng nghe người chị bà con bày như vậy với món đồ chua. Hôm nào DS sẽ thử làm món gỏi khác xem sao. Cái này DS chỉ nghĩ ra thôi, chưa có áp dụng, nếu ai làm thử mà không thành thì xin đừng dũa tui Smile.

Chúc các bạn làm món gỏi khổ qua thật ngon. 

Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Sương

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Nấu chay: Muối mè rong biển – Mẹ thực hiện

photo
Hình này là do đứa cháu gái 8 tuổi chụp, chừng ấy tuổi mà được nhờ rồi, thích quá đi thôi! Món này ăn bắt cơm lắm, đi xa đem theo ăn cũng tiện. Kỳ này Mẹ có cho cân lượng hẳn hòi nên hy vọng ai cũng làm được món này.

Nguyên liệu
  • 1 chén mè vun, vo sạch để ráo nước
  • 1/2 chén nước
  • 1 muỗng cà phê muối biển
  • 3 muỗng cà phê đường (các bạn nào theo thực dưỡng thì khỏi cho đường nhe)
  • 1 muỗng canh dầu mè
  • 8 miếng rong biển, cắt nhuyễn
rongbien
Rong biển mua ở chợ Đại Hàn
  • 2 lát gừng để khử dầu
Cách làm

1. Hòa muối, đường với nước
2. Ngâm mè trong dung dịch muối đường khoảng nửa tiếng cho thấm
3. Bắt chảo dầu nóng, khử gừng cho thơm rồi vớt gừng ra bỏ, cho hỗn hợp nước mè trên vào rang thật nhỏ lửa cho đến khi vừa vàng
4. Cho nửa phần rong biển vào rang cho khô
5. Cho tiếp nửa phần rong biển còn lại rang tiếp cho khô
Muối mè rong biển ăn với cơm lứt hay trắng đều ngon.
Chúc các bạn nhiều bữa cơm chay ngon.

Nam Mô A Di Đà Phật
Diệu Sương

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Y học: Ăn chay trường để phòng bệnh

files
Nghiên cứu nhiều chế độ ăn chay khác nhau người ta đều cho một kết quả chung: giảm tổng lượng chất béo bão hòa, giảm hàm lượng cholesterol, có thêm nhiều axit forlic, nhiều chất xơ, nhiều chất chống oxy hóa, các chất quang hợp và các carotenoid. Cung cấp đủ và cân bằng hai axit amin cần thiết là lysin và methionin.

Ăn chay có lợi gì?
Bằng những phân tích khoa học, người ta thấy đặc điểm đặc trưng của chất béo trong khi ăn chay là ít có axit béo bão hòa, vô cùng giàu axit béo chưa bão hòa. Dầu oliu, dầu cọ, dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu vừng, dầu lạc, dầu ngô được coi là nguồn thực phẩm chay có họ hàng cung cấp những chất này. Vốn được coi là một axit béo có liên quan đến LDL, axit béo bão hoà vẫn được quy kết cho tội làm tăng cholesterol máu, là nguy cơ làm gia tăng các bệnh mạch vành, bệnh tăng huyết áp, bệnh đột quỵ Axit béo chưa bão hòa, trái lại, làm giảm các LDL và tăng các HDL, các cholesterol tốt có ý nghĩa làm giảm nguy cơ sức khoẻ của bệnh tim mạch, bệnh béo phì, bệnh đái tháo đường týp 2. Như vậy, thực phẩm chay đóng góp một phần quan trọng trong điều chỉnh các yếu tố nguy cơ sức khỏe thuộc về chất béo.
Chế độ ăn chay cần cân bằng, đa dạng và phong phú.

Nghiên cứu nhiều chế độ ăn chay khác nhau người ta đều cho một kết quả chung: giảm tổng lượng chất béo bão hòa, giảm hàm lượng cholesterol, có thêm nhiều axit forlic, nhiều chất xơ, nhiều chất chống oxy hóa, các chất quang hợp và các carotenoid. Cung cấp đủ và cân bằng hai axit amin cần thiết là lysin và methionin. 

Sử dụng thực phẩm chay giúp làm giảm béo phì, giảm được chỉ số khối cơ thể. Cụ thể, nếu sử dụng chế độ chay thường xuyên thì có thể giúp giảm chỉ số BMI cỡ 2kg/cm2. Hạ được chỉ số BMI tức là chúng ta tiệm cận đến ngưỡng cân nặng chuẩn. 

Chẳng những vậy, thực phẩm chay còn giúp giảm nguy cơ bệnh mạch vành. Nguy cơ bệnh mạch vành được giảm 35% khi có sử dụng chế độ ăn chay. Tác dụng làm hạ chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đã cho thấy ý nghĩa của chế độ chay với người bị tăng huyết áp. Người ta tính toán và thấy rằng, nếu giảm huyết áp tâm trương 5mmHg thì làm giảm nguy cơ đột qụy não 34%, giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch 21%. Mà ăn chay lại làm giảm 5-10mmHg huyết áp cả tâm thu và tâm trương nên rõ ràng là nó vô cùng ý nghĩa với những bệnh nhân này. 

Trên ảnh hưởng tới bệnh đái tháo đường týp 2, ăn chay cung cấp nhiều chất xơ. Điều này làm tăng chuyển hoá đường trong máu, làm giảm tỷ lệ nguy cơ bị đái tháo đường, giảm mức độ và tiến triển của bệnh. 

Nhiều công trình nghiên cứu cho rằng ăn chay còn có tác dụng với sức khoẻ hệ xương. Ăn chay không hề có tác hại xấu cho hệ xương mà còn có tác dụng tốt. Nó không làm giảm tỷ trọng xương. Một số nghiên cứu cho thấy rằng người ăn chay không gặp vấn đề tiêu cực gì về mật độ xương. Tuy nhiên, do tính phức tạp của vấn đề, căn bệnh này còn phụ thuộc vào quá nhiều các yếu tố khác như lười vận động, ăn không đủ can-xi, rong kinh, rong huyết nên việc kết luận cũng mới chỉ dừng lại ở chỗ ăn chay có tác dụng với hệ xương. 

Nhiều công trình nghiên cứu gần đây nhất còn kết luận ăn chay với điều kiện là ăn đầy đủ rau quả hàng ngày sẽ cải thiện được vóc dáng, và cải thiện được sức khoẻ nói chung. Đặc biệt là làn da sẽ trở nên khoẻ, đẹp và sáng hơn, đặc biệt là những người thuộc chủng tộc có da màu vàng như chúng ta và các quốc gia châu Á. Chưa hết, ăn chay, nhất là ăn các loại rau củ quả có màu đỏ đậm và màu vàng như cà chua, cà-rốt, bí ngô, gấc, dưa hấu chứa nhiều beta caroten có tác dụng chống oxy hoá, cực kỳ có lợi cho hệ miễn dịch và hệ sinh sản. 

Gần đây, các nhà nghiên cứu về thận học còn thấy một kết quả đầy thú vị một lần nữa khẳng định thêm giá trị của chế độ ăn chay vốn đã đầy ưu việt. Được thử nghiệm thăm dò về hàm lượng chất phốt-pho trong máu ở những bệnh nhân bị bệnh thận, người ta thấy, chế độ ăn chay làm giảm nồng độ các chất phốt-pho trong máu. Điều này là có lợi cho những bệnh nhân bị bệnh lý thận có suy giảm khả năng lọc máu vì như vậy chế độ ăn chay làm giảm nguy cơ và mức độ nhiễm độc các hợp chất phốt-pho bị tồn lưu. Sử dụng chế độ ăn chay sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ và giảm thiểu những biến chứng do tình trạng suy thận gây ra. 

Xét về góc độ kéo dài tuổi thọ, chế độ ăn chay cũng chứng minh được tác dụng độc đáo này. Bằng chứng được thể hiện trên 2500 người già có sử dụng chế độ ăn khác nhau. Một bên là ăn chay và một bên là sử dụng chế độ ăn giàu chất béo động vật. Sau 10 năm theo dõi, 40% người cao tuổi đã sử dụng chế độ ăn giàu chất béo động vật đã dừng cuộc sống trên trần gian sớm hơn so với người sử dụng chế độ ăn chay, 21% ca tử vong có liên quan đến chế độ ăn nhiều thịt. Mặc dù tuổi thọ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình trạng dinh dưỡng cân bằng, bệnh lý đi kèm, điều kiện gia đình, chăm sóc y tế, nhưng những kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của ăn chay tới tuổi thọ của con người cũng phần nào cho thấy, ăn chay là một yếu tố có vai trò kéo dài tuổi cuộc sống của chúng ta. 

Các tác dụng khác của ăn chay bao gồm hạ tỷ lệ bệnh đột quỵ não, hạ tỷ lệ ung thư trực tràng, thực quản, dạ dày, phổi, vú. Giảm tới 40% ung thư trực tràng ở nhóm người ăn chay thường xuyên. Ăn chay cũng có tác dụng cải thiện các rối loạn về khớp và các bệnh về thận.
Khi ăn chay không nên ăn chỉ một loại thực phẩm.

Như vậy là ăn chay quả thực là có nhiều tác dụng. Nó còn đặc biệt được phát huy kết quả khi nó được sử dụng đúng cách. 

Ai nên ăn chay?
Vốn được coi là yếu tố làm giảm béo phì, ăn chay như là lời khuyên đầu tiên với những người béo phì. Đặc biệt những người có chỉ số BMI báo động trên 40. Việc sử dụng chế độ chay thường xuyên sẽ cải thiện chỉ số này và do đó trả lại cho cơ thể vẻ khoẻ mạnh và gọn gàng. 

Vì có những tác dụng chẳng thể chối cãi trên hệ tim mạch, nên ăn chay là một lời khuyên tốt cho những người bị bệnh lý tim mạch. Những người cao tuổi, những người bị bệnh tăng huyết áp, những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, những người phải đặt sten động mạch vành thì nên ăn chay thường xuyên. Sự gia giảm con số huyết áp không những có ý nghĩa với những bệnh nhân tăng huyết áp mà còn giúp làm chậm tiến hóa các quá trình bệnh lý ở các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch khác. Tăng cường lựa chọn các loại rau, củ, quả, hạn chế các loại thực phẩm chay giàu chất béo như dừa, vừng, lạc. 

Nghiên cứu nhiều chế độ ăn chay khác nhau người ta đều cho một kết quả chung: giảm tổng lượng chất béo bão hoà, giảm hàm lượng cholesterol, có thêm nhiều axit forlic, nhiều chất xơ, nhiều chất chống oxy hoá, các chất quang hợp và các carotenoid. Cung cấp đủ và cân bằng hai axit amin cần thiết là lysin và methionin.

Vì làm gia cố hệ miễn dịch, kéo dài tuổi thọ nên những người bị bệnh mạn tính đường hô hấp, đường tiêu hoá, những người già, người ít vận động nên sử dụng chế độ chay. Vì ăn chay giúp kịp thời làm điều hoà các gốc oxy hóa dư thừa trong cơ thể, củng cố khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch. 

Lại do có tác dụng làm giảm mỡ máu, giảm đường máu nên những bệnh nhân đái tháo đường hoặc những người có nguy có bị đái tháo đường nên ăn chay. Vì có nhiều chất xơ nên những bệnh nhân bị táo bón, rối loạn tiêu hoá nên sử dụng chế độ chay. 

Để có một chế độ ăn chay tốt, nên ăn chay thường xuyên, cân bằng, đa dạng và phong phú. Không ăn chỉ một loại thực phẩm, mà cần đảm bảo đủ các thành phần dinh dưỡng nêu trên. 

BS. Hồng Phong - Sức khỏe và Đời sống

Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Nấu chay: Nước sả, món giải khát ngon bổ – Tuệ Lan thực hiện

photo (46)
Hôm nay "nàng" thấy trong người không khỏe, có vẻ muốn bệnh đây. Không muốn ăn mà chỉ thèm uống thứ gì ngọt ngọt một chút, mát mát càng ngon. Nấu chè thì làm biếng, chợt nhớ có món giải khát khoái khẩu mỗi khi đi ăn ở nhà hàng Thái, nước sả!

Thật dễ dàng để có được thức uống thơm ngon và bổ dưỡng này. Cây sả giúp cho hương vị các món ăn dậy mùi hơn và giúp kích thích vị giác cũng như tiêu hóa. Cây sả còn được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, nhức đầu, đầy bụng, tiêu chảy... Tinh dầu sả tiết ra mùi dễ chịu giúp thông mũi, đổ mồ hôi khi dùng để xông. Phụ nữ xưa còn thích nấu nước sả để gội đầu vì tinh dầu sả có chất giúp mượt mà và thơm tóc nữa. Nghe nói vì chưa được khoa học kiểm chứng (nhưng không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc) nước nấu từ cây sả tươi có thể ngăn ngừa và đẩy lùi tế bào ung. Nếu quả thực vậy, cây sả quá nhiều ưu điểm, còn một lợi điểm của cây sả là tinh dầu của nó có thể ngăn ngừa và xua đuổi côn trùng như ruồi, muỗi, bọ chét... và có tác dụng khử mùi hôi nữa.

Về giá trị dinh dưỡng cây sả cung cấp lượng sắt rất lớn và một ít calcium, magnesium, folate, zinc... đây là những chất vi lượng mà những người ăn chay trường như chúng ta cần bổ sung.

Lấy 6-7 cây sả tươi lột vỏ rửa sạch dùng chày đập dập để khi nấu cho ra hết tinh dầu. Đun khoảng 1 lít nước sôi với những cây sả đập dập này trong vòng 20-30 phút, để lửa liu riu. Có thể bỏ vài lá dứa cũng rất thơm. Hôm nay TL không đi chợ nên chỉ còn sả mà không có lá dứa. Vớt bỏ xác. Nêm đường nâu tùy theo khẩu vị. Để nguội hoặc uống nóng tùy thích. Có thể cắt vài lát chanh mỏng bỏ vô ly nước uống càng thêm hương vị.

Món giải khát này sẽ giúp kích thích khẩu vị và bớt ngán khi trong bữa ăn dùng nhiều dầu mỡ.

Các bạn thử làm nhé.

Tuệ Lan

Phật Pháp: Đạo Phật Và Chữ Hiếu


Đạo Phật Và Chữ Hiếu

Tỳ kheo Thích Minh Châu

Mỗi năm, vào dịp lễ Vu Lan, chúng ta đều tập hợp đông đủ ở đây, để cùng đọc lại những lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu, thân tình nhắc nhủ nhau thực hiện những lời dạy đó một cách trọn vẹn trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Trước hết, tôi xin phép nhắc lại một đặc điểm của Tôn giáo chúng ta là nói đi đôi với làm. Người Phật tử không nói dối. Nói mà không làm là một hình thức nói dối. Đức Phật từng dạy rằng, nói lời hay mà không làm, cũng không khác gì hoa đẹp mà không có hương (Kinh Pháp Cú). Đối với Cha Mẹ, chúng ta phải hết lòng hiếu kính, phụng dưỡng, nhất là khi Cha Mẹ tuổi già, đau ốm, cần tới sự săn sóc ân cần của chúng ta.
Đức Phật từng dạy rằng, săn sóc người ốm cũng như săn sóc Đức Phật. Nếu người ốm đó lại chánh là Cha Mẹ chúng ta, thì sự săn sóc phải ân cần chu đáo gấp trăm ngàn lần. Đáng tiếc rằng, ở thế gian, người ta thường không làm được như vậy. Cha Mẹ già, đau ốm thưòng bị con cháu bỏ rơi. Chúng ta là Phật Tử, chúng ta tuyệt đối không được làm thế bởi vì làm thế không những trái với đạo lý thông thường của thế gian mà cũng trái với lời chánh Đức Phật dạy. Trái đến hai lần, trái lời Phật dạy phải săn sóc người ốm, trái lời Phật dạy phải hiếu kính Cha Mẹ, phải săn sóc người ốm như chánh là săn sóc Đức Phật.
Hiếu kính Cha Mẹ là một truyền thống rất tốt đẹp và lâu đời của dân tộc Việt Nam chúng ta. Truyền thống đó từ xa xưa đã được giữ vững và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến ngày nay. Nhiều ca dao, tục ngữ phản ảnh sinh động truyền thống đó:
"Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho trọn chữ hiếu mới là đạo con."
Hoặc:
"Trải bao gian khổ không sờn
Muôn đời con vẫn nhớ ơn Mẹ hiền."
Đạo Phật vào Việt Nam, lại càng củng cố thêm truyền thống tốt đẹp đó:
"Đêm đêm khấn nguyện Phật Trời
Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.”
Đức Phật tán thán công ơn Cha Mẹ là to lớn khó lòng đền đáp.
Đó là những câu ca dao Việt Nam, mà hầu như mọi người chúng ta đều thuộc lòng. Thế nhưng lời dạy của Đức Phật về chữ Hiếu còn cụ thể hơn nhiều, hình ảnh mà Đức Phật dùng làm ví dụ sinh động hơn nhiều:
"Này các Tỳ kheo, cái này là nhiều hơn, tức là sữa Mẹ các người đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chứ không phải là nước trong bốn biển" (Tương Ưng II, 208).
Đức Phật lại nói tiếp:
"Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỳ kheo, nếu một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho Mẹ và Cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, Mẹ Cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Mẹ và Cha..." (Tăng Chi I, 75).
Rồi Đức Phật giải thích, vì sao công ơn Cha Mẹ đối với con cái to lớn đến thế.
"Vì cớ sao? Ví rằng, này các Tỳ kheo, Cha Mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này" (Tăng Chi I, 75).
Gia đình có con cái hiếu thảo với Cha Mẹ được Phật tán thán ngang bằng với Phạm Thiên
Đức Phật nhắc nhủ chúng ta hiếu kính Cha Mẹ, săn sóc, phụng dưỡng Cha Mẹ, bởi vì làm như vậy cũng không đủ để trả ơn Cha Mẹ, nhưng theo đúng quy luật nhân quả của nhà Phật, công đức của người con hiếu thảo cũng đã vô cùng to lớn rồi. Và Đức Phật đã tán thán công đức của những gia đình hiếu thuận, và những người con hiếu thuận như sau:
"Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ Cha Mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ kheo, trong ấy các con cái kính lễ Mẹ Cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.”
"Phạm Thiên, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha; các Đạo sư ngày xưa, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa vói Mẹ Cha, đáng được cúng dường, này các Tỳ kheo, là đồng nghĩa với Mẹ Cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỳ kheo là Mẹ Cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời" (Tăng Chi I, 147).
Đức Phật là bậc trí tuệ, bậc giác ngộ lớn, không gì không biết, không gì không thấy. Nhân thế nào quả thế nào, Đức Phật biết rõ, thấy rõ như trong lòng bàn tay. Những điều Phật biết, Phật thấy, chúng ta không biết không thấy, hoặc chỉ biết và thấy một cách đại khái.
Công đức, quả báo của những gia đình, những con cái hiếu thuận với Cha Mẹ, thực là lớn lao vô cùng, nhưng chỉ có Đức Phật mới thấy rõ, biết rõ và giảng giải lại cho tất cả chúng ta được biết một cách thật là sinh động và cụ thể.
Thi hào Nguyễn Du tác giả truyện Kiều, có câu:
"Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.”
Thông hiểu lời Đức Phật về chữ Hiếu, chúng ta cũng có thể nói:
"Dù xây chín đợt phù đồ
Không bằng hiếu thuận Mẹ Cha một ngày.”
Tất nhiên, đây là cách nói. Con cái không phải hiếu thuận Mẹ Cha một ngày mà cả đời mình.
"Một bên vai cõng Cha, một bên vai cõng Mẹ, như vậy suốt 100 năm, cũng không đủ để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của Mẹ Cha" (Tăng Chi I, 75).
Phật dạy rằng gia đình nào hiếu kính Cha Mẹ thì cũng không khác gì Phạm Thiên. Không khác gì bậc Đạo sư thời xưa, và xứng đáng được cúng dường. Ý nghĩa của những ví dụ ấy như thế nào?
Những người Ấn Độ giáo và Bà La Môn giáo, ngày xưa xem Phạm Thiên (Brahma) như là vị Thần tối thượng của họ, còn theo đạo Phât, Phạm Thiên là cõi Trời Dục giới và Sắc giới. Đức Phật đánh giá gia đình nào có con cái hiếu thuận với Cha Mẹ, cũng không khác gì cõi Trời Phạm Thiên vậy, và những người sống trong gia đình như thế cũng giống như chư Thiên ở cõi Trời Phạm Thiên vậy. Kính lễ, tán thán những người con hiếu thảo không khác gì kính lễ, tán thán Phạm Thiên. Và sống trong những gia đình hiếu thuận với Cha Mẹ, cũng tức là sống hạnh phúc, an lạc không khác gì sống ở cõi Trời Phạm Thiên. Các bậc Đạo sư thời xưa được tôn quý như là các bậc Thầy hướng dẫn đời sống đạo đức và tâm linh cho dân chúng. Đức Phật tán thán những ngưòi con hiếu thuận với Cha Mẹ, cũng không khác gì các bậc Đạo sư thời xưa. Vì cớ sao? Chánh là vì, gương sáng hiếu thuận Cha Mẹ cũng là gương sáng của cuộc sống tâm linh và đạo đức cao cả. Và bởi lẽ, những người con hiếu thảo với Cha Mẹ, được Đức Phật coi trọng như Phạm Thiên, như các bậc đạo sư thời xưa cho nên họ cũng xứng đáng được cúng dường.
Ngưòi Ấn Độ ngày xưa xem lửa như một vị Thần mà họ gọi là Thần Agni. Họ có tập tục tế lửa. Anh em ông Ca Diếp, trước khi quy y Phật, vốn là những người theo đạo tế Thần lửa. Nhưng Đức Phật dạy rằng, Cha và Mẹ chánh là lửa đáng cung kính và cúng dường vì Cha và Mẹ đem lại sự sống cho con cái, cũng như lửa đem lại ánh sáng ấm áp và sức sống cho muôn loài.
Đức Phật dạy: "Thế nào là lửa đáng cung kính? Ở đây, này Bà La Môn, những người Mẹ, những người Cha của người ấy. Này, Bà La Môn đáng gọi là lửa đáng cung kính" (Tăng Chi I, 74).
Đức Phật lại nói rằng, nguời con hiếu thuận với Cha Mẹ, cung kính, tôn trọng, phụng dưỡng Cha Mẹ với của cải do chánh sức mình làm ra một cách hợp pháp, thì Cha Mẹ cũng thương mến lại người con, và nói về con mình với những lời tốt đẹp: "Mong rằng, nó được sống lâu! Mong rằng thọ mạng nó được che chở lâu dài!" (Tăng chi II, 106).
Con cái hiếu thuận với Cha Mẹ sẽ được sanh Thiên
Và Đức Phật nói thêm là một ngưòi con, được Cha Mẹ thương mến nhờ vậy, sẽ được hưởng hạnh phúc nhiều và lâu dài. Những người con như thế sau khi mạng chung, sẽ được sanh lên các cõi Trời, ở đây, sẽ được sống sung sướng, an lạc, một đời sống sung sướng an lạc mà loài người chúng ta không tưởng tượng nổi:
"Thờ Mẹ Cha đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà,
Gia chủ không phóng dật,
Được sanh Tự Quang Thiên."
(Kinh Tập, Sutta Nipata).
Tự Quang Thiên là một cõi Trời, trong đó chúng sanh có thân hình đẹp đẽ chói sáng. Trong bài kệ trên của kinh Sutta Nipata, chúng ta chú ý câu:
"Thờ Cha Mẹ đúng pháp,
Buôn bán đúng, thật thà....”
Thờ kính, phụng dưỡng Cha Mẹ đúng pháp
Hiếu thuận, thờ kính Cha Mẹ là điều tốt lành, như Đức Phật tán thán, nhưng phải thờ kính, hiếu thuận, phụng dưỡng Cha Mẹ với của cải do tự mình làm ra đúng pháp chứ không phải là phi pháp, phi đạo đức. Sát sinh, lấy của không cho, nói dối, nói ác, nói lời chia rẽ, làm các tà hạnh để có nhiều tiền của đem phụng dưỡng Mẹ Cha, đó là điều rất không tốt đẹp mà Đức Phật cũng như các vị đệ tử của Ngài khuyên răn đừng có làm. Chúng ta chú ý lời sau đây của Đức Phật nói với thanh niên Bà La Môn Mahànàma:
"Ở đây, này Mahànàma, vị thiện nam tử, với những tài sản do nổ lực tinh tấn thu hoạch được, do sức mạnh của cánh tay gom góp lại, phải trả bằng những giọt mồ hôi đổ ra, làm một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường Cha Mẹ..." (Tăng Chi II, 106).
Ngài Xá Lợi Phất, trong kinh Dhananjàni (Trung Bộ II, 540), cũng nói rõ ý tứ của Phật là phải làm điều lành, không làm điều ác để phụng dưỡng Cha Mẹ:
"Này Dharanjàni, nhà người nghĩ thế nào? Một người vì Cha Mẹ, làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, hay là một ngưòi vì Cha Mẹ, làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, thì ai tốt đẹp hơn?”
"Thưa Tôn giả Sàriputta, người vì Cha Mẹ làm các điều phi pháp, làm các điều bất chánh, người ấy không tốt đẹp. Và thưa Tôn giả Sàriputta, người vì Cha Mẹ làm các điều đúng pháp, làm các điều chân chánh, người ấy tốt đẹp hơn.”
Và ngài Sàriputta kết luận:
"Này, Dhananjàni, có những hành động khác, có nhận, đúng pháp, với những hành động này, có thể phụng dưỡng Cha Mẹ, không làm các điều ác, làm các điều ác, làm các điều lành. Những người làm các điều ác để nuôi dưỡng Cha Mẹ, cũng không thể tránh khỏi quả báo của những hành vi bất thiện của mình. Và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng Cha Mẹ để tự cứu mình và bào chữa cho những hành vi bất chánh của mình.”
Kinh Dhananjani tiếp đó, giải thích rõ, các con cái, vì Mẹ Cha mà làm điều ác, điều bất thiện thì cũng sẽ chịu quả báo, kể cả đọa địa ngục, và không thể viện lý do rằng, mình làm điều ác để phụng dưỡng Cha Mẹ, cho nên không chịu quả báo, không đọa địa ngục.
Khuyến khích Cha Mẹ có lòng tin chơn chánh, giới hạnh chân chánh, bố thí và trí tuệ chân chánh.
Một vấn đề được đặt ra là, theo đạo Phật, con cái làm thế nào để trả ơn đầy đủ cho Cha Mẹ? Bởi vì, như Đức Phật dạy, con cái dù một bên vai cõng Cha, một bên vai cõng Mẹ, dù có làm 100 năm đi nữa, thì cũng không đủ để đền đáp công ơn Cha Mẹ, tuy rằng người con hiếu thảo vẫn được quả báo lớn và sau khi mệnh chung, sẽ sanh lên cõi Trời. Đức Phật trả lời rõ ràng vấn đề này trong Tăng Chi bộ kinh, tập I, trang 75:
"Những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường Cha Mẹ với của cải vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn Cha Mẹ. Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với Cha Mẹ không có lòng tin, thì khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào lòng tin; đối với Cha Mẹ theo ác giới thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào thiện giới; đối với Cha Mẹ xan tham, thì khuyến khích, hướng dẫn an trú vào bố thí; đối với Cha Mẹ theo ác trí tuệ, thì khuyến khích, an trú vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ cho Mẹ và Cha.”
Vì sao Đức Phật lại dạy như vậy? Đấy là do công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của Cha Mẹ đối với con cái như Trời, như biển, cho nên không thể nào lấy của cải vật chất để bù đắp lại được. Vả chăng, mọi của cải vật chất, đều vô thường biến hoại, nay còn mai mất, không có giá trị trường cửu. Trái lại, Cha Mẹ không có lòng tin đối với Tam Bảo, đối với chánh pháp, mà con cái biết hưóng dẫn, khuyến khích Cha Mẹ có được lòng tin; nếu Cha Mẹ làm điều ác, mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích Cha Mẹ làm điều lành, nếu Cha Mẹ keo kiệt, xan tham mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích Cha Mẹ bố thí; nếu Cha Mẹ có ác kiến, tà kiến và sống theo ác kiến, tà kiến mà con cái biết hướng dẫn, khuyến khích Cha Mẹ từ bỏ ác kiến; tà kiến, có được chánh tri kiến và sống theo chánh tri kiến thì những con cái đó đã làm đủ và trả ơn đủ cho Mẹ và Cha.
Tất nhiên, con cái muốn làm được như vậy, tự mình phải có đức tin chân chánh, tin ở Tam Bảo, tin ở chánh pháp; tự mình phải là ngưòi tốt lành và làm các điều tốt lành, tự mình thực hành các pháp bố thí: bố thí tài sản, bố thí pháp, bố thí vô úy (tức là sẵn sàng bảo vệ và giúp đỡ người khác để họ khỏi sợ hãi), và bố thí tùy hỉ (tức là luôn luôn làm cho người khác vui vẻ, và chia xẻ niềm vui với họ), tự mình học, tu đúng pháp để có trí tuệ chân chánh, hiểu biết chân chánh, khuyến khích Cha Mẹ bỏ điều ác làm điều lành, hoan hỷ bố thí và có trí tuệ chân chánh, một người con như vậy được Đức Phật tán thán là đã trả ơn đủ cho Cha và Mẹ.
Chúng ta cần chú ý là: Tự mình không tin thì làm sao xây dựng được lòng tin cho Cha Mẹ hay người khác được? Tự mình không làm điều lành, không bố thí, không có trí tuệ thì làm sao khuyến khích Cha Mẹ và người khác làm điều lành, bố thí và có trí tuệ được?
Những người con xuất gia đều là con cái chí hiếu.
Ở đây, luôn tiện tôi muốn trả lời một thắc mắc, mà những người theo đạo Nho thường hay nêu lên đối với đạo Phật. Họ cho rằng, những người xuất gia, từ bỏ gia đình, cầu đạo giải thoát, đều là những người con bất hiếu. Đó là những thắc mắc của những người không hiểu gì về lý tưởng xuất gia của đạo Phật.
Xuất gia không phải là từ bỏ Cha Mẹ và người thân, xuất gia chỉ có nghĩa là từ bỏ danh lợi thế gian, từ bỏ những tình cảm hẹp hòi vị kỷ gắn liền với danh lợi thế gian, từ bỏ tham, sân, si. Xuất gia là chấp nhận tất cả chúng sinh, tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ, đều là người thân tất cả, đều là Cha Mẹ, anh, em, con cái ruột thịt của mình, đức Phật, được tôn gọi là đấng Từ phụ, nghĩa là Cha lành, vì Ngài yêu thương tất cả chúng sinh như người Mẹ thương yêu người con một của mình. Người xuất gia cũng vậy, noi gương Đức Phật, xem toàn bộ xã hội như là gia đình của mình, mọi ngưòi trong xã hội đều là bà con thân thiết, đều như Cha Mẹ, anh em, con cái ruột thịt của mình.
Nhưng điều quan trọng là người xuất gia báo hiếu bằng cách xây dựng đức tin cho Cha Mẹ thiếu đức tin, khuyến khích Cha Mẹ bỏ ác làm lành, bố thí và tu học chánh pháp, có được trí tuệ chân chánh. Và như vậy, theo lời Phật dạy, chánh là báo hiếu Cha Mẹ một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Đức Phật dạy rằng, lòng tin là sức mạnh. Vì vậy, đem lại cho Cha Mẹ lòng tin, tức là đem lại cho Cha Mẹ sức mạnh. Đức Phật dạy:
"Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên về năm phương diện. Thế nào là năm? Lớn lên về lòng tin, lớn lên về giới, lớn lên về học hỏi, lớn lên về bố thí, lớn lên về trí tuệ. Dựa trên thiện nam tử có lòng tin, các người trong gia đình được lớn lên vì năm sự lớn lên này." (Tăng Chi II, 49)
Cần chú ý là Đức Phật tán thán lòng tin không phải vì lòng tin, mà vì lòng tin dẫn tới giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ. Con cái đem lại lòng tin cho Cha Mẹ, cũng tức là đem lại cho Cha Mẹ giới hạnh, học hỏi, bố thí và trí tuệ.
Truyện dân gian "Nam Hải Quan Âm": Diệu Thiện trả ơn Cha Mẹ bằng cách độ thoát cho Cha Mẹ
Trong chuyện dân gian Việt Nam, có truyện thơ "Nam Hải Quan Âm" rất được ưa chuộng. Đây là truyện một công chúa xuất gia độ thoát cho vua Cha là người rất hung ác, một công chúa ở nước Hùng Lâm bên Ấn Độ nhưng lại sang tu ở núi Hương Tích của Việt Nam. Truyện mở đầu bằng những câu thơ, tóm tắt toàn bộ ý tứ của truyện:
"Chân như Đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân,
Hiếu là độ được song thân
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.”
Đạo Phật có một quan niệm rất rộng lớn, phóng khoáng đối với hiếu và nhân. Hiếu là độ thoát được Cha Mẹ, hướng dẫn Cha Mẹ thoát khỏi vòng tội lỗi, mê lầm, đến với giới hạnh và trí tuệ. Còn nhân là độ thoát tất cả mọi loài, mọi chúng sanh, hướng dẫn tất cả mọi chúng sanh thoát khỏi vòng tội lỗi và mê lầm đến với giới hạnh và trí tuệ.
Truyện tả cảnh núi Hương Tích nơi Phật khuyên công chúa Ấn Độ sang đấy tu hành:
"Đức Phật mới chỉ đường tu
Rằng có một chùa tại Hương Tích sơn
Gần bể Nam Việt thanh nhàn
Sang tu chốn ấy sẽ toan viên thành
Núi cao ngây ngất mịt mù
Âm thanh cảnh vắng bốn mùa cỏ cây
Trên thì năm sắc từng mây
Dưới thì bể nước trong vầy như gương
Cá chim chầu tại tĩnh đường
Hạc thưòng biếu quả, hươu thường dâng hoa.”
Và chánh tại núi Hương Tích này, công chúa đã tu hành thành đạo quả và:
"Trên thời hiếu báo sanh thành,
Dưới thời nhân cứu chúng sanh Ta Bà"
Truyện "Quan Âm Thị Kính"
Tiểu Kỉnh Tâm đối đãi với con Thị Mầu như con của mình.
Khác với truyện "Nam Hải Quan Âm", truyện Quan Âm Thị Kính giới thiệu một nét khác của người xuất gia theo đạo Phật: Tiểu Kỉnh Tâm xem con của Thị Mầu như là con của mình không khác, bởi vì như Đức Phật dạy, người xuất gia phải có lòng từ rộng lớn, phải thương yêu tất cả mọi chúng sanh như là người Mẹ thương yêu con một của mình vậy. Tiểu Kỉnh Tâm mặc dù bị Thị Mầu vu oan, nhưng lại hết lòng nuôi con Thị Mầu, chu đáo tận tình như con đẻ. Kỉnh Tâm tuy xuất gia ở chùa nhưng lòng vẫn nhớ Cha Mẹ vẫn không khuây:
"Bạch Vân khuất nẻo xa xa
Song thân ta đấy là nhà phải không?
(Quan Âm Thị Kính).
Người xuất gia không phải cắt đứt tình cảm đối với Cha Mẹ, gia đình, thân thuộc. Người xuất gia chỉ đặt tình cảm dió trên một bình diện rộng lớn hơn, với một mức độ thắm thiết và sâu sắc hơn. Chúng ta hãy nghe sư cụ chùa Vân, hát theo điệu kể hạnh, những lời ca về Tiểu Kỉnh Tâm thành Phật Quam Âm, độ được Mẹ Cha, cứu được con thơ:
"Nay bà Thị Kính hóa duyên
Nam mô Phật độ vô biên hằng hà
Hóa thân được cả Mẹ Cha,
Kìa là bạn cũ, nọ là con thơ,
Thế gian trông thấy sờ sờ..."
Như vậy Kỉnh Tâm xuất gia tu đạo Phật, đã đền đáp đầy đủ công ơn Cha Mẹ, giúp đời cứu người, chữ hiếu chữ nhân đều vẹn toàn. Truyện "Quan Âm Thị Kính" kết thúc bằng hình ảnh Đức Phât Thiên Tôn hiện ra cho mọi người được thấy, phán truyền cho mọi người biết tin Tiểu Kỉnh Tâm đã thành Phật Quan Âm, Cha Mẹ Kỉnh Tâm đều được độ thoát, thậm chí cả chàng Thiện Sĩ, chồng cũ của Kỉnh Tâm và con của Thị Mầu cũng được nhờ ơn:
"Giữa Trời một đóa tường vân
Đức Thế Tôn hiện toàn thân xuống đàn
Vần vần tỏ rạng tường loan
Tràng phan, bảo cái giao hoan âm thầm
Truyền cho nào tiểu Kỉnh Tâm
Thị thăng làm Phật Quân Âm tức thì
Lại thương đến đứa tiểu nhi,
Lên tay cho đứng liền y bấy giờ
Kìa như Thiện Sĩ lờ đờ
Cho làm vẹt đứng cạnh nhờ một bên
Độ cho hai khóm xuân huyên,
Ra tay cầm quyết bước lên trên tòa.
Siêu thăng thoát cả một nhà
Từ đây phước đẳng hà sa vô cùng.”
Truyện Quan Âm Nam Hải cũng như truyện Quan Âm Thị Kính đều có nội dung báo hiếu, theo quan niệm đúng đắn và rộng lớn của đạo Phật.
Đạo Phật là đạo giải thoát. Con cái, báo hiếu Cha Mẹ, không phải chỉ phụng dưỡng Cha Mẹ bằng tất của cải vật chất, mà còn giúp cho Cha Mẹ có được lòng tin chân chánh, giới hạnh chân chánh, trí tuệ chân chánh, hiểu biết thế nào là đạo giải thoát và sống theo nếp đạo giải thoát.
Đó là nghĩa chữ Hiếu theo đạo của chúng ta.
Là Phật tử, mọi người chúng ta hãy cố gắng, sống trọn vẹn theo đạo Phật như lời đức Phật dạy. Không những chúng ta nói như vậy mà chúng ta làm như vậy, sống như vậy. Không những bản thân chúng ta sống như vậy, làm như vậy, mà chúng ta còn khuyến hkích, hướng dẫn con cái, bạn bè, người thân, tất cả mọi người mọi đều biểu như vậy, sống như vậy, làm như vậy.
Mọi gia đình Phật tử chúng ta phải là những gia đình hiếu thuận, trong đó con cái hiếu thảo với Cha Mẹ, Cha Mẹ săn sóc, dạy dỗ con cái, vợ chồng thương yêu, kính trọng lẫn nhau, anh chị em sống hòa thuận vui vẻ với nhau. Mọi gia đình như vậy, Đức Phật xem ngang hàng với cõi Trời Phạm Thiên, là cõi Trời cao nhất của Dục giới và Sắc giới. Những người sống trong những gia đình như thế, Đức Phật xem ngang hàng với các Phạm Thiên, sống ở cõi đời Phạm Thiên, xứng đáng được mọi người tán thán, cung kính, cúng dường.
Số con cái không hiếu thảo nhiều hơn số con cái hiếu thảo
Hiếu thảo với Cha Mẹ có công đức lớn như vậy, lại phù hợp với đạo lý thế gian cũng như với đạo lý nhà Phật. Ấy thế mà vô lý thay, ở đời:
"Mẹ nuôi con, như Trời như bể,
Con nuôi Mẹ, con kể từng ngày.”
Ở đời, số người con hiếu thảo thường ít hơn số con người con bất hiếu. Số người sống thuận với đạo lý thế gian và Đạo Phật thường ít hơn là số người sống ngược với đạo lý thế gian và đạo lý nhà Phật. Chánh vì vậy mà ở đời, số người bất hạnh có nhiều hơn số người hạnh phúc.
Khi so sánh số người con bất hiếu ở đời quá nhiều, và số người con có hiếu ở đời quá ít, Đức Phật đã dùng ví dụ sinh động sau đây:
"Rồi Thế Tôn lấy một ít đất trên đầu móng tay mà bảo các Tỳ kheo: "Các người nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo! Cái nào là nhiều hơn, một ít đất ta lấy trên đầu móng tay hay là quả đất lớn này?
"Cái này là nhiều hơn, bạch Thế Tôn, tức là quả đất lớn này: còn ít hơn là một ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay...
"Cũng vậy, này các Tỳ kheo! Ít hơn là chúng sanh có hiếu kính với Mẹ, và nhiều hơn là chúng sanh không hiếu kính với Mẹ.”
Đức Phật cũng nhắc nhủ người Cha, người Mẹ phải có bổn phận với con cái
Khi Đức Phật khuyên bảo con cái phải hết lòng kính yêu phụng dưỡng Cha Mẹ, Ngài cũng không quên nhắc nhủ về bổn phận của Cha Mẹ đối với con cái. Trong kinh "Giáo thọ Thi ca la việt" (Trường bộ kinh IV, 188b) Đức Phật dạy:
"Người con có năm bổn phận đối với Cha Mẹ: nuôi dưỡng Cha Mẹ khi Cha Mẹ già yếu, làm đủ bổn phận người con đối với Cha Mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và làm tang lễ khi Cha Mẹ qua đời. Cha Mẹ cũng có năm bổn phận đối với con cái: ngăn chặn con điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ xứng đáng cho con, đúng thời trao của cải thừa tự cho con.”
Với một bậc đại giác ngộ, đại trí tuệ như Phật, những lời dạy của Ngài bao giờ cũng hết tình, hết lẽ. Là người Cha, người Mẹ, là con cái của các gia đình Phật Tử, chúng ta hãy suy ngẫm, ôn kỹ những lời dạy chí lý chí tình của Đức Phật về chữ Hiếu, và thực hiện những lời dạy dỗ đó một cách trọn vẹn trong mọi gia đình chúng ta, trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Tất cả gia đình Phật tử phải là những gia đình hiếu thuận.
Vì sao Đức Phật lại nói những nguời con bất hiếu là số nhiều, những nguời con hiếu thảo là số ít? Đức Phật nói như vậy là để răn dạy chúng sanh, cũng như bà Mẹ Việt Nam thường nói: "Nước mắt chảy xuôi, không bao giờ chảy ngược, Cha Mẹ bao giờ cũng thương con hơn là con thương Cha Mẹ.”
Nhưng các gia đình Phật tử chúng ta không thể sống theo nếp sống tầm thường và phản đạo lý đó của thế gian được. Không phải chỉ là số nhiều mà tất cả gia đình Phật tử hằng lui tới Thiền viện Vạn Hạnh, Viện nghiên cứu Phật học và Trường Cao cấp Phật học này đều phải là những gia đình hiếu thảo và hòa thuận, đều là những cõi Trời Phạm Thiên trên cõi thế này, xứng đáng được mọi người tán thán, ngợi khen, được các gia đình không phải Phật tử học tập, noi theo.
Nhân ngày lễ Vu Lan truyền thống, tôi thành tâm cầu nguyện để cho trong xã hội đang gặp nhiều khó khăn này, mọi gia đình Phật tử chúng ta phải là một điểm sáng, tỏa sáng, rực sáng vì ánh sáng bao giờ cũng đẩy lui bóng tối, tình thương bao giờ cũng chiến thắng tội ác, trí tuệ bao giờ cũng khuất phục dốt nát và si mê, hạnh phúc và đạo đức bao giờ cũng vượt lên trên bất hạnh và phi đạo đức.
Chúc quý vị một mùa Vu Lan hoan hỷ. Chúc các gia đình quý vị được an lạc và toả sáng như cõi Trời Phạm Thiên.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tỳ kheo Thích Minh Châu

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Cách sống: NGUYÊN TẮC 90/10 - Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn

Lời Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen:
Tác gỉa bài viết: Dr. Stephen Covey (1932-2012), Được công nhận là một trong 25 người Mỹ có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time, Stephen R. Covey đã dành cả cuộc đời của mình để chứng minh làm thế nào mọi người thực sự có thể kiểm soát vận mệnh của họ với hướng dẫn sâu sắc, nhưng đơn giản. Là một lãnh đạo một cơ quan quốc tế có uy tín, chuyên gia về gia đình, giáo viên, chuyên gia tư vấn tổ chức, và là tác giả, lời khuyên của ông đã đưa ra cái nhìn sâu sắc đến hàng triệu. BBT TVHS xin giới thiệu bài viết: NGUYÊN TẮC 90/10 Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn (hoặc ít nhất, cách thức bạn phản ứng lại với các tình huống) do Kim Ngân chuyển ngữ.  Một bài viết ngoài thể tài Phật Giáo, ít nhất là trên ngôn từ, được nhiều độc giả xem nhiều nhất trong gần 2 năm.(Tác gỉa mất vào ngày 16 tháng 7 năm 2012)


NGUYÊN TẮC 90/10 - Điều này sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn (hoặc ít nhất, cách thức bạn phản ứng lại với các tình huống)

Nguyên tác: Discover The 90/10 Principle của Stephen Covey
It will change your life (or at least, the way you react to situations)
Chuyển ngữ: Kim Ngân

Nguyên tắc này là gì?
10% cuộc sống được hình thành do điều đang xảy ra cho bạn

90% cuộc sống được quyết định bởi cách thức bạn phản ứng ra sao.
Điều này có ý nghĩa gì ?
Thật ra chúng ta không kiểm soát được quá 10% điều đang xảy đến cho chúng ta. Chúng ta không thể cho dừng chiếc xe đang bị hỏng máy.
Máy bay sẽ đến trễ phá vỡ chương trình của chúng ta.
Một tài xế có thể chạy đâm ngang trước đầu xe chúng ta.
Chúng ta không kiểm soát trên 10% điều này.90% còn lại thì khác hẵn.
Bạn quyết định 90% còn lại đó.
Bằng cách nào !..Bằng phản ứng của bạn, bạn không thể kiểm soát đèn đỏ. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát phản ứng của bạn.
Không nên để người khác đánh lừa bạn.
Bạn có thể kiểm soát cách bạn phản ứng.

Chúng ta hãy lấy một thí dụ…
Bạn đang ăn sáng với gia đình bạn. Con gái bạn đụng vào táchcà phê và làm đổ cà phê trên áo sơ mi đi làm của bạn. Bạn không thể kiểm soát điều mới vừa xảy ra. Chuyện xảy ra tiếp theo sẽ được quyết định bởi cách bạn phản ứng. Bạn chửi rủa, bạn trách mắng con gái bạn một cách thậm tệ do việc nó va vào tách cà phê. Nó òa lên khóc. Sau khi rầy la nó, bạn quay sang vợ bạn và phê bình nàng để tách cà phê quá gần mép bàn. Một trận đấu khẩu ngắn diễn ra sau đó. Bạn vội lao lên lầu để thay áo. Quay xuống tầng trệt, bạn thấy con gái đang bận khóc nên ăn sáng chưa xong. Nó cần chuẩn bị đi đến trường. Nó bỏ lỡ chuyến xe buýt. Vợ bạn phải đến sở làm ngay sau đó. Bạn lao vào xe nhà và chở con gái bạn đến trường.

Vì bạn bị trễ giờ, bạn lái xe chạy 40 miles /một giờ vượt quá tốc độ qui định 30 miles/ một giờ. Sau khi chậm trễ 15 phút và mất toi 60 đô la tiền phạt cho cảnh sát giao thông, bạn lái xe đến trường. Con gái bạn chạy nhanh vào trường không kịp chào tạm biệt bạn.

Sau khi đến sở làm trễ mất 20 phút, bạn mới thấy bạn đã bỏ quên chiếc cặp ở nhà.
Ngày làm việc của bạn đã bắt đầu thê thảm,và cứ thế tiếp diễn, nó có vẻ càng lúc càng tồi tệ hơn. Bạn mong cho mau đến nhà. Khi bạn về đến nhà, bạn thấy có sự xa cách nho nhỏ trong mối quan hệ của bạn với vợ và con gái.

Tại sao ?
Vì cách thức bạn phản ứng vào buổi sáng.
Tại sao bạn đã có một ngày tồi tệ như thế?
A. Có phải do cà phê gây nên ?
B. Có phải do con gái bạn gây nên?
C. Có phải do cảnh sát giao thông gây nên?
D. Có phải do bạn gây nên?
Câu trả lời ở đây chính là câu D
Bạn đã không kiểm soát điều gì xảy ra với tách cà phê.
Cách bạn đã phản ứng trong vòng 5 giây là nguyên nhân cho ngày tồi tệ của bạn.
Sau đây là câu chuyện có thể và nên xảy ra. Cà phê đổ trên áo bạn, con gái bạn gần như muốn khóc, bạn nói một cách dịu dàng như sau:
Không sao đâu con, cưng của ba, lần sau con nên cẩn thận hơn nhé.”
Vừa vồ lấy chiếc khăn lau, bạn đi lên lầu và thay áo sơ mi, bạn cầm lấy chiếc cặp và quay xuống nhà đúng lúc và nhìn qua cửa sổ, bạn thấy con gái bạn đang bước lên xe buýt. Nó quay lại và vẩy tay chào bạn. Bạn đến sở sớm 5 phút và mỉm cười niềm nở với các nhân viên.
Lưu ý sự khác nhau giữa hai kịch bản khác nhau.
Cả hai bắt đầu giống nhau.
Cả hai kết thúc khác nhau.
Tại sao như thế?
Do cách thức bạn phản ứng, bạn thật sự không kiểm soát 10% điều đang xảy ra trong cuộc sống của bạn. Còn 90% kia được quyết định bởi phản ứng của bạn.

Sau đây là một vài cách để áp dụng nguyên tắc 90/10.
Nếu một ai đó nói điều không hay về bạn, đừng biến mình thành miếng bọt biển hút nước.
Hãy để cho cuộc tấn công trôi đi như nước trên tấm kính.
Bạn không nên để cho những lời bình phẩm tiêu cực tác động đến bạn.
Hãy phản ứng một cách thích hợp và điều đó sẽ không làm hỏng ngày làm việc của bạn.
Một phản ứng sai lầm có thể dẫn đến việc làm mất một người bạn, giận dữ hoặc căng thẳng.
Bạn phản ứng thế nào nếu ai đó chạy cắt ngang qua trước xe bạn?
Bạn có mất bình tĩnh không? Hãy đập mạnh vào bánh lái ( một người bạn của tôi đã làm bánh lái bị hỏng như thế)
Bạn có chửi rủa không? Áp huyết của bạn có tăng vùn vụt không?
Ai quan tâm lo lắng nếu bạn đến nơi làm trễ 10 giây? Tại sao để cho xe hơi làm hỏng việc đi xe của bạn?
Hãy nhớ đến nguyên tắc 90/10 và đừng lo lắng về chuyện đó.
Bạn được báo cho biết bạn mất việc, tại sao bạn mất ngủ và tức tối?Điều đó sẽ diễn ra thôi.Hãy dùng năng lượng và thời gian lo lắng để đi tìm một công việc mới hay hơn. Máy bay đến trễ. Nó làm hỏng kế hoạch trong ngày của bạn.Tại sao bạn ném sự thất vọng của bạn lên nhân viên phục vụ chuyến bay?Cô ta đâu kiểm soát được điều gì đang diễn biến.
Hãy dùng thời gian để nghiên cứu, cố gắng làm quen hành khách khác bên cạnh.Tại sao căng thẳng?Điều đó sẽ làm cho tình hình trở nên tồi tệ thêm.

Bây giờ bạn biết nguyên tắc 90/10
Hãy áp dụng nó rồi bạn sẽ kinh ngạc với những kết quả.Bạn sẽ không đánh mất gì nếu bạn thử áp dụng nó.
Nguyên tắc 90/10 thật khó tin.Rất ít người biết và áp dụng nguyên tắc này.Kết quả?
Bạn sẽ thấy điều đó nhờ chính bản thân bạn.
Hàng triệu người đau khổ từ những căng thẳng, thử thách, khó khăn, đau đầu không đáng kể.Tất cả chúng ta phải hiểu và áp dụng nguyên tắc 90/10.Nó sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn.
……Hãy đón nhận nó….
Nó chỉ cho phép chúng ta rút kinh nghiệm.Tất cả những gì chúng ta làm, cho, nói hoặc suy nghĩ, điều đó giống như một boomerang. Nó sẽ quay lại chúng ta. Nếu chúng ta muốn nhận, chúng ta cần học cách cho trước đã…Có thể chúng ta sẽ kết thúc với hai bàn tay trắng, nhưng trái tim chúng ta sẽ tràn đầy tình yêu…
Và những ai yêu cuộc sống đều có được cái cảm giác sâu đậm đó trong tâm hồn họ….

Discover The 90/10 Principle
It will change your life (or at least, the way you react to situations)
10% of life is made up of what happens to you.
...90% of life is decided by how you react...


What does this mean?
We really have NO control over 10% of what happens to us. We cannot stop the car from breaking down. The plane will be late arriving, which throws our whole schedule off. A driver may cut us off in the traffic.
The other 90% is different. You determine the other 90%.

How?... By your reaction.
Do not let people fool you. YOU can control how you react.
Let us use an example...
You are having breakfast with your family. Your daughter knocks over a cup of coffee onto your business shirt. You have no control over what has just happened. What happens next will be determined by how you react.
You curse. You harshly scold your daughter for knocking the cup over. She breaks down in tears. After scolding her, you turn to your wife and you criticize her for placing the cup too close to the edge of the table. A short verbal battle follows.
You storm upstairs and change your shirt. Back downstairs, you find your daughter has been too busy crying to finish her breakfast and getting ready to go to school. She misses the bus. Your spouse must leave immediately for work. You rush to the car and drive your daughter to school.
Because you are late, you drive 40 miles per hour in a 30 mph speed limit zone. After a 15-minute delay and throwing $60.00 traffic fine away, you arrive at school. Your daughter runs into the building without saying goodbye.
After arriving at the office 20 minute late, you realize you forgot your briefcase. Your day has started terrible. As it continues, it seems to get worse and worse. You look forward to coming home. When you arrive home, you find a small wedge in your relationship with your wife and daughter.

Why? Because of how you reacted in the morning.
Why did you have a bad day?
A) Did the coffee cause it?
B) Did your daughter cause it?
C) Did the policeman cause it?
D) Did you cause it?

The answer is "D"
You had no control over what happened with the coffee.
How you reacted in those 5 seconds is what caused your bad day.
Here is what could have and should have happened.

Coffee splashes over you. Your daughter is about to cry. You gently say: "It's okay, honey, you just need to be more careful next time." Grabbing a towel you go upstairs and change your shirt. You grab your briefcase, and you come back down in time to look through the window and see your child getting on the bus. She turns and waves. You arrive 5 minutes early a cheerfully greet the staff.

Notice the difference?
Two different scenarios.
Both started the same. Both ended different.

Why? Because of how you reacted.
You really have no control over 10% of what happens in your life.
The other 90% was determined by your reaction.

Here are some ways to apply the 90/10 Principle.
If someone says something negative about you, do not be a sponge. Let the attack roll off like water on glass. You do not have to let the negative comments affect you.
React properly and it will not ruin your day. A wrong reaction could result in losing a friend, being fired, or getting stressed out.
 
How do you react if someone cuts you off in the traffic? Do you lose your temper? Pound on the steering wheel? (a friend of mine had the steering wheel fall off), Do you curse? Does your blood pressure skyrocket? Who cares if you arrive 10 seconds later at work? Why let the cars ruin your drive?

Remember the 90/10 Principle and don't worry about it.
You are told you lost your job. Why lose sleep and get irritated? It will work out. Use your worrying energy and time to find a new job.
The plane is late. It is going to mangle your schedule for the day. Why take out your frustration on the flight attendant? She has no control over what is going on. Use your time to study, get to know the other passenger, why stress out? It will just make things worse.

Now you know the 90/10 Principle. Apply it and you will be amazed at the results. You will lose nothing if you try it.
The 90/10 Principle is incredible. Very few know and apply this Principle.

The result?
You will see it by yourself!
Millions of people are suffering from undeserved stress, trials, problems and headaches. We all must understand and apply the 90/10 Principle. It can change your life! Enjoy it!
It only takes willpower to give ourselves permission to make the experience. Absolutely everything we do, give, say, or even think, it's like a Boomerang. It will come back to us.
If we want to receive, we need to learn to give first. Maybe we will end with our hands empty, but our heart will be filled with love. And those who love life, have that feeling marked in their hearts.

--- Stephen Covey --- Submitted by Kartik Bodawala --- India

Bài đăng phổ biến